CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN NĂM C: LC 4, 21-30
Khi ấy, tại hội đường Na-da-rét, sau khi đọc sách ngôn sứ
I-sai-a, Đức Giê-su bắt đầu nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý
vị vừa nghe”. Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng
Người nói ra.
Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?”
Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi
hãy chữa lấy mình ! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại
Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm ở đây, tại quê ông xem nào!”
Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: Không một ngôn sứ nào ưu
đãi quê hương mình. Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: thời ông Ê-li-a, khi
trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội. thiếu gì bà
góa ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả,
nhưng chỉ được sai đến giúp bà góa thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, thời
ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không
người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi”.
Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy,
lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi-. Họ kéo Người lên
tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
ƯU ĐÃI QUÊ NHÀ?
Nhiều nhà chú giải đã nhận thấy có nhiều rời rạc trong đoản văn
này, hay ít ra nhiều nhược điểm văn chương “lạ lùng nơi một tác giả cẩn thận
như Lu-ca” (Augustin George), khiến người ta giả thiết là ở đây vị thánh sử đã
dùng nhiều nguồn liệu mà ông đã không khéo tổng hợp. Những “rời rạc” đó có thể
tóm lại trong hai điểm: 1- Bất tương xứng giữa phản ứng đầu tiên của cử tọa
(tán thành thán phục) với những lời dữ dội của Đức Giê-su ở cc. 23-27. 2- Thiếu
đồng nhất bên trong diễn từ của Đức Giê-su (cc. 23-27): ở c. 23, Đức Giê-su
linh cảm đồng hương sắp xin mình làm phép lạ (điều này giả thiết họ đã tin);
trái lại nơi c. 24 (“Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”,
lối dịch thông thường), xem ra Người phàn nàn là bị bạc đãi. Cuối cùng, câu 24
(theo lối dịch thông thường) cho thấy chính dân Do-thái loại trừ các ngôn sứ,
trong khi các câu 25-27 lại bảo chính các ngôn sứ từ chối làm phép lạ tại
Ít-ra-en. Thật ra, cảm tưởng “rời rạc” này phát xuất từ việc người ta muốn tìm
nơi Lu-ca một lược đồ của Mác-cô (6,1-6), trong lúc Lu-ca lại thay đổi cơ cấu
của trình thuật Mc cách sâu đậm, để biến trình thuật này thành một toát yếu
biểu tượng về cuộc đời và sứ mạng Đức Giê-su: từ chối dành riêng ơn cứu độ cho
quê hương Người!
1. Đòi hỏi của người đồng hương
Mở đầu bản văn là câu kết luận bài giảng đầu tiên của Đức Giê-su
trong hội đường Na-da-rét, quê hương của Người (xin xem lại bài Tin Mừng CN
tuần trước). Qua bài đọc ngôn sứ I-sai-a (61,1-2), Đức Giê-su muốn đưa ra cương
lĩnh hành động của mình: loan Tin Mừng cho kẻ nghèo, giải thoát những ai bị
giam cầm áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa! Rõ ràng là sứ điệp về
ơn cứu độ phổ cập. Và Đức Giê-su chú giải lời ngôn sứ như sau: “Hôm nay
đã ứng nghiệm tất cả những điều ấy”. Người quả quyết bản thân mình thỏa mãn
lòng mong đợi của Ít-ra-en. Rút lời Kinh Thánh khỏi quá khứ, nơi ta luôn có
khuynh hướng xếp xó nó vào, Đức Giê-su nhắc ta nhớ rằng cùng với chương trình
của mình, Người đang xâm nhập cuộc sống thường nhật hiện tại của chúng ta!
