* Để nghe trên Youtube:
https://youtu.be/0w6XwMAkVAw
- Trang Chủ của kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu
cầu nhận bài suy niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc trực tiếp với:
Lm.
Giuse Vũ Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô – Năm B
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (14,12-16.22-26)
Ngày
thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua,
các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: "Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn
Lễ Vượt Qua tại đâu?" Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: "Các
con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó.
Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng
tôi hỏi: 'Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?' Và chủ nhà sẽ
chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho
chúng ta ở đó". Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và
hai ông dọn Lễ Vượt Qua.
Ðang
khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các
ông mà phán: "Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta". Rồi Người cầm lấy
chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông:
"Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con:
Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong
nước Thiên Chúa". Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu.
***
Bài
chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse
Vũ Thái Hòa
Bí tích Thánh Thể: mầu
nhiệm đức tin
Palestine
là một vùng có nhiều người theo Hồi giáo sinh sống. Người ta kể rằng một ngày
nọ, một thầy cả (imam) của một cộng đoàn Hồi giáo mời một linh mục Công giáo
đến để tranh luận công khai về bí tích Thánh Thể trước mặt các tín hữu của cả
hai bên.
Thầy cả Hồi
giáo hỏi vị linh mục Công giáo:
- Làm thế
nào một mẩu bánh nhỏ có thể trở thành Chúa Kitô được?
Vị linh mục
trả lời:
- Tại sao
không! Tôi muốn chứng minh cho ngài điều đó bằng một ví dụ đơn giản. Qua việc
ăn bánh, ngài có thể biến nó thành máu và thịt của ngài, đúng không? Vậy tại
sao Chúa Kitô không thể biến miếng bánh này thành thịt của mình được?
Thầy
cả Hồi giáo tiếp tục:
- Tại sao
Chúa Kitô, Đấng quyền năng, vĩ đại lại có thể ở trong tấm bánh nhỏ này?
Vị linh mục
trả lời:
- Ngài
thường nhìn lên bầu trời, nhìn những ngọn núi và sa mạc. Bầu trời vô tận, những
ngọn núi hùng vĩ, những sa mạc mênh mông, nhưng đôi mắt bé nhỏ của ngài có thể
chứa đựng tất cả những điều đó. Nếu ngài có thể làm được điều đó, tại sao Thiên
Chúa không thể làm cho mẩu bánh nhỏ chứa đựng Chúa Kitô được?
Thầy cả Hồi
giáo vẫn cố cãi:
- Làm thế
nào để cử hành nhiều Thánh lễ cùng một lúc và ở khắp nơi trên thế giới, và
trong mỗi Thánh lễ đều có Mình và Máu Chúa Kitô được?
Vị linh mục
trả lời:
- Đối với
Thiên Chúa, không gì là không thể.
Để chứng
minh câu trả lời của mình, vị linh mục ném một chiếc gương xuống sàn. Gương bị
vỡ thành nhiều mảnh nhỏ. Sau đó, vị linh mục nói với Thầy cả Hồi giáo đang còn
ngạc nhiên:
- Trước đó,
ngài đã nhìn mình trong chiếc gương lớn. Bây giờ ngài vẫn có thể soi mình trong
mỗi chiếc gương nhỏ. Vậy tại sao Thiên Chúa không thể hiện diện ở mọi nơi và
cùng một lúc được?
Thầy cả Hồi
giáo im lặng, không hỏi gì nữa.
*
Cuộc tranh
luận này giúp chúng ta hiểu được phần nào mầu nhiệm Mình và Máu Chúa Kitô mà
Giáo Hội cử hành hằng ngày trong bí tích Thánh Thể.
Trong Thánh
lễ, khi linh mục lặp lại lời của Chúa Giêsu: “Đây là mình Thầy, đây là máu
Thầy”, thì bánh không còn là bánh, rượu không còn là rượu, mà là Mình và
Máu Chúa Giêsu. Đó là một mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của con người. Đây
là lý do tại sao, sau khi truyền phép, linh mục xướng: “Đây là mầu nhiệm đức
tin!”
