Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Joseph Vũ
Bài Viết Của
Joseph Vũ
Zidane ơi…
Xin Đừng Làm Tôi Tớ Vô Duyên
Từ những Anh Hùng Không Gian đến Anh Hùng Không Tên
TU LÀ CÕI PHÚC
Từ ‘Gíop’ đến Linh Hồn
Sống những nghịch lý
Sợ điều đáng sợ
Từ cái I-Meo lạc đến những bức thư cần viết
Như Bông Hoa…
Nhà Truyền Thống Văn Hóa & Đức Tin
Ngắm Văn Côi Đức Bà
Một Nhà Thờ Hai Sơ
Một buổi chiều cuối năm
Lời Chúc hay Lời Nguyện
Lẩn Thẩn Từ Đông Quê
‘Làm nhớn’ ở Mỹ
Đặc Sản
Chứng Nhân Tầm Thường
Chiếc bình vỡ
Chai Rượu Tây Đen. (T. D.)
Cái Game Boy
CÁI GAME BOY

 

Số báo Readers Digest tháng vừa qua có kể câu truyện về một con gấu chó.

Truyện thế này:

Ở tiểu bang Ohio miền đông bắc Hoa Kỳ. Vào một buổi chiều mùa đông, trời lạnh buốt và tuyết bắt đầu rơi. Có một con gấu chó bị thương ở chân. Nó đi rất chậm. Xem ra đau đớn và đói lắm. Nó lấy đầu đập vào cửa kính của một căn nhà như van xin giúp đỡ. Bà chủ nhà nghe tiếng động chạy ra xem. Thấy con gấu nhỏ đáng thương và không có gì nguy hiểm. Bà muốn cho nó thức ăn, nhưng luật ở Hoa Kỳ lại cấm thường dân cho thú vật hoang dã đồ ăn.

Một lúc sau, thấy con gấu quá yếu ớt và sắp chết lạnh, bà chủ nhà quyết định mang đồ ăn cho nó. Con gấu chó ăn xong thì khỏe lại rồi từ từ bò lết trở lại khu rừng ở gần. Sau đó, cứ mỗi tháng, nó lại trở về căn nhà ấy một lần. Nó cứ về rồi lại đi. Chắc không phải để kiếm ăn nữa mà như để tỏ lòng biết ơn vậy. Một thời gian sau, nó lại mang về theo nó một con gấu chó khác cũng bị thương như nó lần trước. Không thấy người viết nói đến sự trở lại ‘căn nhà xưa’ của hai con gấu chó.

Tôi có người bạn cùng lớp quê ở Xuân Lộc. Anh đã học xong Triết và Thần Học, đủ điều kiện và sắn sàng để được chịu chức Linh Mục. Nhưng sau ngày 30 tháng Tư, năm 1975 việc thụ phong Linh Mục ở Việt Nam rất khó vì  đương sự phải được tuyển chọn rất kỹ và phải có một lý lịch…‘tốt’.

Nhưng người bạn của tôi lại được thụ phong linh mục rất sớm và dễ dàng. Có lẽ anh là linh muc đầu tiên trong một lớp gần ba mươi người từ 15 địa phận cùng vào Đại Chủng Viện năm 1972. Mấy năm trước anh sang Mỹ chơi, tôi hỏi truyện truyền chức thì được anh kể cho nghe: “Trong trận đánh nhau cuối cùng ở Xuân Lộc cuối tháng Tư năm 1975, có một ông Trung Tá bộ đội bị thương nặng. Ông ấy bò lết được vào nhà xứ. Tớ đã giúp băng bó vết thương cho ông ấy. Rồi ông ấy đi đâu, sống chết ra sao tớ cũng chẳng biết nữa. Hai năm sau, ông ta trở lại thăm chiến trường cũ và đi tìm ‘người y tá trong nhà xứ’ đã cứu mạng ông để đền ơn. Tớ không nhớ mặt ông, nhưng ông lại nhớ mặt tớ. Ông lấy hết hồ sơ cá nhân của tớ xem xét rồi vận động cho tớ ‘làm linh mục’như để trả ơn vậy”.

Tôi xin lỗi đã để hai câu truyện gần với nhau: truyện một con gấu chó bị thương và truyện một người thương binh Bắc Việt. Cả hai câu truyện đều hay, nhưng xin được dấu tên người trong truyện thứ hai vì truyện này là một truyện-cổ-tích-có-thật-trong-đời.

