* Để nghe trên Youtube:
https://youtu.be/1gWDsQP2qg0
- Trang Chủ của
kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu
cầu nhận bài suy niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc trực tiếp với:
Lm. Giuse
Vũ Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Chúa nhật XXXI Mùa Thường Niên – Năm A
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (23,1-12)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng
và các môn đệ rằng: "Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà
Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng
đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và
chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi
công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng hộp kinh, may
dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa
được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là "Thầy".
"Phần các ngươi, các ngươi đừng
muốn được người ta gọi là Thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các
ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì
các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta
gọi là người chỉ đạo: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong
các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình
lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".
***
Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse
Vũ Thái Hòa
Để trở thành môn đệ đích thực của Chúa
Trong
năm tuần qua, thánh Mátthêu tường thuật cho chúng ta những cuộc tranh luận giữa
Chúa Giêsu và những người Pharisêu, còn được gọi là nhóm biệt phái. Điều đó dễ làm
chúng ta có cái nhìn không đúng về nhóm người này. Vào thời Đức Giêsu, những
người Pharisêu rất được kính trọng vì chính đời sống đạo đức của họ. Họ rất
sùng đạo và tuân giữ tỉ mỉ mọi khoản luật Môsê. Chính Chúa Giêsu cũng đã nhiều
lần đến nhà họ dùng bữa. Tuy nhiên, cũng có những người Pharisêu kiêu hãnh và
giả hình. Hôm nay, trong khi giảng dạy dân chúng, Chúa Giêsu lại một lần nữa tố
cáo lối sống của những người này, một lối sống giả hình khi mà lời nói của họ
không đi đôi với việc làm.
Dựa
trên ba lời Chúa Giêsu khiển trách những người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm
nay, chúng ta cũng hãy khiêm tốn nhìn lại bản thân mình:
Thứ nhất: “Những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói
mà không làm.” Chúa Giêsu không trách các luật sĩ và các
người biệt phái vì những gì họ giảng dạy
hay quyết định. Nhưng Người khiển trách vì họ
không thực hành những gì họ nói hay giảng dạy.
Giống như một người cha cấm con mình
hút thuốc, mà chính mình vẫn tiếp tục hút thuốc...
Thứ hai:
“Họ bó
những gánh nặng mà chất lên vai người ta, còn chính họ thì lại không buồn động
ngón tay vào.”
Chúa Giêsu chỉ trích các luật sĩ và những người biệt phái vì
họ đòi hỏi quá
nhiều nơi người khác nhưng lại không đòi hỏi chính mình. Một lối sống độc đoán, kẻ
cả, “dễ với mình, khó với người” không chỉ có nơi những người biệt phái, biết
đâu nó cũng là thái độ mà chúng ta đang sống trong tương quan với tha nhân hôm
nay. Việc sửa lỗi và chỉ trích người khác thì luôn dễ dàng hơn là cải hóa chính
mình.
Thứ ba: “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên
hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.”
Trong hộp kinh, người ta để những câu trọng yếu của Luật Chúa. Người Do Thái đeo hộp kinh ở trán hoặc ở cổ tay như một cách để ghi nhớ Luật Chúa (Đnl 11,18). Họ
cũng đính tua vào gấu áo của họ để nhắc nhở phải tuân giữ những điều răn của
Chúa (Ds 15,38). Chúa Giêsu không lên án những việc đạo đức này, và chính Người cũng đeo tua trên áo của Người (Mt 9,20). Nhưng ở đây,
Chúa Giêsu quở trách các luật sĩ và người Pharisêu vì họ tìm kiếm danh vọng hão huyền và sự vinh
quang phù phiếm trong cách ăn mặc. Ngày nay, vấn đề không ở việc đeo hộp kinh và
để tua dài nữa, mà là việc khoe khoang thể hiện bên ngoài, chạy đua danh dự,
tìm kiếm đặc quyền, tìm tiếng khen khi làm
điều tốt, việc thiện…
Vì vậy,
để trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, chúng ta hãy thi hành ba lời khuyên
sau đây của Người:
Thứ nhất,
Chúa nói với chúng ta: “Phần anh em, đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em
chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi
ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.”
Thay vì coi mình cao trọng hơn người khác, Chúa Giêsu mời
gọi chúng ta nhìn người khác như một người anh em của mình để yêu thương họ, bất kể họ là ai, là người ngoại quốc, người nhập cư, người hàng
xóm, là thành viên trong gia đình của mình, hay thậm chí người mà chúng ta không thích,... Chúng ta
khuyên bảo, khích lệ để giúp họ được lớn lên. Vì mọi việc được làm với một tình
yêu thương chân thành có thể giúp người khác tìm lại niềm tin và niềm vui sống.
Có người sẽ thắc mắc: Chúa Giêsu đã nói: “Đừng gọi ai
dưới đất này là cha”, vậy tại sao giáo dân lại gọi linh mục là “cha”? Trong
ngôn ngữ thông thường, từ “cha” có nhiều nghĩa và nhiều cấp độ khác nhau. Ví dụ,
gọi
“cha” với một linh mục thì không có cùng ý nghĩa khi gọi “cha” với người cha trong gia
đình. Qua cách gọi như thế, Giáo Hội muốn diễn tả tư
cách làm cha tinh thần của linh mục ngay cả khi ngài không có con cái. Cùng
nghĩa đó, chúng ta còn gọi các Giám Mục là “Đức
Cha”, hoặc Đức Giáo Hoàng là “Đức
Thánh Cha”. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về Chúa Cha là Cha chung
của mọi người.
Lời khuyên
thứ hai của Chúa Giêsu: “Đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một
vị chỉ đạo, là Ðấng Kitô.” Với lời khuyên này, Chúa Giêsu nói với chúng
ta rằng người thầy đích thực không phải là người thu hút mọi người đến với
mình, nhưng là người dẫn người khác đến với sự
thật là Chúa Giêsu Kitô. Chỉ có Người
là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Vì thế,
vai trò của nhà giáo dục Kitô giáo là dẫn dắt môn đệ của mình đến với Chúa Giêsu. Những người
có vai trò lãnh đạo, các linh mục, tu sĩ, các giáo lý viên, các bậc phụ huynh,...
phải biết khiêm tốn, phải biết xóa mình đi để những người mà chúng ta đồng
hành, dù chỉ là các em nhỏ hay các thanh thiếu niên, những người trẻ, có được
cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu.
Lời khuyên cuối cùng, Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Trong
anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống,
sẽ được tôn lên.” Chúng ta hãy xem
Thiên Chúa toàn năng thực thi quyền tối cao của mình bằng cách trở thành tôi tớ
như thế nào. Chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta khi Ngài quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, trước khi chịu khổ nạn. Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng, việc phục vụ không làm cho chúng ta trở nên thấp hèn hay làm hạ thấp
nhân cách của chúng ta. Trái lại, phục vụ là dấu chỉ người môn đệ đích thực của
Chúa Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ mọi người.