* Để nghe trên Youtube:
https://youtu.be/v0b-hSMDjFg
- Trang Chủ của kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu
cầu nhận bài suy niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc trực tiếp với:
Lm.
Giuse Vũ Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Chúa nhật V Mùa Chay – Năm B
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (12,20-33)
Khi
ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê
quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: "Thưa ngài, chúng tôi muốn
gặp Ðức Giêsu". Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa
Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: "Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật,
quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi,
thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt.
Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ
được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ
phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh
hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng
chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh
Cha". Lúc đó có tiếng từ trời phán: "Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn
làm vinh danh Ta nữa". Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm.
Kẻ khác lại rằng: "Một thiên thần nói với Ngài". Chúa Giêsu đáp:
"Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là
lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào
Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta". Người nói
thế để chỉ Người phải chết cách nào.
***
Bài
chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse
Vũ Thái Hòa
Chết để được sống
Truyện kể rằng vào một mùa xuân nọ, có hai hạt giống được gieo trên cùng
một mảnh đất màu mỡ. Hạt giống đầu tiên tự nhủ: “Tôi muốn nảy mầm, đâm rễ vào
lòng đất và xuyên thủng lớp đất cứng. Tôi muốn hé chồi để báo hiệu mùa xuân đã
đến. Tôi muốn cảm nhận sự trong lành của buổi sáng và sự ấm áp của mặt trời”. Và hạt giống đạt được mục đích của mình khi mọc lên
tươi tốt.
Còn hạt giống thứ hai lại tự nhủ: “Tôi
sợ! Nếu cắm rễ vào lòng đất, không biết tôi sẽ gặp phải điều gì ở phần tối tăm
này. Nếu tôi băng qua lớp đất cứng, những mầm non mỏng manh của tôi có thể bị
thương. Làm sao tôi có thể hé những chồi duyên dáng nếu một con sâu đang rình
rập để nuốt chửng chúng? Và khi tôi nở hoa, một đứa trẻ có thể hái đi. Không,
tốt hơn hết là tôi nên đợi thời điểm an toàn hơn”. Và hạt giống tiếp tục chờ đợi. Rồi một ngày nọ, một chị gà mái đi tìm thức ăn đã tìm
thấy hạt giống này. Ngay lập tức, chị mổ và nuốt chửng hạt
giống.
Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dùng những hình
ảnh hết sức dung dị đời thường để mặc khải cho chúng ta những mầu nhiệm về Nước Thiên Chúa và
về chính Người. Hôm nay, Người đưa cho chúng ta một hình ảnh rất dễ hiểu: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Câu chuyện hai
hạt giống kể trên là một minh họa sống động cho lời nói này của Chúa Giêsu. Hạt
giống nào dám ra khỏi vỏ bọc an toàn, chấp nhận chịu phân hủy trong lòng đất
thì mầm sống mới nảy sinh và phát triển thành cây được. Nhưng ở đây, có lẽ Chúa
Giêsu không muốn dừng lại chỉ ở quy luật tự nhiên, Người muốn mời gọi chúng ta
đi vào chiều kích đời sống tâm linh, mà mỗi chúng ta là một “hạt giống” được
Thiên Chúa gieo vào giữa lòng đời.
Qua hình ảnh “hạt lúa phải chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta phải “chết đi” để đời sống đức tin, đời
sống tâm linh của chúng ta được trổ sinh hoa trái. “Chết” trong đời sống
tâm linh là chết cho tội lỗi, là tránh xa tất cả những gì làm chúng ta xa
rời Thiên Chúa. Nó có thể là những đồ vật mà chúng ta quyến luyến, một nơi chốn
mà ở đó chúng ta dễ sa ngã và phạm tội, và thậm chí có những tương quan, những
con người có thể làm chúng ta lạc lối trên đường theo Chúa. Chúng ta có dám từ
bỏ tất cả những cản trở đó, có dám “chết đi” để Chúa được lớn lên trong tâm hồn
chúng ta hay không?
