SUY NIỆM VỀ GIU-ĐA
Ngoại
trừ Chúa Giê-su, Giu-đa có lẽ là một trong những nhân vật của Tân Ước được
thiên hạ bàn tán nhiều nhất, dù những đoạn Tin Mừng nói về ông khá ít ỏi. Bàn
tán nhiều với lắm nhận định đôi khi mâu thuẫn nhau. Tạp chí tiếng Pháp đa
phương tiện (multimédia) “Le monde de la Bible. Histoire-Art-Archéologie” (Thế giới Thánh kinh. Lịch sử-Nghệ thuật-Khảo cổ) tháng 4 năm 2014, có ra một số đặc
biệt, nhan đề : “Judas, que sait-on de lui” (Giu-đa, ta biết gì về ông ấy ?).
Trong số này có nhiều bài báo đặt vấn đề : “Giu-đa là ai, kẻ phản bội hay người
anh hùng ?” “Một kẻ phản bội không bội phản : sự biến đổi tối hậu của Giu-đa”;
“Hiện tượng Giu-đa : biên niên sử của một lời nguyền rủa”… Số báo này còn nhắc
đến chỉ thảo “Tin Mừng Giu-đa” (Évangile de Judas), một tài liệu của phái Ngộ đạo (tk I-II CN) được tìm
thấy thập niên 1970 trong vùng Al Minja, Trung Ai-cập (Xem https://www.mondedelabible.com/judas-que-sait-de-lui/).
Nhưng
mặc cho thiên hạ bàn tán về vị Tông đồ Quản lý thời danh này, suy niệm của
chúng ta cũng chỉ dựa trên việc tìm hiểu lịch sử Do-thái, hay bối cảnh chính trị
miền đất Pa-lét-tin thời Chúa Giê-su và trên việc giải thích những gì Kinh
thánh nói về Giu-đa.
1-
Bối cảnh chính trị Do-thái thời Chúa Giê-su
Đọc
Kinh Thánh, chúng ta thấy dân Do-thái là một chủng tộc nhỏ bé mà hầu như luôn bị
các lân quốc hùng mạnh thống trị. Đầu tiên, khi chỉ là một đám dân ô hợp, họ đã
phải làm nô lệ cho vương triều Ai-cập ; tiếp đến, sau một giai đoạn tạm tự do
thời lập quốc và thời xây dựng chế độ quân chủ, dân Do-thái lại rơi vào tay các
đế quốc Át-xi-ri,
Ba-by-lon, Ba-tư, Hy-lạp, Rô-ma… Vì thế trong họ, niềm khát vọng tự do luôn
cháy bỏng. Một cuộc chiến tranh
giải phóng đã bùng dậy, được lãnh đạo bởi anh em nhà Ma-ca-bê (xem 1Mcb 2) thời đế quốc Hy-lạp và dẫn đến việc tái lập
chế độ quân chủ với vương triều dòng
họ Át-mô-nê (143 trước CN). Tuy
nhiên, chế độ này không kéo dài. Năm
63 trước CN, tướng Pom-pê (Pompeius) của đế quốc Rô-ma đã tiến vào thủ đô Giê-ru-sa-lem, chấm dứt vĩnh viễn nền độc lập của dân Do-thái, và đến năm 70
CN thì tướng Ti-tô (Titus) san bằng thủ đô, triệt hạ Đền thờ và đẩy người Do-thái
đi khắp tứ phương thiên hạ. Nhưng trong thời gian đó, nhiều người Do thái ái quốc
cũng đã nổi dậy, tập họp thành những đảng phái chống lại Rô-ma, chẳng hạn nhóm
Zê-lốt (Zealot, Nhiệt thành/Quá
khích) và nhóm Xi-ka-ri (Sicarii, Kẻ
giết mướn). Cv
5,36-37 có nhắc tới Thêu-đa và Giu-đa người Ga-li-lê, hai nhà cách mạng thất bại.
