“Nhất lé nhì lùn.” Người Việt ta hay nói
vậy. Vì không phải là người Việt, nên không chắc Chúa Giêsu đã biết câu cảnh
báo này : Đừng chơi nhà thằng lé, đừng ghé nhà thằng lùn. Có lẽ Chúa
không biết câu ấy thật nên hôm nay Chúa không những đã ghé, mà còn ở lại ăn
cơm, nơi nhà một người rất lùn, tên là Giakêu. Ông lùn nhưng ông không thấp.
Lùn chưa chắc đã thấp. Bởi :
1.
Giakêu lùn nhưng có một quyết tâm cao.
Quyết tâm cao được thể hiện bằng cách :
-Leo
lên cây cao : Để gặp Chúa, người ta phải biết vượt cao hơn cái trần tục của
mình. Leo cao, bao giờ cũng đòi phải cố gắng. Ông leo cao để tìm Chúa. Và rồi
ông gặp được Chúa thật. Vì vừa ngay lúc ấy, Chúa đến nơi, và Người nhìn lên,
bốn mắt gặp nhau, Chúa đọc được cái khát vọng trong lòng ông Giakêu. Chúa
thương thiện chí của ông. Chúa cảm động trước cố gắng của ông. Và rồi Chúa gọi
ông xuống. Chúa chưa vào nhà ông, nhưng Chúa đã cho ông vào lòng Chúa rồi. Ông
vẫn còn ngồi trên cây, nhưng Chúa đã đưa ông vào trong trái tim Chúa rồi. Chưa
ai như Chúa, chủ nhà chưa mời mà Chúa đã tự mời mình vào nhà người ta.“Này
Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại trong nhà ông.”
Quyết tâm cao
khác của Giakêu, đó là :
-Quyết
mở hầu bao : Và khi gặp
Chúa rồi, ắt hẳn ông phải có một quyết tâm cực cao, ông mới mở nổi hầu bao cắt
đi những đồng tiền liền khúc ruột.
Khi Chúa Giê-su nói với ông rằng hôm nay
Ngài sẽ đến nhà ông, và khi ông đã khám phá ra rằng mình đã gặp được một người
bạn mới rất tuyệt diệu, lập tức ông có một quyết định. Ông đã quyết định đem nửa phần gia tài mình phân phát cho
người nghèo, và nửa phần còn lại ông
cũng không giữ riêng cho ông, song ông sẽ dùng để đền bù cho tất cả những gian
lận mà ông tự thú đã phạm.
Trong việc đền trả này ông lại còn đi xa
hơn điều luật pháp đòi hỏi.
-Chỉ khi nào trộm (cướp thì đúng hơn) là
một hành động bạo lực và dụng tâm gây
tàn hại, bấy giờ mới buộc phải đền gấp
bốn (x. Xh 22,1).
-Nếu chỉ là việc trộm cắp thường và
nguyên vật không thể hoàn trả, thì phải tính gấp đôi mà đền (x. Xh 22,4.7).
-Nếu bị can tự thú và tình nguyện hoàn
trả thì chỉ phải trả theo giá nguyên vật, cộng thêm một phần năm nữa thôi (x.
Ds 5,7).
Giakêu nhất định làm nhiều hơn điều luật
pháp đòi hỏi. Bằng hành động, ông tỏ ra đã được biến cải.
Giáo sĩ Boreham có kể một chuyện đáng ghi.
Trong một buổi họp kia, khi vài ba bà đứng lên làm chứng ơn phước đã được ban,
có một bà ngồi câm lặng buồn rầu. Người ta mời bà làm chứng thì bà từ chối. Khi
hỏi lý do, bà trả lời : "Trong số
những bà vừa đứng lên làm chứng đó có bốn bà nợ tiền tôi mà tôi và gia đình tôi
đang đói lắm vì không có tiền mua thức ăn." Lời chứng sẽ hoàn toàn vô
giá trị nếu không được bảo đảm bằng hành động thực tế xác nhận cho sự thành
thực của lời nói. Chúa Giê-su không đòi sự thay đổi trong lời nói, nhưng Ngài
đòi hỏi sự thay đổi trong đời sống.
Giakêu Lùn chưa chắc đã thấp, vì Giakêu
có quyết tâm cao
Và Giakêu Lùn chưa chắc đã thấp bởi lẽ
Giakêu vẫn cao vì không bị đè nặng.
2.
