Trần Mỹ Duyệt
chuyển ngữ
Bốn tín điều về
Đức Maria mà tất cả những ai xưng mình là người Công Giáo đều buộc phải tin. Đó
là: Mẹ Thiên Chúa, Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội, Trọn Đời Đồng Trinh, và Hồn
Xác Lên Trời. Tín điều Hồn Xác Lên Trời được Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên tín
ngày 1 tháng 11 năm 1950 qua Tông Hiến Munificentissimus Deus.
Đức Maria được
Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác để chứng tỏ quyền năng và tình thương yêu tuyệt
đối với Mẹ, Đấng đã thụ thai, sinh trưởng, và dưỡng nuôi Đức Kitô, Con Thiên
Chúa hằng sống. Thiên Chúa đem Mẹ về trời cả hồn lẫn xác còn vì chúng ta, những
kẻ đang tin vào Ngài và vào sự sống lại: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống
lại. Tôi tin hằng sống”. Đức Maria về trời trước là để củng cố niềm tin ấy nơi
chúng ta.
Sau đây là bài
giảng trong Lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, ngày 16
tháng 8 năm 2005 tại nhà nguyện Castelgandalfo, Italy, biệt thự nghỉ mát của
Giáo Hoàng:
Lễ Mẹ Lên Trời
là một ngày vui mừng. Thiên Chúa đã chiến thắng. Tình yêu đã chiến thắng. Ngày
chiến thắng của sự sống.
Tình yêu đã cho
thấy rằng nó mạnh hơn sự chết, rằng Thiên Chúa chiếm hữu sức mạnh thật và rằng
sức mạnh của Ngài là thiện hảo và tình yêu.
Đức Maria đã
được cất lên trời cả hồn lẫn xác: Ngay trong Thiên Chúa cũng có chỗ cho thân
xác. Thiên Đàng không còn là một khung trời xa xăm không hay biết đối với chúng
ta.
Chúng ta có một
người Mẹ trên thiên đàng. Và Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ của Con Thiên Chúa, là Mẹ
của chúng ta. Chính Chúa đã nói như vậy. Ngài đã làm cho người là Mẹ của chúng
ta khi nói với người môn đệ và tất cả chúng ta: “Đây là Mẹ con!” Chúng ta có
một người Mẹ trên thiên đàng. Thiên Đàng mở cửa, thiên đàng có một trái
tim.
Trong Thánh
Kinh, chúng ta đã nghe bài ca Ngợi Khen (Magnificat), một áng thi văn tuyệt vời
được khởi hứng bởi Thánh Thần. Nó được thốt lên từ môi miệng của Đức Maria,
đúng hơn, từ trái tim của Đức Maria. Bài thi ca tuyệt tác này phản chiếu toàn
bộ linh hồn, toàn thể con người của Đức Maria. Chúng ta có thể nói rằng bài ca
này của người cũng là bức truyền thần của Đức Maria, một hình ảnh trung thực mà
chúng ta có thể nhìn thấy một cách chính xác như chính người. Tôi chỉ muốn nhấn
mạnh đến hai điểm trong bài ca tuyệt vời này.
Bài ca bắt đầu
bằng lời “Ngợi Khen”: linh hồn tôi “ngợi khen” Chúa, đó là, “tuyên xưng sự cao
cả” của Chúa. Đức Maria đã muốn Thiên Chúa trở nên vỹ đại trên thế giới, vỹ đại
trong đời sống của người và hiện diện trong tất cả chúng ta. Người đã không sợ
rằng Thiên Chúa có thể là một “đối thủ” trong cuộc đời của chúng ta, rằng với
sự cao cả của Ngài, Thiên Chúa có thể lấn át tự do của chúng ta, toàn bộ sinh
hoạt chúng ta. Người hiểu rằng nếu Thiên Chúa cao cả, cả chúng ta nữa cũng được
trở nên cao cả.
Đời sống của
chúng ta không bị áp đặt, nhưng được nâng cao và triển nở: Nó cao quí đến nỗi
trở nên lớn lao trong vòm trời của Thiên Chúa.
Sự kiện mà cha
mẹ đầu tiên của chúng ta qua hành động đối nghịch đã trở thành nguyên nhân của
nguyên tội. Các ngài sợ rằng nếu Thiên Chúa trở thành quá cao cả, Ngài sẽ lấy
đi một điều gì đó khỏi đời sống của họ. Các ngài nghĩ rằng nên để Thiên Chúa
qua một bên để có chỗ cho chính họ.