Câu truyện thứ nhất là một câu truyện hay giữa người và thú. Không biết con gấu chó khôn ngoan có lòng biết ơn hay chỉ sống theo bản năng thông thường của loài thú.

Còn truyện thứ hai là câu truyện giữa người với người- dù khác quan điểm chính trị - thì chắc chắn không cần phải bàn gì thêm gì nữa.

Người Mỹ hay đúng hơn là những người sống trên vùng đất gọi là Hợp Chủng Quốc này rất lịch sự(ít nhất là bề ngoài và dĩ nhiên không phải tất cả mọi người. Hai câu mà họ hay nói nhất có lẽ là ‘I’m sorry’ và ‘Thank You’. Kinh nghiệm 20 năm sống ở đây cho tôi thấy điều ấy.

Công việc ở trong sở làm đúng ra thì tôi phải làm theo trách nhiệm được giao, theo khế ước đã ký kết để được trả lương. Vậy mà mỗi khi làm xong một việc dù lớn hay nhỏ, tôi luôn nhận đựợc lời cám ơn hoặc trực tiếp từ xếp hoặc gián tiếp qua email kèm với lời khen ‘good job’ hoặc ‘great job’. Và khi nhận được tấm pay check từ cô thư ký thì người nhân viên cũng luôn nói: “Cảm ơn” dù đó là kết quả công lao cực khổ của mình..

Tôi tình nguyện làm một vài công tác – rất nhỏ thôi - cho xứ đạo ngày hội chợ để gây quĩ như lượm rác, kê bàn, căng lều, quét sân, giữ xe… Vậy mà khi xong công tác bao giờ cũng nhận được một tấm card thank you từ cha sở và ban tổ chức hội chợ.

Lời cảm ơn được nghe rất nhiều, nhưng hình như lại không bao giờ dư thừa cho người nhận.

Người Việt chúng ta có lẽ ít nói lời cám ơn hơn người Mỹ, nhất là với những người thân thích trong gia đình. Và đôi khi lời cám ơn với người trong gia đình lại như khách sáo. Âu cũng là cái văn hóa của người Việt chúng ta: âm thầm, nhẹ nhàng, kín đáo, nhưng lại không kém dạt dào tình nghĩa. Con gái ít khi cảm ơn mẹ đã dọn bữa ăn sáng cho mình. Cũng vậy, con trai ít khi cám ơn bố đã bỏ nửa giờ chơi ping-pong với nó.

Nhưng không phải vì thế mà vội kết luận người Việt chúng ta ‘vô ơn’ hay nhẹ nhàng phê bình người Việt là ‘không biết ơn’. Thực ra cái tâm lý, cái tình cảm, cái văn hóa của chúng ta khác với Tây phương ít nhiều đó thôi. Chúng ta không nói ra, nhưng lại rất nhiều cảm tình ở trong lòng. Con gái không nói lời cám ơn với mẹ, nhưng lại dến gần bên mẹ nhõng nhẽo gợi truyện. Con trai không cám ơn bố, nhưng lại vỗ vai bố: ‘You’re cool, Dad!’.

Tôi chưa bao giờ nghe ông nội tôi nói với bà nội ‘Anh yêu em’ hay mẹ tôi nói với bố tôi ‘Cám ơn anh’. Vậy mà tình yêu của các Ngài thật đố ai sánh bằng: Tân hôn thì tình tứ mà Ngân Khánh cũng đậm đà, rồi Kim Khánh cũng vẫn… đậm đà.

Không nói ra, nhưng tâm tình biết ơn của người Việt chúng ta nhiều lắm, dào dạt lắm. Chúng ta không chỉ CÁM ƠN hay CẢM ƠN mà còn: BIẾT ƠN, MANG ƠN, GHI ƠN, ĐỘI ƠN, TẠ ƠN, ĐỀN ƠN, NHỚ ƠN, và TRẢ ƠN nữa.

Tùy theo hoàn cảnh mà những ĐỘNG TỪ đi với ƠN được dùng. NHỚ ƠN thì được dùng trong sách vở, CẢM ƠN thì được dùng ngoài môi miệng. Nếu không TRẢ ƠN được thì người miền Nam ‘MANG ƠN NGHE’ và người miền Bắc thì ‘NHÓ ƠN ĐẤY NHÁ’. Nếu không ĐỀN ƠN được thì chúng ta GHI ƠN như ‘TỔ QUỐC GHI ƠN’.

