Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Joseph Vũ
Bài Viết Của
Joseph Vũ
Zidane ơi…
Xin Đừng Làm Tôi Tớ Vô Duyên
Từ những Anh Hùng Không Gian đến Anh Hùng Không Tên
TU LÀ CÕI PHÚC
Từ ‘Gíop’ đến Linh Hồn
Sống những nghịch lý
Sợ điều đáng sợ
Từ cái I-Meo lạc đến những bức thư cần viết
Như Bông Hoa…
Nhà Truyền Thống Văn Hóa & Đức Tin
Ngắm Văn Côi Đức Bà
Một Nhà Thờ Hai Sơ
Một buổi chiều cuối năm
Lời Chúc hay Lời Nguyện
Lẩn Thẩn Từ Đông Quê
‘Làm nhớn’ ở Mỹ
Đặc Sản
Chứng Nhân Tầm Thường
Chiếc bình vỡ
Chai Rượu Tây Đen. (T. D.)
Cái Game Boy
CHIẾC BÌNH VỠ

 

Thành phố Greenville, North Carolina, có hai nhà thờ Công Giáo: nhà thờ Saint Paul và nhà thờ San Gabriel. Tôi chọn đi lễ nhà thờ San Gabriel vì gần khách sạn. Hôm nay là Chúa Nhật thứ Hai Mùa Chay, nhà thờ hát bài “Abba! Abba! Father, you are the potter, and we are the clay, the work of your hands…”.

Nghe bài hát, tôi nhớ lại câu truyện mà một người bạn đã gởi cho vào dịp đầu năm Đinh Hợi. Thực ra tôi đã được nghe câu truyện này nhiều lần, nhưng lần này tôi cứ miên man suy nghĩ mãi vì  người gởi tên là Lành. Vâng, anh Lành Nguyễn đã gởi cho tôi câu truyện ‘Chiếc Bình Vỡ’.

Truyện thế này: có người nông gia ngày nào cũng đi gánh nước. Một cái bình lành nguyên thì nước ở trong bình còn đầy khi về đến nhà, còn cái bình vỡ thì nước bị chảy, về đến nhà chẳng còn mấy giọt ở trong. Ngày tháng cứ qua như vậy, chiếc bình vỡ mới than với chủ mình:

-  Thưa Ngài, như vậy thật chẳng công bằng tí nào, chiếc bình lành kia thì vừa đẹp lại vừa mang được nước về nhà cho Ngài. Còn tôi thì thân phận hẩm hiu thế này…Thật buồn quá.

Người nông gia bảo chiếc bình vỡ:

-  Ô, ngươi cũng đừng nên buồn phiền làm gì vì ngươi chưa thấy kỳ công của ngươi đấy thôi, những luống hoa rực rỡ khoe mầu bên đường chính là công trình tốt đẹp của ngươi đấy. Nhờ nước từ chiếc bình vỡ ngươi mà các cây hoa đã mọc lên kìa. Ngươi còn buồn nữa thôi? 

Vậy tôi là chiếc bình lành hay bình vỡ đây?

Ông thánh Phaolô đã viết: “Vì sự phản bội của một người mà tất cả chúng ta sinh ra trong tội lỗi…”. Nếu vậy thì chắc chắn tôi là chiếc bình vỡ rồi. Nhưng tôi không dám bàn đến chiếc bình vỡ trong chiều kích thần học cao siêu với cả một lịch sử cứu độ đâu, chỉ suy tư ở một góc nhỏ của đời thường, đời thường của một người có Đức Tin mà thôi.

Đời thường của tôi thế này: cha mẹ tôi đều nghèo khổ, cả hai đã suýt chết trong trận đói năm 1945. Tôi được sinh ra trong điều kiện rất cơ cực. Chết đi và sống lại nhiều lần khi chưa đầy 6 tháng tuổi. Rồi khi mới hơn 1 năm tuổi thì mẹ vất vào thúng, đội vào Nam, và kế đó là một tuổi thơ vất vả…. rồi hơn mười năm trong chiến tranh, sống giữa những vùng giao tranh nguy hiểm… Cứ bình thường mà xét thì tôi là một chiếc bình vỡ. Không vỡ toang thì cũng nứt to, không nứt to thì cũng đã trầy trụa bầm dập… 

Nhà thờ hôm nay có khoảng 500 người,  đa số là người da trắng. Một số rất ít người da đen nên họ nổi bật giữa đám đông. Ca trưởng là phụ nữ da đen, hai em đi xin tiền là hai cậu bé da đen, và một thừa tác viên thánh thể là da đen. Có lẽ chỉ mình tôi là da vàng…Nhìn bà ca trưởng với đôi môi đen bóng và bộ áo thùng thình sặc sỡ, tôi lại tự hỏi tôi có thật tôi là chiếc bình vỡ không?  Phải xét cho thật kỹ mới được.  