Đây cũng chính
là một cám dỗ lớn lao của thời đại văn minh, trong ba hoặc bốn thế kỷ qua. Càng
ngày người ta càng nghĩ và nói: “Nhưng Thiên Chúa đây không cho chúng ta sự tự
do; với tất cả những giới răn của Ngài, Ngài hạn chế không gian sống của chúng
ta. Vì thế Thiên Chúa phải biến mất; chúng ta muốn được tự do và tự lập. Ngoài
Thiên Chúa này chúng ta sẽ trở thành những thần minh và làm những gì chúng ta
muốn.”
Cũng giống như
suy nghĩ của Người Con Đi Hoang, anh ta không nhận ra rằng mình được “tự do”
một cách hoàn toàn bởi vì đang ở trong nhà của cha mình. Anh ta đã rời bỏ đi
nơi miền đất xa xôi và tiêu xài hết tài sản. Cuối cùng, anh ta nhận ra một cách
rõ ràng rằng vì mình đã đi quá xa khỏi cha mình, thay vì được tự do, đã trở
thành một tên nô lệ. Anh ta đã hiểu rằng chỉ có cách trở về nhà cha của mình,
anh ta mới được tự do thật, trong một cuộc sống đầy đủ đẹp đẽ.
Và cũng là cách
suy nghĩ trong thế giới tiến bộ của chúng ta. Một cách vội vã, thế giới này
nghĩ và tin rằng bằng cách để Thiên Chúa qua một bên, và bằng tự lập, chạy theo
những ý tưởng và những xu hướng của riêng mình, con người có thể một cách hoàn
toàn được tự do để làm bất cứ những gì mình muốn, mà không bị bất cứ ai có thể
kiểm soát.
Nhưng khi Thiên
Chúa biến mất, con người không trở nên cao cả hơn; thực tế, chúng ta đã đánh
mất phẩm giá thần linh, khuôn mặt của chúng ta đã mất đi ánh hào quang của
Thiên Chúa. Cuối cùng, chúng ta chỉ biến thành những sản phẩm của một cuộc cách
mạng mù lòa và, để rồi, có thể bị lợi dụng và xử dụng. Đây rõ ràng là những gì
kinh nghiệm của thế hệ chúng ta đã trải qua.
Chỉ nếu khi nào
Thiên Chúa trở nên cao cả, thì nhân loại mới được cao cả. Với Đức Maria, chúng
ta phải bắt đầu để hiểu như thế. Chúng ta không thể xa lìa khỏi Thiên Chúa
nhưng làm cho Thiên Chúa hiện hữu; chúng ta phải chắc chắn rằng Ngài là vỹ đại
trong cuộc sống chúng ta. Nhờ vậy, cả chúng ta nữa sẽ trở nên thần linh; mọi
vinh quang của nhân phẩm thần linh sẽ trở thành của chúng ta. Chúng ta hãy đem
ứng dụng điều này vào trong cuộc sống của chúng ta.
Điều quan trọng
là Thiên Chúa trở thành cao cả trong chúng ta, trong đời sống cộng đồng và
riêng tư.
Trong đời sống
chung, điều quan trọng là Thiên Chúa hiện diện, chẳng hạn, qua cây thánh giá
trên những tòa nhà công cộng, và rằng Ngài hiện diện trong đời sống cộng đồng
của chúng ta. Nếu có Chúa hiện diện chúng ta mới có định hướng, một phương
hướng chung. Ngoài ra, những cuộc tranh luận trở thành không thể giải quyết, vì
vị trí chung của chúng ta trở nên không bao giờ được thừa nhận.
Chúng ta hãy
làm cho Thiên Chúa trở nên cao cả trong đời sống chung và riêng. Điều này có
nghĩa là dành nơi chốn cho Thiên Chúa trong đời sống mỗi ngày của chúng ta. Bắt
đầu từ bình minh trong kinh nguyện, và rồi tận hiến thời giờ cho Thiên Chúa,
dâng cho Ngài ngày Chúa Nhật. Chúng ta không uổng phí thời giờ tự do của chúng
ta, nếu chúng ta dâng nó cho Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa đi vào trong thời gian
của chúng ta, tất cả thời gian trở nên cao cả hơn, giầu có hơn, phong phú
hơn.
Điều chú ý thứ
hai: Bài thơ của Đức Maria – Bài Ca Ngợi Khen – hoàn toàn nguyên thủy. Đúng
vậy, cùng một thời gian, nó như “tấm vải” được dệ bằng những “sợi chỉ” từ lời
của Thiên Chúa trong Cựu Ước.
