Trần Mỹ Duyệt
“Tôi tin kính Đức
Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Ðấng Ban sự sống, Người bởi Đức Chúa Cha và
Đức Chúa Con mà ra. Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và
Đức Chúa Con; Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy”. Bằng những lời này,
Kinh Tin Kính Công Ðồng Nicene (325) cũng được gọi là Kinh Tin Kính Công Đồng
Constantinople I (381) xác định niềm tin về Chúa Thánh Thần, Ðấng là Thiên Chúa
thật cùng với Chúa Cha và Chúa Con, trong sự hiệp nhất Ba Ngôi Thiên Chúa.
Chúa Thánh Thần là Ngôi
Ba của Ba Ngôi Thiên Chúa. Những gì chúng ta biết được về Ngài phần lớn được
nhắc đến trong Tông Đồ Công Vụ qua những ơn huệ như chữa lành, xua đuổi ma quỉ,
và nói tiếng lạ. Ngài còn
được biết đến như Thần Khí, sức mạnh thần linh, sự cao cả của Thiên Chúa, và
ảnh hưởng trên toàn thể vũ trụ cũng như các tạo vật.
Thánh Thomas Aquinas gọi
danh hiệu của Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài là Tình Yêu liên kết
giữa Chúa Cha với Chúa Con. Tình Yêu ấy không đóng khung khép kín nhưng đã tuôn
trào ra, bởi vì Thiên Chúa đã thông đạt tình yêu và mọi thiện hảo cho tạo vật -
cách riêng là cho nhân loại - để mời gọi họ vào chia sẻ sự sống với Thiên Chúa
Ba Ngôi. Chúa Cha là Đấng yêu thương, Chúa Con là Đấng được yêu thương, và Chúa
Thánh Thần là Tình Yêu Ngôi Vị.
Ngoài danh hiệu Tình
Yêu. Chúa Giêsu đã nói về Chúa Thánh Thần như thầy dạy: “Nhưng khi Ðấng Bảo Trợ
là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi
điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Gioan 14:26)
Ngài là Thiên Chúa mà những người tín hữu được rửa tội trong danh Ngài (Mátthêu
28:19-20). Là quyền năng che chở cho những ai tin vào Ngài để không gì có thể
đánh cắp ơn cứu độ của họ (Ephesians
4:30). Và Ngài ở trong các tín hữu, biến đổi họ thành đền thờ của Thiên Chúa (1
Corinthians 6:19-20). Ngài hoạt động không
ngừng để canh tân con người, và canh tân bộ mặt trái đất.
NHỮNG ƠN HUỆ VÀ HOA TRÁI
CHÚA THÁNH THẦN
Mục đích những ơn huệ
Chúa Thánh Thần là giúp xây dựng, khuyến khích, và an ủi Giáo Hội. Sau đây là
một số ơn cần thiết và phù hợp với nhu cầu của nhiệm thể Đức Kitô.
7 Ơn Chúa Thánh Thần
Theo Sách Giáo Lý Công
Giáo và sự cắt nghĩa của Thánh Thomas Aquinas trong Tổng Luận Thần Học (Summa
Theologica), Chúa Thánh Thần là suối nguồn:
-Ơn Khôn Ngoan (Wisdom): Giúp chúng ta khả năng để yêu mến và hiểu
biết những sự việc và lời dạy của Thiên Chúa.
-Ơn Thông Minh (Understanding): Giúp chúng ta
thấu hiểu những gì chúng ta tin, vì Thiên Chúa là Đấng đáng tin cậy.
-Ơn Biết Lo Liệu (Counsel/Right
Judgment): Giúp chúng ta biết tránh
xa những cơ hội dẫn đến tội lỗi. Biết chọn những gì không trái với lương tâm,
những điều xứng hợp với phẩm giá con người, và những gì giúp chúng ta sống đẹp
lòng Thiên Chúa.
-Ơn Dũng Cảm (Fortitude): Giúp chúng ta sức mạnh vượt qua những khó khăn để thi hành
bổn phận của người Kitô hữu một cách vui vẻ và phấn khởi. Nó giúp chúng ta kiên trì làm điều tốt,
dù phải gặp những thử thách. Với ơn can đảm, chúng ta hy vọng có thể
đứng vững trước nhan Thiên Chúa ngay cả khi bị từ chối, xỉ nhục, hành hạ thể
xác hoặc phải chết.
