I. NGUYÊN TẮC
Đọc một bản
văn Kinh Thánh là khiến nó sản sinh một ý nghĩa, nói lên một điều gì đó cho tôi
là độc giả hôm nay. Nhưng có mối nguy hiểm: phải chăng có thể khiến bản văn nói
bất cứ cái gì? Cần phải học bản văn là vì vậy.
Học nghĩa
là nghiên cứu bản văn với sự trợ lực của nhiều phương pháp, để không liều lĩnh
chiếu vào đó các tình cảm lẫn tâm lý của ta nhưng cố gắng hiểu điều tác giả muốn
nói, sứ điệp Thiên Chúa muốn gởi. Việc nghiên cứu học hỏi này cũng bắt ta đọc bản
văn thật sát. Vì có nhiều đoạn Thánh Kinh ta biết rõ hay tưởng biết rõ (các Tin
Mừng chẳng hạn), đến nỗi không còn đọc mà chỉ lướt trên chúng và lặp lại những
gì đã luôn nghe về chúng.
Trong thực tế, đứng trước một
bản văn Kinh Thánh, phải biết dùng hai phương pháp học hỏi. Một là phương pháp
phân tích cơ cấu, hai là phương pháp phân tích lịch sử.
1. Phân tích cơ cấu
Khi viết một câu văn, người ta
phải tôn trọng một số quy tắc, thì khi viết một bản văn (thư từ, trình thuật...),
người ta cũng phải tôn trọng nhiều quy tắc khác. Nghĩa là không chỉ có ngữ pháp
(văn phạm) của câu mà còn có ngữ pháp (văn phạm) của văn bản. Kinh Thánh dù là
Lời Chúa cũng không đi ra ngoài khuôn khổ đó. Phân tích cơ cấu là nghiên cứu
chính bản văn Kinh Thánh dựa trên các từ, các thành ngữ, các mệnh đề, cách bố cục
câu chuyện và văn mạch trong đó bản văn nằm vào.
2. Phân tích lịch sử
Tuy nhiên, các sách Kinh Thánh
đã được viết cách đây hai hay ba nghìn năm và trong một nền văn hóa xa lạ với
chúng ta. Để hiểu chúng, ta phải sử dụng các chỉ dẫn của: - lịch sử, như
người ta được biết nhờ Kinh Thánh nhưng cũng nhờ tài liệu của bao dân tộc khác
nữa (ví dụ của các sử gia Rôma trong những gì liên quan đến Tân Ước); - văn
chương đương thời: các trình thuật trong 11 chương đầu sách Sáng Thế có
liên hệ đến những truyền kỳ và huyền thoại của miền Lưỡng Hà; muốn hiểu rõ các
Tin Mừng, cần biết thêm các tài liệu liên quan đến các phái thời Chúa Giêsu như
phái Pharisêô, phái Êsêniô... Ngoài ra phải biết phân biệt các thể văn trong
Kinh Thánh; - khảo cổ học: việc tìm thấy tại Giêrusalem bể nước có 5 trụ
lang giúp hiểu hơn Ga 5, 2; việc khám phá cung điện của Omri và Jézabel ở
Samari làm sáng tỏ sách ngôn sứ Amốt... (Những điều trên, bạn có thể tìm thấy
trong những sách nghiên cứu nhưng cũng có trong các nhập đề và chú thích nơi cuốn
Kinh Thánh của bạn).
Thành thử phân tích lịch sử là
đặt một bản văn vào lại lịch sử của nó, vào các thời điểm khác nhau của lịch sử
trong đó nó đã phát sinh, để cố gắng xem điều tác giả muốn nói.
II. THỰC HÀNH CỤ THỂ
A - TIẾP XÚC ĐẦU TIÊN
Đọc qua lần đầu rất thường là
việc duy nhất ta thực hiện. Nó giúp khám phá bản văn một chút, nhưng nhất là
khám phá chính bản thân mình: đâu là các trọng điểm, các bận tâm của ta... Vậy
hãy ghi nhớ các phản ứng bộc phát của mình: cái đánh động bạn, cái làm bạn thú
vị ngạc nhiên, cái đặt ra cho bạn câu hỏi...
