TRÀNG CHÂU MÂN CÔI
Trần Mỹ Duyệt
Giáo Hội cử hành lễ kính Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7 tháng
Mười hàng năm. Lễ này thoạt đầu được kính nhớ dưới tước hiệu “Đức Bà Chiến
Thắng” từ thế kỷ 16, sau trận hải chiến vang lừng Đạo Quân Thánh Giá đánh bại
hạm đội của Đế Quốc Ottoman tại Vịnh Lepanto ngày 7 tháng Mười, 1571. Chiến
thắng này được cho là do sức mạnh của lời cầu nguyện qua Kinh Mân Côi. Nó cũng
là chiến thắng giải thoát Âu Châu khỏi sự xâm lăng của Thổ Nhĩ Kỳ. Bài lược
dịch dưới đây tóm tắt những tư tưởng của cha Lawrence Lew, O.P., suy niệm về
ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi. [*]
Thánh Piô V là vị giáo hoàng thuộc dòng Đaminh, ngài là vị
giáo hoàng có lòng sốt sắng đọc kinh Mân Côi, và đã thiết lập lễ kính Đức Mẹ
Mân Côi. Ngài đã khuyến khích các giáo dân cầu nguyện bằng cách lần hạt Mân Côi
cho chiến thắng và hòa bình. Ngày nay trong nhà nguyện tổng quyền Dòng Đaminh ở
Roma có bức họa Thánh Giáo Hoàng Piô V quỳ gối trong phòng lần hạt. Bức ảnh
diễn tả khi ngài đang cầu nguyện, một thiên thần đã kéo tấm màn trước mặt ngài,
và vị giáo hoàng nhìn thấy một cuộc hải chiến đẫm máu đang xảy ra giống như
trên một màn ảnh truyền hình rộng. Hình ảnh này khiến chúng ta suy niệm về ngày
lễ Mân Côi dưới ba khía cạnh.
Trước hết, ngày lễ hôm nay mở rộng tầm nhìn lịch sử của
chúng ta, và qua đó, chúng ta được nhắc nhớ đến biến cố lịch sử mà bức tranh đã
diễn tả. Nó nói lên phép lạ mà Đức Piô V, trong khi đang lần hạt tại Roma nghe
được về chiến thắng của hạm đội Thánh Chiến ở Lepanto, thuộc bờ biển phía tây
của Hy Lạp.
Nói về chiến thắng ấy, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã nhấn mạnh
một cách xúc động, “Niềm tin vào Đức Kitô của những chiến binh đã chuẩn bị để
hy sinh mạng sống và máu mình cho phần rỗi của đức tin họ và quê hương họ. Họ
tiến lên một cách can trường để đối diện với kẻ thù của họ tại vịnh Corinth,
trong khi những người không thể chiến đấu đã tập hợp thành một lực lượng hậu
phương sốt sắng ủng hộ bằng cách cầu xin Đức Maria. Và khi họ hợp thành tiếng
nói chung, chúc tụng Mẹ vang lên bằng những lời kinh Mân Côi, Đức Mẹ đã ban
chiến thắng cho đạo quân đang chiến đấu”. Vì nếu đạo quân Thổ Nhĩ Kỳ chiến
thắng, không còn nghi ngờ nữa, đức tin Kitô giáo sẽ bị xóa khỏi Âu Châu, như đã
xảy ra ở Trung Đông, ở bắc Phi, và ở nhiều các quốc gia và thành phố trước đó
của người Kitô hữu. Chính vì thế, Đức Giáo Hoàng Piô V đã tuyên bố rằng nhờ lời
chuyển cầu của Đức Nữ Trinh Maria, đã đem lại chiến thắng ở Lepanto năm 1571,
và ngài đã thiết lập lễ kính Đức Mẹ Chiến Thắng vào ngày 7 tháng Mười. Sau đó
lễ này được đổi tên là lễ kính Đức Mẹ Mân Côi để tưởng niệm biến cố chiến thắng
lịch sử của kinh Mân Côi.