-Ơn Hiểu Biết (Knowledge ):
Giúp chúng ta nhìn thấy sự việc theo cách nhìn của Thiên Chúa để chúng ta không
bị lừa dối bởi những phù hoa của thế gian, của tội lỗi, và biết yêu mến sự việc
của Chúa.
-Ơn Đạo Đức (Piety/Reverence): Giúp chúng ta yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa, Đấng yêu
thương chúng ta vô cùng, và giúp chúng ta yêu thương anh chị em mình vì chúng
ta có cùng một Cha trên trời. Những ai với lòng đạo đức đều nhận ra mình tùy
thuộc vào Thiên Chúa, và đến trước tôn nhan Ngài bằng sự khiêm nhường, tin
tưởng và yêu mến. Theo Thánh Thomas Aquinas, Ơn Đạo Đức là ơn huệ Chúa Thánh
Thần ban để chúng ta thờ phượng và phụng sự Thiên Chúa như Cha của chúng ta.
-Ơn Kính Sợ Chúa (Fear
of the Lord/Wonder and Awe): Giúp chúng ta nhận ra sự
cao cả, công minh của Thiên Chúa để không làm điều gì mất tình nghĩa với Ngài.
Chúng ta không sợ hãi như kẻ nô lệ, nhưng luôn tôn kính và trông cậy vào tình
yêu của Thiên Chúa. Theo Thánh
Thomas Aquinas đây không phải là sự sợ hãi bị loại trừ ra khỏi Thiên Chúa.
Nhưng đây là một sự “kính sợ” như người con sợ làm phiền cha mình hơn là “sợ
hãi” của kẻ tôi tớ, một sự sợ hãi vì bị phạt. Thánh Kinh cũng nói về sự sợ hãi
này: “Kính sợ Thiên Chúa là đầu mối của khôn ngoan” (Prov 1:7).
Vẫn theo Thánh Thomas
Aquinas, bốn ơn Khôn Ngoan, Thông Minh, Hiểu Biết, và Lo Liệu trực tiếp về trí
tuệ (intellect), trong khi ba ơn còn lại Dũng Cảm, Đạo Đức, và Kính Sợ Thiên
Chúa hướng ý muốn chúng ta về với ý muốn của Thiên Chúa.
12 Hoa Trái Chúa Thánh
Thần
Giáo lý Hội Thánh Công
Giáo số 1832: Các hoa trái của Thần Khí là những điều trọn hảo mà Chúa Thánh
Thần ban cho chúng ta, như hoa quả đầu mùa của vinh quang vĩnh cửu. Truyền
thống của Giáo Hội kể ra 12 hoa trái: “Bác Ái, hoan lạc, bình an, kiên nhẫn, quảng
đại, nhân từ, từ tâm, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, khiết tịnh”
(Gl 5: 22-23 vulg.).
Trong thư của Thánh
Phaolô gửi tín hữu Galata 5:22-23, ngài mô tả chín hoa trái cụ thể của Chúa
Thánh Thần: “yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, tốt lành, trung
tín, hiền lành, tiết độ”. Tuy nhiên trong bản dịch Vulgata tiếng Latin có thêm 3
hoa trái đó là: tin tưởng, nhã nhặn và trong sạch. Hoa nào sinh trái nấy:
1) Hoa Bác Ái (Charity): Trái Bác Ái là làm mọi việc vì mến Thiên
Chúa, để tình yêu Ngài và tình yêu anh chị em mình được vô vị lợi, không mong
được đền đáp và thỏa mãn tư kỷ. Hoa trái của bác ái là làm mọi việc vì mến
Chúa.
2) Hoa Vui Vẻ (Joy): Trái Vui Vẻ trong Thánh Thần là nhận biết lòng
nhân từ của Thiên Chúa. Khi Chúa Thánh Thần đến trong ta, chúng ta sẽ nhận ra
hạnh phúc thật không đến từ giầu sang, tiền bạc. Nhưng do sự hiểu biết và đi
theo Chúa Giêsu để được ở với Người bây giờ và trên Thiên Đàng mai sau.
3) Hoa Bình An (Peace): Trái Bình An là niềm vui làm cho ta được thư
thái. Đây là sự thanh thản, yên tĩnh tâm hồn có Chúa. Qua lời cầu nguyện và thờ
phượng Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy sự bình an nội tâm, và hành động để gieo
vãi sự bình an trên khắp thế giới.
4) Hoa Kiên Nhẫn (Patience): Trái Kiên Nhẫn giúp chúng ta chịu đựng
những nghịch cảnh ở đời và những đau khổ do sự chết gây nên. Vì tình yêu thì
nhẫn nại.
