Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Joseph Vũ
Bài Viết Của
Joseph Vũ
Zidane ơi…
Xin Đừng Làm Tôi Tớ Vô Duyên
Từ những Anh Hùng Không Gian đến Anh Hùng Không Tên
TU LÀ CÕI PHÚC
Từ ‘Gíop’ đến Linh Hồn
Sống những nghịch lý
Sợ điều đáng sợ
Từ cái I-Meo lạc đến những bức thư cần viết
Như Bông Hoa…
Nhà Truyền Thống Văn Hóa & Đức Tin
Ngắm Văn Côi Đức Bà
Một Nhà Thờ Hai Sơ
Một buổi chiều cuối năm
Lời Chúc hay Lời Nguyện
Lẩn Thẩn Từ Đông Quê
‘Làm nhớn’ ở Mỹ
Đặc Sản
Chứng Nhân Tầm Thường
Chiếc bình vỡ
Chai Rượu Tây Đen. (T. D.)
Cái Game Boy
MỘT NHÀ THỜ HAI SƠ

  

Tôi không thuộc về một đoàn thể Công Giáo Tiến Hành nào cả, không Liên Minh Thánh Tâm,  không Linh Thao,  cũng chẳng Thăng Tiến Hôn Nhân,  hay Bảo Trợ Ơn Thiên Triệu gì cả. Có nhiều lúc tôi thấy mình sống đạo tơ lơ mơ thật. Nhất là lại không thuộc về xứ đạo này.

Nhưng không hiểu nhân duyên nào cứ đưa tôi đến với xứ đạo này. Hôm thì đỡ đầu rửa tội cho đứa cháu. Hôm thì dự lễ thêm sức con của đứa bạn. Rồi thì đám tang, đám cưới, tân chức, thượng thọ, ra trường… Tất cả lại cũng ở nhà thờ này. Nói chung thì một năm tôi lui tới nhà thờ này cũng phải gần hai mươi lần dù nhà tôi cách nhà thờ cả 30 miles .

Đựơc cái là các cha quản nhiệm ở đây tôi cũng biết, không thân lắm thì cũng liên hệ khá gần gũi, nhất là những anh chị trong hội đồng giáo xứ cũng là những người quen nên mỗi lần ‘đi lễ’ ở nhà thờ này tôi đều nhận được những cái bắt tay rất ấm áp, có khi lại rất… thơm nữa. Có lần con trai tôi hỏi: ‘Sao chỗ nào bố cũng có friends vậy?’. Dĩ nhiên mẹ của cháu nghe thế thì không thích mấy, nhưng cũng chẳng nói gì.

Một điều khác làm tôi  thích ‘đi lễ’ ở đây là cái cảnh trí bên ngoài nhà thờ. Tượng thánh quan thầy trang trọng cuối nhà thờ, rồi cây tháp xinh xinh  vươn lên giữa những tàng cây cao to đầy bóng mát. Cho nên đi lễ mà được lợi cho cả linh hồn và tâm trí thì ai mà không thích. Rồi bên trong nhà thờ là một thiết kế trong sáng, trang nghiêm, và yên tịnh. Khô khan nguội lạnh như tôi khi vào đây mà không thấy tâm hồn lâng lâng thì cũng thấy lòng có đôi phần dịu lại.

Tôi muốn khen ban điều hành giáo xứ ở đây: GIỎI THẬT, nhưng lại sợ không đủ tư cách để khen hoặc lại mang tiếng ‘nịnh bợ’ mặc dù tôi đã thấy công việc làm của nhiều người trong nhóm họ, và cũng đã nghe những điều tốt về họ từ nhiều năm qua. Thôi để tôi khen giáo dân của giáo xứ này vậy: TỐT QUÁ.

Hôm nay có hội chợ hàng năm cho toàn xứ đạo để gây quĩ. Gian hàng thức ăn của Việt Nam to nhất so với gian hàng Đại Hàn, Phi, Mỹ, và Mễ bên cạnh. Và cũng có nhiều món ăn nhất: phở, bún thịt nướng, cơm chiên, xôi cúc, chả giò, bánh chuối chiên, bánh bò, bánh cam…nhiều nhiều lắm. Rồi bô-boa trà thái, cà phê Viêt nam, các loại chè…nhưng tôi không để ý thức ăn bằng quan sát những người giúp việc. Gần 30 người cứ thay phiên nhau làm việc đều đặn và vui vẻ. 

Trông mặt mà bắt hình dong.

Nhìn người giúp việc biết lòng ai thương/thương ai.  

Đã là ngày hội chợ thứ ba rồi mà mặt ai cũng tươi và tỉnh. Đáng khâm phục.