Sách Tin Mừng thì cho biết Ba-ra-ba (Bar-Abba, Con của Cha) là một tay phiến loạn
(x. Mt 27,20-26; Mc 15,6-15), phiến loạn cỡ bự. Ngay hai kẻ chịu đóng đinh cùng
Chúa và bị gọi là “những tên cướp” (Mt 27,44) hay “tên gian phi” (Lc 23,39) thật
ra cũng là những chiến binh chống quân xâm lược.
Bên cạnh niềm khát vọng tự
do đó, còn nỗi tự hào mình là tuyển dân của Thiên Chúa, nên chủng tộc Do-thái
luôn nuôi mộng thống trị mọi quốc gia, mọi chủng tộc khác một ngày nào đó, nhờ tay
một Đấng Thiên Sai (Mê-si-a) hùng mạnh thuộc dòng dõi Đa-vít. Có cả một truyền thống về cao vọng chính trị này, khởi từ lời sấm của ngôn sứ Na-than (2Sm 7,8-16), bộc lộ qua nhiều Thánh vịnh (Thánh vịnh
hoàng vương, chẳng hạn Tv 2; 71) và nhiều chương sách I-sai-a đệ nhất, ví dụ Is 9,5-6. Tuy nhiên, song song với đó, còn có một truyền thống
khác nằm trong sách I-sai-a đệ nhị và đệ tam, diễn tả một Đấng Thiên Sai hiền
hòa khiêm tốn, mang tên Người Tôi Trung, sẽ dùng đau khổ để cứu rỗi Ít-ra-en và
cả nhân loại (có 4 bài ca về Tôi Trung ấy : Is 42,1-9; 49,1-7; 50,4-11;
52,12-53,12). Tiếc rằng truyền thống thứ hai này ít được để ý hơn truyền thống
thứ nhất như ta sẽ thấy.
Chúa Giêsu đã sinh ra, lớn
lên rồi hoạt động trong bối cảnh chính trị và bầu khí tinh thần đó. Lúc Người
đi rao giảng thì quyền lực trên đất Pa-lét-tin chủ yếu nằm trong tay Phi-la-tô, một viên tổng trấn Rô-ma
cai trị Giu-đê-a và Sa-ma-ri-a với bàn tay sắt, còn Hê-rô-đê An-ti-pa (tiểu
vương bù nhìn) cai trị miền Ga-li-lê. Bằng chứng Phi-la-tô có bàn tay sắt là chuyện
ông giết nhiều người Ga-li-lê trong Đền thờ khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế
vật họ đang dâng; những người này hẳn là một nhóm nổi dậy (x. Lc 9,1). Toán
quân Rô-ma của ông chắc đã xuất phát từ đồn An-tô-ni-a nằm ở góc Tây Bắc vòng thành Đền thờ, một cơ sở
quân sự không ngoài mục đích canh chừng đám dân bị trị hay bạo loạn, nhất là
trong những dịp tụ tập đông đảo tại Giê-ru-sa-lem nhân lễ Vượt Qua. Sử
gia Do-thái đương thời Fla-vi-ô Giô-xép (Flavius Josephus) cho biết Phi-la-tô cũng từng đàn
áp tàn bạo cuộc nổi dậy của dân Sa-ma-ri khoảng năm 35 CN nên bị Rô-ma gọi về
khiển trách.
Chính vì thế, khi Chúa Giê-su bắt đầu làm những phép lạ kèm theo lời
rao giảng (kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ què được đi, kẻ đau được
lành, nhất là kẻ chết sống lại và hàng ngàn thính giả mấy lần được ăn bánh no thỏa…), Người đã
khơi dậy nhiều niềm hy vọng lớn lao trong dân Ít-ra-en (phải chăng Đấng Mê-si-a
hùng mạnh đã đến đây rồi ?), do đó Người đã phải sống giữa áp lực thường xuyên,
bị thúc ép không ngừng, từ thân nhân, môn đệ, quần chúng, tới địch thù và ma quỷ.