Cử tọa đã phản ứng rất thuận lợi: “Mọi người đều tán
thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra”. Chẳng những
thế, họ còn kháo láo với nhau: “Ông này chẳng phải là con ông Giu-se đó
sao?” Đây có thể hiểu như một lời mai mỉa (như nơi Mc), nhưng trong
bối cảnh này, nó là một sự xác nhận đầy thích thú, che giấu một tính toán vụ
lợi: “Ông ấy là thân thuộc chúng ta, là con cháu trong họ trong làng”. Bởi thế
Đức Giê-su bèn phán: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy
lang ơi, hãy chữa lấy mình”. Có kẻ cho rằng câu này tương tự kiểu nói: “Chớ
lên mặt dạy đời, ông có hay ho gì! Hãy tự răn mình trước đã!” Trong trường hợp
đang xét, nó thật ra có nghĩa: “Nhà thần thông ơi, hãy cho thân nhân của ông
được hưởng các phép mầu của ông trước khi cho người xa lạ hưởng” (như ta hay
nói hiện thời: bác sĩ bao giờ cũng chữa người nhà trước, dành thuốc tốt cho vợ
cho con!) Ở đây, nghĩa câu tục ngữ đúng là như thế, vì Đức Giê-su khi giải
thích tư tưởng cử tọa, đã lập tức áp dụng câu đó cho mình: “Các ông đòi hỏi tôi
làm ở đây các phép lạ tôi đã làm ở Ca-phác-na-um, chỉ vì các ông là đồng hương
với tôi. Nhưng tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào…”
2. Thái độ của nhà ngôn sứ
Cho tới nay, đa phần các bản dịch viết: “Không một ngôn sứ nào
được chấp nhận tại quê hương mình”. Cụm từ “được chấp nhận” viết là “dektos”
trong tiếng Hy-lạp. Từ này thường mang ý nghĩa thụ động (được tiếp nhận, được
ưu ái, được hoan nghênh, được trọng đãi, x. Cv 10,35; Pl 4,18) nhưng cũng có
khi mang nghĩa chủ động (ưu đãi, sủng mộ, thuận lợi, thương đoái: x. Xh 28,38;
Đnl 33,16.23; G 33,26; Is 49,8 được trích dẫn ở 2Cr 6,2; Is 61,2 được trích dẫn
ở Lc 4,19). Muốn cho mạch lạc với phần trước cũng như với phần sau, nơi Đức
Giê-su trích dẫn hai ví dụ minh họa trong Cựu Ước và sự chuyển biến tình cảm
của đồng hương Người, thiết tưởng ta phải theo nghĩa chủ động của từ dektos mà
dịch c. 24 như sau: “Không một ngôn sứ nào ưu đãi quê hương mình”.
Ngay trong câu 19 là câu trích dẫn Is 61,2: “công bố một năm thương
đoái (Nguyễn Thế Thuấn) -một năm tiếp nhận (TOB)- của
Chúa”, Lu-ca đã muốn hiểu từ dektos theo nghĩa chủ động rồi.
Có như thế, tương quan của câu 24 với văn mạch mới được sáng tỏ:
nó đối nghịch với câu 23 (Đức Giê-su từ chối lời xin làm phép lạ) và được kéo
dài trong cc. 25-27 nhờ hai ví dụ Cựu Ước. Qua câu chủ chốt ấy, Đức Giê-su nói
rõ là Người không muốn giới hạn sứ mệnh của mình trong làng mạc hay trong đất
nước Người: như Ê-li-a và Ê-li-sa đã không ưu đãi dân Ít-ra-en, thì Giê-su đây
cũng chẳng ưu đãi quê hương mình. Một dư âm của bài huấn dụ này hình như còn
sót lại ở Lc 4,42-43, nơi dân chúng Ca-phác-na-um muốn bắt Đức Giê-su ở lại với
họ. Để trả lời, Người cũng lấy lại gần nguyên văn câu trích dẫn I-sai-a mà
Người đã giải thích trong hội đường Na-da-rét: “Tôi còn phải loan báo
Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm
việc đó”. Ở đây, thái độ của Đức Giê-su cũng in hệt: không muốn ai độc
quyền chiếm hữu Người. Tất cả chỉ là vấn đề đức tin và dự kiện tâm hồn xứng
hợp. Con người chẳng có danh nghĩa gì để được hưởng các ân huệ của Thiên Chúa.
