Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Joseph Vũ
Bài Viết Của
Joseph Vũ
Zidane ơi…
Xin Đừng Làm Tôi Tớ Vô Duyên
Từ những Anh Hùng Không Gian đến Anh Hùng Không Tên
TU LÀ CÕI PHÚC
Từ ‘Gíop’ đến Linh Hồn
Sống những nghịch lý
Sợ điều đáng sợ
Từ cái I-Meo lạc đến những bức thư cần viết
Như Bông Hoa…
Nhà Truyền Thống Văn Hóa & Đức Tin
Ngắm Văn Côi Đức Bà
Một Nhà Thờ Hai Sơ
Một buổi chiều cuối năm
Lời Chúc hay Lời Nguyện
Lẩn Thẩn Từ Đông Quê
‘Làm nhớn’ ở Mỹ
Đặc Sản
Chứng Nhân Tầm Thường
Chiếc bình vỡ
Chai Rượu Tây Đen. (T. D.)
Cái Game Boy
TRUYỆN BÂY GIỜ MỚI VIẾT

Bây gìơ mới viết, nhưng không phải là truyện cổ tích ngày xửa ngày xưa 100% mà chỉ là ‘ngày xửa ngày xưa…đôi ta chung nón…’ mới đây thôi. Vì thế cho nên… tên tuổi của những nhân vật trong truyện được đổi để tránh phiền phức, nghi kỵ hoặc hiểu lầm...(nhỡ ra). 

Truyện tháng 4 năm 1975 

Hôm ấy là ngày 27 tháng Tư, Sài Gòn đi từ ngột ngạt sang đến lo sợ. Chiến tranh cứ từng giờ từng phút gần lại với thủ đô như con nước lũ điên khùng không ai cản được. Đường ra Vũng Tầu đã bị cắt và đường về Miền Tây cũng đã bị chặn. Tin tức xấu và những bình luận bi quan được nghe bàn khắp nơi, từ những đuờng phố chính ngập người tỵ nạn đến các con hẻm nhỏ vắng người. Phong và tôi đến tìm thăm Tân, ở xứ Bùi Phát, trên đường Trương Minh Giảng. Gia đình Tân đang xúm nhau làm giấy tờ để di tản đi Mỹ vì anh của Tân làm sở Mỹ. Công ty Mỹ cho mỗi nhà mười người đi, nhưng nhà Tân chỉ có chín và em trai của Tân lại vướng cô bạn gái nên không chịu đi. Thế  là dư hai chỗ. Vì phải quyết đinh và chuyển giấy tờ cấp tốc nên Phong và tôi được ghi tên vào gia đình của Tân và nằm chờ để được gọi ra phi trường Tân Sơn Nhất. Thật không ngờ, nhưng tâm tư lúc ấy đang rối bời nên tôi chẳng thấy vui tí nào, chỉ mong sao thoát ra khỏi SaiGon đang trong cơn hoảng loạn tứ tán mà thôi.  

Chẳng may chiều hôm ấy, phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích nặng nên việc di tản của chúng tôi không thành. Chia tay nhau, Phong nói: ‘Mẹ kiếp, đã vậy tụi mình ở lại làm chứng nhân cho những người vô thần. Chết là cùng thôi’. Tôi im lặng và trong đầu thoáng hiện ra những hình ảnh trong phim ‘Ánh Sáng Miền Nam’, ‘Chúng Tôi Muốn Sống’… mà kinh hãi. Nhưng biết làm sao được… Thôi kệ, chuyện gì phải đến sẽ đến… 

Ngày 30 tháng 4, Sài Gòn thất thủ. Người chiến thắng thì vui mừng và ngạo nghễ, còn kẻ chiến bại thì buồn tủi và căm phẫn. 