Mỗi lần như thế, Người đều
phản ứng
lại một cách khác nhau.
Kẻ đầu tiên chính là ông anh họ, Gio-an Tẩy giả. Vị Tiền hô này từng
rao giảng kiểu hăm dọa : “Cái rìu đã đặt sát gốc cây : bất cứ cây nào không
sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa… Đấng đến sau tôi… tay Người cầm
nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép
thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3,10.12). Đến khi ngồi tù, mà chẳng
thấy người em họ quyền năng tới cứu, lại “nghe biết những việc Đức Ki-tô
làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: Thầy có thật là Đấng phải đến hay
không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác ?” khiến Chúa phải trả lời cách
chua xót : “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11,2-3.6) và rồi
đã “bỏ mặc” cho Gio-an chết dưới lưỡi gươm của Hê-rô-đê để ông hiểu
ra đường lối của Người.
Tiếp đến là các môn đệ. Sống bên cạnh vị Thầy quyền năng, họ vốn
xưa nay là dân thường cũng nuôi mộng làm quan. Nhóm Mười Hai luôn tranh cãi
nhau xem ai là người lớn nhất (x. Mc 9,34), thậm chí tới cả lúc Chúa loan báo
mình sắp phải tử nạn (x. Lc 22,24). Chúa đã nhân cơ hội để giải thích thế nào
là làm đầu, làm lớn trong Giáo hội. Gia-cô-bê và Gio-an từng nhờ mẹ đến xin
Chúa cho được ngồi bên hữu bên tả, khiến 10 ông kia căm tức do bị tranh quyền
(x. Mt 20,20-24). Chúa trả lời bằng cách hứa cho hai anh em được uống chén,
nhưng không phải chén ngự tửu mà là chén khổ nạn. Hai tay này cũng đã có lần
xin Chúa cho phép khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy một làng Sa-ma-ri không đón
tiếp thầy trò của họ (x. Lc 9,51-56), nên đã chết tên “con của thiên lôi” (Mc
3,1). Còn Phê-rô khi nghe Chúa tiên báo Người phải chịu nhiều đau khổ và bị giết
chết, thì đã thốt lên : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy”,
để rồi bị Thầy mắng cho một trận nên thân (x. Mt 16,22). Sau cuộc biến hình huy
hoàng, Chúa cũng cấm 3 môn đồ thân tín khoe mẽ chuyện đó với ai cho tới khi Người
sống lại. Nên chẳng lạ gì lúc Người chấm dứt cuộc sống cách ô nhục trên đồi
Can-vê thì mấy ông “mộng vàng tan mây”, bỏ đi biệt dạng, thậm chí chẳng thèm
nhìn Thầy chết (trừ Gio-an). Hai môn đệ đang trên đường về quê cũ cũng đã thú
nhận : “Chúng tôi trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc
Ít-ra-en” (Lc 24,21). Thậm chí sau ngày Chúa phục sinh, lúc chưa được ơn
Thánh Thần, các môn đệ vẫn không từ bỏ tham vọng : “Thưa Thầy, có phải bây
giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không” (Cv 1,6). Hết nói nổi !
Dân chúng
thì đương nhiên càng nuôi nhiều kỳ vọng. Sau phép lạ hồi sinh con bà góa thành
Na-im, họ đã phấn chấn thốt lên : “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã
xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người" (Lc 7,16). Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng muốn bắt Đức Giê-su
đem đi mà tôn làm vua, khiến Người phải vội lên núi một mình để lánh mặt (x. Ga
6,14-15). Thánh Mác-cô nhiều lần cho thấy Chúa Giêsu thường xuyên căn dặn những ai hưởng hay thấy phép lạ
Người làm phải
giữ bí mật (x. Mc 5,43; 7,36; 8,26…). Giọt nước làm tràn ly kỳ vọng
chính là việc hồi sinh La-da-rô chính lúc sắp đến lễ Vượt Qua, khi vô số người
Do-thái tụ về Đền thờ Thủ đô để mừng lễ (và cũng là lúc thường xảy ra các cuộc
bạo loạn). “Thoạt nghe tin Đức Giê-su tới Giê-ru-sa-lem, họ cầm nhành lá
thiên tuế ra đón Người và reo hò : Hoan hô ! Hoan hô ! Chúc tụng Đấng ngự đến
nhân danh Chúa ! Chúc tụng vua Ít-ra-en”, khiến Chúa Giê-su phải ngồi trên
lưng một con lừa, lại là lừa con, thay vì ngồi trên lưng ngựa như các dũng tướng
và quân vương oai hùng (x. Ga 12,12-14).
