* Để nghe trên Youtube:
https://youtu.be/TPG5XAkLdkM
- Trang Chủ của
kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu
cầu nhận bài suy niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc trực tiếp với:
Lm. Giuse
Vũ Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Chúa nhật X Mùa Thường Niên – Năm B
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (3,20-35)
Khi ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ trở về
nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được.
Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất
trí.
Còn các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì
lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và người dựa thế quỷ vương mà
trừ quỷ. Ðức Giêsu liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: "Xatan làm
sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia
rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì
không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của
được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.
"Tôi bảo thật các ông: mọi tội lỗi
và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được
tha cho con cái loài người. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào
được tha, mà còn mắc tội muôn đời". Ðó là vì họ đã nói: "Ông ấy bị
thần ô uế ám".
Mẹ và anh em Ðức Giêsu đến, đứng ở
ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ
nói với Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia
đang tìm Thầy!" Nhưng Người đáp lại: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?"
Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Ðây là mẹ tôi,
đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em
tôi, là mẹ tôi".
***
Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse
Vũ Thái Hòa
Tin và đón nhận ơn cứu
chuộc của Chúa
Trong bài Tin Mừng hôm nay, các kinh sư tấn
công Chúa Giêsu một cách mãnh liệt. Họ cho rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám! Bê-en-dê-bun được coi
là thủ lĩnh của
quỷ, là một trong những tên gọi
của Xatan. Những kinh sư này không phủ nhận
việc Chúa Giêsu thực hiện việc trừ quỷ - một việc khá phổ biến trong nước Do Thái thời đó
- nhưng họ cáo buộc Chúa Giêsu trừ quỷ bằng một sức mạnh siêu nhiên không đến
từ Thiên Chúa mà đến từ chính Xatan.
Để trả lời cho những người buộc tội mình, Chúa
Giêsu dùng hai dụ ngôn nhỏ và Người kết luận bằng một phán quyết về tội không thể tha thứ.
Trong dụ ngôn đầu tiên, Chúa Giêsu lấy
ví dụ về gia đình. Nếu nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy sẽ tan nát và bị hủy diệt. Lý
lẽ của Chúa Giêsu thật rõ ràng: nếu Xatan chống lại chính mình thì sẽ không tồn
tại được!
Còn trong dụ ngôn thứ hai, Chúa
Giêsu cho thấy Người có
quyền trên ma quỷ qua việc
trục xuất quỷ.
Ngược lại với những gì các kinh sư nghĩ là ma quỷ đang loại trừ nhau, Chúa
Giêsu mạc khải triều đại Thiên Chúa đang hiện diện, vì Người là Đấng Thiên Sai, đến để tiêu diệt triều đại của Xatan. Điều này đã
được thánh sử Marcô khẳng định trong đoạn Tin Mừng kể về một người bị thần ô uế
nhập. Khi vừa thấy Đức Giêsu, người này la lên rằng: “Ông Giêsu Nadarét,
chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?” (Mc 1,24). Như thế, Chúa Giêsu mới
thực sự là Đấng giải thoát con người khỏi
quyền lực ác thần bằng quyền năng của Thánh Thần Thiên Chúa. Cuộc tranh luận kết thúc với
lời cảnh báo nghiêm khắc của Chúa Giêsu dành cho những kẻ chống đối Người, đó là:
qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa tha thứ tất cả mọi tội lỗi của con người, dù là tội
nói phạm thượng (nghĩa là xúc phạm đến Thiên Chúa), nhưng tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì sẽ không được tha thứ.
Giáo Hội luôn dạy chúng ta rằng lòng thương
xót của Thiên Chúa là vô hạn và không có tội lỗi nào không được Thiên Chúa tha
thứ. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cảnh báo rằng, tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì
không thể tha thứ. Vậy tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội gì? Và tại sao tội
phạm đến Chúa Thánh Thần thì không thể tha thứ?
Trước khi chịu khổ
hình, Chúa Giêsu
đã nói với các Tông Đồ về
Chúa Thánh Thần như sau: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi,
Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy
đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội
lỗi, về sự công chính và về việc xét xử; về tội lỗi: vì chúng không tin vào
Thầy...” (Ga 16,7-9).
Đấng Bảo Trợ mà Chúa Giêsu nói đây chính là Chúa Thánh Thần. Người là Thần Chân
Lý, là Đấng được sai đến để dẫn chúng ta “tới sự thật toàn vẹn” (Ga
16,13), một sự thật mà chúng ta không thể hiểu thấu nếu không có sự trợ giúp
của Chúa Thánh Thần.
Trong thông điệp về Chúa Thánh Thần trong
đời sống của Giáo Hội và của thế giới “Dominum
et vivificantem” (thông điệp “Là
Chúa và là Đấng ban sự sống”)
được công bố vào tháng 5 năm 1986, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giải thích
rằng: “tội
phạm đến Chúa Thánh Thần không phải chỉ đơn thuần xúc phạm đến Người bằng lời
nói, mà do sự từ chối đón nhận ơn cứu chuộc mà Thiên Chúa ban cho con người qua
Chúa Thánh Thần hoạt động, qua quyền năng của Cây Thập Giá” (số 46).
Chúng ta đều biết lời tha tội của
linh mục trong bí tích hòa giải: “Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ
sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh
Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con ơn tha
thứ và bình an, vậy cha tha tội cho con nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa
Thánh Thần”. Nghĩa là chúng ta đã được tha
thứ mọi tội lỗi nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, nhưng ơn tha thứ đó chỉ được ban cho chúng ta nhờ Thánh Thần. Do đó, tội
phạm đến Chúa Thánh Thần chính là thái độ từ khước ơn tha thứ mà Thiên Chúa
muốn ban cho chúng ta, nó đồng nghĩa với việc chúng ta từ chối triệt để sự hoán
cải.
Đành rằng chúng ta là những con người yếu đuối, chúng ta dễ sa đi ngã lại
trong tội, chúng ta có thể phạm một tội nhiều lần, thậm chí cả đời, nhưng điều
quan trọng là sau mỗi lần phạm tội, chúng ta biết hoán cải, luôn cậy trông vào
lòng thương xót và đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Vì thế tội phạm đến Chúa
Thánh Thần không chỉ là việc ngoan cố ở lại trong sự ác, trong tội lỗi mà còn
là việc cho rằng Thiên Chúa không thể tha thứ cho tội lỗi của mình, và tự khép
mình lại trước tình yêu của Thiên Chúa. Đó không chỉ là việc từ chối tình yêu của Thiên Chúa, mà trên hết đó là
việc từ chối Thiên Chúa là Tình Yêu.
Bài Tin Mừng hôm nay một lần nữa nhắc cho chúng ta ý thức về vai trò
của Chúa Thánh Thần trong đời sống đức tin của mỗi chúng ta. Trong kinh Tin
Kính, Chúa Thánh Thần được tuyên xưng là “Đấng ban sự sống”, vì Người là
Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Vì thế, chỉ trong Thánh Thần, nghĩa là trong
tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta mới có sự sống. Xin Chúa cho chúng ta có một
tâm hồn khiêm nhường, luôn biết mở ra cho Thánh Thần, cho tình yêu của Người,
để chúng ta đón nhận được nguồn sống dồi dào nơi Chúa. Và xin Chúa đừng bao
giờ để cho sự kiêu ngạo, sự cứng lòng của chúng ta đối với tình yêu của Người
khiến chúng ta đánh mất nguồn cứu rỗi duy nhất của chúng ta là chính Chúa. Amen.