Trần Mỹ Duyệt
Khói trắng đã bốc lên từ ống khói Điện Sistine lúc 6:07 chiều và
sau đó vào lúc 7:17 chiều theo giờ địa phương Rôma, Thứ Năm ngày 8 tháng Năm,
Đức Hồng Y Dominique Mamberti trưởng đẳng phó tế xuất hiện tại balcony Vương
Cung Thánh Đường Thánh Phêrô thông báo với toàn thế giới: “Habemus Papam!”
Chúng ta đã có Đức Giáo Hoàng. Vị lãnh đạo đáng kính và có uy tín nhất, Đức
Robert Francis Prevost. Là Hồng Y của Giáo Hội Rôma thánh thiện, người đã lấy
hiệu là Leo XIV (Lêô XIV).
Tuổi Trẻ và Ơn Gọi:
Đức Hồng Y Robert Francis Prevost đã đắc cử Giáo Hoàng.
Ngài là Giáo Hoàng đầu tiên người Mỹ. Ngài lấy tông hiệu là Lêô XIV. Đức Tân Giáo Hoàng cũng
là tu sĩ Dòng Thánh Augustinô, nguyên Tổng Trưởng Bộ Giám Mục, và là người thứ
7 thuộc Dòng Thánh Augustinô lên ngôi giáo hoàng.
Robert Francis Prevost sinh ngày 14 tháng Chín 1955 ra tại
Chicago, Illinois, Hoa Kỳ trong một gia đình di dân. Song thân ngài là Louis
Marius Prevost, một người Pháp lai Ý, và Mildred Martínez, người gốc Tây Ban
Nha. Ông Louis làm giám thị của một trường trong khu vực Chicago. Ông cũng từng
phục vụ trong Hải Quân thuộc thế chiến II. Mẹ ngài là một thủ thư viện. Bà
nhiệt thành với sinh hoạt giáo xứ Đức Maria Lên Trời, thành viên hội Bàn Thánh
và Hội Kinh Mân Côi, cũng như ca đoàn. Ngài có hai anh là Louis Martín và John
Joseph. Về xuất xứ cá nhân, trước Mật Nghị Hồng Y, ngài nói với đài truyền hình
Ý RAI rằng mình lớn lên trong một gia đình nhập cư: “Tôi sinh ra ở
Mỹ... Nhưng ông bà tôi đều là người nhập cư, người Pháp, người Tây Ban Nha...
Tôi lớn lên trong một gia đình Công Giáo đạo đức, cả cha mẹ tôi đều rất tích
cực tham gia các hoạt động của giáo xứ.”
Tuổi trẻ, ngài theo học Tiểu Chủng Viện các cha Dòng Thánh
Augustinô, và sau đó Đại Học Villanova ở Pennsylvania. Năm 1977, ngài tốt
nghiệp cử nhân Toán và cũng theo học Triết học. Ngoài tiếng Anh, ngài nói được
tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Pháp và tiếng Bồ Đào Nha. Ngài cũng đọc hiểu
được tiếng Latin và tiếng Đức.
Ngày 1 tháng Chín 1977, Robert Prevost gia nhập Tập Viện Dòng
Thánh Augustinô (OSA) tại Saint Louis, tỉnh dòng Đức Bà Chỉ Bảo Đàng Lành ở
Chicago. Ngài tuyên khấn lần đầu ngày 2 tháng Chín 1978, và tuyên khấn trọn đời
ngày 29 tháng Tám 1981.
Sau đó ngài theo học thần học tại The Catholic Theological Union
tại Chicago. Năm 27 tuổi, ngài được bề trên gửi qua Rôma theo học Giáo Luật tại
Pontifical University of Saint Thomas Aquinas (Angelicum). Ngài được thụ phong
linh mục ngày 19 tháng Sáu 1982 tại The Augustinian College of Saint Monica bởi
tay Tổng Giám Mục Jean Jadot.
Trong khi đang chuẩn bị luận án Tiến Sỹ, ngài được gửi qua
truyền giáo tại Chulucanas, Piura, Peru (1985-1986). Năm 1987, ngài trình luận
án với đề tài “The role of the Local Prior in the Order of Saint Augustine”
(Vai Trò Của Bề Trên Địa Phương Trong Dòng Augustinô), và được bầu làm giám đốc
ơn gọi và truyền giáo Tỉnh Dòng “Đức Bà Chỉ Bảo Đàng Lành” ở Olympia Fields,
Illinois, đồng thời phụ trách mục vụ ơn gọi và giám đốc điều hành các công tác
tông đồ của Tỉnh Dòng tại Hoa Kỳ đến hết năm 1988.