Giakêu lùn nhưng vẫn cao vì không bị đè nặng
Người ta nói tập tạ thì lùn, vì bị tạ đè
lên người. Nhưng vẫn có những người không tập tạ, mà vẫn lùn, không sao cao lên
được, vì bị đè bởi những gánh nặng : gánh nặng tội lỗi, gánh nặng tài sản.
-gánh nặng tội lỗi, đè bẹp con người làm
con người cứ đi trong tầng thấp không sao ngẩng cao lên được.
-gánh nặng tài sản, của cải: tưởng ở lầu
cao, ăn cao lương mĩ vị, nhưng mấy khi họ được thanh thản vươn cao, bởi lúc nào
cũng ưu tư lo lắng, làm sao giữ được tiền, làm sao cho tiền sinh lợi. Còn
Giakêu, của cải không đè bẹp ông làm ông thấp, bởi ông trở thành cao cả, vì ông
đã biết sống có tình người.
“Tôi xin lấy nửa gia tài của tôi mà cho
người nghèo.”
Rất lạ. Việc đầu tiên lại là nghĩ đến
người nghèo ? Phải chăng, dưới ánh sáng của Chúa, ông đã chợt nhận ra rằng :
suốt những tháng năm qua, ông đã là kẻ ích kỷ, đóng khung. Ông đã không hề biết
đến “tình người”. Sống mà không biết đến người khác, là tự huỷ cái tính đồng
loại của mình. Ông chỉ là một kẻ ích kỷ. Kẻ ích kỷ là kẻ cô đơn nhất trong cuộc
đời. Bởi không bao giờ, người ích kỷ có một chỗ đứng trong con tim người khác.
Bây giờ ông Giakêu muốn trở lại, hội
nhập lại với cộng đồng, ông muốn san sẻ, ông muốn mình thành kẻ hữu ích cho
cuộc đời.
“Và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì,
tôi xin đền gấp bốn.”
Trước đây, hẳn với nghề nghiệp thu thuế
của mình, nhiều lúc ông đã là kẻ gian tham, nhưng sao những lúc ấy, ông vẫn
thấy cứ tỉnh bơ. Giờ này gặp được Chúa, ông đã thấy những bất công ấy là tội
ác. Ông nghiệm ra rằng : Sự gian dối luôn là một gánh nặng, đè trĩu linh hồn
con người. Chỉ có sự công bằng, bác ái mới làm hồn con người thanh thản và bình
an, và bay cao.
Ông trở thành cao cả, bởi tâm hồn ông
bây giờ thênh thang, trắng trong, không
bận vướng, tựa Nguyễn Công Trứ : “nợ tang
bồng trăng trắng vỗ tay reo.” Chiều
cao thân xác Giakêu vẫn thấp, nhưng chiều cao linh hồn ông giờ đã ngất cao khi
ông chia của cải cho người thấp bé.
Bởi vậy, lùn chưa chắc đã thấp.
Chúng ta nếu không muốn lùn vì bị đè nặng bởi tội lỗi và của cải thì
hãy noi gương Giakêu rộng tay phân phát, nhất là cho đồng bào bị bão lụt miền Trung
mà chúng ta quyên góp hôm nay. Rộng tay làm phúc cũng được tha thứ tội khiên
nữa chứ không phải chơi. Thánh Phêrô
viết như vậy trong thư thứ nhất : "Anh em hãy hết tình yêu thương nhau,
vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi" (I Pr 4,8). Thực ra Phêrô
trích từ sách Châm Ngôn : "Ghen ghét sinh cãi vã, tình yêu khỏa lấp mọi
lỗi lầm" (Cn 10, 12). Mà không cần sách Châm Ngôn, hay Thư Phêrô,
chúng ta được chính Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay : Hôm nay nhà này
(Giakêu) được ơn cứu độ. Giakêu dùng của cải làm việc bác ái, vừa trút được
gánh nặng tội lỗi vừa không bị của cải đè đầu, nên Giakêu lùn mà vẫn cao. Hãy
noi gương Giakêu, là ta không bị đè nặng bởi tội, không bị đè bẹp bởi tiền, ta
hiên ngang vươn cao tới Chúa. Lùn chưa chắc đã thấp, nhưng như Giakêu lùn mà
vươn cao tới tận trời xanh, nơi có Chúa ngự trị. Amen
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
(lấy ý của Lm
Đaminh Thiêm, và Lm Hàm)