Trần Mỹ Duyệt
Sau khi phục
sinh từ cõi chết, Chúa Giêsu đã hiện ra với một số người trong một số hoàn
cảnh. Ngài hiện ra với Maria Magdalene, Phêrô, và các Tông Đồ. Phaolô liệt kê
những lần hiện ra mà ông biết:
“Người đã hiện
ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm
trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã
an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ.
Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh
non.” (1 Côrintô 15:5-8)
Và trong một
hoàn cảnh không ngờ, Chúa Giêsu đã hiện ra với hai người trên đường đi Emmaus,
một người trong họ tên là Cleopas. (Luca 24:13-43)
Câu chuyện trở
nên quan trọng trong lần hiện ra này, đó là Chúa Giêsu sau khi đã nhận lời ghé
lại nhà hai ông vào buổi chiều hôm đó, trong bữa ăn, Ngài đã lặp lại hành động
mà phụng vụ gọi là cử hành Phép Thánh Thể. Thánh Luca kể, trong khi bẻ bánh và
trao cho họ, “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.”
(Luca 24:31)
Tại sao Chúa
Giêsu chỉ mở mắt họ để họ nhận ra Ngài, rồi lại biến mất? Trong những lần hiện
ra sau khi sống lại, Chúa cũng thường làm như vậy. Ngài đến rồi đi. Chúa Giêsu
làm vậy là vì Ngài muốn nhấn mạnh một điều: Ngài thật sự
đang sống trong thân xác. Trong Phúc Âm của Luca, sau khi hiện ra với hai người
trên đường Emmaus, Ngài đã hiện ra với mười một người. Họ rất kinh ngạc, và
“tưởng chừng đã nhìn thấy ma.”
Đứng trước nghi
ngờ và sợ hãi đó, Chúa Giêsu đã trấn an họ: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em
còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có
xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho
các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người
hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng.
Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.” (Luca 24:38-42)
Khi nghe các
Tông Đồ kể về việc họ đã thấy Chúa Giêsu sống lại và hiện ra với họ. Tôma đã
tuyên bố: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay
vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” (Gioan
6:25) Tôma nói thế vì “nghi ngờ”. Ông cần một bằng chứng rằng Chúa Giêsu thật
sự đã sống lại, vì ông muốn bảo đảm rằng Chúa Giêsu không phải là ma.
Chúa Giêsu đã
tôn trọng đòi hỏi của Tôma. Lần hiện ra sau đó với các Tông Đồ và có cả Tôma.
Ngài đã nói với ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay
ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tôma thưa
Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Gioan 20:27-28) Đến đây,
chúng ta mới biết tại sao khả năng nhìn và đụng chạm Chúa Giêsu đã sống lại, và
với chính Chúa Giêsu, trong tình trạng phục sinh của Ngài, để ăn miếng cá trở
thành quan trọng. Vì trên tất cả, nó chứng tỏ rằng Chúa Giêsu đã chính xác thật
sự sống lại từ cõi chết.
Chúa Giêsu sống
lại tuy là căn bản của ơn cứu độ, nhưng một cách rõ ràng chính xác, nó cũng
chính là căn bản đối với Phép Thánh Thể. Thân xác Chúa Giêsu sống lại từ cõi
chết cũng chính là thân xác sống lại của Ngài trong Thánh Thể. Những gì hai
người trên đường Emmaus đã ăn trong miếng bánh bẻ ra hôm đó là con người sống
lại của Đức Giêsu – thân xác sống lại và máu, linh hồn và thần tính.
Chúa Giêsu phục
sinh đã hiện ra và đã biến mất. Ngài đã đến và đã đi. Sau cùng, Chúa Giêsu đã
về Trời, và sẽ không còn hiện ra một lần nữa cho đến cuối thời gian khi Ngài
trở lại trong vinh quang trên mây Trời. Khoảng trống mà hai môn đệ hôm đó nhìn
vào khi Chúa Giêsu biến đi, chính là khoảng trống bao trùm sự hiện diện của
Ngài. Thật ra, Chúa Giêsu đã chưa bao giờ rời xa chúng ta! Ngài luôn luôn hiện
diện giữa chúng ta trong Thánh Thể.
Trong ý nghĩa
về cái chết cứu chuộc của Chúa Giêsu và sự sống lại của Ngài nhân danh Thánh
Thể, chúng ta hiệp nhất với Chúa Giêsu phục sinh. Chúng ta không chỉ sống trong
Ngài trên trái đất, nhưng chúng ta hòa nhập sự sống của chúng ta với Ngài trên
Trời. Ngài ngự xuống trên bàn thờ, là để Ngài có thể nâng chúng ta vào vương
quốc Thiên Đàng. Chúng ta đã được đặt bên tay phải trong nước vinh quang của
Ngài.
Trong bài giảng
về Thánh Thể của mình trong Phúc Âm của Gioan, Chúa Giêsu đã mạnh mẽ tuyên bố:
“Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; nếu ai ăn bánh này, sẽ được sống đời đời;
và bánh Ta ban sẽ làm cho thế gian được sống là thịt Ta.” (Gioan 6:51)
Đối với sự nghi
ngờ của người Do Thái làm sao chuyện này xảy ra, Chúa không ngần ngại trả lời:
“Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu
Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta
thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì
thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống
máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy.” (Gioan 6:53-36)
Bởi vì chúng ta
ăn mình và uống máu của Chúa Giêsu phục sinh, chúng ta sống trong Ngài và Ngài
trong chúng ta, và cũng thế, trong sự hiệp nhất với Ngài, chúng ta có sự sống
đời đời. Vì thế, Phục Sinh không chỉ là cử hành sự chỗi dậy của Chúa Giêsu từ
cõi chết, nhưng còn là cử hành việc Ngài hiện diện sống động với chúng ta trong
Thánh Thể. Thánh Thể là hồng ân Phục Sinh cao cả nhất Chúa Giêsu đã ban cho
chúng ta – hồng ân của chính mình Ngài.
Trong mùa Phục
Sinh này, cùng toàn thể Giáo Hội, chúng ta cử hành những ân huệ vô cùng lớn lao
này. Và, cùng với hai môn đệ trên đường Emmaus hãy “để lòng mình cháy lên” khi
rước Thánh Thể, và cùng với Tôma tuyên xưng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của
con.”(Gioan 20 28)