Phần lớn thời gian sự phục vụ của ngài là truyền giáo ở Nam Mỹ.
Tại Peru, ngài làm bề trên cộng đoàn cho đến năm 1992; rồi làm giám đốc chủng
viện Augustinô tại Trujillo từ 1988 đến năm 1998, kiêm giáo sư Giáo Luật, Luân
Lý và Giáo Phụ tại Chủng Viện của các giáo phận San Carlo và San Marcello. Ngài
cũng làm giám học, giám đốc của chủng viện giáo phận Trujillo một năm, thẩm
phán tòa án và thành viên Hội Đồng Cố Vấn Tổng Giáo Phận Trujillo.
Ngài thành lập, điều hành giáo xứ Đức Mẹ Là Mẹ Giáo Hội mà ngày
nay là giáo xứ Thánh Rita da Cascia từ năm 1988 đến năm 1999. Từ năm 1992 ngài
còn quản nhiệm giáo xứ Đức Mẹ Montserrat.
Năm 1999 ngài trở về Chicago làm Bề Trên Giám Tỉnh của Tỉnh Dòng
Chicago. Ngày 14 tháng Chín 2001, ngài được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền của Dòng
và ngài giữ chức vụ này trong hai nhiệm kỳ 6 năm cho đến ngày 4 tháng Chín
2013. Sau đó, ngài giữ chức giám đốc đào tạo tại Tu viện Thánh Augustinô ở
Chicago, Cố Vấn I và Phó Giám Tỉnh của Tỉnh Dòng Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành.
Nhưng ngày 3 tháng Mười Một 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ
nhiệm ngài làm Giám Quản Tông Tòa giáo phận Chiclayo và Giám Mục hiệu tòa
Sufar. Bốn ngày sau, ngài đã tiếp quản sứ vụ trước sự hiện diện của Đức TGM
James Patrick Green, Sứ Thần Toà Thánh tại Peru và của Hội Đồng Cố Vấn. Ngài
được tấn phong Giám Mục ngày 12 tháng Mười Hai 2014 tại thánh đường Santa Maria
ở Chiclayo, và ngày 26 tháng Chín 2015 ngài chính thức trở thành Giám Mục của
Giáo Phận Chiclayo. Ngoài quốc tịch Hoa Kỳ, ngài cũng mang quốc tịch Peru.
Từ tháng Ba 2018 đến tháng Giêng 2023, ngài là Đệ Nhị Phó Chủ
Tịch của Hội Đồng Giám Mục Peru, kiêm Chủ Tịch Ủy Ban Văn Hóa và Giáo Dục, và
là thành viên Hội Đồng Kinh tế. Vào ngày 15 tháng Tư 2020, ngài được Đức Giáo
Hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa Callao. Ngài giữ chức vụ này đến
ngài 26 tháng Năm 2021.
Tại Rôma, ngài là thành viên Bộ Giáo Sỹ kể từ ngày 13 tháng Bảy
2019 và Bộ Giám Mục kể từ ngày 21 tháng Mười Một 2020. Ngày 30 tháng Giêng
2023, ngài chính thức được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm Tổng Trưởng Bộ Giám
Mục và Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Hoàng về Châu Mỹ Latinh, đồng thời phong cho ngài
chức danh Tổng Giám Mục-Giám Mục danh dự của Chiclayo. Ngài bắt đầu nắm giữ cả
hai chức vụ vào ngày 12 tháng Tư 2023. Ngoài ra, ngài còn được bổ nhiệm làm
thành viên Bộ Giáo Lý Đức Tin, Bộ Các Giáo Hội Đông Phương, Bộ Đời Sống Thánh
Hiến và các Tu Đoàn Tông đồ, Bộ Văn Hóa và Giáo Dục, Bộ Rao Giảng Tin Mừng, Ủy
Ban Giải Thích Văn Bản Lập pháp và Ủy Ban Giáo Hoàng về Thành quốc Vatican.
Ngày 9 tháng Bảy 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã vinh thăng
ngài lên hồng y đẳng phó tế, và ngày 6 tháng Hai 2025 được nâng lên hàng hồng y
đẳng giám mục, làm Giám Mục Danh Dự của Albano, một giáo phận ngoại ô Rôma.
