* Để nghe trên Youtube:
https://youtu.be/zvT-hy4W7wQ
- Trang Chủ của
kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu
cầu nhận bài suy niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc trực tiếp với:
Lm. Giuse Vũ
Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Chúa nhật XXIX Mùa Thường Niên – Năm B
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (10,35-45)
Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê
đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban
cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy". Người hỏi: "Các con muốn
Thầy làm gì cho các con?" Các ông thưa: "Xin cho chúng con một người
ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy". Chúa
Giêsu bảo: "Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén
Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?" Các ông đáp:
"Thưa được". Chúa Giêsu bảo: "Chén Thầy uống, các con cũng sẽ
uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu
hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã
được chỉ định".
Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực
tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: "Các con
biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như
ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không
như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em.
Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi
người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và
ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người".
***
Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ
Thái Hòa
Phục vụ Chúa và tha nhân
Ðể hiểu rõ bài Tin Mừng hôm nay, chúng
ta phải tìm hiểu những gì đã xảy ra trước đó. Ðây là lần thứ ba Chúa Giêsu loan báo cho các môn
đệ cuộc Thương khó và Phục sinh của Người trên đường lên Giêrusalem (xem Mc 8,31-32; 9,31-32). Thánh
sử Máccô nói thêm rằng: “Các ông
kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi.” (Mc 10,32). Ngay sau đó, ông Giacôbê và ông Gioan đến gần
Chúa Giêsu để xin Người một đặc ân, đó là cho hai anh em, một người bên hữu,
một người bên tả Người, khi Người được vinh quang. Mặc dù Chúa Giêsu nhắc lại
cuộc Thương khó của Người, hai môn đệ này vẫn không hiểu gì cả! Nhưng không chỉ
có hai người này, mà cả mười môn đệ
khác cũng vậy, vì
“mười môn đệ kia đâm ra tức tối
với ông Giacôbê và Gioan”. Có nghĩa
là trong lòng họ cũng có cùng ước muốn như hai anh em nhà Dêbêđê. Chúa Giêsu
nói đến cuộc khổ nạn của Người, còn các môn đệ lại chỉ nghĩ đến danh dự, địa vị
và quyền hành!
Nhân dịp này, Chúa
Giêsu dạy cho các môn đệ một bài học về quyền bính. Người so sánh quyền hành
thống trị và áp bức của các nhà cầm quyền với quyền hành được thực hiện như một
sự phục vụ. Các môn đệ của Người phải thực thi quyền bính của mình bằng sự phục
vụ này. Một quyền hành cho những
người khác, chứ không phải quyền hành trên
người khác.
Tìm kiếm quyền bính
là một khuynh hướng tự nhiên và nó là động lực mạnh mẽ thúc đẩy con người luôn
tiến về phía trước. Ước muốn thống trị dưới hình thức thể xác, trí tuệ, chính
trị, tài chánh, v.v... vốn là bản chất của con người, không nhiều thì ít. Người
ta luôn cố gắng để có được địa vị cao hơn, hoặc cao nhất trong xã hội. Người ta
muốn được hạng nhất, dù phải đè bẹp và triệt hạ những người khác. Còn Chúa Giêsu,
Người đảo ngược hoàn toàn các bậc thang giá trị tự nhiên của con người: “Ai muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi
người.”
Người ta kể rằng,
một ngày kia, Ðức Hồng Y Roncailli, sau này là Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII, mới
đi xa về. Các giám mục ra tiếp đón ngài. Ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy mấy
cọng rơm trên vai áo ngài. Ai hỏi, ngài cũng cười xoà vui vẻ, nhưng các nhân
viên phụ tá trên xe đều hiểu chuyện. Số là trên đường về, khi đi qua những cánh
đồng, Ðức Hồng Y thấy một chiếc xe bò chở rơm sa xuống hố. Người đánh xe gắng
sức đẩy nhưng xe vẫn không nhúc nhích. Ðức Hồng Y cho xe dừng lại, xắn tay áo
và phụ đẩy xe lên. Vì Đức Hồng Y là người vạm vỡ nên chiếc xe được kéo lên
nhanh chóng. Sau này khi trở thành Giáo Hoàng Gioan XXIII, ngài vẫn tiếp tục
sống giản dị như thế. Lần khác, cả giáo triều Rôma báo động: Ðức Giáo Hoàng mất
tích! Nhân viên an ninh đổ xô đi tìm. Cuối cùng người ta gặp ngài đang chuyện
trò thân mật với các tù nhân trong khám đường Rôma. Ðây quả là một mẫu gương về
sự đơn sơ và phục vụ.
“Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng
là để phục vụ”, đó là điều mà Chúa Giêsu đã làm trong suốt cuộc đời của
Người. Thánh Phaolô viết: “Chúa
Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa... đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy
thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.” (Pl 2,6-7). Nếu mở bất cứ trang
nào trong các sách Tin Mừng, ta đều bắt gặp hình ảnh Chúa Giêsu tiếp xúc với
mọi tầng lớp trong xã hội, Người giúp đỡ những người cùng khổ, bị xã hội ruồng
rẫy. Người không ngại chạm đến họ và để họ chạm đến mình, dù đó là người phong
cùi hay tội lỗi, kẻ bị quỷ ám hay người đàng điếm, ngoại tình… Trước khi bước
vào cuộc Khổ nạn, Chúa Giêsu còn để lại cho chúng ta một gương phục vụ trong
khiêm nhường sâu thẳm, đó là Người cúi xuống rửa chân cho các một đệ (xem Ga
13,4-5), một việc làm mà ngay cả với người nô lệ, người ta cũng không đòi hỏi!
Hôm nay, Chúa Giêsu
mời gọi chúng ta bắt chước Người, nếu chúng ta muốn theo Người, đó là phục vụ
tha nhân. Chúng ta phục vụ bằng việc chia sẻ thời gian và khả năng của mình
trong tinh thần đơn sơ và khiêm tốn.
Chúa Giêsu cho
những người có trách nhiệm cộng đoàn Kitô hữu trong tương lai biết về quan niệm
của Người về quyền hành trong Giáo Hội. Uy thế
trong Nước Trời không phải là uy thế của các thủ lãnh mà là của người đầy tớ,
của người phục vụ. Khi nói về một công việc đặc thù nào đó trong Giáo Hội,
người ta dùng từ “thừa tác vụ”, dịch từ tiếng la-tinh “ministerium”, có nghĩa
là “chức vụ của người đầy tớ”. Như thế, các thừa tác viên trong Giáo Hội không
phải là “sếp” hoặc người lãnh đạo, nhưng là những người tôi tớ để phục vụ cho
các chi thể trong thân thể của Đức Kitô. Nếu chúng ta nghĩ, hoặc nhìn công việc của
thừa tác viên như một chức vụ đem lại cho mình danh dự hay sự hãnh diện, thì
chúng ta đang đi ngược lại với lời dạy của Chúa Giêsu. Vì chính các Ðức Giáo
Hoàng cũng tự xưng mình là “tôi tớ của các tôi tớ của Chúa”.
Chúng ta cầu nguyện
cho Giáo Hội, đặc biệt cho những người có trách nhiệm lãnh đạo trong Giáo Hội,
để qua gương sáng của sự phục vụ, Giáo Hội luôn làm chứng cho Chúa Kitô-Tôi Tớ,
biết hy sinh phục vụ mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ hèn mọn. Làm
tôi tớ cho anh chị em mình, đó chính là con đường vinh quang của người môn đệ
Chúa Kitô.