Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
Bài Viết Của
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
TÂM SỰ NGƯỜI CÔNG CHÍNH (Mt 1,18-24)
SUY NIỆM 5 MẦU NHIỆM ÁNH SÁNG
Thiên Chúa mạc khải mầu nhiệm là bày tỏ nỗi lòng
BẢY ƠN CHÚA THÁNH THẦN
THÁNH THẦN TRONG CUỘC ĐỜI
"Cuộc Khổ nạn thể xác của Chúa Giêsu" và "Trầm tư dưới chân Thánh giá" lược dịch từ tiếng Pháp, có hình ảnh minh họa (bổ sung cập nhật).
Chúc thư tinh thần của Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI
TÂM SỰ NGƯỜI CÔNG CHÍNH
Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II: TÔNG THƯ MULIERIS DIGNITATEM (PHẨM GIÁ PHỤ NỮ) VỀ PHẨM GIÁ VÀ ƠN GỌI CỦA PHỤ NỮ- NHÂN NĂM THÁNH MẪU - Ban hành ngày 15-08-1988
ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
HỘI THÁNH (VŨ TRỤ), THÂN THỂ MẦU NHIỆM CỦA CHÚA KITÔ
SUY NIỆM VỀ GIU-ĐA
DỤ NGÔN NGƯỜI CHA PHUNG PHÍ
ƯU ĐÃI QUÊ NHÀ?
CÁC THIÊN THẦN, PHẦN HỒN CỦA THÂN THỂ MẦU NHIỆM
Nhân đầu đời Đức Mẹ, lại nhớ cuối đời Đức Mẹ. (ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI)
BIẾT NHỜ TIN NHÂN CHỨNG
ĐỨC TIN TĂNG DẦN
ĐỪNG SỢ HÃI
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
THÁNH THỂ VÀ TỰ DO
MẦU NHIỆM TÌNH YÊU
THẬP GIÁ VÌ SAO?
Thử trình bày MỘT LƯỢC ĐỒ GIÁO LÝ CƠ BẢN
Ý NGHĨA SỰ TUẪN GIÁO CỦA CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
SUY NIỆM VỀ SỰ CHẾT (Bài giảng Lễ giỗ Đức ông Giuse Mai Đức Vinh tại Đại Chủng viện Huế ngày 20-11-2020)
ĐỌC VÀ HỌC MỘT BẢN VĂN KINH THÁNH
CUỘC KHỔ NẠN THỂ XÁC CỦA CHÚA GIÊ-SU
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN-PHAOLÔ II TRONG ĐẠI LỄ TÔN VINH HIỂN THÁNH 117 CHÂN PHƯỚC TỬ ĐẠO VIỆT NAM TẠI RÔMA NGÀY 19-06-1988
ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ: LAUDATO SI’
Đọc bản dịch “Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng” của Linh mục Aug. Nguyễn Văn Trinh
ĐỌC BẢN DỊCH THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’
TRẦM TƯ DƯỚI CHÂN THÁNH GIÁ
SUY NIỆM 5 MẦU NHIỆM ÁNH SÁNG

  

Mở đầu

Ngày 16-10-2002, Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II công bố Tông thư “Rosarium Virginis Mariae” (Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria) và ấn định Năm Mân Côi, bắt đầu từ tháng 10-2002 đến hết tháng 10-2003. Cũng trong Tông thư này, Ðức Thánh Cha thêm 5 Mầu nhiệm mới vào 15 Mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng vẫn có từ trước tới giờ trong Kinh Mân Côi, và người gọi các mầu nhiệm mới này là “Mầu nhiệm Sáng”, gồm các chặng chính trong cuộc đời công khai Đức Giê-su : Chịu phép Rửa tại sông Gio-đan – Làm phép lạ tại tiệc cưới Ca-na – Loan báo Nước Thiên Chúa khắp vùng Pa-lét-tin – Biến hình trên Núi Ta-bo – Thiết lập Bí tích Thánh Thể trong Nhà Tiệc ly. ÐTC giải thích : các Mầu nhiệm của Kinh Mân Côi được coi là bảng lược tóm sách Tin Mừng, vì thế, việc thêm năm Mầu nhiệm mới là để bảng lược tóm này được đầy đủ hơn nữa.