Tiếp
đến là các địch thủ của Chúa vốn nằm trong các giới và các phái đang nắm quyền lãnh
đạo tôn giáo hoặc làm tay chân của lực lượng thống trị. Họ thách thức Người làm
một dấu lạ từ trời (x. Mt 16,1-4; Mc 8,111-13; Lc 12,54-56). Chúa đáp lại bằng
cách cho hay đó chính là cuộc tử nạn phục sinh của mình mà Người gọi bóng gió
là “dấu lạ Gio-na”. Họ gài bẫy để Người bày tỏ thái độ chính trị trước dân
chúng và nhà cầm quyền, qua câu chuyện đồng tiền nộp thuế cho Xê-da (x. Mt
22,15-22; Mc 12,13-17; Lc 20,20-26). Người đáp lại bằng cách nhắc họ nhớ có hai
bình diện quyền bính phải vâng phục. Hê-rô-đê khi đối diện với bị cáo Giê-su
cũng yêu cầu Người làm một hai phép lạ (x. Lc 23,8). Dưới chân thập giá, “các
thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: Hắn cứu được thiên hạ
mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en ! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay
bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền” (Mt 27,41-42). Chúa Giê-su đã đáp lại bằng
sự im lặng !
Loại
sức ép cuối cùng đến từ ma quỷ, gọi rõ tên là Xa-tan. Ở đây xin phép mở một dấu
ngoặc để nói về gốc tích của nhân vật này trước. Kinh thánh và thần học cho
chúng ta biết : nguyên thủy, đó là thiên thần, tạo vật cao trổi nhất của Thiên
Chúa, được Người dựng nên để phục vụ chương trình của Người nơi nhân loại (x. Hr 1,14) là tạo vật kém hơn một tí, như thư Hr 2,7
nói khi trích Thánh vịnh 8,5-7. Chương trình đó là sai Thánh Tử xuống trần,
mang lấy nhục thể, gánh chịu khổ đau để cứu chuộc nhân loại. Và thư Hr 1,6 thêm
: “Khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, TC lại nói : Mọi thiên thần của
TC phải thờ lạy Người.” Phải chăng chính vì kiêu căng, không thể thờ lạy một
kẻ kém mình, dù kém trong một thời gian ngắn (x. Hr 2,7) mà một số thiên thần
đã phản loạn, biến thành ma quỷ ?
Thành thử phải chăng ma quỷ luôn tìm cách phá hoại -kiểu vớt vát hoặc lì lợm- công trình cứu chuộc của Chúa Cha do Chúa
Con nhập thể thực hiện ? Nên ngay từ đầu đời rao giảng, khi Chúa Giê-su rút vào
hoang địa để suy nghĩ cho thấm nhuần đường lối cứu chuộc (đầy vất vả) mà Cha muốn,
ma quỷ đã cám dỗ Người từ bỏ phương cách này bằng phương cách dễ dãi và oai hùng hơn : tạo cho mình vinh quang trước mặt dân Ít-ra-en (nhảy từ
nóc Đền thờ xuống mà vẫn an toàn,
chứng tỏ có thiên
thần Chúa bảo vệ), tạo cho mình quyền lực trên mọi dân nước (nhờ làm phó tướng
cho ma quỷ là Thủ lĩnh thế gian,
x. Ga 12.31; 14,30), đem thần lực đang có nơi mình mà tạo ra vật chất của cải để dễ thu phục
thiên hạ (hóa đá thành bánh). Nhưng ma quỷ đã thất bại nhục nhã.