5) Hoa Hòa Nhã (Benignity): Trái Hòa Nhã là sự hòa nhã, ước mong làm
nhiều cho kẻ khác hơn là họ làm cho mình. Đây là nhân đức để chúng ta đối xử
với người khác như đối xử với chính mình.
6) Hoa Nhân Từ (Goodness): Trái Nhân Từ thơm từ trong lời nói và
trong việc làm. Khước từ những điều xấu và đón nhận những gì là tốt lành khi
chúng ta thống hối tội mình, và nỗ lực thực thi ý Chúa.
7) Hoa Nhẫn Nại (Longanimity): Trái Nhẫn Nại là kiên trì chịu đựng dù
không có những khích lệ bên ngoài. Âm thầm và bền bỉ trước những tấn công của
người khác. Trái chín nhân đức này là khả năng chấp nhận một cách tin tưởng
trước những thử thách của cuộc đời.
8) Hoa Hiền Lành (Mildness): Trái Hiền Từ giúp kìm hãm nóng giận. Chúa
Thánh Thần sẽ làm trổ sinh trái chín là thái độ bình tĩnh và dịu dàng. Từ vị
ngọt ngào này sẽ kéo xuống cho chúng ta khả năng tha thứ và quảng đại với người
khác.
9) Hoa Tin Tưởng (Faith): Trái Tin Tưởng là sự trung thành, thẳng thắn
trong những giao tế với mọi người. Qua ân điển thần linh, chúng ta trở nên
trung tín qua đời sống tuân theo thánh ý Chúa, và thực hành những lời giảng dạy
của Chúa Giêsu Kitô, Thánh Kinh, và Giáo Hội.
10) Hoa Nhã Nhặn (Modesty): Trái Nhã Nhặn là khiêm nhường, điều độ,
chừng mực trong hành động bên trong cũng như bên ngoài.
Trong tâm hồn là khiêm
nhường và trong sạch trong tư tưởng. Nhận biết rằng mọi thành công, tài năng,
và ơn phúc tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa.
Cung cách bên ngoài là
ăn mặc xứng kỳ đức, nói năng nhẹ nhàng, khoan thai, và không hành động đi ngược
với cung cách của những môn đệ Chúa Kitô.
11) Hoa Tiết Độ (Continence): Trái Tiết Độ là biết chế ngự những dục
vọng, kiểm soát con người. Chống lại những cám dỗ của dục vọng, ham muốn nhục
dục, và hạn chế những thèm muốn xác thịt.
12) Hoa Trong Sạch (Chastity): Trái Trong Sạch là sự canh phòng ngũ quan
để chúng không trở nên dịp tội cho ta; giúp ta coi thân xác mình và thân xác
người khác như đền thờ Chúa Thánh Thần. Đối với những người sống đời thánh
hiến, trái trong sạch là hoàn toàn dâng mình cho Thiên Chúa.
CA TIẾP LIÊN - LỄ CHÚA
THÁNH THẦN
Trong ngày Chúa Thánh
Thần hiện xuống, cùng với Giáo Hội, chúng ta hãy kêu xin Ngài:
Lạy Chúa Thánh Thần, xin
Ngài ngự đến,
và tự trời tỏa ánh quang
minh của Ngài ra!
Lạy Cha kẻ cơ bần, xin
Ngài ngự đến;
Đấng ban ân huệ, Đấng
soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!
Lạy Đấng an ủi tuyệt
vời,
là khách trọ hiền lương
của tâm hồn,
là Đấng ủy lạo dịu dàng.
Chúa là sự nghỉ ngơi
trong cảnh lầm than,
là niềm an ủi trong lúc
lệ rơi.
Ôi sự sáng chứa chan
hồng phúc,
xin chiếu soi tràn ngập
tâm hồn tín hữu của Ngài.
Nếu không có Chúa trợ
phù,
trong con người còn chi
thanh khiết, không còn chi vô tội.
Xin Chúa rửa sạch điều
nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,
và chữa cho lành nơi
thương tích.
Xin uốn nắn điều cứng
cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,
chỉnh đốn lại chỗ trật
đường.
Xin Chúa ban cho các tín
hữu,
là những người tin cậy
Chúa, được ơn bảy nguồn.
Xin ban cho họ được huân
nghiệp nhân đức,
được hạnh phúc cứu độ và
được hoan hỷ đời đời.
(Amen. Alleluia.)