Nhưng có bao nhiêu người thực sự nhớ đến trận chiến
Lepanto, hoặc nhớ đến dữ kiện rằng đức tin Kitô giáo đã hầu như bị phai nhạt
tại Âu Châu? Bao nhiêu người trong chúng ta nhận ra rằng căn tính của chúng ta
thực ra tùy thuộc vào những sự thật Kitô giáo như sử gia Tom Holland đề cập tới
trong cuốn sách bán chạy nhất của ông, Dominion? Tác giả đã khiến chúng ta liên
tưởng đến những người đang đau khổ vì bệnh mất trí nhớ (Alzheimer’s disease),
những người không có khả năng nhớ lại lịch sử của đời mình. Họ chẳng khác gì
những người đã đánh mất căn tính của họ. Đề cập đến sự mất mát tâm linh này,
Đức Phanxicô đã nói: “Căn bệnh Mất Trí Tinh Thần… bao gồm mất trí nhớ về “lịch
sử cứu độ” của cá nhân chúng ta, lịch sử quá khứ của chúng ta với Chúa và “tình
yêu ban đầu” của chúng ta” (Rev 2:4) … Nó ở trong những người mất trí nhớ về
việc họ gặp gỡ với Chúa… trong những người mà họ bắt gặp trong giây phút hiện
tại, trong những khổ đau, những bất thường, và những điều ám ảnh của họ…” Ngày
lễ hôm nay, vì thế, chúng ta mở rộng nhãn quan của mình để thay vì chú tâm vào
những bất thường của giây phút hiện tại, một lần nữa, chúng ta nhớ lại lịch sử
của chúng ta, căn tính sâu xa nhất của chúng ta như những con người Kitô hữu,
như những người con của Đức Maria, như những người được cứu chuộc và được yêu
thương bởi Con Thiên Chúa nhập thể.
Vì vậy, ngày lễ Mân Côi hôm nay mở rộng tầm nhìn chúng ta
qua một lăng kính thứ hai bằng việc chú tâm vào Mầu Nhiệm Nhập Thể đã được nhắc
lại trong Phúc Âm. Truyền thống Mân Côi quy hướng về cuộc nhập thể của Đức
Kitô, và những mầu niềm vui, thương và vinh quang. Qua đó có thể nhìn ngắm vũ
trụ thay đổi ảnh hưởng nhờ Đức Kitô trong thân phận con người. Chúng ta được
tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, nhưng tội lỗi đã làm méo mó và biến
dạng hình ảnh này. Vì thế, Thiên Chúa đã trở nên Con Người để sửa lại hình ảnh
của Thiên Chúa trong chúng ta. Nhờ cuộc Nhập Thể, Khổ Nạn, Chết, và Phục Sinh
của Ngài, Đức Kitô chữa lành vết thương nhân loại vì tội lỗi. Và qua ân sủng
được ban ra từ Đức Kitô, những Kitô hữu chúng ta được tái tạo hình ảnh và nên
giống Đức Kitô. Ân sủng làm cho chúng ta trở nên xinh đẹp như vẻ đẹp của Đức
Kitô, biết yêu như Ngài yêu.
Nhờ suy niệm những mầu nhiệm Mân Côi, viễn ảnh chúng ta
được mở rộng tầm nhìn như Đức Kitô dạy. Chúng ta phải làm sao cho Thiên Chúa
vui mừng, sống như thế nào trong sự mật thiết với Thiên Chúa, trở nên thân
thiết và tự do thật trong Thiên Chúa và với anh chị em. Theo Thánh Gioan Phaolô
II, khi chúng ta cầu nguyện bằng kinh Mân Côi, chúng ta “suy niệm vẻ đẹp trên
khuôn mặt Đức Kitô và cảm nghiệm một cách sâu xa tình yêu của Ngài.” Vì
thế, Chuỗi Mân Côi có thể giúp mở rộng tầm nhìn của chúng ta để nhìn vào
bên kia lịch sử, hoặc nền văn minh, và suy ngắm sự viên mãn của chính sự sống,
và con người là gì. Nó sẽ hướng dẫn chúng ta để trở nên một con người đầy đủ
như Đức Kitô, đấng là Thiên Chúa thật và Người thật.