Khoảng đầu tháng Sáu sau đó, tôi trở lại Dalat tiếp tục học mặc dù tâm tư vẫn còn rất nhiều giao động. Kinh nghiệm của các cha giáo người nước Hungary, BaLan, và Trung Hoa Luc Địa trong học viện… cho thấy đời sống tôn giáo không có gì sáng sủa trong những nước cộng sản. Rất bất ổn, nhưng thấy các vị thầy ngoại quốc vẫn bình tĩnh ở lại Việt Nam, rồi bạn bè từ Miền Trung và Miền Tây dần dần trở lại trường nên tôi thấy bớt lo lắng. Có những đứa bạn rất hăng say. Tôi nhớ trong một buổi họp lớp, Khanh  - gốc Qui Nhơn - đã chia sẻ: ‘Con chó sói mà ăn thịt chiên hoài rồi cũng hiền lành ra thôi… Sợ gì…’.  

Chẳng biết Phong và Khanh tự nghĩ ra hay lấy những ý tưởng ‘anh hùng’ này ở đâu. Chỉ biết tuổi trẻ có những hăng say của nó. 

‘Mẹ kiếp, tụi mình ở lại làm chứng nhân cho những người vô thần. Chết là cùng thôi’ 

‘ Con chó sói mà ăn thịt chiên hoài rồi cũng hiền lành ra thôi…Sợ gì’ 

Ba mươi ba năm sau, tác giả của câu nói số một giờ này thì đang làm linh mục tuyên úy cho một xứ đạo lớn, không phải ở Việt Nam, mà ở bên Đức. Có lần Phong gọi điện thoại tâm sự với tôi: ‘Mẹ kiếp tụi Đức nó bỏ đạo nhiều lắm mày ạ. Nhiều nhà dòng và chủng viện giờ này vắng tanh, chẳng còn ngoe nào tu cả …’ Phong ơi, bạn đang làm chứng nhân cho những người đang bỏ đạo, chứ không phải cho những người vô thần như bạn dự tính. Bạn thấy đàng nào dễ hơn’? 

Còn tác giả câu nói số hai thì cũng đang làm một linh mục giáo sư ở Việt Nam sau hơn mười năm mang kiếp… Linh Mục… chui.. ’Khanh ơi, đến giờ này thì con chiên vẫn còn sống. Con chó sói có gặm mất của bạn miếng thịt ba chỉ nào chưa? Và  nó có hiền hơn tí nào không’? 

Truyện năm 1978 

Khoảng tháng Mười năm 1975 thì toàn bộ giáo sư ngoại quốc của Giáo Hoàng Học Viện, Dalat bị trục xuất về nước. Chúng tôi lại một lần nữa hoang mang, nhưng vẫn bám trụ ở lại trường. Vừa lao động vừa học. Đi phá rừng làm rẫy cách thành phố DaLat cả 10 cây số. Trời lạnh và ăn uống rất kham khổ, nhưng vẫn kiên trì và vui bên nhau. Đến khoảng giữa năm 1977 thì công an Dalat ra lệnh giải tán toàn bộ nhà trường. Mỗi tu sĩ được cấp một tấm giấy ‘về nhà làm ăn vĩnh viễn với gia đình’. Ngao ngán lắm, nhưng hành trang trên đường ‘về thế gian’ của chúng tôi vẫn là những thùng sách thần học. Tuổi đời vừa quá hai mươi, tương lai thì không thấy, nhưng lòng thì vẫn hăng say: chứng nhân, chết là cùng. 

Chạy chọt về giúp xứ đạo Rạch Giá, sau thánh lễ một buổi sáng Chúa Nhật năm 1978, một anh bộ đội kéo tôi ra cuối nhà thờ bảo:

-         Tôi muốn nói truyện với ông một tí.

‘Truyện gì đây. Tôi đâu có phê bình nặng nề Ruồi Trâu hay Ngày Lễ Thánh như cha phó Tuấn. Tôi đâu có làm trung gian vượt biên. Tôi đâu có trốn công tác thủy lợi hay nói xấu cách mạng…’. Thấy tôi yên lặng đi theo, anh bộ đội nói tiếp:

- Tôi hỏi ông về đạo ấy mà.