“Chiếc bình lành bao giờ cũng giá trị hơn chiếc bình vỡ”. Chắc chắn là như thế rồi, nhưng đâu là tiêu chuẩn để phân biệt bình lành và bình vỡ đây?

Không biết câu truyện ‘Chiếc Bình Vỡ’ này đến từ đâu, nhưng ta cần phải phân biệt hai loại ‘bình vỡ’.

Một loại khi mới ra đời đã ‘vỡ’, vỡ đây có thể là không đủ tiêu chuẩn chẳng hạn cái miệng bình không được tròn, cái quai bình không được cân, cái chân bình không vững, đáy bình bị rò, đất nung không kỹ hoặc nung quá độ …vân vân. Nói tóm đây là loại bình defect khi mới ra lò.

Loại thứ hai là loại bình khi ra đời thì rất đúng, rất đạt, và rất đẹp, nhưng với thời gian bình bị rạn nứt, bị mất quai, bị rụng chân, bị trầy phía trong, hay bị mẻ phái ngoài…Tạm gọi đây là loại bình broken với thời gian.

Về loại bình defect khi mới ra lò thì:

Trước hết ta phải nhận rằng có những cái bình defect thật, defect ghê gớm, cả về thân xác lẫn tinh thần, defect rõ ràng, không thể chối bỏ, và không thể cắt nghĩa được. Chẳng hạn những người khuyết tật quá nặng như mù từ khi lọt lòng mẹ, điếc từ thuở nhỏ, cả đời bị câm không nói được tiếng nào, không có phần trước hoặc phần sau của đầu… rồi những người song sinh dính đầu, dính bụng, dính lưng vào nhau… Rồi có những người bị ảnh hưởng của ma túy, của bệnh hoạn ngay từ khi còn trong lòng mẹ, vừa sinh ra đã bị bệnh liệt kháng, bị bệnh thần kinh, đau đớn, gào khóc cho đến lúc chết…

Bảo rằng tại vì người đời làm xấu và làm sai nên có những hiện tượng như vậy. Tại cha mẹ, tại ông bà, tại môi trường sống…nhưng cuối cùng thì vấn nạn vẫn là: đương sự có tội gì đâu mà phải chịu những hậu quả  như vậy?  Một người trọc đầu thì cũng được đi, nhưng một người không có đủ hai mắt thì quái dị lắm. Một người có 12 ngón tay thì cũng được đi, nhưng một người có cái miệng bằng nửa khuôn mặt thì dị hình quá. Một người kém thông minh thì cũng được, nhưng một người có bộ óc không làm việc, sống như một loài thực vật thì thật quá tội. Rồi thì chiến tranh, thiên tai, và những dịch bệnh, những nạn đói…Chẳng vị tiến sĩ, chẳng nhà đạo đức, chẳng vị giáo hoàng nào cắt nghĩa được điều này đâu nên tôi cũng chẳng dám bàn thêm. Tôi chỉ xác tín một điều như đã xác tín: Chúa quyền năng và yêu thưong. Quyền năng nên Ngài kiểm soát được sự dữ, và yêu thương nên Ngài chỉ muốn điều tốt cho tạo vật Ngài đã dừng nên. Thế thôi.

Thứ đến là lấy tiêu chuẩn nào để gọi là một chiếc bình defect? Thật rất khó. Nếu lấy da trắng là tiêu chuẩn thì da đen phải là defect. Nếu lấy người Phi Châu da đen làm tiêu chuẩn thì người Á Châu da vàng phải là defect.  