Nếu làm việc theo nhóm, hãy
ghi chú các câu hỏi, nhưng đừng cố trả lời lập tức: các bạn liều lĩnh sa lầy
vào những vấn đề thứ yếu. Sẽ trả lời các câu hỏi ấy sau khi nghiên cứu bản văn
đã.
B - NGHIÊN CỨU VĂN BẢN
Ở đây ta dùng hai phương pháp
đã nói. Các câu hỏi đầu được gợi lên từ lối phân tích cơ cấu, các câu hỏi tiếp
từ lối phân tích lịch sử.
1. Chính bản văn (phân tích cơ
cấu)
Đọc bản văn lần nữa nhưng gác
sang bên các chú thích của Kinh Thánh. Nếu nó không dài quá, bạn có thể chép lại.
Hãy đánh dấu (nếu cần thì dùng bút chì màu):
· các từ hay thành ngữ năng gặp,
tương ứng hoặc đối nghịch nhau.
· các diễn viên (nhân vật hay đồ vật): lưu
ý xem việc họ làm - lời họ nói - biến cố xảy đến cho họ...
· các nơi chốn, các cuộc di chuyển.
Có nơi chốn nào gắn liền với một nhân vật hay một ý tưởng không?
· các thì động từ, những ghi chú khác...
Từ mọi nhận xét đó, tìm xem cái
xảy ra trong văn bản: Ai làm hay tìm gì? Ai (hay cái gì) giúp tìm kiếm, chống
tìm kiếm? Đi từ đầu đến cuối văn bản ra sao: có thấy một biến đổi nào
không? Của ai hay của cái gì? Nó xảy ra như thế nào? Đã đi qua những giai đoạn
nào? Nhờ ai (hay cái gì) mà có biến đổi ấy?
Các câu hỏi trên dễ bị xem là
giáo khoa hoặc ấu trĩ. Lợi ích chủ yếu của chúng là buộc bạn phải nhìn thật sát
bản văn, quên đi những ý tưởng làm sẵn. Chớ ngần ngại bỏ thời gian: sẽ thấy có
lợi rất nhiều.
Xin chú ý đặc biệt đến mọi điểm
đối nghịch. Quả thế, người ta thường chỉ nghĩ theo kiểu tương phản. Bảo
ngôi nhà này lớn chỉ có ý nghĩa khi so sánh nó, ít nhất trong tâm trí, với căn
nhà một phòng chứ đâu phải với một khu chung cư.
Một trình thuật (tức không phải
là một bản văn chỉ gồm những lời giáo huấn) bắt đầu ngay khi có một lỗ hổng;
nó kết thúc khi lỗ hổng được lấp đầy và tất cả mục tiêu của trình thuật là cho
thấy để đạt đến đó, người ta đã đi qua những giai đoạn nào, phải vượt thắng những
trở ngại nào. Các diễn viên khác nhau (nhân vật hay đồ vật) của bản văn
được tổ chức xung quanh việc kiếm tìm đối tượng còn thiếu và ta có thể gộp
chúng thành 6 loại :
Một ví dụ tầm thường: tôi thấy
anh Phú, xóm giềng của tôi đang khát; anh thiếu đối tượng: đồ uống. Tôi
xin anh Hậu tìm dùm. Tôi - người gởi - đặt anh Hậu như chủ thể di
tìm vật thiếu cho anh Phú, người nhận. Để Hậu thật sự là chủ thế,
anh phải muốn (vì có thể từ chối), biết (tìm đồ uống nơi đâu) và đủ
khả năng (có tiền). Nhiều hỗ trợ viên sẽ giúp anh bằng cách cho biết
(nơi đâu có tủ lạnh) hay cho khả năng (tiền), nhưng nhiều chống đối viên
có lẽ sẽ gây cản trở... Có thể gặp nhiều người chống đối, giúp đỡ, thiếu đối tượng,
nhưng họ chỉ làm thành một nhóm.