Tôi nhẹ người. Được. Tôi mới học xong Thần học đây. Anh muốn hỏi cỡ nào.  

Ngồi xuống ghế đá. Anh nói ngay:

-         Các ông cha ông thầy trong nhà thờ cứ dậy bổn đạo về Chúa. Vậy ông chứng minh là có Chúa cho tôi xem. 

Như một học sinh vớ được bài học tủ khi vào phòng thi, bài tủ ấy lại mới được tôi soạn để dạy đám thiếu nhi hồi tuần trước, nên tôi thao thao chứng minh cho anh bộ đội sự Hiện Hữu của Thượng Đế. Các lý thuyết  của Thánh Augustinô, của Thánh Tôma  d’Aquin được tôi lôi hết ra sân cho anh bộ đội xem.

-         Trên đời này, anh thấy có cái gì tự mình mà có không? Đôi dép anh mang, cái áo anh mặc đều là do những người thợ làm ra. Cơm gạo anh ăn cũng vậy… Và chính thân xác của anh đây nữa. Anh đâu tự mình mà có. Cha mẹ sinh ra anh. Rồi ông bà sinh ra cha mẹ anh… và cứ thế, cứ thế truy lên thì …Phải có một Đấng Tự Hữu sinh ra muôn loài. Rồi anh thấy đó. Có vật gì tự mình chuyển động được không? Con tàu chạy trên sông trước mắt kia là do cái chân vịt quay và đẩy nước. Chân vịt quay là do động cơ nổ. Động cơ nổ là do xăng và không khí được đốt trong buống máy. Mặt trăng xoay quanh trái đất, và trái đất xoay quanh mặt trời được là do đâu? Ai làm cho muôn vật sống và chuyển động? Phải có Đấng tự mình có cái lực làm ra mọi chuyển động chứ? Anh thấy không nào?

Anh bộ đội vu vơ nhìn lên trời:

-         Con người ta bởi khỉ mà ra mà?

-         Chưa ai chứng minh được điều này một cách khoa học anh ạ. Mà cho dù con người bởi khỉ mà ra đi nữa thì cũng chẳng sao cả. Phải có Đấng dựng nên con khỉ chứ. Con khỉ, con vượn, hay con đười ươi đâu tự mình mà có. Biết đâu Chúa đã chẳng dựng nên con khỉ rồi một ngày cho nó đột biến thành con người có linh hồn, có trí khôn…Điều quan trọng là có sự can thiệp của Chúa trong các bước tạo dựng. Cho nên tôi chẳng ngại nếu có ai bảo tổ tiên tôi là khỉ đột, miến là Chúa đã dựng nên loài khỉ ấy… 

Anh bộ đội cũng đưa ra một mớ lý thuyết khoa học để chứng minh không có Chúa. Tôi không nhớ hết chi tiết mình đã  dùng để ‘bẻ lại’ thế nào, chỉ nhớ là rất thuyết phục vì anh nghe tôi chăm chú, và tôi nói thêm với anh: không thể chứng minh niềm tin bằng khoa học hay toán học được. 

Sau gần hai giờ ‘tranh luận’, thấy anh bộ đội có vẻ hơi hơi ‘đuối lý’, nhưng vẫn còn ‘cứng lòng’ nên tôi kể cho anh nghe truyện cá độ của Pascal về Niềm Tin và sự Thiên Chúa Hiện Hữu: “Nếu không có Chúa và ta không tin thì chả bên nào mất mát gì. Còn nếu không có Chúa mà ta tin thì ta cũng chả thiệt thòi gì. Nếu có Chúa mà ta tin thì là một điều vô cùng tốt đẹp. Còn nếu có Chúa mà ta không tin thì là một mất mát to lớn”. Anh nghe tôi có vẻ thích thú. 

