* Để nghe trên Youtube:
https://youtu.be/r793-lIvOYg
- Trang Chủ của kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu
cầu nhận bài suy niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc trực tiếp với:
Lm.
Giuse Vũ Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Chúa nhật Phục Sinh – Năm B
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (20,1-9)
Ngày
đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng
đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia
được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác
Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu".
Phêrô
và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn
Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng
ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và
thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này
không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia
mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa
hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
***
Bài
chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse
Vũ Thái Hòa
Chúa Kitô đã sống lại, Allêluia!
“Nếu chúng ta đã cùng chết với Chúa Kitô, chúng ta
cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6,8 -
bài đọc trong lễ Canh Thức Vượt Qua). Lời khẳng định này của thánh Phaolô nói lên tất cả niềm hy vọng của chúng ta về sự phục sinh. Vì nếu chúng ta coi sự phục sinh của Chúa Giêsu chỉ là một
sự kiện đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn
năm, của một người mang tên Giêsu và không liên quan gì đến chúng ta,
chắc hẳn chúng ta đã không đến nhà thờ tham dự lễ Canh Thức Vượt Qua vào đêm Vọng
Phục Sinh!
Niềm tin vào sự phục sinh của Chúa
Kitô đem lại ý nghĩa cho toàn bộ cuộc sống của chúng ta: tình yêu, tình bạn, gia đình, việc làm,
của cải, những dự án cho tương lai, và nhất là niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa... Tất cả những điều này sẽ chẳng có
ý nghĩa gì nếu Chúa Kitô đã không sống lại. Hay nói khác
hơn, nếu không có niềm tin vào sự Phục Sinh và đời sống vĩnh cữu, thì cuộc đời
của chúng ta chỉ là một sự phi lý. Chúng ta sẽ cảm thấy thế nào khi tất cả những gì chúng ta tìm kiếm, xây
dựng và tích lũy nơi trần gian này, rồi sẽ tan thành mây khói một khi chúng ta
chết đi và chẳng mang theo được gì cả. Quả là một sự phi lý phải không? Có lẽ
ai trong chúng ta, ít là một lần trong đời, cũng đã từng đặt câu hỏi về ý nghĩa
cuộc đời, nhất là khi đối diện trước cái chết của một người thân.
Điều đó nghĩa là
gì? Điều đó có nghĩa là đời sống của
chúng ta có ý nghĩa và có giá trị vì nó không kết thúc ở cái chết nhưng nó là thời gian, là bước chuẩn
bị cho đời sống vĩnh cửu. Cái chết chỉ như một đường hầm tất yếu mà chúng ta phải băng qua để đi vào
cõi sống đích thực. Đối với người Kitô hữu, sự chết của con người là một sự
nghỉ ngơi trong Chúa để chờ ngày sống lại. Vì vậy, trong mỗi thánh lễ, trong Kinh nguyện
Thánh Thể, linh mục cầu nguyện thay cho cộng đoàn: “Xin Chúa cũng nhớ đến
anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại”.
Chúng ta luôn cố
gắng nắm bắt và tìm hiểu xem điều gì xảy ra với chúng ta sau khi chết. Nhưng đó
là điều bất khả với tâm trí con người. Cũng như một bào thai khi còn trong bụng
mẹ thì không thể tưởng tượng được thế nào là cuộc sống, là hạnh phúc của con
người. Chúng ta cũng vậy, không thể hình dung được cuộc sống sau khi chết là
như thế nào. Tuy nhiên, nhờ Lời Chúa, chúng ta có thể đặt mình trong viễn cảnh
này: sau cái chết là một sự tái sinh đưa chúng ta vào một đời sống mới, một đời
sống không có đau khổ vì chúng ta được chia sẻ hạnh phúc và vinh quang bất diệt
của Thiên Chúa.
Một cuộc sống
mới sau cái chết sẽ soi sáng chúng ta trong tình yêu của Chúa. Một bào thai
không thể hình dung được tất cả tình yêu của cha mẹ dành cho nó, cho đến khi nó
chào đời và được cha mẹ bồng ẵm trên tay. Chúng ta cũng vậy, không thể hình
dung được tất cả tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, cho đến khi chúng
ta được gặp Người diện đối diện, Đấng sẽ chào đón chúng ta vào một ngày nào đó,
và Ngài sẽ nói với chúng ta như đã nói với Đức Giêsu, Con Một Ngài: “Con là con yêu dấu của Cha, hôm nay Cha đã sinh ra con” (Lc 3,22).
Chúa Giêsu đã nói: “Thầy
là con đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14,6). “Con đường Giêsu”
là con đường dẫn đến sự sống mới này. Người đã trải qua cái chết và đã phục sinh
để mở đường dẫn chúng ta bước vào đời sống mới. Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, nơi
Chúa Giêsu đã trở thành Đấng “Cực Thấp” để nâng chúng ta lên, để phục sinh
chúng ta bằng bàn tay quyền năng của Người.
Nếu chúng ta tham dự thánh lễ
Phục Sinh hôm nay, là vì chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã sống lại, và chúng ta có quyền đặt niềm tin và hy vọng sẽ được
sống lại như Người. Vì như lời thánh Phaolô: “Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lòng
tin của anh em thật hão huyền” (1 Cr
15,17). Dù cho chúng ta không biết gì về đời sống sau khi chết, dù cho cuộc
sống của chúng ta vẫn còn đầy dẫy những đau khổ và nước mắt,... nhưng niềm tin
và hy vọng vào sự phục sinh cho chúng ta sức mạnh vươn lên và tiến về phía
trước. Chính khi chúng ta nỗ lực sống yêu thương và tha thứ, công bình và bác
ái, chính khi chúng ta biết đứng lên sau những yếu đuối vấp ngã, chính khi
chúng ta tiếp tục gieo hy vọng trên những khốn cùng, đó là lúc chúng ta đang tiến về đời sống mới, đời sống
vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã hứa với chúng ta.
Chúa Kitô đã
sống lại! Allêluia!
Vâng, Người đã
sống lại thật! Allêluia!