Thánh lễ chiều nay lại có cha khách. Tôi nói đùa với cha quản nhiệm ‘Cha quản nhiệm cứ dễ dãi thì chắc đỡ phải giảng’. Dĩ nhiên cha Hưng chỉ cười, và cười rất vui thay cho câu trả lời.

Thật vậy, mới tháng trước, được sự giới thiệu của anh Thục và anh Tuyến với sự đồng ý của cha quản nhiệm, tôi đã đưa cha Việt từ Việt Nam đến đây cùng dâng lễ và xin giúp đỡ. Cha Quản nhiệm và hội đồng giáo xứ vui vẻ đón tiếp cha khách, nhưng vì là mùa hè nên giáo dân đi lễ không nhiều, chưa đầy nửa nhà thờ. Vậy mà sự giúp đỡ lại cũng NHIỀU chẳng kém gì những lần trước. Tôi nói những lần trước là  vì tôi đã từng chở (chở thôi) các cha đến xứ này để ‘xin giúp đỡ’, nhiều lần đến nỗi có người phải lên tiếng căn dặn ‘anh đừng có mà lộ diện hoài’. Thực ra tôi cũng thấy hơi ngại nên đôi khi định dấu mặt, nhưng mỗi lần gặp cha quản nhiệm: cha Thỏa, cha Hưng, hay cha Quế, thầy Lộc… và các anh trong ban điều hành: anh Lành, anh Dũng, anh Động, anh Trung… các cha và các anh lại đều niềm nở như MỚI GẶP nên tôi lại cảm thấy an tâm và phấn khởi. Sau thánh lễ đồng tế với cha Viêt hôm ấy, cha quản nhiệm Hưng bảo: ‘Cha giáo Việt có tấm lòng nên giáo dân thưong’. Trong bài chia sẻ cha Việt đã nói đến những trẻ em khuyết tật, những trẻ em bụi đời, những học sinh có chí, học giỏi mà nhà lại nghèo ở miền đồng bằng Sông Cửu Long…

Hai tuần trước, tôi lại đến đứng lớp Giáo Lý Tân Tòng cho người bạn và lại ‘đi lễ’ nhà thờ này. Có hai Sơ dòng Đa-Minh cũng đến dự lễ và ‘xin giúp đỡ’. Một sơ từ Miền Nam và một sơ từ miền Bắc Viêt Nam. Cả hai Sơ đều được phép nói truyện hay nôm na là phát biểu trong nhà thờ. Sơ Miền Bắc: Nhà dòng chúng con  bây khá đông chị em tu sinh, chúng con lao động thì cũng tạm đủ ăn đủ mặc cho nhà dòng, nhưng chỉ khổ một nỗi là căn nhà đã quá cũ và mái đã nhiều chỗ giột lắm rồi. Con không dám xin nhiều, chỉ mong đủ sửa cái nhà này thôi.

Còn sơ Miền Nam thì: Nhà dòng chúng con trước đây thì lo chôn cất những thai nhi từ những vụ phá thai. Cho đến nay chúng con đã lập được một nghĩa trang và chôn được khoảng 6000 em. Nhưng chúng con muốn đi xa hơn một bước xa hơn nữa là thay vì chỉ chôn kẻ chết, chúng con muốn cứu kẻ sống, cứu những thai nhi sắp bị bố mẹ giết. Để làm được điều này chúng con cần phải có ngân quĩ…

Hôm ấy là lễ kính thánh nữ Monica quan thầy hội các Bà Mẹ Công Giáo. Lễ có thêm vài nghi thức, diễn vắn, và bài giảng của cha chủ tế hơi dài, lại thêm phần nói truyện của hai sơ. Vậy mà tôi không thấy một người giáo dân nào bỏ ra về sớm. Đây chẳng phải là điều tốt lành sao?

Chẳng biết giáo dân hôm ấy giúp hai sơ được bao nhiêu tiền, chỉ biết người ta bao quanh các sơ ở cuối nhà thờ rất đông và rất lâu. Tôi đợi mãi mà không thể nói truyện lâu được với Sơ Miền Nam dù đã quen biết sơ khi còn ở Da-Lat.