Thực ra tôi rất mến anh bộ đội và kính trọng sự thành tâm của anh. Còn anh thì hình như  cũng có cảm tình với tôi, nhưng cuối cùng thì chúng tôi cũng chia tay nhau. Anh bộ đội bước ra khỏi cổng nhà xứ, tay vẫn tiếp tục cầm đèn đi tìm chân lý. Còn tôi thì thấy khô cổ và đói bụng, nhưng lòng thì khoan khoái y như vừa làm xong bài Vạn Vật trúng tủ hồi thi Tú Tài II ở trường Chưởng Bình Lễ, Long Xuyên ngày nào.  

Cho đến khi gặp cha phó Tuấn, Ngài bảo tôi: ‘Thầy nói gì mà hăng thế!!’. Tôi chột dạ và thấy quê quê, rồi nghĩ lại: mình vừa bảo anh bộ đội là không thể dùng toán học hay khoa học để chứng minh niềm tin vậy mà mình lại muốn dùng triết lý để chứng minh sự Thiên Chúa hiện hữu cho anh. Đúng là HUNG quá hóa thành HĂNG quên rằng niềm tin tôn giáo chỉ có thể cảm nghiệm chứ không thể chứng minh. Một nhà sư trên chùa Linh Sơn Da lat đã bảo tôi thế khi ông phải tranh luận về Đạo Phật với những người ghét đạo. Thật rõ là tôi ‘hung hăng con bọ xít’. 

Truyện năm ngoái. 

Cha Vàng mới từ Việt Nam qua Mỹ chơi. Bạn bè với nhau nhiều năm, nhất là trong những ngày tháng khổ cực sau năm 1975, nên khi không có ‘người ngoài’ thì chúng tôi vẫn nói truyện với nhau… ‘như ngày xưa’. Như ngày xưa có nghiã là chúng tôi gọi nhau ‘ông’ với ‘tôi’ hoặc dùng bất cứ đại danh từ nào thích hợp cho bạn bè chứ không phải Cha-Con một cách long trọng. Hôm ấy rủ Ngài ra sân hút thuốc, tôi mở đầu:

-         Hey cha Vàng ơi, cho tui hỏi truyện chút được không?

-         Gì nữa đây. Nói truyện với ông cũng phải ý tứ, không thì nguy hiểm lắm. Tui mới qua Mỹ chơi, còn lọng cọng. Ông đừng làm khó dễ đưa tui lên báo chí nữa à nha.

-         Cái này thì có thể là hơi khó, nhưng không nguy hiểm gì đâu.

-         Rồi. Tới luôn để còn cà phê cà pháo nữa.

-         Cha làm linh mục đã trên dưới 20 năm rồi. Chắc chắn cha đã giảng dậy lời Chúa và rửa tội cho rất nhiều người, nhưng hỏi thật Cha là có ai vì cha, vì gương lành gương sáng của cha, vì lời giảng dạy của cha mà trở lại đạo chưa?

Cha Vàng câu giờ:

-         Ông hỏi làm chi vậy? Ông muốn gài độ tôi gì đây. Có chứ. Nhóc gì. Mấy bà mấy cô nghe tui giảng là đi theo đầy hết. Hi hi hi!!! Giỡn chơi thôi chứ cũng có mấy ca, nhưng tui không hẳn là tác giả chính. Đúng ra là do sự thân thiện, sự giúp đỡ trước đó nhiều hơn là lời nói.

-         Cha nói đúng đấy. Của ăn và sự giúp đỡ vật chất phải đi trước mới được. Hồi tôi ở trại tỵ nạn Leamsing, Thái Lan và trại Galang, Indonesia cũng vậy, rất nhiều người theo đạo Tin Lành vì được giúp đỡ về tinh thần và vật chất. Tôi nghĩ  mình là đạo gốc chứ thực ra ngày xưa ông cố tổ của mình lúc đầu trở lại đạo chắc cũng không phải vì được nghe giảng mà vào đạo đâu. Cho nên tôi đồng ý là những phương tiện vật chất cũng đóng vai trò quan trọng. Cha Danh gì ở Hà Nội mới sang đây chơi cũng đã nói: ‘Cứ trồng chuối, nếu cây mẹ không được tốt, cây bố không được hoàn chỉnh thì cây con, cây cháu sẽ ngon hơn’. Hơn nữa, đức tin là việc của Chúa làm chứ đâu phải của con người…Vậy hỏi thêm cha câu nữa nghe.

