Trần Mỹ Duyệt
Lịch sử Giáo Hội Việt Nam không nhắc đến một cách rõ ràng việc sùng kính Đức Mẹ
trong tháng Năm đã được truyền vào Việt Nam từ bao giờ và trong những hoàn cảnh
nào. Tuy nhiên, những ai đã qua tuổi thiếu niên ở một giáo xứ thì không thể
quên được hình ảnh những buổi dâng hoa kính Đức Mẹ khi tháng Năm về, và thuộc
lòng những bài hát như:
1. Giáo nhân
bao xiết mừng tiếng ca hòa vang lừng cùng nhau hái nhiều đóa hoa, lượm lên tiến
dâng Ðức Bà.
ÐK: Hoa muôn sắc con dâng trước tòa, mầu tươi thắm hương ngát tốt xinh. Hoa
muôn sắc con dâng trước tòa, còn thua kém nhan Mẹ Chúa thiên đình.
2. Tấu lạy Mẹ Chúa Trời, lắng tai nghe đôi lời: lòng con mến Mẹ thiết tha, tình
Mẹ thương con hải hà.
3. Ðám quỉ ma đứng rình, cúi xin Mẹ thương tình, cầm tay dắt về nghỉ ngơi, chầu
mẹ mến yêu suốt đời.
(THÁNG ĐỨC MẸ -
Hải Linh, Minh Đệ)
Miệng hát, tay
dâng những bó hoa muôn màu trước bàn thờ Đức Mẹ:
1.Mẹ ơi con
đến dâng tiến bó hoa thắm nồng, mùi hương toả vương quyến với muôn lời hát
mừng. Mừng Mẹ hoa thắm ngát thơm toả hương trinh, sắc đẹp diệu huyền gấp ngàn
đoá hoa xinh.
ĐK: Đây hoa
chúng con cùng dâng lên Mẹ lành, bông hoa ngát hương trầm mầu sắc tươi xinh. Mẹ
ơi đoái nhận lòng thành kính. Hoa kia dẫu xinh và hương có đậm đà, nhưng đem
sánh với Mẹ còn kém thua xa, vì đây Mẹ là Mẹ ngàn hoa.
2. Ngàn hoa
chen lá tô thắm ngai vàng Nữ Trinh, Mẹ đẹp ngàn hoa ánh nét tươi xinh mỹ miều.
Lời ca tiếng hát vút lên độ cao siêu, Đức Mẹ tươi cười cúi nhìn những con
yêu.
(MẸ NGÀN HOA - Sơn Ca)
Với một tâm
tình đơn sơ, thành thật; đặc biệt, là những thời khắc đi tìm và hái những hoa
tươi đem về dâng Mẹ:
ĐK. Đây tháng hoa chúng con trung thành thật
thà, dâng tiến hoa lòng mến yêu lời cung chúc. Hương sắc bay tỏa ngát nhan Mẹ
diễm phúc, muôn tháng hoa lòng mến yêu Mẹ không nhòa.
1. Đây muôn
hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần. Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng.
Ôi Ma-ri-a, Mẹ tung xuống muôn hoa trời, để đời chúng con đẹp vui nhớ quê xa
vời.
2. Muôn dân
trên trần mừng vui đón tháng hoa về. Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp
nơi. Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ, sóng nhạc reo vang tràn lan
đến muôn muôn đời.
(ĐÂY THÁNG HOA
- Duy Tân)
Và với tiếng
hát vọng ngân, bay lên mãi tận thiên đường để chúc khen Mẹ Nữ Vương diễm phúc:
ĐK. Ngàn hoa đẹp tươi con dâng lên Nữ Vương.
Con dâng lên Nữ Vương cùng tiếng ca nguyện cầu tháng ngày vọng ngân, ôi Mẹ Chúa
thiên đường.
1. Mẹ ban
cho hồn con xinh đẹp tựa hoa tinh trắng, nhuần thắm hương thơm nồng ngát bay
nhẹ nhàng tới quê thiên đàng.
2. Đời con
nơi trần gian muôn ngàn khổ đau nguy biến. Chỉ biết trông lên Mẹ khấn xin cho
hồn lắng vơi ưu phiền.
3. Ngàn năm
không nhạt phai tâm tình cậy tin yêu mến, ngày tháng trôi êm đềm dưới tay Mẹ
hiền sướng vui trọn niềm.
(NGÀN HOA - Lm.
Kim Long)
LỊCH SỬ THÁNG
HOA
Lịch sử tháng
Hoa có lẽ bắt đầu từ thế kỷ XIII, vua Alphonse X, quốc vuơng xứ Castille
(1239-1284), khi đó đã từng làm một bài thánh ca để khen ngợi nét đẹp của Đức
Mẹ và của tháng Năm.
Tiếp đến thế kỷ
14, Chân Phước Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng Năm, đã bày tỏ lòng
tôn kính Đức Mẹ một cách đặc biệt đặc biệt, bằng cách lấy hoa trang hoàng tượng
Đức Mẹ. Thánh Philipe Nêri (1515-1595) người Ý đã tập họp các trẻ em lại chung
quanh bàn thờ Đức Mẹ trong tháng này.
