QUÀ TẶNG TIN MỪNG:
Chúa Nhật XXVI Thường Niên, năm C
Lm
Anphong Nguyễn Công Minh,
Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam.
Kính mời theo dõi video tại đây:
https://bit.ly/3LGSMgX
Dụ ngôn Lazarô và người phú hộ có thể
có một ý mà chúng ta không đồng ý, là tại sao Chúa không cho người chết hiện về
cảnh báo. Chúa Giêsu đặt vào miệng
Abraham câu trả lời cho lời van xin của người giàu như sau: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống
lại, họ cũng chẳng chịu tin."
Ta không đồng ý, là bởi vì người chết
hiện về nói, là hiệu quả chứ! Môsê và
các Ngôn Sứ thì xa xưa rồi, chắc họ nói cho ai chứ đâu phải cho mình, còn kẻ
chết hiện về, đích thị là nói cho mình, mình tin ngay. Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ. Nay đã thấy quan tài, mà là quan tài sống, tức người chết trong quan tài
hiện về nói, chắc phải đổ lệ thôi. Vì nó sờ tới gáy của mình.
Bằng chứng hiện nay, khi nghe tin
thấy Đức Mẹ khóc chỗ này, nhỏ lệ chỗ kia, ta ùn ùn kéo tới, vì xem đó như sứ
điệp đụng tới ta, sống trong những ngày này. Còn Mẹ hiện ra “năm xưa trên cây sồi” thì là năm xưa
rồi, lại còn “làng Fatima xa xôi,” đâu có đụng gì, chạm gì tới gáy của ta
đâu. Cho nên cũng là những lời kêu gọi hoán cải năm xưa 1917 của Mẹ Fatima, thì
ta không nghe, nhưng nếu nó là giọt lệ hôm nay 2022, ta bị chạm ngay.
Cũng vậy, Mosê thì xưa rồi, Ngôn Sứ
đã quá xa, ta quên hết, nhưng nếu kẻ chết, mới chết thôi hiện về, ta thấy gáy
ta lạnh ngay, thay đổi lối sống tức thì. Thay được bao lâu không
biết, nhưng chắc chắn là thay.
Nhưng tại sao Chúa không cho người chết hiện về cảnh
cáo? Chắc Ngài cũng có lý do mà ta thử
tìm. Dĩ nhiên dụ ngôn người phú hộ và Lazarô không có ý dạy ta về điều này.
Điểm chính vẫn là không được sống khép mình lại. Nhưng ta cứ thử tìm xem.
Giả như Chúa cho người chết hiện về.
Dụ ngôn giảm nhẹ mức độ, bằng cách chỉ xin cho Lazarô hiện về, chứ nếu muốn
hiệu quả, phải chính người phú hộ hiện về: với bộ quần áo rực lửa, thân hình
đen đủi đớn đau, mặt phỏng độ chín, thì chắc phải hiệu quả hơn nhiều. Có lẽ
người phú hộ đang mặc cả, nếu Chúa cho Lazarô về, ông sẽ nài thêm, “thôi để con về, con biết cách nói cho 5 anh em con
hoán cải.” Nhưng xin cho Lazarô về đã không
được, nên ông chẳng thể nài thêm.
1. Giả như Chúa cho người chết hiện
về, và như chúng ta vừa phân tích, thế nào 5 anh em kia cũng sẽ sợ mà hoán cải.
Chúng ta vừa nói chữ gì: “sợ.” Họ sợ hãi và hoán cải. Họ sợ vì họ thấy quan tài, nên phải đổ lệ, chứ nếu không phải Lazarô, và
nhất là không phải anh ruột của mình hiện về, chắc chắn họ cũng
chưa, cũng không hoán cải đâu, vì chưa lạnh gáy. Khi làm điều gì vì sợ,
thì không còn tự do, và vì thế cũng mất giá trị.
Một cô gái yêu chàng trai kia vì sợ, tình yêu đó đâu
có giá trị. Chúa chẳng muốn người ta yêu Chúa, chỉ vì sợ hãi. Chúa
chẳng muốn người ta tin Chúa, chỉ vì sợ hãi.
Trong một buổi diễn thuyết về tin có
Chúa, một cử toạ đứng lên mạnh mẽ tuyên bố: Bằng chứng rõ nhất 'không có Chúa' đó là không có một kẻ nào
tuyên bố không có Chúa, hoặc tệ hơn nữa, chửi rủa Chúa, mà bị Chúa cho sét đánh
chết cả.