Người Mỹ mỗi năm mừng Lễ Tạ Ơn vào ngày Thứ Năm của Tuần Lễ thứ tư trong tháng Mười Một.

Mỗi người chuẩn bị mừng ngày lễ này một cách khác nhau.

Riêng tôi, tôi thích và cố gắng làm hai việc.

Trước hết tôi thích dành thời giờ ngồi lại để tưởng nhớ tất cả những người đã làm ơn cho tôi, những người đã mang niềm vui cho tôi trong đời, những người đã làm cho đời tôi được thăng hoa. Người già người trẻ, người ở xa người ở gần, người đã chết và người còn sống, người thân thích và người xa lạ, bạn bè và cả những người không là bạn bè. Cô giáo dậy tô chữ khi mới đi học, thầy dậy Descartes, dậy Khổng Tử…,bà chủ ghe đưa  tôi vượt biên, những nhân viên cao ủy tỵ nạn, những bạn bè khuyến khích đi học, những bạn cùng sở, cùng lớp... Dĩ nhiên tôi không thể quên người phối ngẫu, thân phụ mẫu, và trên hết là Đấng đã dựng nên tôi.

Thứ đến, biết rằng không thể ‘đền ơn’ những người đã làm ơn cho tôi nên tôi cố gắng ‘vớt vát’ bằng cách làm ơn cho người khác khi có thể. Tôi nhớ có một ai đó đã viết: “Cách tốt nhất để đền ơn cho người đã làm ơn cho mình là làm ơn cho người khác”.

Mấy năm trước, nhân ngày Lễ Giáng Sinh, tôi cho đứa con trai của tôi một Game Boy.

Thằng bé vui mừng lắm, mở ra ngay, ráp pin, rồi chơi. Chơi xong rồi nó đưa cất kỹ. Tôi mừng vì con biết quí món quà tôi đã cho nó

Hôm sau, nó lấy game boy ra và dậy cho em gái của nó cùng chơi. Bây giờ tôi vui hơn vì thấy món quà của tôi cho con có phần hữu dụng hơn và mang lại niềm vui cho nhiều người hơn.

Ít lâu sau, nó cho bạn bè mượn chơi, rồi cùng trao đổi game với nhau. Tôi lại mừng hơn nữa vì thấy con mình trưởng thành, biết giao thiệp, biết chia sẻ…

Bây giờ thì cái game boy nằm ở đâu trong nhà, trong garage, tôi cũng không biết nữa, nhưng tôi vẫn vui vì có một thời cái game boy ấy đã được vận dụng hết những chức năng của nó. Giả như cái máy game vẫn còn mới vì con tôi cất kỹ trong tủ thì chắc chắn tôi… buồn lắm.

Sinh ra ở trên đời, thế nào Chúa chẳng cho ta vài ‘nén bạc’. Không mười nén thì cũng năm. Không năm thì cũng một hay hai. Và Chúa bắt ta phải sinh lời (Chắc cho ta chứ chẳng phải cho Chúa đâu). Người nhận một nén đem chôn kỹ nên bị Chúa khiển trách: “Tại sao bạn không gởi tiền trong bank để tôi có tí lời”. Tôi nghĩ nếu người ấy trả lời: “Con đã đem nén bạc Chúa trao chia sẻ cho những bạn bè nghèo của con rồi” thì chắc Chúa cũng phải… CHỊU thôi vì chia sẻ có lẽ là cách đền ơn tuyệt diệu nhất cho người làm ơn.

Nghĩ vậy nên tôi cố gắng bắt chước đứa con trai nhỏ của tôi: tận dụng tất cả những chức năng của cái Game Boy nhỏ bé.

Tôi nhớ truyện kể một người Trung Hoa hay Ai Cập rất giầu có gì đó. Khi chết người ấy xin được viết trên quan tài của mình ba dòng chữ:

-         Những gì tôi vất vả làm ra giờ đây chẳng mang theo được gì.

-         Những gì tôi khổ cả đời để tìm kiếm bây giờ lại thuộc về người khác.

-         Chỉ có những gì tôi chia sẻ với người khác bây giờ là của tôi.

Bạn có cách nào mừng Lễ Tạ Ơn cho có ý nghĩa không,  CHIA SẺ cho tôi với và cũng xin CẢM ƠN bạn trước đấy. 

Joseph Vũ San Dimas

Tác giả: Joseph Vũ

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!