Sau cùng, sự hiệp thông với Đức Kitô từ chuỗi Mân Côi dẫn
tới chân trời mở rộng thứ ba khi chúng ta cử hành ngày lễ hôm nay. Tận cùng và
cũng là mục đích của chuỗi Mân Côi là chúng ta phải “nhận được những gì mà các
mầu nhiệm này hứa”, và đó là, ơn cứu độ đời đời trên thiên quốc. Màu nhiệm sau
cùng của Tràng Mân Côi sẽ hướng con mắt chúng ta về một tầm nhìn của đích tới
như những Kitô hữu. Vì chúng ta được mời gọi, cùng với Đức Maria và các thánh,
chiêm ngắm Thiên Chúa mặt đối mặt. Qua những ân phúc chúng ta hy vọng nhận lãnh
những gì được gọi là tầm nhìn rộng lớn nhất, cái Nhìn Phúc Đức (Beatific
Vision), đồng nghĩa việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa mặt đối mặt. Thánh
Thomas Aquinas diễn tả rằng đối với con người, được nhìn thấy Chúa mặt đối mặt
có nghĩa là được hiểu biết Ngài, Đấng là sự thật, sự thiện, và tình yêu. Và vì
chúng ta được tạo dựng cho sự thật và sự thiện hảo; được tạo dựng vì tình yêu,
do đó khi chúng ta nhìn Thiên Chúa mặt đối mặt trên thiên đàng, chúng ta sẽ cảm
nghiệm hạnh phúc, niềm vui, và thỏa đáng tuyệt đối.
Tóm lại, những sự thật mà chúng ta suy ngắm và tuyên xưng
trong tràng châu Mân Côi, chỉ cho chúng ta hạnh phúc sâu thẳm nhất của con
người, mà chúng ta tìm thấy trong sự hiệp nhất với Đức Kitô. Kinh Mân Côi suy
niệm cùng Đức Maria, Mẹ Đấng Cứu Chuộc, cùng với Đấng Cứu Chuộc xót thương,
Chúa Giêsu Kitô, đã đồng hành với con người: Thiên Chúa đã trở thành con người,
nhờ đó, con người có thể trở thành Thiên Chúa, được hiệp nhất với Người qua ơn
sủng của đức ái. Đây là cái nhìn phúc đức mà chúng ta những Kitô hữu được mời
gọi, và tràng Mân Côi tiếp tục lưu giữ tầm nhìn của ơn cứu độ này trước mắt
chúng ta. Vì nó mở rộng sự chú tâm của chúng ta từ thế giới này và nhiều những
lo lắng, quan tâm của nó hướng cái nhìn về thiên cung, tới Mẹ chúng ta Nữ Vương
Thiên Đàng.
Nguyện xin Đức Nữ Trinh, Nữ Vương Mân Côi, cầu cho chúng
con, để chúng con xứng đáng với những lời Mẹ hứa ban. Vì những ai siêng
năng lần hạt Mân Côi sẽ nhận được từ Mẹ nhiều phúc lành. Sẽ được Mẹ ban ơn che
chở đặc biệt và những ơn quan trọng cho họ. Tràng Châu Mân Côi sẽ là khiên
thuẫn quyền năng chống lại hỏa ngục, trừ khử tội lỗi, giảm bớt tính xấu và phá
tan các tà thuyết.
Lễ Mẹ Mân Côi
7 tháng Mười, 2024
________
* https://lawrenceop.tumblr.com/post/631291872601571328/homily-for-the-feast-of-our-lady-of-the-rosary
Tác giả:
Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt
|