Trong Tông thư của mình, ĐTC cho thấy : Dù rõ ràng mang đặc nét Ma-ri-a, Kinh Mân Côi vẫn là một lời cầu nguyện lấy Đức Ki-tô làm tâm điểm” (Tông thư KMC số 1). Người đã đề xuất các Mầu nhiệm Ánh sáng để “làm nổi bật đặc tính Ki-tô học của chuỗi hạt Mân Côi.” ĐTC giải thích: Chính trong khung cảnh của các mầu nhiệm ấy mà chúng ta chiêm ngưỡng các khía cạnh quan trọng nơi con người Đức Ki-tô như là mạc khải chung quyết của Thiên Chúa. Được Chúa Cha tuyên bố là Con Yêu dấu trong biến cố Phép Rửa tại sông Gio-đan, Đức Ki-tô là Đấng loan báo Nước Trời đang đến, làm chứng cho Nước Trời bằng những việc làm của Người và công bố những đòi hỏi của Nước ấy. Chính qua những năm tháng hoạt động công khai mà mầu nhiệm Đức Ki-tô tỏ ra một cách hiển nhiên là mầu nhiệm ánh sáng: Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian (Ga 9,5)” (Tông thư KMC số 19).

Năm Mầu nhiệm Ánh sáng ấy được tóm lược để lần hạt như sau: “(1) Đức Chúa Giê-su chịu phép Rửa tại sông Gio-đan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con Thiên Chúa. (2) Đức Chúa Giê-su làm phép tại tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa. (3) Đức Chúa Giê-su rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho cho được tin vào lòng Chúa thương xót và siêng năng lãnh nhận Bí tích giao hòa. (4) Đức Chúa Giê-su biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần. (5) Đức Chúa Giê-su lập Bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được sốt sáng tham dự Thánh lễ và rước Mình Máu Thánh Người”. Bảng tóm lược này thú thật chẳng nói với chúng ta nhiều về các khía cạnh của Ánh sáng nơi Đức Ki-tô.

Đã có lắm bài suy niệm hay về 5 Mầu nhiệm Sáng. Nay xin góp thêm vài ý kiến nhỏ, nhằm cho thấy ánh sáng chiếu dãi từ 5 biến cố quan trọng trên của cuộc đời Chúa Giê-su cũng soi chiếu 5 khía cạnh chính yếu của cuộc đời Ki-tô hữu.

1- Mầu nhiệm thứ nhất: soi chiếu ân huệ cao cả của cuộc sống.

Bấy giờ, Ðức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!" Nhưng Ðức Giê-su trả lời: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính". Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người. Khi Đức Giê-su vừa chịu phép rửa xong, Người lên khỏi nước. Lúc ấy các tầng trời mở ra ; Người thấy Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống như chim bồ câu và đến trên Người. Và có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 13-17)[1].

Hiển nhiên Đức Giê-su là Đấng hoàn toàn vô tội, chẳng cần chịu phép rửa của Gio-an Tẩy giả để tỏ lòng sám hối như mọi kẻ đương thời và mọi ai khác. Nhưng trước hết, Người muốn dùng cơ hội này để mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cho nhân loại, để lãnh nhận Thánh Thần, và để Chúa Cha xác nhận mình như Con yêu dấu. Con yêu dấu (Ái tử) là ân huệ cao quý nhất mà Ngôi Con, Ngôi Lời đã nhận từ Ngôi Cha, vì nhờ đó Người không những được sinh ra, mà còn đồng bản tính, nhất là đồng bản thể với Thiên Chúa, và rồi trở nên “trưởng tử giữa một đàn em đông đảo” (Rm 8,29). Đức Giê-su cũng nhân đó ngầm mạc khải ý nghĩa của Phép Rửa mà Người sẽ thiết lập.

Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa cho đi vào hiện hữu, đó là ân huệ đầu tiên. Tiếp đến là ân huệ làm con người chứ không làm con vật, được thông ban trí tuệ, ý chí và tự do, gọi tắt là tinh thần (tinh thần con người). Nhưng tình yêu của Đấng Tạo Hóa còn muốn việc làm con người phải tiến lên cao hơn, đi đến chỗ hoàn thiện là làm con Chúa. Ân huệ cao cả này đã được ban cho nhân loại từ trong vườn Địa đàng. Tiếc thay nó đã mất đi do tội phản loạn của ông bà nguyên tổ, và chỉ được trả lại cho chúng ta nhờ phép Rửa tội, bí tích ban cho chúng ta tinh thần Thiên Chúa (Thánh Thần) để chúng ta lại được làm con cái của Người, nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, thành một đàn em đông đúc với Con của Người làm trưởng tử, và đồng thừa kế với Người Con ấy (x. Rm 8,16-17.29; Cl 1,15.18). Việc làm con Chúa như thế chẳng phải là ân huệ lớn nhất hay sao?

2- Mầu nhiệm thứ hai: soi chiếu ơn gọi tuyệt vời của cuộc sống.

Có tiệc cưới tại Cana miền Ga-li-lê. Ở đó có thân mẫu Ðức Giê-su. Ðức Giê-su và các môn đệ cũng được mời dự tiệc cưới. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Ðức Giê-su nói với Người: "Họ hết rượu rồi"… Thân mẫu Người nói với những kẻ hầu bàn: "Người bảo gì, các anh cứ làm theo". Ở đó có đặt sáu chum bằng đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được hai hoặc ba thùng. Ðức Giê-su bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi!" Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc". Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử, nước đã hóa thành rượu… Ðức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người” (Ga 2,1-11). 

Theo thánh Gio-an, đây không phải là một phép lạ bình thường như bao phép lạ khác, song là dấu chỉ đầu tiên trong 7 dấu chỉ theo Tin Mừng thứ tư[2], mỗi dấu chỉ nói nên một điểm quan trọng trong cuộc đời Đấng Cứu Thế, và cũng là thực tại mới đầu tiên trong 7 thực tại mới do Đức Giê-su thiết lập. Việc tặng cho đôi tân hôn nơi đám cưới nhà quê này lượng rượu lên tới 600 lít chẳng phải là một sự xa xỉ riêng tư, một cử chỉ hào phóng quá trớn, nhưng cho thấy Đức Giê-su nay khai mạc Giao ước mới, với ân huệ dư tràn, thay thế Giao ước cũ (tượng trưng bằng nước), nhân đó Người tự mạc khải như “Hôn Phu thần linh của Tiệc cưới thiên sai”. Giao ước mới này, Đức Giê-su đã được Chúa Cha sai đi thiết lập và sẽ ký kết bằng máu của mình. Đó là ơn gọi của Người khi đến trần gian.

Cho phàm nhân được làm con cái mình, Thiên Chúa còn muốn giao ước bình đẳng với họ. Người từng giao ước với No-ê, rồi với Áp-ra-ham, đoạn với Mô-sê, trong tư cách đại diện toàn thể Ít-ra-en, cuối cùng với toàn thể nhân loại và với từng người một qua Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô. Giao ước này nói cho đúng là một Hôn ước (x. Tv 45,7-8; toàn bộ Diễm ca; Is 54,4-8; 61,10; 62,4-5; Gr 2,2;31,3; Ed 16; Hs 1-3; Mt 25,1-13; 9,15; Mc 2,9; Ga 3,29; 2Cr 19,29; 21,2-9; 22,17; Ep 5,25; Kh 20,9; 21,2-9…). Trong hôn ước này, Đức Ki-tô là Hôn Phu và toàn thể Hội thánh cũng như mỗi tín hữu đều là Hôn thê của Người. Đó chẳng phải là ơn gọi tuyệt vời của chúng ta hay sao?

