Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Mỗi ngày trên thế giới có hàng
ngàn người chết. Có những cái chết khiến chúng ta đau buồn vì đó là những người
thân, người chúng ta thương yêu. Có những cái chết tưởng chừng như không đụng
chạm gì đến chúng ta, bởi đó là những người chúng ta không quen biết, những người
không liên quan gì đến chúng ta. Nhưng cũng có những cái chết khiến lòng chúng
ta thắt lại, cho dù người qua đời không có liên hệ gì với chúng ta, như cái chết
của những nạn nhân thiên tai, thảm họa. Và con tim chúng ta biết bao lần phải thổn
thức khi chứng kiến cái chết của những em bé...
Thật khó chấp nhận trước những
cái chết như vậy phải không, khi mà các em còn rất nhỏ, rất đẹp, rất đơn sơ, hồn
nhiên, ngây thơ và hoàn toàn vô tội. Rồi bất giác chúng ta tự hỏi: tại sao ??? Chúng
ta cố gắng đi tìm nguyên nhân, chúng ta muốn có ai đó chịu trách nhiệm về cái
chết của những đứa trẻ vô tội này. Và, cho dù là tín hữu hay không, khi không tìm được câu trả lời, chúng ta thường
hướng cái nhìn về phía Thiên Chúa, về Thượng Đế, nếu không phải để trách móc,
thì ít nhất chúng ta cũng muốn Người đưa ra một câu trả lời.
Nhưng có phải Thiên Chúa muốn cái chết
của những em bé vô tội này không? Câu trả lời là: KHÔNG! Không, Thiên Chúa không
muốn cái chết của bất kỳ ai, đặc biệt là cái chết của trẻ em và người trẻ! Kinh thánh mặc khải cho
chúng ta biết rằng, Thiên Chúa là Đấng ban sự sống và muốn sự sống, muốn sự giải
thoát và hạnh phúc cho dân của Người. Cái chết không nằm trong kế hoạch sáng tạo của Thiên
Chúa. Sách Khôn Ngoan nói rõ như vậy: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng
vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1,13).
Thiên Chúa không phải là “tác giả” của
cái chết. Vì vậy cái chết của bất cứ ai, dù là nam hay nữ, hay một em nhỏ không
làm Chúa hài lòng chút nào! Thiên Chúa không dùng cái chết của một em bé để trừng
phạt hay thử thách gia đình và thân nhân của em, cũng không phải để cảnh cáo
hay đe dọa họ! Thiên Chúa mà chúng ta tin không độc ác, không vô nhân đạo như vậy!
Trước những cái chết trẻ, chúng ta thường nghe những lời an ủi như “Bông hoa đẹp
Chúa hái về sớm...”. Nhưng những kiểu nói như vậy đôi khi lại gây hiểu lầm và
có thể làm cho người ta bỏ Chúa, vì nghĩ rằng chính Chúa đã “hái” những người
thân của họ ra khỏi cuộc đời.
Vậy tại sao lại có cái chết? Tại sao có
những người chết khi còn rất trẻ, khi cuộc đời phía trước của họ còn đang rất đẹp
với rất nhiều ước mơ và dự án? Tại sao lại có cái chết của những đứa trẻ vừa mới
bắt đầu khám phá sự sống, vừa mới bắt đầu ngụp lặn trong tình yêu của cha mẹ và
gia đình?
Trước tiên, chúng ta phải tìm cách trả
lời những câu hỏi này không phải ở phía Thiên Chúa mà là ở phía chúng ta, ở phía
nhân loại của chúng ta, ở phía con người vốn được tạo nên từ sự mong manh và giới
hạn. Tất cả chúng ta ai rồi cũng sẽ chết. Cuộc sống của chúng ta đều đang hướng
tới cái chết. Có một cảm giác không thỏa, như thể một sự bất công khi chúng ta
chứng kiến cái chết của những người trẻ hay các trẻ em, khi họ dường như chưa kịp sống thì đã phải rời bỏ
cõi đời này. Nhưng chỉ có một lời giải thích cho sự ra đi quá sớm này của họ, đó là cái chết là một phần tất yếu của thân phận con người.
Vậy Thiên Chúa ở đâu và Người làm gì trước
cái chết của một người trẻ? Thiên Chúa không ngăn cản cái chết đến. Thiên Chúa
không giơ tay ngăn cản mọi việc đang diễn ra trên trái đất. Đó không phải là
vai trò của Người. Nhưng Chúa không ở xa. Chúa đang ở với đứa trẻ đã chết và bên
cạnh những người thân của em.