Sứ Vụ Phêrô:
Giáo Hoàng Lêô XIV được xem là người ủng hộ sự tiếp nối các cải
cách của Giáo Hoàng Phanxicô. Một người bạn cùng phòng trước
đây của ngài, Linh mục John Lydon, đã mô tả rằng ngài là người “hướng ngoại”,
“thực tế” và “rất quan tâm đến người nghèo”.
Những lời đầu tiên của ngài với tư cách là Giáo Hoàng là “Bình
an cho anh em.” Ngài nói với mọi người đang chào đón ngài từ ban công
Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô: “Đây là lời chào đầu tiên từ Chúa Phục
Sinh, và tôi cũng muốn gửi lời chào bình an này tới trái tim và gia
đình anh chị em và tất cả mọi người, bất kể họ ở đâu; và tất cả mọi dân
tộc, và toàn thể trái đất: Bình an cho anh chị em.” Ngài có ý truyền tải thông
điệp tới các tín hữu về việc xây dựng cầu nối, hòa bình và đối thoại “mà không
sợ hãi”.
Là chủ chăn của 1,4 tỷ người Công Giáo khắp thế giới,
Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã cho thấy tầm nhìn của ngài về một Giáo Hội “xây
dựng những nhịp cầu và tham gia vào đối thoại.” Trong đó mọi người “thể hiện
lòng bác ái” và “đối thoại với nhau bằng tình yêu thương.” Trước đó, trong cuộc
phỏng vấn của Vatican News liền sau khi trở thành Tổng Trưởng Bộ Giám Mục, ngài
nói: “Tôi vẫn coi mình là một nhà truyền giáo. Ơn gọi của tôi, giống như các
Kitô hữu khác, là trở thành một nhà truyền giáo, để công bố Phúc Âm khắp mọi
nơi.” Tuy ngài không nêu rõ những quan điểm và lập trường của ngài, nhưng
ngài được cho là rất gần với tầm nhìn của Đức Phanxicô về môi trường, tiếp cận
người nghèo và người di cư, và gặp gỡ mọi người ở nơi họ đang ở. Theo ngài,
“giám mục không được coi là một hoàng tử nhỏ ngồi trong vương quốc của
mình”.
Những khủng hoảng hiện nay, và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy
(populism) và độc tài toàn trị (authoritarianism) khắp thế giới đang đòi hỏi
tầm nhìn của vị tân giáo hoàng. Ngài cũng phải đối phó với những khủng hoảng
nội bộ, luật độc thân linh mục, nữ giới làm linh mục, và tệ nạn ấu dâm trong
Giáo Hội mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phải mất nhiều năm giải quyết nhưng vẫn
còn tồn đọng.
Tông Hiệu:
Tân Giáo Hoàng chọn tông hiệu Lêô XIV. Theo Kinh Thánh, Thánh
Phêrô, một trong 12 tông đồ của Chúa Giêsu, được Chúa đổi tên từ tên khai sinh
là Simon, nhưng điều này diễn ra trước khi ông được coi là Giáo Hoàng đầu tiên.
500 năm sau, truyền thống chọn tông hiệu của những người kế vị Thánh
Phêrô mới hình thành. Lịch sử cho thấy, khi Giáo Hoàng Gioan II không dùng tên
khai sinh là Mercurius, vì cho rằng tên ngài quá giống vị thần ngoại giáo
Mercury. Giáo Hoàng tiếp theo đổi tên là Peter Canepanova, người chọn tông hiệu
Gioan XIV vào thế kỷ 10 để tránh mang tên Giáo Hoàng Peter II (Phêrô
II).
Theo Liam Temple, Phó Giáo Sư Lịch Sử Công Giáo thuộc Đại Học
Durham, Anh, các giáo hoàng sẽ không chọn tông hiệu là Peter, vì muốn bày tỏ sự
tôn kính với Giáo Hoàng đầu tiên, nhưng cũng có thể do lời tiên tri tồn tại
hàng thế kỷ rằng Giáo Hoàng Phêrô II sẽ là Giáo Hoàng cuối cùng.
Temple cho rằng “Việc chọn tông hiệu đôi khi chịu ảnh hưởng từ
các giáo hoàng tiền nhiệm, những người từng dẫn dắt Giáo Hội qua khủng hoảng,
thúc đẩy cải cách hoặc có ảnh hưởng lớn, dù không phải lúc nào cũng vậy.”