3- Mầu nhiệm thứ ba: soi chiếu ý nghĩa trọn vẹn của cuộc sống.

Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: ‘Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng’” (Mc 1,14-15). Qua Bài giảng trên núi”, Đức Giê-su công bố Hiến chương Nước Trời, kiện toàn Lề luật Mô-sê, nêu lên đức công chính mới (x. Mt 7). Qua việc lập Nhóm Mười Hai, sai họ đi rao giảng, kể những dụ ngôn về Vương quốc Thiên Chúa, đặt Phêrô làm đá tảng cho Hội thánh mình sẽ lập, Đức Giê-su muốn xây dựng một tổ chức quy tụ những kẻ tin Người (x. Mt 10-16). Qua việc làm phép lạ cho một số người: chữa lành bệnh nhân, hồi sinh kẻ chết, xua trừ ma quỷ, hóa bánh ra nhiều… (x. Mt 4,23-24), Đức Giê-su bày tỏ ý nghĩa của khổ đau, của cái chết và ban niềm hy vọng đích thực. Qua việc chuyên chăm cầu nguyện, thực thi bác ái, sống khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục, Đức Giê-su nêu mẫu gương về sự trọn lành, thánh thiện. Người cũng tự xưng mình là Chân lý, bày tỏ mọi sự về Chúa Cha (x. Ga 14), rồi cho biết sẽ phải trải qua đau khổ và cái chết thập giá để cứu chuộc loài người. Tất cả những đó làm nên ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc đời tại thế của Đức Giê-su.

Theo lời mời gọi của Người, chúng ta (1) hối cải, nghĩa là rũ bỏ những gì xưa cũ, xấu xa, tội lỗi, từ trong ý tưởng, quan niệm, từ trong tình cảm, ham muốn, từ trong thói quen, hành xử…; (2) rồi tin vào Tin Mừng, nghĩa là chấp nhận những gì Đức Giê-su mạc khải về bản thân và hành động của Thiên Chúa, về thân phận và định mệnh của con người, về ý nghĩa của hạnh phúc và đau khổ, của cuộc sống và cái chết, của quá khứ và tương lai…, (3) đoạn đi vào Nước Trời, nghĩa là gia nhập cộng đoàn Hội thánh, sống theo Luật mới của Đức Giê-su, bắt chước Người mà chuyên chăm cầu nguyện, hành xử bác ái, thực thi khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục theo bậc sống của mình, và nhất là noi gương Người mà đi đến tột cùng của tình yêu… Chính lúc ấy hay có như thế, chúng ta mới thể hiện được ý nghĩa trọn vẹn của cuộc sống mình,

4- Mầu nhiệm thứ tư : soi chiếu quy luật cơ bản của cuộc sống.

Sáu ngày sau, Ðức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo. Người đưa các ông đi riêng với mình, lên một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Ðức Giê-su rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay !...". Ông còn đang nói, bỗng có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!" Nghe vậy, các môn đệ rất đỗi sợ hãi, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Ðức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: "Chỗi dậy đi, đừng sợ!" … Ðang khi thầy trò từ trên núi xuống, Ðức Giê-su truyền cho các ông rằng: "Ðừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết chỗi dậy" (Mt 17,1-9).

Sáu ngày sau, nghĩa là sau khi Đức Giê-su báo trước cuộc thương khó lần thứ nhất, rồi gọi Phê-rô mới lên chức giáo chủ là Xa-tan (kẻ phá ngang cản trở), đoạn tuyên bố : "Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (x. Mt 16,21-25).

