Trần Mỹ Duyệt
Trong khi đón
rước Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, dân chúng đã tung hô Ngài: “Chúc tụng đức
vua, đấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời, và vinh quang trên các tầng
trời.” (Luca 19:38) Nhưng liệu những người đón tiếp Chúa hôm đó, có thực sự
nhận ra Ngài là vua của các vua, hay chỉ thuần túy đón tiếp một vị vua như
Saulê hay Đavít. Và khi tung hô Ngài “nhân danh Chúa” mà đến, họ có tin rằng
Ngài cũng là Thiên Chúa thật hay không? Điều mà mãi sau này mới được Thánh
Phaolô trả lời khi ngài viết cho tín hữu Philipphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ
là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên
Chúa.” (2:6) Như vậy, Đấng mà họ đón tiếp, tung hô hôm đó không ai
khác chính là một Thiên Chúa, Đấng đến trần gian qua thân phận con người. Và
Đấng ấy cũng là vua trời đất.
Để hiểu rõ hơn
về xác tín Đức Giêsu Kitô cũng là Thiên Chúa, Thánh Phaolô viết
tiếp:
“…. nhưng đã
hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống
như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu
chết, chết trên cây hập tự.
Chính vì
thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn
ngàn danh hiệu.
Như vậy, khi
vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật
phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng
rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa”. (2:6-11)
Theo các nhà
nghiên cứu Thánh Kinh, Thánh Phaolô bắt đầu rao giảng Kitô Giáo và thành lập
cộng đoàn Philipphê vào những năm 49-50 AD. Thư này được cho là ngài đã viết
trong lúc ngồi tù ở Rôma vào năm 61 hoặc 62 AD, trước cả Phúc Âm thứ nhất của
Thánh Marcô viết khoảng năm 70 AD. Vì lẽ đó qua thư này, chúng ta
thấy được rằng việc xác tín về thiên tính của Đức Giêsu mà Thánh Phaolô trình
bày cho Giáo Đoàn Philipphê là một mặc khải hết sức cao cả, mới mẻ và khó hiểu
không những cho các Kitô hữu thời bấy giờ, mà còn cho cả chúng ta hôm nay nữa.
Chân lý này đã được Công Đồng Chalcedon năm 451 AD tuyên tín : Chúa Kitô có hai
bản tính (Thiên Chúa và con người).
Căn cứ theo
những gì Thánh Phaolô đã viết thì Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người
thật. Điểm đáng lưu ý ở đây là vị Thiên Chúa đó, trong thân phận con người đã
chấp nhận tự hạ, sống như người nô lệ, để trở nên giống chúng ta, ngoại trừ tội
lỗi. Hơn thế nữa, Ngài còn nên gương cho chúng ta bằng cách vâng lời Chúa Cha,
chịu chết trên thập tự.
Vì vâng lời và
vì yêu thương. Đây là hai điểm nổi vượt nơi con người và sứ mạng của Đức Kitô.
Cuộc hạ sinh của Ngài, thân phận con người của Ngài, và cả cái chết nhục nhã
của Ngài trên thập giá sẽ ra vô ích nếu như không bắt nguồn từ sự vâng phục
Chúa Cha: “Vì vậy, khi vào trần gian, Ðức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy
lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ
toàn thiêu và lễ xóa tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con
đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.” (Do
Thái 10: 5-7)
Là Kitô hữu,
tất cả công việc lớn nhỏ của chúng ta trong cuộc đời này đều phải noi gương
Chúa Giêsu bằng cách vâng phục thánh ý Thiên Chúa, và phải phát xuất từ trái
tim yêu mến. Khi vui cũng như khi buồn. Lúc mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu,
hạnh phúc hay đau khổ, giầu sang hay nghèo đói… Tất cả chúng ta đều phải nhìn
lên Thánh Ý của Thiên Chúa, noi gương Chúa Giêsu Kitô, và bắt chước Đức Maria
thưa lời xin vâng với một lòng mến yêu, tín thác. Thiên Chúa là đấng tốt lành,
Ngài biết những gì Ngài làm. Những gì Ngài làm đều tốt cho chúng ta và vì phần
rỗi của chúng ta. Phần chúng ta, con người tội lỗi, và yếu đuối hạn rất dễ bị
Satan cám dỗ, thế nên phải dựa vào Thánh Ý Chúa qua sự vâng phục và phó thác.
Và cũng như Đức
Kitô, sự vâng phục Thiên Chúa của chúng ta phải xuất phát từ lòng mến: mến Chúa
và yêu tha nhân. Đây cũng là bài học thứ hai đối với chúng ta khi suy niệm về
Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa và là con người. Nếu như chúng ta chịu đựng, chấp
nhận, và hy sinh tất cả mà không vì lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh
chị em mình thì cũng ra vô ích. Vì lúc đó mọi hành động của chúng ta chỉ là để
thỏa mãn ích kỷ, ước muốn và tham vọng của con người.
Kinh nghiệm cá
nhân mỗi người cũng nói lên điều này, khi chúng ta theo ý riêng mình làm gì thì
dù thành công hay thất bại cũng đem lại nhiều thất vọng và cay đắng. Thành công
sẽ khiến chúng ta kiêu ngạo, tự tôn, tự đại; ngược lại, thất bại sẽ làm chúng ta
bất mãn, buồn bực, tự ty, mất bình an.
Tóm lại, khi
Thánh Phaolô hãnh diện được xiềng xích, giam cầm, đau khổ vì Đức Kitô là vì
thánh nhân đã bắt chước Ngài, Đấng không tự nhận ngang hàng với Thiên Chúa.
Đấng đã vâng lời, và vâng lời cho đến chết. Và khi ngài tuyên bố:“Tôi coi mọi sự như rác rưởi để được
Đức Kitô.”(Philipphê 3:8) cũng chính là vì tình yêu cao cả của Đức
Kitô đã chiếm đoạt ngài. Đối với Thánh Phaolô, tất cả đều do lòng yêu mến Thiên
Chúa qua Đức Giêsu Kitô - Thiên Chúa và người thật - và phần rỗi các linh hồn.
Hai ý nghĩa này cũng rất phù hợp với tinh thần mùa Chay, khi chúng ta đang
chuẩn bị cùng với Đức Kitô bước vào tuần thương khó và đón chờ sự Phục Sinh của
Ngài.
Lễ Lá 2025
tmd