* Để nghe trên Youtube:
https://youtu.be/9MOq07O_CZw
- Trang Chủ của kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu cầu nhận bài suy
niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc trực tiếp với:
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Một sự khác biệt trong
lịch Phụng vụ Công giáo
về Lễ Chúa Thăng Thiên
và Chúa nhật VII Phục Sinh
1/ Tại đa số các quốc
gia, lễ Chúa Thăng Thiên được cử hành vào thứ năm sau Chúa nhật VI Phục Sinh
(tức là đúng 40 ngày sau lễ Phục Sinh, như theo sách Công Vụ Tông Đồ 1,3) (09/05/2024); Chúa nhật VII Phục Sinh được cử hành 3 ngày sau đó
(12/05/2024).
2/
Tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, vì lý do mục vụ, lễ Chúa Thăng Thiên
được dời vào Chúa nhật VII Phục Sinh (12/05/2024),
nên được gọi là Chúa nhật Chúa Thăng Thiên, và như thế, không có phụng vụ Chúa
nhật VII Phục Sinh.
Lễ Chúa Thăng Thiên – Năm B
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (16,15-20)
Khi
ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: "Các con hãy đi khắp
thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ
được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo
những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, họ
đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh".
Vậy
sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa.
Phần
các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông,
và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.
***
Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
“Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy”
Hôm nay Giáo hội mừng kính trọng thể
lễ Chúa Giêsu lên trời. Qua những hình ảnh trong các bài đọc, lễ Thăng Thiên diễn tả việc Chúa Kitô Phục Sinh rời khỏi thế gian để trở
về với Cha của Người trên trời (bài đọc I và Tin Mừng). Vào thời Chúa Giêsu, để diễn tả sự vĩ đại và vinh quang của Thiên Chúa, là những gì con người không thể đạt tới được, người Do-thái dùng
hình ảnh của chiều cao: Chúa ở trên cao, ở trên trời. Thiên Chúa thường được gọi là Ðấng Tối
Cao (Lc 1,76; Cv 16,17). Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện: “Lạy Cha
chúng con ở trên trời”. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta cũng
tuyên xưng: “Người lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha”.
Ðiều quan trọng đối
với các Kitô hữu tiên khởi cũng như đối với chúng ta hôm nay, không phải là việc
biết được Chúa Giêsu lên trời như thế nào, nhưng là tìm hiểu ý nghĩa của việc
Người rời khỏi thế gian để về trời.
Sau khi hoàn tất sứ
mạng ở trần gian, Chúa Giêsu trở về với Chúa Cha. Từ nay, Chúa Kitô Phục Sinh vắng mặt về
thể lý, không ai có thể thấy hoặc nghe tiếng Người nữa. Tuy nhiên, Người luôn
hiện diện với Giáo Hội, với mỗi người chúng ta như Người đã hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận
thế” (Mt 28,20). Sự hiện diện vô hình của Người, chúng ta chỉ có thể thấy bằng con mắt đức tin.
Lễ Thăng Thiên kết thúc công cuộc truyền
giáo của Đức Giêsu thành Nagiaret, và khởi đầu
thời gian của Giáo Hội. Dĩ nhiên, dù là giai đoạn mới nhưng vẫn luôn là giai
đoạn của Chúa Kitô, vì tất cả đều hướng về Người, cũng như Người là đích điểm
của mọi hoạt động tông đồ. Nhưng gọi là thời kỳ của Giáo Hội và các môn đệ, vì
từ đây, Giáo Hội, qua đại diện các môn đệ đầu tiên, đã ra đi rao giảng và làm
chứng cho Chúa Giêsu Kitô và cho Tin Mừng: “Anh
em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari,
và cho đến tận cùng trái đất” (Cv
1,8). Ðó là ý nghĩa mọi hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. Trước khi
lên trời, Chúa Giêsu giao phó cho tất cả các môn đệ, tức là tất cả mọi Kitô hữu
trên toàn cầu, sứ mạng tiếp tục công trình của Người cho đến ngày tận thế.