Thấy ngay môn đệ đang chưng hửng vì lời mình tuyên bố sẽ phải chết đau khổ, ai theo mình cũng phải nếm khổ đau, rồi biết trước môn đệ sẽ tuyệt vọng khi chứng kiến thầy chịu tử hình thập giá, Đức Giê-su cho họ mục kích trong chốc lát ánh sáng rạng ngời mà Người luôn có nơi Thiên Chúa (Ánh sáng bởi Ánh sáng) nhưng tạm thời che giấu và sẽ khôi phục sau ngày sống lại. Để qua đó cho thấy Người muốn biến hình trong hạnh phúc vinh quang thì phải biến dạng trong đau khổ ô nhục đã. Bài thánh thi nơi Thư Phi-lip-phê 2,8-9 cũng khẳng định cách tương tự. Điều ấy nói lên quy luật cơ bản của đời Đức Giê-su, mà cũng là quy luật của đời Ki-tô hữu: chết là sống, từ bỏ là chiếm lại, khó nghèo là sung túc, khổ đau là ân sủngchấm dứt có nghĩa là được hoàn thànhai vì Chúa liều mất mạng sống mình thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Thánh Phanxicô Khó nghèo đã diễn tả những điều trên qua Kinh Hòa bình: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

5- Mầu nhiệm thứ năm : soi chiếu cùng đích toàn mãn của cuộc sống.

Câu chuyện Đức Giê-su lập bí tích Thánh Thể đã được Tin Mừng Nhất Lãm và Thánh Phao-lô ghi lại (x. Mt 26,26-29; Mc 14,22-25; Lc 22,19-20; 1Cr). Sự việc xảy ra lúc Đức Giê-su sắp bước vào cuộc Khổ nạn-Phục sinh. Chính vì thế, Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô 2, trong Tông thư Kinh Mân Côi số 21, đã viết: Chúa “thiết lập Thánh Thể như một biểu hiện có tính bí tích của Mầu nhiệm Vượt Qua”.

Mầu nhiệm Vượt Qua là việc Đức Giê-su chấp nhận chết đau thương ô nhục trên thập giá vì tình yêu để được Thiên Chúa Cha cho sống lại vinh hiển, ngõ hầu hình thành Hội Thánh (x. Ep 1,23; x. Cl 1,18)hình thành một Người mới Duy nhất (x. Ep 2,16), một Thân thể vĩ đại, mầu nhiệm (Nhiệm Thể) với Thiên Chúa là Cha, với Thánh Thần là Linh hồn (x. Ga 19,30; Ep 2,18), với chính Đức Ki-tô là Đầu và với mọi Ki-tô hữu là chi thể. Như thân thể con người, Thân Thể nhiệm mầu này cần của ăn để sống còn và phát triển. Phát triển đây là tiến tới tầm mức vũ hoàn, ôm lấy toàn thể vũ trụ vào trong Nhiệm Thể, để chỉ có Đức Ki-tô là tất cả mọi sự và ở trong mọi người” (Cl 3,11), theo thánh ý nhiệm mầu, kế hoạch yêu thương Thiên Chúa đã định từ trước trong Đức Ki-tô, đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ toàn thể vũ trụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (Ep 1,9-10), ngõ hầu cuối cùng Thiên Chúa là “tất cả trong mọi sự” (1Cr 15,28).

Thành ra nói đến Thánh Thể là phải nói đến Nhiệm Thể[3]. Thánh Thể và Nhiệm Thể đi liền với nhau, như trong Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (Hội Thánh sống nhờ Thánh Thể) do Đức Gio-an-Phaolô 2 ban hành ngày 17-04-2003. Ngoài ra, chính Hội Thánh cũng làm nên Thánh Thể mỗi ngày nhờ việc Thánh Thần thánh hóa bánh rượu khi chủ tế đọc lời truyền phép trong Thánh lễ. Như thế, Mầu nhiệm Sáng thứ 5 không chỉ trình bày ý nghĩa và giá trị của Bí tích Thánh Thể lẫn Thánh lễ, mà còn và nhất là cho thấy cùng đích toàn mãn và tối hậu của mỗi con người cũng như của toàn thể vũ trụ, của không gian cũng như của thời gian và mọi thực tại trong đó.