Dù
vậy, nó vẫn kiên trì tìm dịp khác (x. Lc 4,13). Đó là những khi bị Chúa ra tay
trừ khử, nó xuất khỏi kẻ bị ám mà hét toáng lên “Ông là Đấng Thánh của Thiên
Chúa” (Mc 1,24; Lc 4,34), “Ông là Con Thiên Chúa” (Mc 3,11), “Ông
là Con Thiên Chúa Tối Cao” (Mc 5,7; Lc 8,28)… Nhưng Chúa luôn bảo nó hãy câm
họng lại, vì rất dễ gây ra hiểu lầm về Người.
Ngay
trong Cựu Ước, nơi sách Gióp, Xa-tan cũng từng cám dỗ ông Gióp nguyền rủa Thiên
Chúa khi không còn được Chúa cho
của cải dư tràn và
thân thể lành lặn (x. G 1,11; 2,5), nghĩa là đừng chấp nhận con đường khổ đau lúc
phụng sự Thiên Chúa. Xa hơn nữa,
nơi Địa đàng, ma quỷ đã chẳng cám dỗ nguyên tổ loài người bất tuân ý muốn của
Thiên Chúa sao ? Do đó chẳng lạ gì khi Phê-rô định can ngăn Thầy đi vào
nẻo lối đau khổ, thì bị Thầy gán cho danh hiệu “Xa-tan” (Mt 16,23). Đây là cuộc
lên voi xuống chó chớp nhoáng nhất và rúng động nhất mọi thời : lên ngôi Giáo hoàng mới chỉ vài phút, Phê-rô đã bị giáng xuống làm thằng quỷ ! (x. Mt
16,1-23).
Thái độ của Chúa cấm ma quỷ tiết lộ Người là ai và cấm các kẻ hưởng
phép lạ loan truyền việc Người làm, các chuyên gia Kinh thánh gọi là “Bí mật
Mê-si-a.” Vì tuy nhắm mục đích cho thấy Người từ Thiên Chúa mà đến, Người xót
thương nhân loại bất hạnh, nêu bật tội lỗi là bất hạnh lớn lao hơn và tiên báo
đời sau sẽ không còn cái chết, bệnh tật, đau khổ; nhưng các phép lạ cũng là một
con dao hai lưỡi, vì khiến lầm tưởng Người cứu vớt nhân loại bằng cách tỏ quyền
năng lừng lẫy, đang khi ý định của Chúa Cha là muốn Người dùng con đường tự hạ,
bỏ mình, khổ tột cùng và chết oan ức. Vì thế, Chúa Giê-su chỉ tiết lộ bản chất và danh tính thực sự của mình vào
lúc cuối đời, trước mặt Thượng Hội Đồng Do-thái : “Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa”,
“Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng” (Mt 26,63-64; Lc 22,69-70), “Con của Đấng Đáng Chúc Tụng” (Mc 14,62)... nhưng là để khiến địch thù có cớ lên
án tử. Vì lúc đó không còn sự hàm hồ nào về danh hiệu, chương trình và hành động
Cứu độ của Chúa. Về phần con người, chỉ một kẻ có thể tuyên
xưng Chúa cách đúng đắn :
“Quả thật, ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54; Mc 15,39), “đích thực
là người công chính” (Lc 23,7), cũng như đúng lúc (dưới chân thập giá), đó
là viên đại đội trưởng Rô-ma, vị sĩ quan đứng đầu đội thi hành án, kẻ đã chẳng
bao giờ biết đến và càng không mong muốn quan niệm Đấng Thiên Sai oai hùng.