Cha Vàng cắt ngang:

-         Ông nói hỏi chút thôi mà sao hỏi tới hoài vậy. Mấy thằng Bắc Kỳ như ông  ăn gian thấy bà…

-         Thì một chút của người Bắc là vậy đó. Giống như Nam Kỳ của cha vậy thôi: nói ăn ba hột mà ăn tới ba chén cơm đầy dung. Còn nói nhậu lai rai ba sợi mà  nhậu tới ba lít. Rồi nói thủng thẳng mà bắt người ta đợi từ sáng tới chiều, có khi… cho lèo luôn. Có ai vì cha mà bỏ Chúa, mà xa Nhà Thờ không?

-         Chà, vụ này coi bộ căng ạ. Để tui xét mình chớ… Theo tôi biết thì không đâu. Hoặc nếu có thì cũng vì vô tình mà thôi. Ông biết rồi sống dưới chế độ cộng sản đâu phải dễ. Họ không ưa đạo, nhưng họ cũng là những rào cản cho mình giữ được nhiều thứ và tránh được nhiều gương xấu…Giáo dân cũng vậy. Một ông cha trong chế độ cộng sản không phải làm dâu 100 họ mà là 105 họ đó ông…Muối đang mặn mà nhạt đi hoặc đèn đang sáng mà tắt ngủm thì phiền lắm. Cho nên tu cũng khổ lắm ông ạ. 

Tôi hỏi cha bạn những điều mà tôi đã hỏi chính tôi và đã hỏi nhiều lần.  

Nghĩ lại thì trong một phương diện nào đó, tôi thua xa thằng cháu, con nuôi của anh chị tôi. Nó lấy vợ ngoại, vợ nó trở lại đạo, hai đứa con của nó cũng được rửa tội ngon lành. Trên giấy tờ sổ sách, nó đưa tới ba linh hồn về với Chúa rồi. Còn tôi… 

Truyện hôm qua. 

Tay Prak người Ấn Độ nhiều tuổi nhất trong đám IT của tôi nên được nể trọng nhiều nhưng đôi lúc hắn thật buồn cười. Kiến thức chuyên môn thì hắn không mấy nắm vững, mà lại muốn tỏ ra mình biết-hết-mọi-sự, nhất là những lãnh vực ngoài công việc. Có lần hắn nhất định cãi là dân số Liên Xô đông thứ nhì sau Trung Quốc cho đến khi Internet  nói dân số Ấn Độ là 1.1 tỷ.

Trưa hôm qua cả bọn đi ăn, Nakwon, người Đại Hàn hỏi: ‘Các ông có biết hôm nay là ngày Phật Đản không?’ Dĩ nhiên tay Prak lên tiếng trước: ‘Biết chứ, sinh nhật thứ 5000 của Đức Phật đấy’. Rồi tiếp ‘Đức Phật là người Ấn Độ, thuộc Hoàng Tộc, lấy vợ, sinh con rồi bỏ Hoàng Cung đi giảng đạo, sau một thời gian Ngài biến mất’. Tôi muốn nghe Prak kể tiếp vì thấy ngộ ngộ, nhưng vì con số quá sai biệt nên phải cãi: ‘Không phải sinh nhật thứ 5000, mà 2550 gì đó thôi’. Còn truyện Đức Phật gốc Ấn Độ hay Nepal, tôi không nhắc đến vì có lẽ thời đó biên giới hai nước chưa rõ ràng. Tay Prak như hãnh diện về Đạo Phật nên hỏi Nakwon:

-         Bên Đại Hàn có đạo nào không?

-         Có, đạo Phật, đạo Tin Lành, đạo Công Giáo.

-         Đạo gì xa xưa thuộc dân tộc Đại Hàn cơ?

-         Xa xưa thì có đạo thờ ông bà, và trước đó có lẽ là những totem.

