Con người, khi lớn lên cần trang bị một số kiến thức để hội nhập với cuộc sống và rồi khi đối diện với cuộc sống sẽ gặp phải rất nhiều chuyện diễn ra chung quanh mình. Khi đối diện với những chuyện diễn ra quanh mình, con người cần phải biện phân chuyện nào là tốt, chuyện nào là xấu để lấy cái tốt vào trong cuộc sống của mình.
Đất nước cũng vậy, không thể nào cứ khép kín trong quốc gia của mình nhưng cũng phải đi học hỏi, đi tìm kiếm những điều hay điều phải vào trong đất nước để cho đất nước được phát triển, dân chúng có đời sống tốt hơn. Chuyện nhập vào đất nước của mình một sản phẩm văn hóa, sản phẩm tinh thần hay vật chất đều phải hết sức thận trọng bởi lẽ nếu cứ thả nổi cho chuyện nhập hay nhập mà không hề cân nhắc thiệt hại thì sẽ gây tổn hại biết bao nhiêu cho con người, cho đất nước.
Chuyện gần nhất với đời sống con người là nhập những sản phẩm văn hóa, sản phẩm tinh thần.
Việt Nam với thuần phong mỹ tục theo phong cách hoàn toàn Á Đông vậy mà giờ bước chân ra đường thấy người ta ăn mặc làm sao đó ! Đời sống vật chất, đời sống kinh tế thì khá hơn nhưng chẳng hiểu làm sao người ta cứ mặc theo cái “bối cảnh” thiếu trước hụt sau ! Có những cái “mốt” kỳ dị khi mặc đó là để lộ nguyên một khoảng trống đàng sau lưng. Làm như người ta vô ý hay sao đó để rồi lâu lâu vòng tay ra đàng sau kéo cái áo xuống cho bớt hở nhưng làm sao bớt được khi khoảng trống ấy hở cả gang tay !
Chuyện nực cười nữa là những cái váy. Váy ! Tự nó rất đẹp nhưng sử dụng nó lúc nào mới là chuyện quan trọng. Ở bên Tây bên Mỹ, người ta di chuyển bằng xe hơi, bằng máy bay nên mặc váy rất ít khi bị “tai nạn”. Nước ta đa phần di chuyển trên xe máy nên “tai nạn” cho những chiếc váy ngắn thì rất nhiều. Cứ ngồi trên chiếc xe tay ga mà “nện” những cái váy cực ngắn vào chả khác nào cố tình đi khoe “của”. Ông bà ta vẫn thường nhắc nhở con cháu phải ăn mặc sao cho kín đáo, cho nết na, cho thùy mị thế nhưng những lời của ông bà xưa bị cho vào dĩ vãng. Thay vào đó là những “mốt” ăn mặc hết sức kỳ và cũng hết sức dị.
Chuyện vừa mới xảy đến với cô ca sĩ nọ. Trong buổi tiệc mừng cô bạn thân, cô ta đã hội nhập kiểu ăn mặc hết sức kỳ dị. Khi người ta lên tiếng chuyện ăn mặc phản cảm của cô thì cô bảo là cô “quên mặc quần” ! Một lời giải thích không nhận được sự đồng tình của khán giả bởi lẽ cách mặc của cô quá lộ liễu. Cô khó có thể minh chứng cho ăn mặc phản cảm của cô vì mới đây cô đã trình diễn cảnh ăn mặt hết sức mát mẻ trên một tạp chí. Cô sẽ trả lời cho công chúng như thế nào cách hội nhập thời trang của cô. Phải chăng đó là cách hội nhập thời trang của cô hay sao ? Ngày nay không chỉ có mình cô nhưng nhiều và nhiều người không chỉ riêng người trẻ đã ăn mặc hết sức phản văn hóa của truyền thống thầm kín Á Đông. Điều đáng tiếc cho chuyện nhập thời trang nhưng chẳng chịu nhìn trước ngó sau.
Cạnh cái mặc thì còn cái giao tiếp. Tiếng Anh tiếng Mỹ thật cần cho cuộc sống để giao lưu, để nghiên cứu, để hiểu biết nhau. Giỏi tiếng Anh, biết tiếng Anh và sử dụng tiếng Anh lưu loát là chuyện quan trọng nhưng sử dụng ở đâu còn quan trọng hơn.
Trong một buổi tiệc sinh nhật của một đứa cháu tròn 10 tuổi. Cô con dâu trong gia đình được mời phát biểu. Chẳng hiểu thế nào mà khi đối diện với các cụ các bác cô cứ dùng nửa Việt nửa Anh. Cách giao tiếp của cô ta nay cũng khá nhiều trong cuộc sống. Giả như trong buổi tiệc ấy đa phần là người ngoài nước hay Việt kiều cũng tạm còn châm chước.
Ngày còn bé, tôi đã nghe những câu chuyện hết sức đau lòng từ việc thẩm tra vội vàng tra bút ký chớp nhoáng để nhập hàng loạt ốc bươu vàng, chuột hải ly, cá dữ Nam Mỹ … Những con ốc bươu vàng, những chú chuột hải ly và những con cá dữ Nam Mỹ đã để lại biết bao nhiêu tổn hại cho con người và nhất là những con người nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long.
Không dừng lại ở chuyện nhập khẩu ốc, chuột, cá mà còn nhiều và rất nhiều thứ nhập hết sức buồn cười. Có những chuyến hàng nhập khi khui ra người ta thấy bàng hoàng bởi lẽ nó là rác ! Có những lô hàng là những máy móc, thiết bị dụng cụ y khoa thời xửa thời xưa rồi. Những lô hàng ấy là rác của người ta, nay chẳng hiểu vì lý do gì đó người ta lại nhập về làm của xứ mình.
Không chỉ riêng máy móc, dụng cụ y khoa nhưng ngay cả thực phẩm cũng chịu chung số phận như vậy. Có những lô hàng là thịt gà, là giò heo đã quá hạn sử dụng. Thị trường hiện đang tràn lan những sản phẩm rau củ được nhập từ Trung Quốc. Những sản phẩm rau củ ấy nhìn bề ngoài “mẩy” hơn, tươi hơn của hàng trong nước nhưng ai có thể kiểm chứng nó được trồng bằng loại thuốc hóa học nào ? phân bón hóa học gì ? thuốc kích thích tăng trưởng ra sao ?
Mới đây nhất, người ta đã ký nhập 24.000 con rùa tai đỏ ! Chẳng hiểu người ta có nghiên cứu kỹ về giống rùa rai đỏ đó hay chưa mà đã vội nhập. Thật kinh ngạc khi rùa tai đỏ ấy lại nằm trong số 100 loại xâm hại nguy hiểm nhất thế giới !
Nhập : rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là nhập cái gì và nhập để làm gì ? Phải hết sức lựa chọn, đắn đo, cân nhắc trước khi nhập. Nếu không thì đất nước ta bỗng dưng trở thành thùng rác khổng lồ cho những nước không biết bỏ rác ở đâu.
Thanh Tâm