CHÚA
NHẬT 4 MÙA CHAY NĂM C: LC 15,1-3.11-32
Khi
ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi thường đều lui tới với Đức Giê-su
để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì
với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Đức Giê-su
mới kể cho họ dụ ngôn này:
“Một
người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho
con phần gia sản con được hưởng’. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít
ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh sống
phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
“Khi
anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng
khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người
dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu
muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm
và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà
ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người:
‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha
nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. Thế rồi anh ta đứng lên
đi về cùng cha.
“Anh
ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra
ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con
thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa…’.
Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho
cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm
thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết nay sống lại, đã mất mà
nay lại tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng.
“Lúc
ấy người con cả đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng
đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy
trả lời: “Em cậu đã trở về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu
ấy mạnh khỏe”. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu
ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: “Ông coi, đã bao nhiêu năm trời tôi hầu hạ ông, và
chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ ông cho tôi lấy được một con dê
con để ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của ông đó, sau khi đã nuốt hết của
cải của ông với bọn điếm, nay trở về, thì ông lại giết bê béo ăn mừng!”.
“Nhưng
người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì
của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây
đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”
NGƯỜI CHA PHUNG PHÍ
Ba
câu mở đầu bài Tin Mừng là lời dẫn nhập cho “ba dụ ngôn về lòng thương xót”:
con chiên lạc tìm được, đồng tiền đánh mất tìm được, đứa con đi hoang tìm được.
Như thế, ba câu chuyện này đã được Đức Giê-su kể để tự biện hộ về những quan hệ
chướng tai gai mắt (đối với phái Pha-ri-sêu và giới kinh sư) mà Người vẫn
thường có với những “kẻ tội lỗi”.
“Một
người kia có hai con trai…” Ta thường có thói quen xấu là chỉ chú ý tới nửa đầu
của dụ ngôn, phần nói về đứa con thứ và coi nó như nhân vật chính, nên đã đặt
tên cho câu chuyện là “dụ ngôn đứa con hoang đàng”. Thế nhưng, ông cha mới là
người hùng của câu chuyện. Chúng ta sắp nghe không phải dụ ngôn “Người con
phung phá” (phung phá của cải: fils prodigue/prodigal son) song là “Người cha
phung phí” (phung phí tình yêu: père prodigue/prodigal father, xin xem trên
mạng), một vở kịch hai màn: cuộc “tranh chấp” giữa một người cha với 2 đứa con,
cả hai đều được yêu mến như nhau, yêu mến điên cuồng, mặc dầu chẳng có đứa nào
xứng đáng với tình yêu đó cả! Một câu chuyện tình yêu vô cùng cảm động (theo
đại văn hào Charles Dickens), một hình ảnh đẹp nhất của Cha trên trời!
1-
Thái độ của người cha đối với đứa con thứ
Đứa
con này chỉ là một tên trục lợi: nó đòi tiền bạc, rất nhiều tiền bạc. Nó chỉ
nghĩ tới mình. Nó nhận tất cả từ cha, nhưng chẳng hề biết ơn cha, mà chỉ nghĩ
một chuyện: đòi hỏi, yêu sách… Phần người cha thì hoàn toàn trái ngược. Ông chỉ
là cho không, chia sẻ vô vị lợi, tôn trọng tự do người khác, tóm lại chỉ là
tình yêu! Hình ảnh của Thiên Chúa!