Lịch sử Giáo Hội cho thấy Gioan là tông hiệu phổ biến nhất được
21 giáo hoàng lựa chọn. Giáo Hoàng Benedict XVI (triều đại 2005-2013) đã chọn
tông hiệu này để tôn vinh Thánh Bênêđíctô và Giáo Hoàng Bênêđíctô XV, người
đứng đầu Vatican trong Thế chiến I, nhằm thể hiện cam kết với hòa bình, hòa
giải. Ngoài ra một số khác mang các tông hiệu như: Gregory 16 vị, Clement 14
vị, Innocent 13 vị, Pius 12 vị, Stephen 9 vị, Boniface 8 vị, Urban 8 vị,
Alexander 7 vị, Adrian 6 vị, và Paul 6. Lịch sử cũng ghi nhận có 44 tông hiệu
chỉ được sử dụng một lần, gần đây nhất là Giáo hoàng Francis.
Giáo sư Temple đánh giá tông hiệu Lêô có thể phản ánh mong muốn
tiếp tục con đường cải cách. Nó gợi nhớ Giáo Hoàng Lêô XIII, nổi tiếng vì thúc
đẩy công bằng xã hội, thu nhập xứng đáng cho người lao động và điều kiện lao
động an toàn. Đặc biệt, với Thông Điệp Rerum Novarum của ngài có ảnh hưởng về
người lao động, đến nhấn mạnh đến giá trị của việc làm và phẩm giá của người
lao động. Điều này cũng có thể nhắc đến vị Giáo hoàng đầu tiên mang tên Lêô,
người kết thúc triều đại giáo hoàng vào năm 461, đã gặp Attila người Hung và
thuyết phục ông ta không tấn công Rome. Đức Hồng Y Seán Patrick O'Malley,
nguyên Tổng Giám Mục Boston đã viết trên blog của mình rằng vị giáo hoàng mới
“đã chọn một cái tên gắn liền với di sản công bằng xã hội của Đức Giáo Hoàng
Lêô XIII, người đã cai quản Giáo Hội vào thời điểm thế giới có những biến động
lớn, thời kỳ cách mạng công nghiệp, sự khởi đầu của chủ nghĩa Marx và làn sóng
di cư rộng rãi”.
Tầm Nhìn và Quan Điểm:
Khi Đức Giáo Hoàng Lêô XIV xuất hiện trên ban công của Vương
Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, mặc chiếc áo choàng đỏ truyền thống của giáo
hoàng - chiếc áo choàng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô - trước đó đã chọn không mặc
sau khi được bầu vào năm 2013. Đây có thể được coi như dấu chỉ rằng ngài
có chung quan điểm với Giáo Hoàng Phanxicô về xã hội, người nghèo và môi
trường. Quan điểm này cũng có thể đến từ kinh nghiệm liên quan đến Mỹ Latin của
ngài cũng thể hiện sự tiếp nối sau một vị giáo hoàng đến từ Argentina.
Ngài được cho là người từng đi qua những mái nhà tranh của
Trujillo, vượt suối băng rừng giữa mùa lũ để mang thuốc men đến với người bệnh.
Ngài đã dùng chính chiếc áo của mình để che tượng Hài Nhi Giêsu giữa đêm Giáng
Sinh giá lạnh khi mái nhà thờ đã bị gió cuốn bay. Thời gian làm Giám mục tại
Chiclayo, đã có lần ngài đi bộ hơn hai mươi cây số để dâng Thánh Lễ cho một
cộng đoàn bị cô lập sau lở đất. Một lần khác, ngài ôm tượng Đức Mẹ, tay xách
giỏ thuốc, lội giữa dòng nước xiết để đến với một ngôi làng nhỏ bị mưa lớn chia
cắt hoàn toàn.
Ngài dùng phần lớn đồng lương cá nhân để mua lương thực, thuốc
men, vở và áo ấm cho trẻ em nghèo. Ngài từng nhịn ăn bữa ăn duy nhất trong ngày
để dành phần đó cho một bà mẹ trẻ đang mang thai không có gì trong bụng. Rửa
chân cho người già, lau mặt cho những đứa trẻ bị sốt, và nắm chặt tay những
người hấp hối trong trại phong, ngài là một mục tử hiền lành chỉ biết lắng nghe
mà không cần nói nhiều, hiểu được nỗi đau mà không cần ai phải diễn giải. Người
luôn đến bất cứ lúc nào ai đó đau khổ, bất kể là sáng sớm hay đêm khuya, giữa
nắng gắt hay trong cơn giông.
