Thánh Lễ ban chiều vừa được tiến dâng xong, tranh thủ ghé thăm Ông Cố chút xíu. Đang lúc đợi đến phiên thăm Ông Cố thì có người kia chạy đến :
- “Thưa Ông Cố ! Ông Cố có dầu nóng cho con xin chai dầu nóng !”
Vừa vào phòng lấy chai dầu nóng ra thì có người :
- “Thưa Ông Cố ! Ông Cố cho con xin cuốn lịch !”
Cuốn lịch vừa trao tay thì một người nữa :
- “Mai con đi thành phố khám bệnh, xin Ông Cố cho con chút !”
Những chuyện như thế này ban đầu thì tôi còn ngạc nhiên nhưng dần dần cũng quen với những lời “thì thầm” của “con cái” với ông cha ở cái vùng truyền giáo nghèo. Với những giáo xứ có đời sống kinh tế ổn định thì làm sao thấy được những “cảnh ngộ” như thế này nhưng những chuyện này là những chuyện hết sức bình thường nơi vùng truyền giáo .
Mấy ngày sau, tháp tùng Ông Cố đi thăm một số gia đình nghèo trong xóm. Vừa dựng xe chưa kịp thở thì chủ nhà nói :
- Con đang giở cái nhà này để làm cho thằng con trai ! Đang tính bữa nào chạy lên Ông Cố mượn chút để về xây nhà cho con.
Chuyện là ông đang giở cái nhà đàng trước nhà ông hiện không sử dụng để làm nhà cho con của ông và ông thỏ thẻ với Ông Cố khi Ông Cố vừa đến thăm.
Nghe lời của ông ấy xong tôi cảm thấy buồn làm sao ấy nhưng trên suốt đoạn đường dài đi vào thăm bà con vùng truyền giáo nghèo này thì tôi lại nghĩ khác. Thật ra những người nghèo ở đây biết gì đạo nghĩa, biết gì về Chúa, đối với họ ngày có cơm 3 bữa là đủ rồi chứ họ cần gì biết đến Chúa đến, Mẹ. Mấy chục năm nay họ không biết Chúa là ai, nay nhờ các vị truyền giáo họ biết đến Chúa là được rồi. Và chẳng lẽ mang Chúa đến với cái miệng ở cái vùng nghèo này. Thì cũng phải có chút gì đó gọi là vật chất để chia sẻ tình thương với họ vì lẽ mình đi rao giảng Thiên Chúa là Tình Thương mà !
Nhìn vùng truyền giáo nghèo này tôi lại nhớ đến vùng sông nước Năm Căn của Cố Hậu. Cố Hậu phải bươn chải nơi này nơi kia để có chút ít chia sẻ với bà con nghèo. Có quan điểm cho rằng Cố Hậu làm như thế là tập cho họ thói quen theo “đạo gạo” nhưng thật sự trong lòng tin, tôi lại nghĩ khác, tôi lại nghĩ rằng có thể ban đầu những người nghèo họ đến với Chúa qua chút chút vật chất chia sẻ của người mục tử, của nhà truyền giáo nhưng biết đâu được lòng tin được bén rễ, được đâm chồi từ tấm lòng thơm thảo của nhà truyền giáo.
Dĩ nhiên, với người nghèo mà có ai nào đó đến chia sẻ cho họ một chút gánh nặng quả là điều mà họ mơ tưởng. Thử đặt hoàn cảnh gia đình ta ta sẽ hiểu cho tâm trạng của người nghèo như thế nào. Có thể ban đầu họ đến với Chúa bằng con đường vật chất nhưng sau đó Chúa biến đổi lòng tin nơi con người của họ thì sao ?
Mãi mãi, Chúa là một vị Thiên Chúa lòng lành vô cùng, Chúa có cách của Chúa và Chúa thực hiện những điều mà con người bình thường không thể hiểu được. Lời kinh bình dân, đơn sơ mà con cái Chúa vẫn đọc mỗi ngày “Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời mà dựng nên con, cho con được làm người lại cứu lấy con ...”. Đôi khi ta đọc mà ta không cảm nhận được lời mà ta đọc.
Dưới con mắt bình thường thì những con người nghèo này theo đạo, theo Chúa vì vật chất nhưng thật sự ra mà nói, có nghèo, có khổ mới hiểu cho cái phận nghèo là gì để rồi ta cảm thông với những người nghèo như thế này. Chẳng ai muốn mình phải sống cuộc đời nghèo khổ cả nhưng cái khổ nó đến với ta thì ta chìa tay ra với để ai có lòng chia sẻ thì ta đón nhận sự chia sẻ ấy thôi.
Nhìn lại chặng đường đã qua, phải nói là tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức của biết bao nhiêu con người và trong đó có công sức lớn của nhiều nhà truyền giáo để vùng truyền giáo nghèo này có nhiều người được thanh tẩy. Như vùng Cái Rắn – Năm Căn của cố Hậu, từ con số KHÔNG thật to trên bản đồ của Giáo phận Cần Thơ nhưng nay đã có hàng ngàn và hàng ngàn người biết và theo Chúa. Tất cả quả là mầu nhiệm mà chẳng ai có thể hiểu nổi. Chỉ có trong sâu lắng và lặng lẽ của cuộc đời ta mới hiểu được một Thiên Chúa lòng lành vô cùng mà thôi.
Mảnh đất truyền giáo vùng biển mặn này cũng vậy thôi, từ vùng đất trắng chẳng ai biết Chúa, ấy vậy mà một ngôi Thánh đường khang trang mọc lên và sinh hoạt tôn giáo công khai ở vùng đất nghèo này quả là mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mới đến đây không thể nào hiểu được thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Chiều về, trong căn nhà nhỏ của xã nghèo, tôi lại xác tín lại chuyện Chúa lòng lành vô cùng. Nếu như Chúa không lòng lành thì đời mình làm sao có được như ngày hôm nay ở cái vùng nghèo biển mặn này. Và làm gì mình được diễm phúc cảm nhận tấm lòng chia sẻ phận nghèo của các Ông Cố với những con người ở vùng biển mặn nghèo thiếu trước hụt sau này.
Con người mãi luôn có những tính toán của con người nhưng Thiên Chúa mãi có đường hướng của Thiên Chúa. Tình Chúa lòng lành cao sâu và mầu nhiệm quá trí hiểu của con người.
Thanh Tâm