Có một câu chuyện có thật và rất cảm động về
nhà soạn nhạc vĩ đại người Ý Giacomo Puccini (1858-1924). Ông đã viết nhiều vở
nhạc kịch lừng danh. Năm 1922, lúc ông 64 tuổi thì mắc bệnh ung thư. Dầu vậy, ông vẫn quyết định hoàn
thành vở nhạc kịch cuối cùng của mình, tức vở Turandot mà hiện nay nhiều người
xem như vở nhạc kịch hay nhất của ông. Ông miệt mài làm việc ngày đêm. Nhiều
người ép ông nghỉ ngơi, vì họ nghĩ ông không thể nào hoàn tất nổi vở nhạc kịch
ấy. Khi thấy căn bệnh ngày càng nặng hơn, Puccini nói với các đệ tử: “Nếu ta
không hoàn tất được vở Turandot thì các trò hãy cố gắng hoàn tất nó cho ta.”
Vào năm 1924, Puccini được các học trò đem đến Bruxelles để
giải phẫu, nhưng sau cuộc giải phẫu đó hai ngày thì ông qua đời. Trở về nước Ý,
các đệ tử của Puccini nghiên cứu kỹ lưỡng vở Turandot và tiếp tục viết cho đến
lúc hoàn thành trọn vở nhạc kịch đó.
Hai năm sau, vở nhạc kịch được trình
diễn lần đầu tiên tại nhà hát lớn La Scala thuộc thành phố Milan, do người học trò ưu tú của Puccini là Arturo
Toscanini điều khiển. Mọi sự đều trôi chảy tốt đẹp cho đến khúc nhạc mà
Puccini buộc phải ngừng bút. Nước
mắt ràn rụa trên khuôn mặt Toscanini. Anh cho giàn nhạc dừng bản nhạc kịch lại,
đặt cây gậy điều khiển xuống rồi quay về khán thính giả và nói lớn: “Sư phụ
chúng tôi đã viết được đến đây, rồi người qua đời.”
Lúc đó toàn thể nhà hát đều im bặt, không
một tiếng động.
Sau vài phút, Toscanini cúi xuống cầm gậy điều khiển lên, quay về cử tọa mỉm
cười qua dòng lệ rồi thốt lên: “Nhưng các đệ tử đã hoàn tất công việc của người”. Vở Turandot vừa dứt thì toàn
thể khán thính giả vỗ tay ầm ầm như sấm vang. Những người có mặt ở đó không thể nào quên được giây
phút ấy.
Câu chuyện sáng tác vở nhạc kịch
Turandot của Puccini có nét gì đó giống
với công việc truyền giáo của Giáo Hội chúng ta. Trước khi Thầy Giêsu hoàn tất công trình lập Nước Thiên Chúa trên trần
gian, thì Người lên trời. Nhưng trước đó, Người đã truyền cho các môn đệ tiếp tục và hoàn
tất việc ấy, cũng như Puccini đã yêu cầu các đệ tử hoàn tất vở nhạc kịch
Turandot của ông vậy.
Công việc của
Puccini được một vài đệ tử hoàn tất trong vòng ít năm, còn công việc của Chúa
Giêsu cần đến mọi thế hệ mới
có thể hoàn tất được; và đó không phải chỉ là việc của vài môn đệ, mà là tất cả
các môn đệ thuộc mọi thời đại.
“Môn đệ” ở đây
không được hiểu là chỉ dành riêng cho các linh mục và tu sĩ, mà là tất cả mọi Kitô
hữu. Vì thế, mỗi chúng ta đều có bổn phận cộng tác vào việc xây dựng và mở mang
Nước Chúa. Chúng ta phải làm sao để việc rao giảng Tin Mừng trở thành nỗi thao
thức liên lỉ, khiến chúng ta phải thốt lên như Thánh Tông đồ Phaolô: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin
Mừng” (1 Co 9,16). Chúng ta có thể rao giảng Tin Mừng ngay trong gia đình,
trong khu phố, trong cộng đoàn chúng ta, và bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện
bằng đời sống chứng tá của mình. Mỗi
người phải trở thành sứ giả Tin
Mừng, là thợ xây dựng hòa bình và là người gieo niềm vui và hy vọng của Thiên
Chúa cho thế giới này.
Ngày xưa, nhờ sự cộng tác của một cậu bé khi
sẵn sàng trao cho Chúa Giêsu năm chiếc bánh và hai con
cá, mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho hơn năm ngàn người ăn no nê, thì bây giờ
Chúa cũng muốn và cần đến sự cộng tác, tuy nhỏ bé và hạn chế, của mỗi người
chúng ta hầu hoàn thành những công trình của Người.