Đứa
con thứ chính là hình ảnh mà phái Pha-ri-sêu vẫn thường vẽ lên về những “kẻ tội
lỗi”: a/ Là đứa con nổi loạn, đòi độc lập tự chủ, y quả tượng trưng
chủ nghĩa vô thần của mọi thời: hưởng dùng các “ân huệ” của Thiên Chúa nhưng
chẳng thừa nhận Thiên Chúa, còn sống xa Người, muốn làm mọi chuyện mà chẳng bị
ai kiểm soát cả: “Không Chúa không chủ!” Điều đó đặc biệt đúng với hôm
nay! b/ Hơn nữa, đối với Pha-ri-sêu, đứa con Ít-ra-en này đã xuống
tới đáy ti tiện đê hèn. Nó đã bán thân làm nô lệ cho một người ngoại, thành thử
chẳng còn giữ ngày sa-bát cũng như các tập tục về thanh sạch: nó chăn heo, con
vật nhơ bẩn, ghê tởm, bị cấm đoán. c/ Hơn nữa, dầu chỉ xét về mặt con
người, sống như thế cũng không hợp luân lý: đây là một tên phóng đãng, một loại
người hạ đẳng, biến chất, trở lùi lại thú tính. Nó sống như một loài heo: kiếm
tiền, ăn nhậu, làm tình… chỉ biết đến cái tôi, thuần mơ chuyện hưởng thụ…
Ta
quả là tô vẽ nó khi trình bày nó như kẻ nay biết ăn năn tỉnh ngộ. (Xin nhớ lại
vài thánh ca thống hối, cảm hứng từ dụ ngôn và năng được hát trong mùa Chay
này). Không, đứa con thứ vẫn chẳng có thần nào khác ngoài tư lợi ích kỷ: đổ cho
đầy bụng! Việc nó trở lại nhà chỉ là một tính toán đê tiện nhằm tìm lại chỗ trú
và bàn ăn. Chẳng thấy nó tự nhủ sao: “Biết bao nhiêu người làm
công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!” Câu nói hoa mỹ, nghe
rất lâm ly bi đát (“Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với
cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…”), chỉ là một màn kịch
soạn sẵn nhằm làm mủi lòng người cha mà nó nghĩ là sẽ la rầy, trừng phạt nó
đích đáng và… chính đáng. Có đứa con nào đi xa nay trở về thăm cha mẹ mà lại
chuẩn bị trước những câu nói vốn sẽ tự nhiên trào ra tận đáy lòng một khi trông
thấy quê nhà dấu yêu? Đứa con thứ xót bụng hơn đau lòng! Nó đúng là một tên
khốn khiếp, nạn nhân của các bản năng, của lũ bạn bè quý hóa: nó đã đánh mất
tập quán yêu thương, chỉ còn biết nghĩ tới chính mình. Lạy Chúa, đó là hình ảnh
của con. Con thường sống như vậy!
Thằng
con trở về với ý đồ đê tiện. Nhưng khi “nó còn ở đằng xa”, còn chưa
mở miệng thì người cha đã làm tất cả. Bốn cử chỉ: “ông đã trông thấy…”,
“ông chạnh lòng thương…”, “ông bổ nhào ra…”, “ông ôm cổ nó và hôn lấy hôn để”.
Cử chỉ chạy bổ nhào ra có lẽ là cử chỉ mạnh nhất của toàn thể dụ ngôn. Trong
tập quán của mọi thời, không có chuyện một người trên chạy tới với một người
dưới, nhất là khi kẻ dưới này có một thái độ đáng trách. Đây lại là một ông già
Đông phương sang quý đường bệ, lúc nào cũng ăn nói và đi đứng khoan thai từ
tốn.
Vâng,
ta bóp méo hoàn toàn dụ ngôn của Đức Giê-su khi trình bày cuộc trở về của đứa
con này như mẫu gương “hoán cải”. Nếu ở đây Đức Giê-su chỉ mô tả sự “thống hối”
của một tội nhân, giáo huấn này đã chẳng gây cho phái Pha-ri-sêu và giới
kinh sư nỗi khó chịu. Tại Ít-ra-en, người ta đã biết từ lâu, toàn thể Kinh
Thánh làm chứng, là Thiên Chúa tha thứ cho tội nhân hoán cải. Nhưng thái độ của
người cha ở đây còn đi xa hơn nhiều: ông không mảy may lưu ý xem thằng con biểu
lộ một lòng thống hối đích thực hay giả tạo. Ngay khi nó còn ở đằng xa, ông đã
chạy ra gặp nó. Đức Giê-su không nhấn mạnh đến thái độ của đứa con hoang đàng,
trên những cử chỉ thống hối đền tội của nó, nhưng trên tình yêu vô vị lợi của
người cha… một người cha đã tha thứ vô điều kiện, trước khi đứa con thú lỗi!