Trong khi các
học sinh dòng Tên đã làm những việc sùng kính Đức Mẹ vào tháng Năm, tại Alsace,
các thiếu nữ gọi là Trimazettes, đi từ nhà này đến nhà khác để xin giúp hoa
trang hoàng bàn thờ Đức Mẹ. Đầu thế kỷ 17, các nữ tu Dòng Phanxicô cũng được
cho là đã thể hiện sự tôn sùng Đức Mẹ trong tháng Năm. Tiếp đến thế kỷ thứ
XVIII, thánh đường Thánh Clara của dòng Phanxicô tại Naples đã tổ chức mỗi ngày
một giờ sùng kính Đức Mẹ với phép lành Thánh Thể trong tháng Năm. Rồi đến dòng
Đa Minh, năm 1701 cũng làm giờ kính Đức Mẹ mọi ngày trong suốt tháng Năm. Việc
đạo đức này dần dần lan đến các giáo xứ: Grezzana (1734), Gênes (1747) và
Vérone (1774).
Để loan truyền
và phổ biến việc sùng kính này, năm 1664 cha Giovanni Nadasi cho xuất bản tập
Theophilus Marianus tại Cologne, trong đó tác giả thêm vào những suy tư Kitô
giáo cho mỗi ngày của tháng Năm. Tiếp theo năm 1692, cha Laurent de Schniffis,
dòng Capucin, dâng tháng Năm cho Đức Mẹ trong tuyển tập ‘Moyen-Pjeiff’ với ba
mươi bài thơ. [1] Rồi những tác phẩm tiếp sau bao gồm: năm 1724, cha Fran Oix X
Jacolet và Francois X Jacolet đã cho xuất bản cuốn ‘Mensis Marianus’ (Tháng Đức Maria) tại
Dillingen. Cha Dionisi, xuất bản cuốn ‘mese
di Maria’ tại Roma năm 1725; và cha Lalomia, xuất bản
cuốn ‘mese di Maria assia
il mese di maggio’ (Tháng Đức Mẹ và Tháng Năm), tại Palerme năm
1758. Sau các ngài, là cuốn ‘mese
di Maria’ của cha Alphonse Muzzarelli xuất bản tại Ferrare năm
1785. Cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Pháp, tiếng Anh, Tây Ban
Nha, Bồ Đào Nha và A-rập. Nó cũng được tái bản hơn 150 lần. [2] Năm 1849, cha Seidl một
linh mục dòng Biển Đức, cũng cho xuất bản cuốn sách nhan đề là ‘Tháng Năm Thiêng
Liêng’?
Như vậy, trước
thế kỷ thứ XVIII việc sùng kính Đức Mẹ trong tháng Năm chưa được phổ biến rộng
rãi. Nó chỉ được công nhận từ năm 1764.
Lịch sử cũng
cho thấy, dòng Tên tại Rôma là nơi đã khởi xướng việc tôn sùng này. Sau đó đã
loan truyền trên các lãnh địa tòa thánh, kế đến là trên khắp nước Ý, sau cùng
trên khắp Giáo Hội Công Giáo. Các linh mục dòng Tên được cho là chỉ tổng hợp
những việc sùng kính đã có từ trước và nhấn mạnh đến việc thực hành tại gia
đình. Điểm thực hành mà các ngài yêu cầu là vào ngày cuối tháng Tư, mỗi gia
đình nên lập một bàn thờ kính Đức Mẹ, cắm hoa và thắp đèn, và mỗi ngày các
người trong gia đình họp nhau lại để đọc một số kinh tôn kính Đức Mẹ, sau đó họ
rút thăm tờ giấy ghi một nhân đức mà mình thực thi ngày hôm sau.
Mặc dù các linh
mục dòng Tên là những người khởi xướng ‘Tháng Đức Mẹ’, nhưng dòng Camêlô lại
cho rằng mình mới là dòng khởi sự cho hình thức sùng kính như hiện nay, khi
thực hiện nghi thức này trong thánh đường Thăm Viếng (la chiesa della Visitazione)
tại Ferrare, năm 1784.
Ý NGHĨA THÁNG
HOA
Tháng Năm, còn
được gọi là Tháng Hoa, hay Tháng Đức Mẹ, tháng đặc biệt dâng kính Đức Trinh Nữ
Maria vì vị trí đặc biệt trong lịch sử cứu độ và Giáo Hội của Mẹ. Do thưa lời
“xin vâng”, Mẹ đã trở nên Mẹ Thiên Chúa, là mẫu gương đầu tiên của con cái loài
người về ân sủng và sự tín thác nơi Thiên Chúa.
