Tại Việt Nam, lễ Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam (24/11) được
dời vào Chúa nhật 33 Thường Niên (quyết định của HĐGM Việt Nam, khóa họp tháng
04/1991)
* Để nghe trên Youtube:
https://youtu.be/-zfv9hJQu1s
- Trang Chủ của kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu cầu nhận bài suy niệm hàng tuần qua
email, xin liên lạc trực tiếp với:
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Lễ các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (9,23-26)
Khi ấy, Ðức Giê-su nói với mọi
người rằng : "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình
hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều
mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả
thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai
xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi
Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần."
***
Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Vác thập giá hay Thánh
giá
Trong bài
giảng lễ đầu tiên của mình tại nhà nguyện Mácta trước khi
khai mào sứ vụ ngai tòa Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Khi chúng
ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và
khi chúng ta tuyên xưng Ðức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là
môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục,
Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”. Như vậy, gắn bó với thánh giá là dấu chỉ duy nhất để biết rằng chúng ta
thuộc về Chúa Kitô và là môn đệ của Người.
Khi được
rửa tội, chúng ta được mang danh Kitô hữu,
nhưng để trở thành Kitô hữu đích thực, luôn đòi chúng ta, nhiều hay ít, phải
làm những cuộc chọn lựa và từ bỏ, phải chấp nhận bị hiểu lầm, thậm chí bị bách
hại. Và như Chúa Giêsu đã nói trong bài Tin Mừng hôm nay, để theo Người, để trở
thành môn đệ của Người, chúng ta phải “từ bỏ chính mình”, “vác thập giá mình”,
liều “mất mạng sống mình”.
Thập giá, tự nó là hoàn toàn
vô nghĩa, vì nó được dùng để đóng đinh những kẻ tử tội, thậm chí nó là “một
điều ô nhục đối với người Do Thái, và là một sự điên rồ đối với dân ngoại” (xem 1 Cr
1,23). Nhưng Chúa Giêsu đã biến cây thập giá vô nghĩa đó thành cây Thánh giá
cứu chuộc nhân loại khi Người đã vác nó bằng tất cả tình yêu, và trên cây thập
giá đó Người trao hiến sự sống cho nhân loại.
Thập giá
được trồng ở mọi nẻo đường của cuộc sống. Chúng ta chắc chắn rằng, không ai có
thể tránh được thập giá. Thế nhưng, người Kitô hữu
được mời gọi hãy “vác thập giá”. Vác chứ không kéo lê, không tránh né, không
đẩy qua cho người khác. Chúng ta không vác thập giá với thái độ chịu đựng,
nhưng là đón nhận thập giá như cơ hội để chúng ta bày tỏ tình yêu của mình đối
với Thiên Chúa. Đó là khi chúng ta sẵn sàng chấp nhận những bất tiện của tuổi
tác, đón nhận những khó chịu gặp phải trong cuộc sống hằng ngày, hoặc nặng nề
hơn như bệnh tật, tang tóc, chia ly, và mọi đau khổ về thể xác hoặc tinh thần,...
Đó cũng có thể là những đòi hỏi hy sinh để sống tình bác ái huynh đệ, hoặc nỗ
lực để tiếp tục thực hành đức tin của mình trong một môi trường thờ ơ nguội
lạnh, hoặc trong hoàn cảnh không thuận lợi.
Hôm nay chúng
ta mừng 117 vị Thánh Tử Đạo trong số hơn 130.000 Kitô hữu đã tử đạo trên đất
nước Việt Nam. Tuy thuộc nhiều thành phần khác nhau là linh mục, giáo dân và cả
các nhà truyền giáo đến từ Pháp và Tây Ban Nha, nhưng các ngài đều là những
người đã vác thập giá mình theo Chúa Kitô đến cùng. Máu các ngài đổ ra để làm
chứng cho đức tin và tình yêu đối với Thiên Chúa đã làm cho cây thập giá trổ
sinh hoa trái là đức tin của Giáo hội Việt Nam, và của chính mỗi người chúng ta.
Chúng ta
không được phúc đổ máu tử đạo như các bậc tiền nhân, và thường thì chúng ta cũng
không có nhiều cơ hội thực hiện những việc lớn lao, những nghĩa cử anh hùng để
làm chứng cho đức tin. Tuy nhiên, lời mời gọi sống trung thành với những đòi
hỏi của Tin Mừng có thể làm chúng ta phải “tử đạo” mỗi ngày, vì nó đòi chúng ta
phải hy sinh, phải từ bỏ nhiều thứ. Và đó là cách để làm chứng cho đức tin và
tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã hoàn tất cuộc đời của
Người trên cây Thánh Giá. Và chúng ta cũng phải hoàn tất cuộc đời mình với cây
thánh giá của mình nếu muốn trở thành môn đệ của Chúa Kitô. Đó là con đường duy
nhất đưa đến sự phục sinh và sự sống vĩnh cữu.
Thập giá khi
được đón nhận và vác lấy với tình yêu nó sẽ trở thành cây Thánh giá có sức
thánh hóa và cứu độ. Vác thập giá và làm cho nó trở thành Thánh giá, hay kéo lê
cây thập giá như một bản án, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ và sự chọn
lựa của mỗi người chúng ta.
Mừng lễ các
Thánh Tử Đạo tại Việt Nam hôm nay, chúng ta hãy xin các ngài cầu bầu cho Giáo
Hội Việt Nam, cho mỗi người chúng ta biết yêu mến thập giá của mình, và can đảm
vác lấy thập giá mình mỗi ngày, để tất cả những hy sinh, những đau khổ chúng ta
mang lấy trong cuộc đời, đều được trổ sinh hoa trái đức tin sự sống cho chính
chúng ta, cho các thế hệ tiếp nối chúng ta trên quê hương Việt Nam thân yêu này.