Là mầu
nhiệm đức tin, chúng ta không thể hiểu được bằng những lý lẽ và hiểu
biết của trí khôn con người. Chỉ nhờ đức tin chúng ta mới có thể “thấy” được
Chúa Giêsu hiện diện đích thực trong hình bánh và rượu. Nếu không có đức tin,
chúng ta cũng sẽ đặt ra bao nhiêu câu hỏi giống như thầy cả Hồi giáo và những
người không tin khác để thỏa mãn sự tò mò của lý trí chúng ta.
Tuy lý trí
không thể giải thích, chúng ta vẫn có thể hiểu rằng Bí tích
Thánh Thể là mầu nhiệm tình yêu. Khi yêu ai, chúng ta muốn luôn được ở
với người đó. Chúa Giêsu vì yêu nhân loại, Người muốn ở lại với con người nên
đã lập bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng ta. Đó là sáng kiến của tình yêu,
để rồi bí tích Thánh Thể trở thành nơi gặp gỡ tình yêu giữa Thiên Chúa và con
người, và giữa con người với nhau.
Là mầu nhiệm tình yêu, nên bí
tích Thánh Thể cũng là mầu nhiệm chia sẻ, vì tình yêu là trao ban, là sẵn sàng cho đi đến cả mạng sống. Tấm
bánh mà Chúa Giêsu cầm lấy, bẻ ra chia cho các môn đệ, và chén rượu mà Người
trao cho họ là chính Thịt và Máu của Người, nghĩa là chính mạng sống Người, để
họ ăn và uống trong tình huynh đệ. Khi truyền cho các môn đệ “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”,
thì Chúa Giêsu muốn các ông hiểu rằng, chỉ trong yêu thương và chia sẻ, họ mới
làm cho Người hiện diện đích thực. Vì thế, chúng ta không thể cử hành Bí tích
Thánh Thể thực sự nếu chúng ta không biết sống yêu thương và sẻ chia, nếu chúng
ta không biết quan tâm đến anh chị em xung quanh mình mà chỉ sống ích kỷ và vô
tâm. Chúng ta không giàu về vật chất thì chúng ta vẫn có nhiều thứ khác để chia
sẻ: thời gian, sức khỏe, tài năng, niềm vui, một con tim biết thấu cảm....
Chẳng ai quá nghèo để không có gì để cho, và cũng không ai quá giàu để không
cần sự giúp đỡ. Bí tích Thánh Thể mời gọi chúng ta chia sẻ cho anh chị em tất
cả những gì mình có, như Chúa đã trao ban tất cả cho chúng ta, kể cả mạng sống
của Người.
Chúa Kitô
nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời.” (Ga 6,54). Chúng
ta thực sự diễm phúc vì được Chúa nuôi dưỡng bằng chính Thịt và Máu
Người. Thánh Thể là thần lương cho cuộc lữ hành trần thế của mỗi chúng ta; là
nguồn sức mạnh giúp chúng ta vượt qua những khó khăn thử thách và đau khổ trong
cuộc sống; và là nguồn lực thúc đẩy chúng ta ra khỏi chính mình để gặp gỡ anh
chị em trong tình bác ái và liên đới. Vì nơi bí tích Thánh thể, chúng ta được
hợp nhất nên một thân thể trong Chúa Kitô.
Tạ ơn Chúa
đã lập bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng ta, dù chúng ta thật bất xứng. Ước
mong mỗi lần tham dự thánh lễ và rước lễ, chúng ta ý thức được tình yêu lớn lao
Chúa dành cho chúng ta. Bởi chỉ khi kinh nghiệm mình được Chúa yêu thương vô
điều kiện, chúng ta mới có khả năng yêu thương tha nhân như Chúa đã yêu chúng
ta.