Vì thế, chúng
ta thấy rằng Đức Maria đã, có thể nói, “gần gũi” với lời của Thiên Chúa, người
sống lời của Thiên Chúa, người được thấm nhuần bởi lời Thiên Chúa. Để quảng bá
nó, người đã nói những lời Thiên Chúa, người đã suy nghĩ với những lời Thiên
Chúa. Những suy nghĩ của người là những tư tưởng của Thiên Chúa. Những lời của
người, là những lời của Thiên Chúa. Người được xuyên suốt bởi ánh sáng thần
linh, và đó mà tại sao người quá hấp dẫn, quá tốt lành, quá sáng láng với tình
yêu và sự thiện hảo.
Đức Maria đã
sống Lời của Thiên Chúa, người được thấm nhuần với Lời của Thiên Chúa. Và sự
thật là người đã được nhận chìm trong Lời của Thiên Chúa, và một cách hoàn toàn
giống với Lời cũng được ban cho người sau này với sự hiểu biết bên trong của sự
khôn ngoan.
Bất cứ ai suy
nghĩ với suy nghĩ Thiên Chúa cách hoàn hảo, và bất cứ ai nói về Thiên Chúa cách
tốt đẹp. Họ có tiêu chuẩn căn bản để phán đoán tất cả mọi sự trên trái đất. Họ
trở nên khôn ngoan, thông minh, và cùng một lúc tốt lành. Họ cũng trở nên mạnh
mẽ và can trường với sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng chống lại sự dữ và thúc đẩy
sự thiện trên thế giới.
Vì vậy, Đức
Maria nói với chúng ta, nói cho chúng ta, mời gọi chúng ta để hiểu Lời của
Thiên Chúa, để yêu mến Lời của Thiên Chúa, để sống với Lời của Thiên Chúa, để
suy nghĩ với Lời của Thiên Chúa. Và chúng ta có thể thực hiện trong nhiều cách
thức khác nhau: bằng việc đọc Kinh Thánh, bằng việc tham dự một cách đặc biệt
phụng vụ, trong đó Hội Thánh quanh năm mởi ra toàn bộ Sách Thánh cho chúng ta.
Hội Thánh mở Thánh Kinh ra cho đời sống chúng ta, và làm cho Thánh Kinh hiện
diện trong đời sống chúng ta.
Nhưng tôi cũng
nghĩ đến Sách Yếu Lược của Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo mà chúng ta vừa mới
xuất bản, trong đó Lời của Thiên Chúa được ứng dụng vào đời sống của chúng ta
và được diễn dịch trở thành hiện thực của đời sống chúng ta. Nó giúp chúng ta
bước vào “đền thờ” uy nghi của Lời Thiên Chúa, để học cách yêu mến nó, và giống
như Đức Maria, được thẩm thấu bằng Lời này.
Nhờ vậy, đời
sống trở thành sáng chói và chúng ta có một tiêu chuẩn căn bản với nó để phán
đoán, cùng một lúc, chúng ta đón nhận sức mạnh và đạo đức.
Đức Maria được
cất lên trong vinh quang thiên đàng cả hồn lẫn xác, và với Thiên Chúa và trong
Thiên Chúa, người là Nữ Vương trời đất. Và như vậy người sẵn sàng tách khỏi
chúng ta sao?
Trái lại, một
cách chính xác bởi vì người ở với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa, người trở nên
rất gần gũi với mỗi người chúng ta.
Trong khi sống
trên mặt đất, người chỉ có thể gần gũi với một số ít người. Ở trong Thiên Chúa,
người gần gũi với chúng ta, một cách cụ thể “trong” tất cả mọi người chúng ta,
Đức Maria chia sẻ sự gần gũi này của Thiên Chúa. Ở trong Thiên Chúa và với
Thiên Chúa, người gần gũi với mỗi người chúng ta, hiểu biết tâm tư chúng ta, có
thể nghe lời cầu xin của chúng ta, có thể giúp chúng ta với sự dịu dàng của tấm
lòng người mẹ, và được ban cho chúng ta như lời Chúa phán, một cách hiển nhiên,
như “người mẹ”. Chúng ta có thể chạy đến với người bất cứ lúc nào.
Người luôn luôn
lắng nghe chúng ta, người luôn luôn gần gũi với chúng ta, và là Mẹ của Chúa
Con, tham dự trong quyền năng của Chúa Con và trong sự tốt lành của Ngài. Chúng
ta có thể luôn luôn tín thác toàn đời sống cho người Mẹ này, Đấng không ở xa
bất cứ ai trong chúng ta.
Trong lễ trọng
hôm nay, chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa vì đặc ân của Mẹ, và hãy cầu xin với
Đức Maria giúp chúng ta bước đi trên chính lộ mọi ngày trong cuộc sống. Amen.
__________
Nguồn:
https://www.crossroadsinitiative.com/media/articles/homily-for-the-feast-of-the-assumption-pope-benedict-xvi/