2- Kinh Thánh đã nói gì về Giu-đa
a- Trước hết,
Giu-đa có biệt danh là Ít-ca-ri-ốt (Iscariot: x. Mt 10,4; Lc 6,16). Người ta
thường nghĩ rằng đây là lối phiên âm ra tiếng Hy-lạp một từ Hip-ri (Qeriyoth) và
có nghĩa “người làng Keriot” (x. Gs 15,25; Gr 48,24). Lập trường này dựa trên
Gio-an 6,71; 13,26 trong đó Giu-đa được gọi là “con của ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt.”
Nhưng một lối giải thích khác cho rằng “Iscariot” có thể là biến
tướng của từ Hy-lạp “sikarios”, từ
La-tinh “sicarius” (từ Pháp: sicaire) có nghĩa là “kẻ giết mướn” (mà nếu vì mục
đích chính trị thì tương tự lối nói của Á đông : “thế thiên hành đạo”). Từ sikarios hay sicarius xuất
phát từ chữ “sica” có nghĩa là "dao găm", dụng cụ mà nhóm nổi loạn Do-thái
dễ thu giấu dưới áo choàng và chuyên sử dụng để chống lại người Rô-ma. Nhóm này
được lịch sử gọi tên là Sicarii (Sicarians) và sử gia Do-thái Flavius Josephus
(trong tác phẩm “Bellum judaicum” nói về cuộc chiến tranh Do-thái/Rô-ma các năm
66-70 CN) từng kể tên một số thủ lãnh của họ là Eleazar ben Jair, Simeon bar
Giora và Menahem (con thủ lãnh phái Zê-lốt Giu-đa người Ga-li-lê nói trên).
Thành thử Giu-đa Ít-ca-ri-ốt có thể là thành viên một nhóm cách mạng quyết dùng
bạo lực đánh đuổi Rô-ma xâm lược, y như “Si-môn thuộc nhóm Quá khích” (Mt 10,4)
hay “Si-môn biệt danh Quá Khích” (Lc 6,15).
Đúng theo tinh
thần đoàn kết, hòa hợp như đường lối yêu thương của Người đòi hỏi, Chúa Giê-su đã chọn vào Nhóm Mười Hai
những con người mà ngoài đời có thể giết nhau vì lập trường chính trị đối nghịch : Mát-thêu thu thuế, kẻ phục vụ Rô-ma phải sống được với
Si-môn, thành viên nhóm cách mạng, để cả hai làm gương mẫu và mầm mống
cho một cộng đoàn tình thương rồi đây sẽ được thiết lập giữa loài người.
b- Nhưng
quan trọng hơn, đó là chính Chúa Giê-su từng gọi Giu-đa là “quỷ” : “Chẳng phải Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai
sao ? Thế mà một người trong anh em lại là quỷ !” Người muốn nói về Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt” (Ga 6,70-71). Thánh sử Gio-an thì viết : Đức Giê-su “chấm một miếng bánh, trao cho
Giu-đa... Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y” (Ga 13,27). Dĩ
nhiên ở đây Gio-an không muốn nói Giu-đa bị quỷ ám để rồi nên điên loạn, thành
loài vô tâm vô trí. Lu-ca cũng viết tương tự : “Xa-tan đã nhập vào
Giu-đa, cũng gọi là Ít-ca-ri-ốt” (Lc 22,3)
Theo những gì
Kinh Thánh Tân lẫn Cựu Ước nói về Xa-tan, về ma quỷ như chúng ta vừa trình bày,
thì Giu-đa, y như Phê-rô, không chấp nhận lối cứu rỗi bằng tự hạ, bỏ mình, khổ tột
cùng và chết oan ức của Chúa Giê-su. Vậy ông ta nộp Thầy vì lý do gì ? Dựa vào nhận xét của Gio-an (12,6) : “Y (Giu-đa) là một tên ăn cắp : y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người
ta bỏ vào quỹ chung”,
người ta thường cho rằng y bán Chúa chỉ vì lợi lộc. Nhưng với một nhân vật ngoại hạng
như Chúa Giê-su mà Giu-đa chỉ được trả cho 30 đồng bạc (x. Mt 26,15), giá một
tên nô lệ, lương một tháng công nhật, rồi hài lòng nhận lấy thì quả là điều khó
tưởng tượng đối với một kẻ gọi là tham tiền. Ngoài ra, Giu-đa biết chắc chắn rằng
đối với các thượng tế (và mấy phái khác), Chúa Giê-su là kẻ thù không đội trời
chung, sa vào tay họ chỉ có nước chết. Nếu bán Thầy chỉ vì hám lợi thì Giu-đa sẽ
bình thản ra đi, chẳng bận tâm gì về số phận, sinh mạng của Thầy nữa. Thế nhưng
Tin Mừng lại cho biết y đã hối hận khi nghe tin Chúa bị kết án tử, nói rằng
mình đã nộp người vô tội, ném số bạc vào Đền thờ và ra đi thắt cổ (x. Mt 27,3-10).