Trước Mật Nghị Hồng Y, phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni cho
biết rằng trong các cuộc họp của Hồng Y Đoàn những ngày trước mật nghị, các
ngài đã nhấn mạnh sự cần thiết của một giáo hoàng có “tinh thần tiên tri, có
khả năng dẫn dắt một Giáo Hội không khép kín mà biết cách đi ra ngoài kia và
mang ánh sáng đến một thế giới đầy tuyệt vọng”. Theo các chuyên gia, việc chọn
tông hiệu Lêô cho thấy ngài quan tâm đến các vấn đề cấp thiết của xã hội. Đài
Truyền hình ABC7 News đã có cơ hội đặc biệt phỏng vấn ông Louis Prevost, anh cả
của Đức Tân Giáo Hoàng hiện sống tại tiểu bang Florida, Hoa Kỳ, và ông này đã
chia sẻ: “Roberto luôn nói rằng Giáo Hội không phải là một pháo đài, mà là một
bệnh viện dã chiến, nơi mọi người được chữa lành.” Tư tưởng này cùng quan điểm với
Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô.
Về quan điểm biến đổi khí hậu, ngài cho rằng đã đến lúc chuyển
“từ lời nói sang hành động.” Ngài nói, “quyền thống trị thiên nhiên” không nên
trở thành “độc đoán”. Và kêu gọi nhân loại xây dựng “mối quan hệ tương hỗ” với
môi trường.
Quan điểm của ngài về cộng đồng LGBT chưa rõ ràng, nhưng một số
nhóm, bao gồm cả Hồng Y Đoàn bảo thủ, tin rằng ngài có thể ít chào đón những
nhóm này hơn Giáo Hoàng Phanxicô. Tuyên bố của người tiền nhiệm cho phép ban
phước lành cho các cặp đồng tính và những người trong “tình huống bất thường”
khác, theo ngài nó cho thấy sự cần thiết của các giám mục trong việc diễn giải
các chỉ thị phù hợp với bối cảnh và văn hóa địa phương. Ngài không tỏ ra ủng hộ
Tuyên Ngôn Fiducia Supplicans.
Đối với nữ quyền trong Giáo Hội, ngài đã ủng hộ quyết định của
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho phép phụ nữ lần đầu tiên tham gia Bộ Giám Mục, cho
họ ý kiến về các cuộc bổ nhiệm này. Năm 2023, ngài nói với Vatican News: “Trong
nhiều trường hợp, chúng tôi thấy rằng quan điểm của họ giúp tăng tính đa
chiều.” Và năm 2024, ngài nói với Catholic News Service rằng sự hiện
diện của những người phụ nữ đó “đóng góp đáng kể vào quá trình nhận định để tìm
ra những người mà chúng tôi hy vọng là những ứng viên tốt nhất để phục vụ Giáo
Hội trong sứ vụ giám mục”.
Trước khi mật nghị bắt đầu, Hồng Y Robert Francis Prevost được
nhiều nhà quan sát đánh giá là ứng viên có thể đảm nhận vai trò làm cầu nối
giữa các thế giới khác nhau: “Nhân loại cần đến Đức Kitô như một nhịp cầu để
được Thiên Chúa và tình yêu của Ngài chạm đến. Xin hãy giúp chúng tôi, và giúp
nhau, bắc những nhịp cầu.” Đức Thánh Cha Lêô đã nói những lời này trong Thông
Điệp đầu tiên của ngài khi xuất hiện tại ban công Vương Cung Thánh Đường Thánh
Phêrô.
_________
Tài liệu:
Tham khảo, tổng hợp và trích dẫn từ:
-Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải. “Tiểu sử Đức Tân Giáo Tông
Leo xiv”.
-https://collegeofcardinalsreport.com/.../robert-francis.../
-https://en.wikipedia.org/wiki/Pope_Leo_XIV
-Maria Nguyễn Thùy Trang .“Lời tâm sự của một người Công
Giáo khi Đức Leo thứ mười bốn được bầu làm giáo hoàng.”
-CNN, ABC7 News, Vatican News, Catholic News Agency,
VietCatholic News.