Kết luận

Sáng kiến của Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô 2, hay ơn linh ứng được ban cho người (thêm 5 Mầu nhiệm Sáng vào Kinh Mân Côi), quả thực đã cho chúng ta nhiều ánh sáng, đã giúp chúng ta thấy được trọn vẹn mọi khía cạnh của bản thân, ngôn từ và hành động của Đức Giê-su, cũng như mọi khía cạnh, mọi ý nghĩa mà cuộc sống Ki-tô hữu chúng ta phải tìm cách đạt cho bằng được, như Chúa đã mạc khải cho thấy và mời gọi thực hiện.  

Kỷ niệm 106 năm Đức Mẹ hiện ra lần cuối tại Fatima 13/10/1917-2023

Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi, Tổng Giáo phận Huế

 


[1] Các câu trích Kinh Thánh, chúng tôi theo bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

[2] Theo Tin Mừng Gio-an, có 7 dấu chỉ (phép lạ) và 7 thực tại mới được Đức Giê-su thiết lập. Bảy thực tại mới này là : 1- Giao ước mới (Phép lạ Ca-na: 2,1-12). 2- Đền thờ mới (Thanh tẩy Đền thờ: 2,13-22). 3- Sinh ra mới (Đối thoại với Ni-cô-đê-mô: 3,1-8). 4- Thờ phượng mới (Đàm thoại với bà Sa-ma-ri: 4,1-26). 5- Lương thực mới (Diễn từ bánh hằng sống: 6,22-66). 6- Mục tử mới (Diễn từ Mục tử tốt lành: 10,1-18). 7- Giới răn mới (Diễn từ Cây nho thật: 15,1-17). Ngoài ra, trong Gio-an, có 7 chỗ Đức Giê-su tự xưng “Ta là…”

[3] Nhiệm Thể thường được gọi là Giáo hội, Hội thánh. Nhưng “Giáo Hội” là một từ ngữ mang tính văn hóa, xã hội (Hội của những người cùng theo một đạo, như Giáo hội Phật giáo, Giáo hội Hòa hảo…). “Hội thánh” là một từ ngữ mang tính thần học hơn. Hội Thánh có nghĩa là những gì “thánh” thì hội lại. Trước hết, ở trung tâm và chóp đỉnh là Đấng Thánh, tức Thiên Chúa. Bao quanh và kề cận Người nhất là các thần thánh (thiên thần và hiển thánh). Vòng hai là “dân thánh”, tên gọi các Kitô hữu trong Tân Ước (x. Rm 1,7; 1Cr 1,2; Pl 1,1). Vòng ba là tất cả những gì thuộc không gian và thời gian được quy về, được tiến dâng cho TC: nơi thánh, nhà thánh, đồ thánh, vật thánh, năm thánh, mùa thánh, ngày thánh, giờ thánh… Vòng ngoài cùng là toàn thể nhân loại: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,18; x. Lc 24,47; Cv 1,8), là toàn thể vũ trụ: “Anh em hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Tất cả phải được thánh hóa, từ những con người, những định chế của xã hội con người, đến mọi thực thể vật chất, vốn cũng đòi hỏi được giải thoát khỏi sự hư nát để cùng con cái TC chung hưởng tự do và vinh quang (x. Rm 8,19-23). Dù sao, chữ “Hội Thánh” vẫn không diễn tả hết mọi khía cạnh của mầu nhiệm. Nên thiết tưởng từ ngữ mang ý nghĩa sâu xa nhất, đúng đắn nhất vẫn là chữ “Nhiệm Thể”. Xin đọc 2 bài liên quan của cùng tác giả: “Hội Thánh, Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô” và “Các thiên thần, phần hồn của Thân thể mầu n

 

Tác giả: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!