Đức Giê-su nói cho ta biết “làm con” là gì: trước hết đó không phải là có thái
độ thế này thế kia đối với cha hay mẹ… nhưng là được cha và mẹ thương yêu, cho
dù mình xứng đáng hay bất xứng! Đó đã là mạc khải của ngôn sứ Hô-sê: Thiên Chúa
tiếp tục yêu thương cô vợ bất trung bất tín của Người (Hs 3,1; 11,1-9; 14,5-9).
Hỡi những ai tự nhận là vô thần, những ai đang sống như kẻ vô thần, những ai đã
xa lìa Thiên Chúa vì tội lỗi, Đức Giê-su nói với quý vị: “Cho dẫu bạn không tin
Thiên Chúa lẫn yêu mến Người, Người cũng chẳng bao giờ ngừng tin và yêu bạn!”
Ta hiểu vì sao những kẻ tội lỗi đã chạy đến cùng Đức Giê-su !
Trong
vòng tay cha, thằng con bắt đầu tụng lên câu nói đã dọn sẵn, nhưng ông không để
nó kết thúc. Ông chẳng cần biết nó dối trá hay chân thành. Ông chỉ biết nó là
con ông và ông là cha nó. Trái tim tràn tình yêu của ông khiến ông đổ đầy nó
bằng tặng phẩm! Đây quả thực là một lễ cưới: áo, nhẫn, giày, tiệc, ca nhạc, quả
thực là nghi lễ phục hồi chức vị làm con. Ông lăng xăng chạy từ nhà trên xuống
nhà dưới, từ đầu sân đến cuối sân, hối thúc gia nhân dọn tiệc. Niềm vui của ông
thật vỡ bờ. Nếu có hình dung sự hoán cải của thằng con đểu giả thì chính là lúc
này đây, khi nó đứng giữa sân như trời trồng rồi khóc lên sung sướng vì nhận
thấy tất cả tình thương bao la vĩ đại của cha. Nhưng đó không phải là điều tác
giả dụ ngôn muốn đề cập.
Tình
thương của người cha được cô đọng trong câu: “Con ta đây đã chết mà nay sống
lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Đây là điệp khúc chấm dứt màn nhất của vở
kịch. Lát nữa ta sẽ gặp lại nó cuối màn hai với vài từ thay đổi. Chết-sống…
Thất lạc-tìm lại… Cái chết nào đối với Đức Giê-su đây? Mạc khải nào Người muốn
đưa ra cho nhân loại đây? Thưa rằng: xa Thiên Chúa, đó là chết, đó là đánh mất
chính mình! Con người chỉ hiện hữu thật sự trong mối tương quan với Thiên Chúa
thôi. Người ta có thể tưởng mình sống, thế mà đã chết trong thực tế.
Nhưng
khi phàm nhân trở về, thì “cuộc liên hoan” của Thiên Chúa bắt đầu, “niềm vui”
của Thiên Chúa nở rộ! Hoán cải, đó là đơn giản đi vào niềm vui của Thiên Chúa.
Đấy chính là chuyện mà anh con cả sắp khước từ.
2.
Thái độ của người cha đối với đứa con cả.
Đối
với đứa con cả, người cha cũng biểu lộ một lòng tốt như thế: ông ra gặp
chàng trước… và năn nỉ chàng… Kinh Thánh thường trở đi trở lại trên chủ đề
này, chủ đề về tính nhưng không tuyệt đối của các hồng ân Thiên Chúa, qua hình
ảnh con thứ thay thế con cả (x. St 27,36; 2Mcb 4,26; Cn 30,23; Hs 12,4), hình
ảnh “những người thợ giờ cuối cùng” cũng được trả công bằng “những người thợ
giờ thứ nhất” (x. Mt 20,8), hình ảnh “những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu” (x.