Giả như ai nói: “Làm gì có Chúa,” là bị cứng lưỡi 5 phút (phạt cảnh cáo! phạt vi
cảnh!); còn ai dám cả gan chửi Chúa: Chúa đi chơi đâu rồi mà để tôi bị oan thế này! Hoặc, Chúa gì mà ác quá vậy, thất thiên thất đức
quá! liền bị Thiên Lôi đạp
ngã xuống đất... Thì kết quả ra sao? Rất nhiều người sẽ tin vào Chúa, sẽ tin có Chúa. Nhưng tin vì sợ chứ không
tin vì yêu. Chúa không muốn người ta tin Chúa, yêu Chúa, chỉ vì
sợ, chỉ vì không còn con đường nào khác. Chúa đã dựng nên con người có tự do,
thì Chúa cũng tôn trọng tự do của con người, kể cả tự do
không tin Chúa, tự do đi vào hoả ngục.
Vậy là ta tạm tìm lý do, tại sao Chúa
không cho kẻ chết hiện về cảnh cáo người sống, vì Chúa không muốn người
ta hoán cải chỉ vì sợ hãi.
2. Tuy nhiên, cũng có thể nương theo
lý luận của dụ ngôn, rằng kẻ chết có về, họ cũng chẳng sợ. Ta thử đưa một ví dụ:
Ai chẳng biết hút thuốc lá có hại cho
sức khoẻ. Hoặc mạnh hơn, ma tuý là kẻ giết người. Ấy vậy mà vẫn cứ lao vào. Nếu
bạn mình chết vì hút thuốc, chết vì nàng tiên nâu, thì mình sợ, bỏ vài bữa, hay
hơn nữa là bỏ nửa tháng, rồi có khi lại lăn bừa vào lại ngay. Cho nên làm vì sợ,
không vững bền; và trên bình diện Đạo, làm vì sợ, yêu vì sợ chẳng có giá trị
gì.
Dụ ngôn từ chối cho người chết trở về
cảnh báo, bằng cách đưa ra câu trả lời: "Chúng
đã có Môsê và các Ngôn Sứ, chúng cứ nghe lời các vị đó". Vâng, người
ta luôn luôn đòi một dấu chỉ khác thường. Ta hãy nghe Phúc Âm thuật: "Ông hãy làm cho chúng tôi một phép lạ để chúng
tôi tin"... "Ông hãy gieo mình
từ nóc đền thờ xuống đi." “Ông hãy xuống khỏi
thập giá, nếu ông là Con Thiên Chúa” Chúng tôi tin liền ! Một số Kitô hữu luôn luôn tiếp tục dựa vào những phép
lạ và những lần hiện ra. Người giầu xin cho Ladarô hiện về. Thế nhưng, sự sống lại của Ladarô
bằng xương bằng thịt, em trai của Mátta và Maria ở Bêtania không những không
thuyết phục được những người Pharisêu và các giáo trưởng, mà con thúc đẩy họ có
quyết định loại trừ Chúa Giêsu (x. Ga 11,45-53), và cả loại trừ Lazarô
nữa! (x. Ga 12, 10) Lazarô là người chết
sống lại đó, có ai sợ đâu.
Con đường chân chính duy nhất đến với đức tin không phải
là một phép lạ nhãn tiền, mà là sự khiêm nhường lắng nghe Lời Chúa (qua lời Môsê và các Ngôn Sứ).
Chúng ta sẽ hiểu sâu hơn với lời giải thích dụ ngôn
Lazarô và phú hộ của thánh Gioan Kim Khẩu qua lời van xin của thánh nhân: "Tôi xin anh em, quỳ xuống chân anh em mà nài xin, anh em hãy ăn năn,
hãy sám hối mà trở về với Chúa, hãy sống tốt lành hơn, trong khi chúng ta còn
hưởng được quãng thời gian vắn này, để chúng ta không phải than khóc cách vô
ích như người giàu kia khi chúng ta chết, và khi mà những tiếng khóc than chẳng
đem lại một an ủi nào. Vì ngay cả khi chúng ta có một người cha, người con, một
người bạn hay bất cứ một nhân vật nào đi nữa có thế giá bên cạnh Chúa, không ai
có thể giải cứu chúng ta khỏi những hành động của chúng ta, chính chúng ta kết
án chúng ta."
Có một danh ngôn khá hay: “Việc
lành làm suốt đời không đủ, việc dữ làm trong giây lát đã dư.” Đó là cách hay nhất
để chúng ta khỏi phải nài xin và nài xin vô ích cho ta hiện về cảnh báo anh em
ta.
Lm Anphong Nguyễn Công Minh, ofm –
Hẹn gặp lại