Kinh Thánh kể cho chúng ta rằng, Chúa
Giêsu đã khóc khi bạn của Người là Lagiarô qua đời. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa
và là chính Thiên Chúa đã khóc thương trước cái chết của bạn mình; Chúa khóc thương
cái chết của những người mà Người yêu thương. Thiên Chúa không ngăn cản cái chết
đến với con người, nhưng Người cũng không bỏ rơi con người trong cái chết. Người
ở bên cạnh để chia sẻ nỗi đau buồn của những người vừa mất đi người thân. Và
nơi cái chết của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã chia sẻ đến tận cùng thân phận phải
chết của con người.
Nhìn vào cái chết của Con Thiên Chúa, và
Người đã chết trẻ, có thể không làm tan biến nỗi buồn mất đi người thân của
chúng ta, nhưng ít ra nó đem lại cho chúng ta ánh sáng trước sự tối tăm của cái
chết. Vì Chúa Giêsu không bị chôn vùi trong cái chết. Người đã phục sinh.
Sự phục sinh của Chúa Kitô là nền tảng
đức tin Kitô giáo của chúng ta. Điều đó có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là cái
chết không phải là sự kết thúc của mọi sự, nó là con đường đưa tới cuộc sống
vĩnh cửu. Chúa Giêsu mời gọi
chúng ta đặt niềm tin và hy vọng vào Người, vì Người đã chiến thắng sự chết. Người
nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa có quyền trên sự chết; và Người sẽ hủy diệt sự chết trong ngày sau hết (xem 1 Cr 15,51-54).
Trong lễ an táng của trẻ em, chúng ta thấy Giáo Hội
không cầu nguyện cho các em nhưng cầu nguyện cho cha mẹ và gia đình của em đang
đau buồn trước cái chết của con họ, vì Giáo Hội tin rằng các em đã được ở với
Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Chúa thấy nỗi đau của những người thương tiếc cái chết
của con mình: xin hãy đến an ủi họ trong cơn thử
thách này. Bởi vì Chúa đã đưa em T. vào cuộc sống trên thiên đàng, là người đã
được tắm trong nước rửa tội, xin ban cho chúng con một ngày kia được hưởng, niềm vui bất tận với em…”*.
Ngay cả những trẻ em chưa được rửa tội, Giáo Hội phó thác các em cho lòng
thương xót Chúa và cũng chỉ cầu nguyện cho cha mẹ, bạn bè của các em mà thôi: “Lạy Chúa nhân từ và
thương xót, chúng con cầu xin Chúa cho cha mẹ và bạn bè của em T.. Giờ đây họ thương
tiếc em đã bị lấy đi khỏi họ: xin cho tình âu yếm của Chúa nâng đỡ và an ủi họ.”
*
Sự dữ - đau khổ - sự chết luôn đặt ra cho con người những
câu hỏi không có câu trả lời. Nhưng thay vì tìm câu trả lời bằng cách chất vấn
Thiên Chúa khi phải đối diện với đau khổ, sự dữ và cái chết, tại sao chúng ta, những
người tin vào Thiên Chúa, chúng ta không tìm câu trả lời bằng cách bước vào đau
khổ, sự dữ và cái chết mà Con Thiên Chúa đã trải qua, để thấu hiểu phần nào
tình yêu Người dành cho chúng ta. Thiên Chúa đã chiến thắng sự chết bằng sức mạnh
của tình yêu để nói cho chúng ta rằng, chỉ trong tình yêu chúng ta mới vượt qua
được đau khổ, sự dữ và cái chết
mà không cần có câu trả lời. Vì như người ta vẫn nói, tình yêu mạnh hơn sự chết.
Mọi sự sẽ qua đi, chỉ có tình yêu mới bất diệt (xem 1 Cr 13,8a)
và tồn tại trên nước Trời, nên ngay từ bây giờ, chúng ta hãy sống yêu thương
nhau.
________________________
(*) Dịch từ
Nghi thức Thánh lễ An táng của Ủy Ban Phụng Tự các quốc gia nói tiếng Pháp “Dans
l'espérance chrétienne –
Célébration pour les défunts”, Desclée Mame,
2008, n° 265 & 270.