Khó mà phân biệt được đâu là tiêu chuẩn của sắc đẹp? Mắt to, mắt xếch, mắt xanh, hay mắt nâu? Cũng tùy, nhưng chỉ biết ‘Mắt Đại Hàn’ đang ăn khách và đang chiếm hữu thế giới phim ảnh ở nhiều nơi. Đâu là tiêu chuẩn của thông minh? Tóc vàng, tóc đen, hay tóc hoe? Tôi nhớ một anh consultant người Ấn Độ mới nhận việc, anh kể câu truyện rất dummy về một cô gái blonde để làm quà cho đám IT.  Kể xong anh mới nhìn ra xếp mới của anh là một nàng blonde chính hiệu nên anh cố chống chế:’ you are not very blonde, just…’ Da đen hay da đỏ giỏi hơn? Tôi chưa thấy người da đỏ xuất sắc, nhưng một lần đi giao hàng, tôi đã thấy một thanh niên da đen treo trên tường 4 bằng tiến sĩ từ những trường MIT và CAL TECH và đang làm mathematician cho hãng Boeing. Bộ óc to hay bộ óc nhỏ tốt hơn? Cụ Eistein hình như có bộ óc nhỏ hơn tôi và nhiều người, nhưng ông là biến cả và tôi là hạt cát. Đâu là tiêu chuẩn của sức khỏe? chân dài hay chân ngắn? Thường tôi thấy những running back cho các đôi football chuyên nghiệp không phải là những người cao lớn mà là những người trung bình. Và đâu là tiêu chuẩn của hạnh phúc? Người chiếm hữu nhiều hay người có ít? Thường tôi thấy những người hạnh phúc là những người không nhiều tiền của.

Người đời thường bảo ‘hồng nhan bạc mệnh’ hoặc ‘có tật có tài’. Nhưng tôi cũng thấy có nhiều hồng nhan chẳng ‘bạc mệnh’ tí nào mà trái lại còn ‘bạc vạn’ và ‘bạc triệu’ là khác. Ngược lại tôi cũng thấy nhiều người có tật mà chẳng có tài gì cả.

Dù sao thì cũng phải xác tín một điều là Thượng Đế không cho ai tất cả và cũng không để ai thiệt thòi tất cả. Được cái này thì mất cái khác. Thua mặt này thì thắng mặt khác.  Con trai của anh không  chăm học ở trường học, nhưng nó lại rất nhanh nhẹn thoát vát ngoài trường đời. Nó không được điểm A môn vật lý, nhưng nó lại sửa xe giỏi như một thợ chuyên nghiệp. Con gái của chị không đẹp kiêu sa, nhưng nét duyên dáng và tính tình dịu dàng của nó đã là chìa khóa thành công trong đời. Chị không giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, nhưng nụ cười đẹp chân thành của chị đã nói thay cho mọi ngôn ngữ. 

Nhìn ra được điểm này, ta sẽ thấy mình không defect hoặc ít là không defect như ta tưởng, ta sẽ thấy mình lạc quan hơn, sẽ thấy yêu mình và yêu người hơn, sẽ kính trọng mình và kính trọng người khác hơn. Ta sẽ bớt mặc cảm khi ta yếu và thấy người khác mạnh, ta sẽ bớt kiêu hơn khi thành công và người khác thất bại. Ta  bớt tự ti khi không đẹp, không giỏi bằng người khác. Ta sẽ quân bình hơn trong nhân sinh quan: Je suis quelqu’un, et/mais l’autre est quelqu’un aussi.

Thay đổi cái nhìn cho đúng, ta sẽ thấy mình per-fect hơn là de-fect, và từ đó cũng dễ ef-fect hơn.

Tôi cũng xác tín rằng mỗi người là một tuyệt phẩm duy nhất và đáng trân trọng trước Chúa và con người. Vấn đề là ta có biết đi đúng con đường Chúa đã hướng, có biết khai triển đúng tài năng Chúa đã ban. Ta chưa thành công có lẽ tại ta chưa đi đúng đường. Chưa đạt được ước vọng có lẽ tại ta chưa khai thác đúng tài năng Chúa ban. Ta chưa được như người khác có lẽ tại ta chưa quyết tâm và chưa cố gắng cho đủ. Cho nên chẳng cần quá so sánh ta và người chung quanh ta. Cũng chẳng nên chạy theo điều những người quanh ta đang theo đuổi. Trời ban cho anh tài năng về âm nhạc nghệ thuật thì đừng chạy theo toán học khoa học. Trời ban cho chị tâm hồn dễ rung cảm thì đừng bắt mình phải sắt đá như một tướng quân. Con của chị thích đi tu thì đừng bắt nó làm bác sĩ.   