Biết nhiều mà biết không sâu nên Prak ngô nghê hỏi lại cả đám

-         Totem là cái gì?

Nakwon giải thích totem cho Prak xong thì Prak quay sang hỏi tôi:

-         Còn Việt Nam? Có đạo gì không?

-         Việt Nam có đạo Phật, đạo Công Giáo, đạo Muslim, đạo Hòa Hảo, đạo Cao Đài… Gàn đây lại mới có thêm đạo thờ Đô-La.

Nghe thấy đạo thờ Đô-La, Prak lại ngây ngô hỏi ngay:

-         Vậy đạo Đô-La để cái gì trên bàn thờ? 

Cả bọn cười ồ.  

Ngồi vào bàn, Madhavi (người Ấn phát âm không rõ tên tôi) hỏi tôi:

-         Tái, ông đến nhà thờ ngày Chúa Nhật để làm gì?

Để kéo sự chư ý của cả nhóm, tôi nói:

-         Để nhìn ngắm các người đẹp.

Và khi thấy cả bàn đã chú ý, tôi nghiêm chỉnh:

-         Đùa thôi, chứ tôi đến nhà thờ để tôn thờ Thiên Chúa là đấng tạo dựng mọi loài, trong đó có các bạn và tôi. Cảm tạ Thiên Chúa về những điều Ngài đã ban như sự sống, nhà xe, đồ ăn, bạn bè. Và cầu xin ơn bình an cho mình và cho những người quen thân, cho Dipankar, cho Jeeva, và Prakash…đây.

Vừa nói tôi vừa nghĩ: không dễ có dịp mà nói về Chúa cho người Ấn nên phải lợi dụng, tôi cũng nhớ lại ngày xưa đã từng HUNG HĂNG nên tôi rất nhẹ nhàng.

Madhvi nói tiếp:

-         Ông cũng cầu xin trước lúc ăn nữa mà.

-         Ừ, không chỉ lúc ăn đâu, cả những lúc tôi nhận tấm check lương từ Dipankar những ngày Thứ sáu, những lúc Paul đưa cho tôi project khó, và những lúc vợ tôi cho tôi hard time nữa…

Thấy Jeeva mải ăn, tôi pha trò:

-         Jeeva, bạn muốn lên Thiên Đàng, lên Niết Bàn, hay xuống… mà không nói gì cả vậy?

Jeeva vốn ít nói, nhưng khi nói thì lại nói rất lớn:

-         Chỉ có đời sống hiện tại thôi. Chết là hết.

Madhavi tiếp ngay:

-         Có đạo hay không có đạo thì chết cũng không phải là hết. Chắc chắn mỗi người có linh hồn và phải đối diện với những gì mình đã làm khi còn sống.

Thấy Madhvi theo Ấn Giáo và nói điều ấy cho cả nhóm hầu hết là Ấn Độ trong bàn, tôi lợi dụng nói theo:

-         Tôi tin chắc như thế. 

Cả bọn ăn uống vui vẻ. Khi tản bộ sang tiệm Boboa để kiếm cà-phê, Jeeva đến bên tôi hỏi:

-         Tái, ông có thương con cái ông không? Chắc chắn chứ! Vậy tình yêu giữa ông với con ông và tình yêu giữa Thượng Đế và ông thì cái nào hoàn chỉnh hơn.

Tôi biết câu trả lời, nhưng lại làm như suy nghĩ:

-         Tình yêu của Thượng Đế với tôi chắc chắn phải hoàn chỉnh hơn, vĩ đại hơn vì Ngài là Thượng Đế. Còn tình cha con thì gần gũi thiết tha đấy, nhưng không hoàn thiện vì cha có thể tức giận với con, cha có thể ghét con, từ con… nhưng Thượng Đế thì không.

-         Nếu vậy thì làm gì có Hỏa Ngục.