Lc 13,30), hình ảnh “lương dân” sẽ thay thế “tuyển dân” (x. Rm 9,30). Tất cả
đều nói lên tự do cao vời và tính cánh nhưng không của tình yêu Thiên Chúa.
Đối
với đứa con thứ, người cha đã không muốn nghe gì hết. Nay đối với anh con cả,
ông để cho chàng mặc sức… trút lên đầu ông bầu tâm sự đầy đắng cay, phẫn nộ. Có
lẽ anh cũng có lý của mình. Anh ta chính là chân dung của phái Pha-ri-sêu mà
Đức Giê-su muốn khắc vẽ. Câu quả quyết của anh: “Ông coi, đã bao năm
trời tôi hầu hạ ông, cùng chưa hề lướt lịnh ông” (lối dịch của cha
Nguyễn Thế Thuấn) quả là đúng với sự thật, làm nổi bật hình ảnh phái Pha-ri-sêu
tự hào vì đã giữ trọn Luật (x. Lc 18,9). Thái độ của anh không kể gì đến tương
quan anh em nữa (“thằng con của ông”) và nói về em một cách khinh bỉ
đúng là thái độ của phái Pha-ri-sêu đối với hạng mà họ gọi là tội nhân. Bản
dịch Anh ngữ câu nói của người con cả này còn cho ta một chi tiết lý thú: “Thì ông
lại giết con bê chúng ta đã cùng nhau vỗ béo” (you kill the calf we had been
fattening). Đúng là chua chát và ghen tức đến cực điểm! Riêng đối với cha, anh
đã biến mình thành tôi tớ, biến tình thương thành nô dịch.
Như
thế, người con cả cho ta thấy chính trọng tâm của dụ ngôn: anh ta đã không nhận
rõ tất cả tình yêu đang bao phủ anh: “Con à, lúc nào con cũng ở với
cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải
vui vẻ, vì em con đây…”. Người cha sửa lại lối nói của người anh một cách
tế nhị (“em con đây” đối lại “con ông đó”). Qua dụ ngôn hai màn này, thành thử
chúng ta được mời đi vào trong tình yêu của Thiên Chúa, trong niềm vui của
Người được gặp lại các tội nhân. Đây là lời loan báo sự hoán cải của lương dân
sẽ đi vào trong “dân mới của Thiên Chúa” hàng loạt. Một ngày kia, Lu-ca sẽ đặt
trên miệng Phê-rô câu nói này khi nhận ra ân sủng ban cho viên bách quản ngoại
đạo: “Vậy nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban
cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, thì tôi là ai mà dám ngăn
cản Thiên Chúa” (Cv 11,17). Không, không có ưu đãi: hết thảy đều được
Cha trên trời mến yêu.
Và
dụ ngôn đứa con thất lạc tìm thấy (hay đúng hơn “người cha phung phí”) kết thúc
với cùng một điệp khúc vui tươi như hai dụ ngôn trước (xin xem Chúa nhật 24
Thường niên năm C). Màn hai của dụ ngôn lấy lại câu kết của màn đầu, với việc
đổi từ “con ông” bằng “em con” như đã ghi nhận. Thiên Chúa là Cha, đó là điều
chắc chắn: Người yêu hết thảy con cái của mình. Nhưng nhân loại có là anh em
với nhau không? Phải chăng anh con cả sẽ để mình bị thuyết phục và “đi vào
chung hưởng niềm vui với cha”? Chúng ta không biết. Dụ ngôn vẫn bỏ ngỏ. Văn sĩ
tài ba Lu-ca lần này xem ra quên viết kết luận cho câu chuyện. Chẳng quên đâu!
Vì thật ra chính người Biệt phái, chính chúng ta phải cho nó một kết luận: đi
vào cuộc liên hoan với Thiên Chúa, cuộc liên hoan mừng kẻ tội lỗi trở về. Bạn
có muốn làm thế không?
Lm.
Phê-rô Phan Văn Lợi