Chết cho chính
mình, cũng là chết cho những ý muốn riêng của mình để thi hành thánh ý Thiên Chúa. Không gì
khó cho bằng từ bỏ ý riêng, vì nó làm nên cái tôi của mỗi chúng ta. Chúa Giêsu,
trong vườn Giếtsêmani đã
cảm thấy sợ hãi tột độ khi nghĩ đến cái chết, và ý riêng của Người là từ chối
nó. Nhưng
Người đã chiến đấu chống lại ý riêng của mình để làm theo ý Chúa Cha: “Abba,
Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén này. Nhưng
xin đừng theo ý con, mà xin theo ý cha” (Mc 14,36).
Khi giảng dạy những bài học về cuộc sống và về tình
yêu, Chúa Giêsu không giảng dạy
bằng lời nói suông, nhưng bằng chính cuộc sống của mình: khi dạy các môn đệ sống
phục vụ, Người đã cúi xuống rửa chân cho các ông; khi dạy mọi người phải yêu kẻ
thù, Người đã tha thứ cho những kẻ tố cáo, lên án, tra tấn và đóng đinh
Người. Và khi tự trao hiến chính mạng sống của mình trên thập giá,
Người cho biết rằng, Người chính là hạt lúa chấp nhận chịu thối đi, chịu chết đi
để làm mọc lên cây sự sống cho nhân loại. Chính nhờ cái chết và sự phục sinh
của Người mà nhân loại tìm lại được sự sống vĩnh cửu.
Chết đi cho con
người cũ, con người tội lỗi, chết đi cho những ý riêng của chúng ta... chưa bao
giờ là một sự dễ dàng. Nó đòi hỏi chúng ta một sự nỗ lực từ bỏ không ngừng. Tuy
nhiên đó là con đường duy nhất đưa đến sự sống, vì “ai yêu sự sống mình thì sẽ mất”. Chúa Giêsu đã đi đến cùng của con
đường tự hủy này, và Người mời gọi chúng ta “ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở
đó”. Cách duy nhất để chúng ta có thể theo Chúa là đi trên con đường tự hủy
Người đã đi, sống theo cung cách Người đã sống, là yêu thương đến hiến dâng
mạng sống cho người mình yêu.
Mỗi chúng ta là một
hạt giống được Thiên Chúa gieo vào mảnh đất Giáo Hội giữa lòng thế giới. Chắc
hẳn Thiên Chúa luôn mong chúng ta nảy mầm và lớn lên tươi tốt trên mảnh đất
này. Mảnh đất Giáo Hội luôn có đủ điều kiện và dinh dưỡng để giúp chúng ta nảy
mầm và phát triển. Tuy nhiên tất cả lại tùy thuộc vào việc chúng ta có dám chết
đi, dám bước ra khỏi những lớp vỏ an toàn để được sinh trưởng không. Nếu mỗi
Kitô hữu chúng ta dám từ bỏ, dám hy sinh những lợi ích riêng mình để đấu tranh
cho công lý và hòa bình, cho tình đoàn kết và yêu thương của con người, thì
chắc chắn Giáo Hội sẽ trở thành mảnh đất của sự sống cho thế giới hôm nay.
Chỉ còn một tuần
nữa là chúng ta kết thúc 40 ngày Mùa Chay để bước vào Tuần Thánh. Tuy nhiên,
Mùa Chay không kết thúc ở con số 40 ngày chay
tịnh. Mùa Chay chỉ kết thúc trong Ánh sáng Phục Sinh và niềm vui gặp gỡ Đấng
Hằng Sống. Nhưng sẽ không có ánh sáng Phục Sinh nếu chúng ta không trải qua đêm tối của cái
chết, và sẽ không có cuộc gặp gỡ với Đấng Hằng Sống nếu chúng ta không bước vào
con đường khổ nạn với Người.
Trong những ngày
còn lại của Mùa Chay này, xin Chúa soi sáng cho mỗi người chúng ta thấy được
đâu là những điều chúng ta cần phải chết đi nơi con người của mình, để chúng ta
thực sự nếm cảm được niềm vui sự sống mới trong ngày đại lễ Phục Sinh. Amen.