Hôm nay cha khách là cha Quang thuộc giáo phận Sai Gòn, dáng người nhỏ bé, nhanh nhẹn, và giọng nói trầm ấm truyền cảm. Ngài chia sẻ: Con làm việc cho những bệnh nhân nhiễm HIV và bệnh Si-da. Họ cần sự giúp đỡ lắm, cần một chút nương tựa, và cần sự bình an trước khi chết. Bài chia sẻ của cha rất cụ thể, Ngài kể đến trường hợp những bệnh nhân Si-da nhờ Ngài giúp đỡ an ủi nên không còn hận thù cuộc đời, không còn oán ghét những người thân, và được bình yên trở lại với Chúa trước khi nhắm mắt. Tha thứ và được thứ tha. Lại có những trường hợp bệnh nhân bị gia đình thân thuộc tránh xa, từ bỏ vì sợ hổ danh, ngay cả khi họ đã chết và xác được thiêu rồi người nhà cũng không dám nhận mẩu tro tàn của họ. Nghe cha khách chia sẻ, tôi liên tưởng đến Mẹ Têrêxa và nhớ lại câu hỏi của anh nha sĩ người ngoại giáo đã hỏi tôi mấy tuần trước: anh có biết mục đích công việc bác ái mẹ Têrêxa làm là gì không? Tôi trả lời không sai, nhưng không đúng lắm và lắng nghe anh giải thích rất thấm thía. Hôm nay trong nhà thờ này, không có Mẹ Têrexa, nhưng có một ông… gọi làm sao nhỉ? - Ông Giuse Arimathia nhỏ bé vậy-.

Nghe cha khách chia sẻ, tôi thấy buồn buồn cho thân phận người dân Việt Nam của tôi.

Một cha sang Mỹ xin tiền giúp trẻ tàn tật, nghèo khó, bụi đời.

Một sơ sang Mỹ xin tiền giúp nuôi những ‘unwanted children’, những đứa trẻ không phải mồ côi, mà là những đứa tẻ đáng lẽ đã bị giết.

Một cha sang Mỹ xin tiền giúp đỡ những con bệnh hiểm nghèo, tủi nhục bị xã hội không chỉ bỏ rơi mà còn ruồng bỏ tránh xa

Một sơ sang Mỹ xin tiền để huấn luyện những người sẽ thay thế cho lớp người đang làm việc những việc ở trên.

Buồn đấy, nhưng tôi lại thấy một hình ảnh đẹp. Hình của người xin và hình của người cho. Trong vòng hai tháng, nhà thờ này, cha quản nhiệm và giáo dân xứ đạo này đã góp nhiều đồng xu của bà góa thành Giê-ru-sa-lem trong công cuộc từ thiện. Toàn thể giáo xứ đã mở rộng vòng tay ôm những người ‘ăn xin’ của Chúa vào lòng. Tôi không đạo đức nên chỉ nghĩ được đến thế.

Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới còn cần những góp công sức, góp tiền của để xóa dịu đau thương lắm. Cách đây mấy tháng, tôi đọc một bài báo thì được biết con số người nhiễm HIV và mắc bệnh Si-Da vùng Lạng Sơn cũng vào loại nhất nhì trong nước tính theo tỉ số dân, thế nhưng chỗ này lại bị quên lãng. Không biết có ai ‘sang Mỹ’ để xin giúp đỡ những người xấu số này không? Tôi không có tài nên chỉ nghĩ như thế.

Và tôi sẽ chia sẻ với cha Việt trước khi Ngài về Việt Nam thế này: Con có cảm tưởng các cha và các sơ như những người đi sau dọn rác trong sân thôi. Có lẽ các cha các sơ cần phải phối hợp với những tập thể khác để làm những điều tích cực hơn như dậy người ta bớt xả rác ra đường ra sân, phát bao rác cho mỗi nhà, rồi dậy người ta gom rác để tái sinh ra tiền…Con nghĩ công việc này rất lớn, rất nhiêu khê, nhưng cha cứ thử đánh lên tiếng chuông, thắp lên ngon đuốc xem sao… Biết đâu…Nếu người ta không chặn cơn lũ từ Hậu Giang, hoặc khai thông đường nước từ An Giang thì một khi nước lũ đổ về Kiên Giang, sự thiệt hại sẽ gấp bội và công việc cựu lụt thật khó khăn.   

Đến đây chắc bạn sẽ thắc mắc ‘Xứ đạo tôi đến xem lễ này tên gì? Ở đâu?’, nhưng thiết nghĩ tên tuổi chẳng quan trong đâu vì biết đâu xứ đạo của bạn cũng TỐT LÀNH như vậy hay có khi còn tốt lành hơn nữa. Và cha Hưng hay anh Dũng mà tôi đã chưa xin phép để kể tên ra ở trên lại chính là bạn đấy.

Nhưng nếu chưa/không phải là bạn thì sao? Thôi đời ngắn lắm, ta phải mua cái vĩnh cửu vậy, nhưng phải mua nhanh mới được.

Joseph Vu 09/12/2006

Tác giả: Joseph Vũ

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!