Thiết tưởng chuyện nộp Thầy chỉ là một mưu đồ của Giu-đa muốn dồn
Chúa Giê-su vào chân tường để Người phải hành động, phải tự cứu, phải dùng sức
mạnh đánh bại những kẻ thù lâu nay của mình, và rồi trở thành thủ lãnh nổi loạn,
giữa lúc dân chúng đang phấn khởi ngất trời vì cuộc hồi sinh La-da-rô và giữa
lúc có biết bao nhiêu thành viên kháng chiến đang trà trộn giữa đám người đông
đảo tụ về Giê-ru-sa-lem nhân lễ Vượt Qua. Oái oăm thay, Chúa Giê-su lại “tương
kế tựu kế” để đi vào cuộc thương khó, chấp nhận cuộc tử nạn hầu hoàn thành đường
lối cứu rỗi của Thiên Chúa.
Kết luận
Bài viết có nhan đề là “Suy niệm về Giu-đa” nhưng Quý Độc giả hẳn
thấy là suy niệm về đường lối cứu rỗi của Chúa Giê-su nhiều hơn, một đường lối
mà hành động của Giu-đa chỉ là một trong những chất xúc tác.
Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu đó đã khiến Người sai Thánh Tử xuống
trần nhập thể không phải một cách oai hùng, kỳ lạ (kiểu thần tiên giáng thế như
nhiều tôn giáo hay thần thoại trình bày), nhưng dưới lốt một con người tầm thường,
chấp nhận mọi hệ lụy của kiếp nhân sinh, thậm chí nằm ở tầng thấp của xã hội, để
khỏi cưỡng bức nhân loài chấp nhận. Tình yêu đó cũng đã khiến cho Thánh Tử thực
thi việc cứu rỗi đúng với đòi hỏi và bản chất của Tình yêu : khiêm tốn, tự hạ,
bỏ mình, bằng cách chấp nhận mất tất cả, kể cả mạng sống và danh dự. Ngay loài
người cũng thấy tình yêu đích thực và sâu sắc thường đi kèm với cái chết : người
mẹ chỉ yêu con tột cùng khi chết vì con, người công dân chỉ yêu tổ quốc tột
cùng khi chết vì đất nước, kẻ phục vụ cao độ nhất là khi xả thân, hiến mạng vì
tha nhân, xã hội (nhiều nhà bác học đã lấy thân mình làm vật thí nghiệm). Những
chuyện tình lớn trong văn chương bao giờ cũng có cái chết của một trong hai người
(Roméo Juliette, Paul et Virginie, Love Story, Lương Sơn Bá-Chúc
Anh Đài.…). Chúa Cứu Thế không thể đi một con đường khác. Và đó là điều Giu-đa
đã chẳng hiểu nổi. Nhưng đừng nguyền rủa ông ta. Giáo hội chỉ phong thánh chứ
không bao giờ phong quỷ cho ai cả !
Lm Phêrô
Phan Văn Lợi, TGP Huế. Tuần Thánh 2022. Cập nhật Tuần Thánh 2025
Tác giả:
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
|