Hãy mở rộng tầm nhìn. Có nhiều thứ quí hóa trong ta mà ta không biết. Cũng có nhiều thứ tốt đẹp chung quanh ta mà ta chưa khám phá ra. Một trăm năm trước, vùng Trung Đông chỉ là vùng đất khô chồi, chẳng ai biết dưới lòng đất cò nhiều vàng đen quí giá đến thế. Rồi những năm gần đây, rất nhiều người Việt trong nước đã thành công vì biết khai thác môi trường canh tác và chăn nuôi đúng cách. Họ đã bắt đầu, đã cố gằng, đã phấn đấu, và đã thành công…  

Nhìn cho đúng và xử dụng đúng những gì ta là(être) và những gì ta có(avoir) ta sẽ thấy Chúa công bằng hơn với ta và ta cũng công bằng hơn với Chúa. Và từ đó ta cũng thấy chiếc bình chảy nước không hẳn là bình vỡ, bình defect, mà là chiếc bình toàn vẹn như nó phải là, perfect in the way it should be.

Nhìn cho đúng và xử dụng cho đúng những gì ta được ta sẽ bớt than thân trách phận, bớt cằn nhằn, hoặc chất vấn Chúa. Anh than: làm việc văn phòng nhức đầu quá. - Thế thì anh chịu đi cắt cỏ không? Anh than: cắt cỏ mệt quá và không có bảo hiểm. - Vậy làm cảnh sát đi tuần nhá? Đi cảnh sát nguy hiểm lắm? - Vậy lái máy bay thì sao? Cũng không an toan…

Đến đây, tôi xin mở ngoặc để bàn về một điều mà người Công Giáo gọi là Sự Quan Phòng của Chúa. Tôi nghĩ khi sinh ta ra đời, Chúa không có một con đường duy nhất cho ta đi, mà cả hàng trăm, hàng triệu con đường nối nhau bởi hẳng tỉ chọn lựa khác nhau. Chúa không chỉ đưa cho ta một hay hai lén bạc nhất định, một hay hai project nhất định, nhưng Ngài để rất nhiều truớc mắt cho ta chọn. Nói một cách cụ thể thế này: đời ta là một trận túc cầu. Trên sân có 12 cầu thủ bạn và 12 cầu thủ đối phương, mục đích trận cầu là đưa bóng vào gôn của đối phương. Chúa không bảo ta phải tấn công góc traí hay góc phải, không bảo ta đá theo lối tổng lực mới của Hòa Lan hay lối cổ điển cũ củ Pháp. Cho nên một trận đấu 90 phút có cả triệu đường bóng và cả tỉ đường chạy. Chúa là người cho ta biết tài năng của ta, tài năng của đối phương, điểm mạnh của ta và điểm yếu của đối phương…Rồi tùy ta chơi. Tôi có thể là một linh muc, một kỹ sư, một thầy giáo, một y tá… Đàng nào Chúa cũng ở đó và chọn lựa nào Chúa cũng ở bên cạnh để giúp.

Từ đó tôi hiểu sự cầu nguyện dễ hơn. Ngoài việc ca tụng, đền tạ, và cảm tạ Chúa là phần người cầu nguyện tham khảo ý Chúa như một cầu thủ hỏi ý nhà dìu dắt. Ta không phải đổi ý Chúa khi cầu nguyện và Chúa cũng không dẹp ý ta khi ta cầu xin. Con đi tu. OK, Ta sẽ giúp. Con lấy vợ. OK. Ta cũng giúp luôn. Con thất bại. OK. Làm lại đi và đây là lý do sự thất bại của con. Thành công. OK. Ta đưa thêm tài chánh nếu con muốn. Tội lỗi. OK. Thôi dừng đi con, không thì lạc đường. Thánh thiện. Tiếp tục đi con. Dĩ nhiên cầu nguyện tự nó cũng là một yếu tố giúp ta sút bóng chính xác.

