* Để nghe trên Youtube:
https://youtu.be/bzLcwY9FNRI
- Trang Chủ của kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu cầu nhận bài suy
niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc trực tiếp với:
Lm Giuse Vũ Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Chúa
nhật VII Mùa Thường Niên, năm A
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (5,38-48)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ
rằng: "Các con đã nghe bảo: 'Mắt đền mắt, răng đền răng'. Còn Thầy, Thầy bảo
các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của
con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong
của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì
con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con
đừng khước từ.
"Các con cũng đã nghe dạy rằng:
'Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các
con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và
cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con nên con cái Cha
các con ở trên trời, là Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như
kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Vì nếu các con
yêu thương những kẻ yêu thương các con, thì còn có công gì? Nào những người thu
thuế không làm như vậy ư? Và nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con mà thôi,
thì các con có làm gì hơn? Nào dân ngoại không làm như vậy sao? Vậy các con hãy
nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành".
***
Bài chia sẻ Tin Mừng của Linh
mục Giuse Vũ Thái Hòa
“Anh em hãy nên hoàn thiện”
“Mắt đền mắt, răng đền răng”: câu Kinh Thánh này có thể làm chúng
ta ngạc nhiên. Chúng ta biết rằng các sách Cựu Ước được viết trong khoảng 12
thế kỷ. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi con người, dưới tác động của Chúa
Thánh Thần, chuyển từ việc trả thù man rợ (chẳng hạn trong sách Sáng Thế,
chương 4, Ca-in giết em mình là A-ben), qua luật “ăn miếng, trả miếng” nhằm
giới hạn những hành động trả thù quá đáng trong việc thiết lập sự tương ứng
giữa thiệt hại và đền bù (xem Xh 21,23-25; Lv 24,19-20; Đnl 19,21). Chúng ta
cũng không ngạc nhiên khi cũng chính Cựu Ước đưa ra những điểm căn bản cho điều
răn tha thứ, như chúng ta vừa nghe trong bài đọc I : “Ngươi không
được để lòng ghét người anh em… Ngươi không được trả thù, không được oán hận…
Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,17-18).
Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu còn đi xa hơn
: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” Những
lời này thật khó nghe và khó thực hành! Nhưng hãy cẩn trọng! Chúa
Giêsu không bảo ta để điều ác hãm hại và không tự bảo vệ mình. Người cũng không
bảo chúng ta tự hủy diệt trước điều ác. “Yêu kẻ thù” không có nghĩa là đầu
hàng, để điều ác tàn phá và hủy hoại, nhưng là muốn diệt trừ điều ác và nâng
cao phẩm giá con người. Cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình là một cách yêu
thương, hy vọng vào sự hoán cải của họ, và để Chúa là Đấng duy nhất có quyền
xét xử người khác. Như thế, công lý mới này mới vượt xa luật tự nhiên
của người đời: “ăn miếng, trả miếng”.
Chúa Giêsu muốn dẫn các môn đệ thoát ra khỏi tinh thần
vị luật và vươn lên tới tầm mức cao hơn, nơi mà những nghĩa cử yêu thương và
lòng kiên nhẫn tạo nên sức mạnh có thể khiến cho kẻ thù phải lúng túng, run sợ
khi đối diện với chính lương tâm họ, và có thể khiến họ từ bỏ mối hận thù.
Để làm được việc này, thiết tưởng phải có một sức mạnh nội tâm phi thường và
nhất là phải có ơn Chúa giúp.
Chúa Giêsu trình bày cho các môn đệ một giải pháp
triệt để: “Đừng chống cự người ác”, từ bỏ mọi hình thức báo thù. Đó
là một định hướng cho những ai chọn Tám Mối Phúc và cho họ biết rằng luật
“ăn miếng, trả miếng” không phải là một điểm kết mà là điểm khởi đầu cho một
phản ứng dây chuyền của bạo lực, giống như thế “chẻ tre”. Tất cả các triết gia
hay về bất bạo động đều đồng ý về điểm này. Chúng ta thấy điều đó nơi Gandhi!
“Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy
giơ cả má bên trái nữa.” Chúng ta thường hiểu câu này theo nghĩa đen! Ðưa má bên kia không có nghĩa
là để cho kẻ độc ác có dịp tát mình thêm một lần nữa, và tiếp tục làm việc
hung bạo, nhưng để cho họ thấy dung mạo của tình yêu thương, không bạo tàn,
không oán hận và báo thù. Chính Chúa Giêsu, khi bị một tên vệ binh của vị
thượng tế vả mặt, Ngài không đưa má bên kia, nhưng ôn tồn hỏi: “Nếu tôi
nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào ; còn nếu tôi nói phải, sao anh
lại đánh tôi ?” (Ga 18,23).
Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta
đọc: “Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng
con.” Có nhiều người đặt vấn đề: nhiều khi tôi đã tha thứ rồi, nhưng
vẫn không thể quên được. Thực ra, khi tha thứ, không nhất thiết phải quên, vì
đó là hai thực trạng khác nhau: nỗi đau khổ và sự tha thứ, chúng thuộc hai lãnh
vực khác nhau: trí nhớ và tấm lòng. Trí nhớ được Chúa tạo nên không phải để
quên! Trí nhớ duy trì những kỷ niệm đau buồn. Do đó, tha thứ và không
quên được vẫn có thể hiện hữu với nhau.
Ðức Kitô mời gọi chúng ta trở nên
hoàn thiện như Chúa Cha là Ðấng hoàn thiện. Nhưng sự hoàn thiện của Thiên Chúa
không phải là việc áp dụng luật đạo đức, mà là sự thánh thiện. Và sự thánh thiện
vượt trên hết mọi sự, đưa ta đến sự hy sinh tột bậc, đến nỗi nhiều người cho là
phi lý và điên rồ. Sự thánh thiện là sự hoàn thiện của tình yêu, là ân ban của
Chúa Thánh Thần. Chỉ có Ðức Kitô là Đấng hoàn thiện. Khi mời gọi chúng ta nên
hoàn thiện, Người sẽ ban ơn và thêm sức để chúng ta đạt được mục đích. Dầu sao
đi nữa, Người muốn chúng ta sống trong viễn cảnh này.
Chúa không ngừng dang tay nâng đỡ, khuyến khích chúng
ta, và nâng cao giá trị những gì tốt đẹp nhất trong chúng ta. Người không ngừng
làm lộ ra trong chúng ta hình ảnh của Người được khắc ghi ngay từ giây
phút con người được sáng tạo (St 1,27). Người biết chúng ta có khả năng
thăng tiến, biến đổi.
Vì thế chúng ta dám đối diện với
những đòi hỏi mà Ðức Kitô đề nghị, dẫu biết rằng chúng ta còn nhiều yếu đuối và
giới hạn trước lời kêu gọi của Người: “Anh em hãy nên hoàn thiện như
Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện.” Nhưng chúng ta đừng sợ, hãy
luôn giữ vững niềm tin và dựa vào sức mạnh của Ðức Kitô. Chỉ có Người là Đấng
hoàn thiện như Chúa Cha, nhưng với Người, không có gì là không thể làm được (Lc
1,37), như thánh Phaolô xác tín trong bài đọc II: “Tất cả đều thuộc về
anh em, mà anh em thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa.” Amen.