* Để nghe trên Youtube:
https://youtu.be/A44PM00W_no
- Trang Chủ của
kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu
cầu nhận bài suy niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc trực tiếp với:
Lm Giuse
Vũ Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Chúa
nhật V Mùa Thường Niên – Năm B
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (1,29-39)
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường,
Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của
Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình
của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và
đi tiếp đãi các ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta
dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành
tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau,
xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.
Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra
khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy
đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: "Mọi người
đều đi tìm Thầy". Nhưng Người đáp: "Chúng ta hãy đi đến những làng,
những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa". Và Người đi rao giảng
trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
***
Bài chia sẻ Tin Mừng của Linh
mục Giuse Vũ Thái Hòa
Theo gương Chúa Kitô, chiến đấu chống lại điều ác
Trên các phương
tiện truyền thông và mạng xã hội, hầu như ngày nào chúng ta cũng nghe nói về những thảm
họa, tai nạn, những vụ mưu sát giết người, và ở một số nơi trên thế giới, tai ương, bệnh tật, nạn đói
vẫn tiếp tục cướp đi sinh mạng của biết bao con người,... Trước những đau khổ và sự dữ này, câu hỏi
đầu tiên mà con người thường đặt ra là: “Thiên Chúa có hiện hữu không? Nếu có, Người ở đâu trong tất cả
những biến cố, sự kiện này?” Và rồi, chúng ta tự hỏi: điều ác từ đâu đến? Hay phải
chăng Thiên Chúa đã tạo nên một thế giới không được hoàn thiện?
Với người xưa thì câu
trả lời là: nếu có điều gì tốt đẹp đến với bạn, đó là một ơn lành Chúa ban; và
nếu điều gì đó tồi tệ xảy ra cho bạn, đó là một hình phạt của Chúa. Nhưng trong
bài đọc I, chúng ta nghe một đoạn trích trong sách Gióp chống lại quan niệm này
về nguồn gốc của điều thiện và điều ác. Bởi vì đã có, và sẽ luôn có những người
chẳng đạo đức hay thánh thiện gì nhưng luôn thành công trong cuộc sống; và vẫn có
những người sống tốt lành, thánh thiện, nhưng lại phải gánh đủ mọi bất hạnh,
bệnh tật, đau khổ trong suốt cuộc đời của họ. Ông Gióp thuộc nhóm thứ hai này, và ông muốn thưa kiện
với Chúa. Ông như chất vấn Chúa: “Lạy Chúa, tại sao lại thế này? Con là người
luôn cố gắng làm điều tốt lành, tại sao con phải chịu những tai họa, đau khổ như thế?”
Như ông Gióp ngày
xưa, biết bao người ngày nay vẫn luôn tự hỏi tại sao họ phải chịu đau khổ, tại sao
họ gặp bất hạnh, khốn khó hay bệnh tật như thế!
Thế nhưng, trong
phần còn lại của sách Gióp, Thiên Chúa không đưa ra câu trả lời nào. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy cách Chúa Giêsu trả lời cho câu hỏi của ông
Gióp ngang qua bài Tin Mừng hôm nay.
Đoạn Tin Mừng hôm nay kể về việc Chúa Giêsu đến nhà hai anh
em Simon và Anrê. Lúc
đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Chúa Giêsu cầm
lấy tay bà và chữa cho bà hết sốt. Chiều tối, đám đông tụ họp lại trước cửa, họ đem đến
cho Chúa Giêsu những người bệnh tật và bị quỷ ám, và Người đã chữa lành họ.
Điều này cho thấy, Chúa Giêsu tuy không giải thích nguồn gốc của sự ác, nhưng đã khởi xướng một
cuộc đấu tranh chống lại sự ác dưới mọi hình thức. Không chỉ hậu quả của sự ác theo quan
niệm thời đó là bệnh tật, đau khổ, khốn cùng, nhưng trước hết và trên hết,
Người muốn loại trừ sự dữ là tội lỗi trong chúng ta và tất cả những điều xấu xa
của thế gian.
Từ sáng sớm, người ta đã đến tìm Chúa Giêsu,
nhưng Người lại đi đến một nơi hoang vắng để cầu nguyện. Họ đi tìm Người, tìm
một Đấng Mêsia mà trong mắt họ, chỉ “bằng một cái phất của cây đũa thần”, Người
sẽ loại bỏ cái ác và đau khổ khỏi thế gian. Họ đi tìm một “vị thần” nhưng chỉ
gặp một con người đắm mình trong cầu nguyện. Nhưng Chúa Giêsu đã không ở lại để
chữa lành tất cả những người bệnh ở Caphácnaum; Người tiếp tục ra đi
để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Như vậy, Người muốn họ hiểu rằng, chỉ nơi
nào Tin Mừng được rao giảng và con người tin và đón nhận Tin Mừng đó thì ở đó mọi
tội lỗi, bệnh tật sẽ được chữa lành, sự dữ sẽ bị đẩy lui và ma quỷ sẽ bị loại
trừ.
Chúng ta có thể
hình dung lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Người nói chuyện và kể cho Chúa Cha những
gì Người sống và làm hôm trước. Người không chỉ nói với Chúa Cha: “Lạy Cha, nguyện cho nước Cha trị đến”,
mà còn cầu xin: “Xin cứu chúng con cho
khỏi sự dữ!”. Thiên Chúa sẽ không làm phép lạ xóa bỏ điều ác ra
khỏi thế giới! Người ban ơn và khả năng cho chúng ta để xây dựng một
thế giới nơi “ý Chúa Cha được thể hiện”. Mà ý muốn của Thiên Chúa là con người
được sống hạnh phúc. Vì thế, sự dữ, bệnh tật,
sự chết, đó không phải là điều Chúa muốn, đó không phải là một định mệnh. Người môn
đệ của Chúa Giêsu là người không cam chịu, không bị khuất phục bởi sự dữ và sự
ác, nhưng luôn tỉnh thức và sẵn sàng để chiến đấu chống lại mọi hình thức của sự
ác.
Tất nhiên, trước những bệnh tật hay đau khổ
quá lớn, chúng ta không khỏi cảm thấy bất lực. Và chúng ta thường chọn cách im
lặng, nhất là khi đối diện với những đau khổ của người khác. Tuy nhiên, chúng
ta luôn có thể làm một điều gì đó cho họ. Giống như Chúa Giêsu đã dang tay đỡ
mẹ vợ ông Simon, chúng ta cũng hãy mở rộng vòng tay huynh đệ cho người đang cần
nó: hiện diện, kiên nhẫn lắng nghe và đồng hành với họ trong lúc đau khổ. Và
chính nhờ bàn tay dang rộng này mà mọi người có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa
và tìm lại được niềm hy vọng.
Ngoài việc làm,
Chúa Giêsu còn nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc cầu nguyện và bổn
phận truyền giáo. Việc cầu nguyện giúp chúng ta phục vụ anh chị em mình hữu
hiệu và đắc lực hơn. Nếu đời sống của chúng ta cắm rễ trong Chúa Kitô bằng cầu
nguyện, thì mọi hành động của chúng ta sẽ là chân thật, mọi việc chúng ta làm
sẽ nói về Chúa Giêsu Kitô, và cái nhìn của chúng ta sẽ trong sáng để nhìn thấy tha
nhân chính là khuôn mặt của Chúa Kitô.