Về chiếc bình broken với thời gian thì

Chúa có muôn ngàn lối cho ta đi trong cuộc đời và Ngài không bao giờ đập bể những chiếc bình mà Ngài đã nắn ra. Bình bị bể hay rò là do ta không dùng đúng cách. Bình bị sứt mẻ hay gẫy quai là do ta không chăm sóc. Bình bị mùi hôi hay vẩn đục là do ta không đánh rửa lau chùi. Nói chung là ta chịu trách nhiệm khá nhiều về chính đời ta.

Tôi nghĩ thế đấy. Có lẽ bạn sẽ nói:

-    Ông nói truyện xa vời, không thực tế mấy. Tôi hỏi ông chứ, có những người nghèo suốt đời thì sao?

-         Được, tôi đang sống ở Mỹ. Bạn hãy chỉ cho tôi một người nghèo đi. Người Mỹ hay Việt gì cũng được. Khó mà tìm được một người Việt nghèo ở Mỹ đấy.

-         Những người homeless ngoài đường thiếu gì.

-         Vâng, có người nghèo thật, nhưng có những người xin tiền bên này cầu và hút thuốc bên kia cầu đấy. Còn có những người tự làm mình nghèo nữa vì không bao giờ biết tiết kiệm, để dành. Có những người homeless trước đây làm lương gấp 3 gấp 5, có khi gấp 10 lần bạn và tôi nữa kìa. Cho nên bình bể vì không dùng đúng cách.

-         Vậy những người bệnh tật thì sao?

-         Đúng, có những bệnh tật không do chính mình thì thuộc về điều tôi đã nói ở trên(bình defect mà tôi không hiểu được), nhưng có những bệnh do mình tạo nên như béo phì vì ăn uống vô độ, vì nghiện ngập ma túy, tật nguyền vì lái xe vô kỷ luật và vì ăn chơi trác táng. Cho nên bình bể vì không chăm sóc.

-         Vậy còn những thất bại về công danh, tình yêu, và con cái?

-         Tôi không dám bàn về công danh và tình yêu vì đường công danh nó cong cong và đường tình thì nó vô cùng. Không nói hết được. Nhưng về con cái thì tôi nhận đó là cái khó nhất, gai góc nhất trên đời và cũng tiêu hao nhiều năng lực nhất của tôi. Đúng, tôi lo lằng về con cái cũng nhiều vì đây là chỗ dễ bể nhất. Dễ bể nhất vì chúng thuộc về tôi, nhưng tôi lại không kiểm soát được chúng, tôi có trách nhiệm với chúng, nhưng lại không làm chủ đươc chúng. Tôi sợ nhất cái bình bị bể ‘ở chỗ này’ vì đã không chăm sóc chúng cho đủ và cho đúng cách. Tôi chúc mừng những cha mẹ có con cái ngoan ngoãn hay ‘đã nên người’, còn những cha mẹ đang gặp khó khăn với con cái, xin hãy kiên nhẫn. Chẳng biết cái bình con cái sẽ ra sao, nhưng tôi luôn tâm niệm 3 điều: 1) Cầu cho chúng thành người rất bình thường với đức tin công giáo là được rồi, không cần phải là ông này bà nọ. 2) Chấp nhận tất cả những gì xảy đến khi đã làm hết khả năng của mình. 3) Và nếu chiếc bình có bị bẻ ở chỗ này, tôi sẽ cố hàn gắn lại. 

Nói thì dễ nhưng khi va chạm thực tế thì mới  ‘nhức đầu’, mới ‘vỡ lòng’ ra. Biết là phải giữ bình đấy nhưng cũng không thể tránh hết mọi ‘rủi ro’ khi bình bị bể. Một điều may là Chúa cũng biết đất sét/clay thì không thể không bể. Điều đáng sợ là vỡ mà không biết mình vỡ rồi không sửa chữa. Hoặc biết bình vỡ mà chỉ cố che đậy chứ không hàn trét lại.

Xin đừng nghĩ mình là loại bình defect khi mới ra lò, mà hãy lo giữ cho bình đừng bị vỡ thì tốt hơn.

Joseph Vu 03/21/2007

Tác giả: Joseph Vũ

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!