Tôi nhận ra Jeeva coi vậy mà không phải vây, nên chia sẻ:

-         Đạo Công Giáo dậy là có Hỏa Ngục, tôi phải tin, nhưng có ai ở đó lại là truyện khác. Nói thật với anh, tôi nghĩ Hỏa Ngục chỉ dành cho những người không muốn vào Thiên Đàng mà thôi. 

Và truyện hôm nay. 

Cha Ngô Đình Hòa dòng Chúa Cứu Thế từng là tuyên úy Sư Đoàn Nhảy Dù của Việt Nam Cộng Hòa, đã đi tù cải tạo nhiều năm, hôm nay đã gần 80 tuổi, cha có mặt ở đây với chúng tôi như vị linh hướng.

- Chúng con mời cha lên để chia sẻ kinh nghiệm

Cha Hòa bước lên máy khuyếch âm, mỉm cười rồi từ từ kể như mẹ kể truyện cổ tích cho các con:

-         Đây chỉ là kinh nghiệm nhỏ thôi. Sau năm 1975, khi  tôi đang ở trong tù thì có cô cháu của ông nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh gởi cho tôi một quyển Kinh Thánh nhỏ. Từ đó, hằng ngày tôi cứ lấy ra đọc. Có một anh Thiếu Tá cảnh sát tù chung thấy tôi đọc Kinh Thánh  thì cũng tò mò mượn đọc. Đọc rồi anh hỏi tôi về nhiều thứ anh thắc mắc, tôi biết gì thì trả lời vậy. Anh ta thích thú lắm, nhưng tôi cũng bảo anh rằng tôi chỉ giúp anh được một tí thôi, quan trọng nhất là anh cứ đọc và người soi sáng và giúp anh hiểu chính là Chúa vì đây là Kinh Thánh chứ không phải sách truyện đời thường. Một thời gian sau, anh xin được trở lại công giáo. Tôi rất vui, nhưng cũng bắt anh đợi thêm một thời gian nữa cho chắc… Sau đó tôi rửa tội cho anh. Bây giờ anh và cả gia đình đã sang Mỹ và mỗi tháng anh vẫn gởi cho tôi một trăm đô-la và dặn ‘con gởi cho cha, cha muốn làm gì thì làm. Cha làm lễ, đọc kinh cầu nguyện cho con hay cha cho ai cũng được’.  

Cha linh hướng Ngô Đình Hòa có nhiều truyện đời rất sống động và đạo đức, nhưng Ngài luôn kể với lòng khiêm tốn và chân thành như thế đấy.  

Đúng là Sống Niềm Tin rồi Nói cho người khác về Niềm Tin mới dễ. Sống Đạo thực sự rồi Nói cho người khác về Đạo mới có hiệu năng. ‘Hữu xạ tự nhiên hương’ Đời hay Đạo vẫn đúng. 

Rồi Ngài cũng chỉ dùng lời dậy đã viết trong sách mà kết luận: Nếu chúng ta theo Chúa mà không nói hoặc không dám nói về Chúa thì ai nói đây. 

Nghe vậy, tôi  nhớ một cha xứ nọ cũng đã giảng cho giáo dân quê mùa vùng Cái Sắn quê mùa về nhiệm vụ giảng đạo vào nhứng thập niên 60 của thiên kỷ trước rằng: “Bây giờ cha nói bằng tiếng Latinh để anh chị em dễ hiểu và dễ nhớ rằng  Quod isti et istae, cur non nos? Si non nos, quis ergo? Si non nunc, quando ergo? Si non hic, ubi ergo? “(1) 

Lạy Chúa tôi, cha xứ nói hay quá, nhưng chẳng ai hiểu gì. 

Joseph Vũ 06/20/2008

  

(1)   Quod isti et istae, cur non nos?  = Anh nào, chị nào, tại sao không phải là chúng ta?

      Si non nos, quis ergo?  = Nếu không phải chúng ta thì là ai đây?

      Si non nunc, quando ergo?  = Nếu không phải bây giờ thì bao giờ?

      Si non hic, ubi ergo?  = Nếu không phải là ở đây thì ở đâu?

 

Tác giả: Joseph Vũ

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!