Không phải những liên hệ máu mủ, cùng gốc gác có thể làm nên một cơ sở nào đó
giúp người ta đòi hỏi ơn cứu độ của Đấng Mê-si-a. Vì hơn mọi hồng ân khác của
Thiên Chúa, đây là ân sủng tặng không hoàn toàn và dành cho mọi người hết thảy.
Mà đây cũng chính là viễn tượng của Lu-ca, vị thánh sử viết Tin
Mừng cho lương dân và luôn nhắm trình bày ơn rỗi phổ quát. Là môn đệ Phao-lô,
tông đồ dân ngoại, Lu-ca thường nhấn mạnh đến các hồng ân Thiên Chúa ban cho
những người ngoài Do-thái. Sự cố Na-da-rét mặc dáng vẻ một luận đề thần học: ơn
cứu độ chẳng dành cho một số người ưu đãi. Không có Đất thánh, chẳng có Tuyển dân
nếu hiểu các thành ngữ Kinh Thánh này như có tính độc quyền… như thể mọi mảnh
đất khác ngoài Pa-lét-ti-na đều là trần tục, như thể mọi dân tộc khác ngoài
Ít-ra-en đều bị loại khỏi Giao ước. Ở đây ta nhớ có một truyện cổ của dân
Do-thái kể rằng: Sau khi chứng kiến phép lạ “vượt qua Biển đỏ”, thấy xác người
Ai-cập trôi dạt vào bờ, Mô-sê và toàn dân Ít-ra-en hí hửng hát ca vì say men
chiến thắng (x. Xh 15). Chính lúc ấy, Thiên Chúa hiện ra với ông mà bảo: “Thôi
đủ rồi! Không khéo ngươi làm cho thiên hạ tưởng Ta chỉ là Chúa của dân ngươi và
hoàn toàn phù trợ các ngươi bằng cách tiêu diệt mọi kẻ khác. Người Ai-cập chẳng
phải là con cái của Ta sao? Ta đã chẳng dựng nên họ đấy à?” Thiên Chúa đâu có
biên giới! Người còn rộng rãi và lớn lao hơn các chân trời cá nhân nhỏ bé của
ta! Chớ nhốt kín con bác Giu-se trong cái “xó” Na-da-rét của Người. Thiên Chúa
còn lớn lao hơn Giáo Hội hữu hình của Người nữa. Các phi-Ki-tô hữu chẳng ở
ngoài ân sủng Thiên Chúa. Thành thử đây là một lời cảnh giác cho tất cả những
ai tưởng mình “quen thuộc” các chuyện đạo, tưởng mình ăn chắc nhờ thường xuyên
lãnh nhận bí tích, nhờ hưởng một nền giáo dục Ki-tô giáo đầy đủ: “Quân
thu thuế và gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31).
Chẳng lạ gì mà một thái độ như thế của Đức Giê-su đã tạo nên sự
biến chuyển tình cảm nơi đồng hương của Người: “Nghe vậy, mọi người
trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành
này được xây trên núi-. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực”.
Đây là lời loan báo số phận cuối cùng của Đức Giê-su, bị giết “ngoài thành” (Lc
20,15; Cv 7,57). Nhưng ta sẽ lầm to nếu vội tưởng rằng mình bên phía phải và
chẳng dính dáng gì tới thái độ của đồng hương Đức Giê-su. Chúng ta rất thường
loại Người khỏi các quyết định, các gia đình, các nghề nghiệp của chúng ta.
Chúa ơi, Ngài chẳng liên quan gì tới với chúng tôi cả. Hỡi nhà ngôn sứ, đi chỗ
khác mà thuyết giáo!
Song các từ chối của tôi không thể ngăn cản Thiên Chúa tiếp tục
chương trình của Người với kẻ khác. Giữa những thăng trầm của lịch sử, giữa sự
từ chối của nhân thế, Đức Giê-su vẫn tiếp tục con đường mình: “Người
băng qua giữa họ mà đi”.