Theo truyền
thống, người Công Giáo gọi tháng Năm là “tháng Đức Mẹ”, đặc biệt dâng kính Đức
Trinh Nữ Maria. Như thói quen người Rôma nhằm tôn vinh Nữ Thần Mùa Xuân,
và để đánh dấu sự kết thúc một mùa đông dài. Ở những thế kỷ đầu khi tháng Năm
về, họ đã tổ chức những lễ hội hoa để dâng kính Nữ Thần Mùa Xuân. Các Kitô hữu
ban đầu đã thánh hóa tập tục này, tổ chức những buổi rước kiệu hoa và cầu
nguyện với Nữ Trinh Maria là Mẹ mùa Xuân thiên quốc. [3]
Người Hy Lạp Cổ
Đại và những nền văn hóa Tây Phương coi tháng Năm như một tháng của sức sống và
thiên chức làm mẹ. Khi người Công Giáo dùng tháng này để tôn vinh Đức Trinh Nữ
Maria, đồng nghĩa với việc tôn vinh tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ. Giáo Hội Công
Giáo đã kết thúc tháng này bằng việc kính nhớ rằng chính Đức Maria đã mang Chúa
Giêsu giới thiệu với nhân loại qua hành động thăm viếng của Mẹ đối với người
chị họ là Isave và Gioan Tiền Hô đứa con trong bụng bà.
Tháng Năm là
một tháng với nhiều truyền thống và thời gian đẹp trong năm để vinh danh Mẹ
trên trời. Với tước hiệu Mẹ Ngàn Hoa, chúng ta tôn vinh vẻ đẹp thiên đình và
vinh danh tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ. Năm 1945, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã
xem tháng Năm như tháng Đức Mẹ sau khi thiết lập lễ Đức Maria Nữ Vương ngày 31
tháng Năm. Sau Công Đồng Vatican II, lễ này được chuyển qua ngày 22 tháng Tám,
trong khi ngày 31 tháng Năm trở thành ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng.
NHỮNG VIỆC THỰC
HÀNH
Tháng Năm là
thời gian làm triển nở mối dây liên lạc mật thiết với Đức Mẹ bằng việc lần hạt
Mân Côi, tận hiến cho Đức Mẹ, và dâng hoa kính Đức Mẹ.
Đức Giáo Hoàng
Piô XII, ngày 20 tháng Mười Một 1947 trong Thông Điệp “Mediator Dei” (Đấng Trung gian Thiên
Chúa), cho “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào
nghi thức Phụng Vụ, được Giáo Hội công nhận và cổ võ”.
Ngày 2
tháng Hai 1974, Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI trong Thông Điệp “Marialis Cultus” số 1 viết: “Tháng Năm là
Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là
dịp để “bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công Giáo khắp nơi trên thế
giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên Đàng. Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở
trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ tấm lòng của họ những lời
cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này,
những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất
dồi dào của Đức Mẹ” (Dictionary of Mary, Catholic book Pub. 1985, tr. 236). [4]
Trong tháng
này, để phát triển mối dây liên lạc mật thiết với Đức Mẹ, chúng ta hãy siêng
năng lần hạt Mân Côi, sốt sắng tận hiến cho Đức Mẹ, và dâng hoa kính Đức Mẹ.
Những thực hành đạo đức trong tháng Hoa bao gồm:
-Trong gia đình
thiết lập bàn thờ dâng kính Mẹ, trang hoàng ảnh, tượng Mẹ bằng những hoa tươi,
nến, đèn. Mỗi ngày, mỗi tuần, hoặc hai ba tuần nên có một bó hoa dâng kính
Mẹ trên bàn thờ gia đình.
-Đọc Kinh Cầu
Đức Bà, Kinh Truyền Tin, và sốt sắng đọc và suy ngắm các mầu nhiệm Mân Côi. Đọc
kinh Mân Côi riêng cũng như chung gia đình: “Gia đình cầu kinh. Gia đình bình
an.”
-Dâng hoa kính
Đức Mẹ tại thánh đường giáo xứ, hay các đền thờ kính Đức Mẹ.
-Bắt chước các
nhân đức Đức Mẹ, đặc biệt đức tin, cây, mến, và các nhân đức khác như khiết
tịnh, khiêm nhường, vâng lời, khó nghèo, nhẫn nạn, chịu đựng.
-Sốt sắng tham
dự Lễ Mẹ Thăm Viếng, ngày 31 tháng Năm. Học cùng Mẹ để biết đem Chúa
đến với những người khác bằng tình thương, phục vụ, chân thành và khiêm nhường
giúp đỡ tha nhân.
-Khi có cơ hội
hãy hành hương những đền thờ Đức Mẹ quanh vùng như La Vang, Tà Pao, Măng Đen,
Núi Cúi, Bình Triệu, Trà Kiệu, hoặc những trung tâm hành hương quốc tế như Lộ
Đức, Fatima, Guadalupe…
___________
Tài liệu tham
khảo:
1. https://m.facebook.com › story
2. https://dongnuvuonghoabinh.org/chi-tiet/lich-su-thang-duc-me-38577
3.https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1ng_k%C3%ADnh_%C4%90%E1%BB%A9c_M%E1%BA%B9
4.ibid.