Cũng xin nhớ: nơi đây ta vẫn
chưa tìm nghĩa mà chỉ tìm cách xếp đặt các yếu tố cho phép bản văn sinh nghĩa.
Đừng ngần ngại bỏ thời gian cho việc tìm kiếm ấy: bạn sẽ thấy sau đó, bản văn
nói với bạn rõ hơn nhiều.
Bản văn đặt lại trong văn mạch
Chúng ta quá quen nghe từng đoạn
Kinh Thánh nhỏ, nhất là qua các bài đọc phụng vụ thánh lễ. Hãy đặt chúng vào lại
trong văn mạch: chúng sẽ mang một hương vị mới.
Bản văn thuộc về một toàn bộ
(sách, chương). Nó gắn với toàn bộ thế nào? Đâu là vị trí của nó trong ấy? Nó mang
lại những gì?
2. Bản văn đặt vào trong thời
đại (phân tích lịch sử).
Bây giờ ta sử dụng phương pháp
lịch sử hơn. Đây là lúc để đọc các nhập đề và chú thích trong cuốn Kinh
Thánh của bạn: bạn sẽ thường gặp ở đó các chỉ dẫn thiết yếu bạn cần. Nếu được
thì tham khảo một tập bản đồ hay một cuốn chú giải.
Dùng các chú thích và nhập đề
của KinhThánh, bạn có thể tự hỏi:
· Bản văn được viết thời nào? Hoàn cảnh của
dân tộc hay của tác giả lúc ấy ra sao?
· Có từ nào, thành ngữ nào mang một nghĩa đặc
biệt thời ấy không?
· Đâu là văn thể của bản văn?
· Phải chăng có nhiều bản văn tương tự
trong hay ngoài Kinh Thánh thời ấy: bản văn Cựu Ước này có lấy lại các
chủ đê Thánh Kinh không? Nó thêm gì? Có lấy lại các chủ đề gặp thấy trong văn
chương Ai Cập hay Lưỡng Hà không? Đâu là những tương đồng dị biệt? Bản văn Tân
Ước này có lấy lại các chủ đề Do Thái của thời Đức Kitô không? Của các bản
văn Cựu Ước không? Trong trường hợp này: nó được chúng soi sáng thế nào? Nó soi
sáng chúng ra sao?
· Nếu trong Thánh Kinh có nhiều bản văn tương tự,
đặc biệt đối với 4 Tin Mừng (xem các trưng dẫn bên lề trong Kinh Thánh của bạn):
hãy so sánh chúng, ghi chú những tương đồng dị biệt. Việc ấy giúp bạn hiểu bản
văn hơn ở điểm nào.
· Bản văn đã được sản sinh bởi một cộng
đoàn và cho một cộng đoàn. Ai nói với ai? Để giải đáp vấn đề nào? Câu hỏi
sau cùng này rất quan trọng: đừng quên tự vấn tại sao người ta đã muốn
tường thuật biến cố này hay những lời kia; chẳng phải vô cớ đâu, nhưng là để giải
đáp một vấn đề đặt ra lúc ấy.
Kiểm chứng
Lấy lại các câu hỏi đã lưu ý
ban đầu: bạn trả lời được không?
Các câu hỏi ban đầu của bạn
bây giờ hẳn đã được giải đáp. Nếu không, nhớ ghi chú để khi có dịp thì hỏi kẻ
có thẩm quyền.
C. ĐỌC BẢN VĂN
Giờ xin để qua bên công trình
nghiên cứu của bạn mà đọc bản văn: nó nói với bạn điều chi? Nó giúp bạn sống ở
điểm nào? Đây mới là mục tiêu mà tất cả công việc trên đây dẫn bạn tới. Cũng
xin thử viết lại bản văn như nó nói với bạn bây giờ.
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi biên soạn
từ
Etienne Charpentier, Pour lire
l’Ancien Testament.
Éditions du Cerf 1988, 11e
édition, pp. 14-15