LỄ
CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ NĂM B
Ngay
tại tòa án của chính mình, Philatô hỏi Chúa Giêsu: “Ông là vua sao?”. Còn Chúa Giêsu, người đang bị bắt, bị đưa đến từ
hết tòa án của thượng hội đồng Dothái đến tòa án Philatô, và bây giờ đang bị
chính Philatô thẩm vấn. Sau những màn gọi là "thẩm vấn" ấy, Philatô
sẽ luận tội, sẽ ra phán quyết bằng một bản án và áp đặt bản án ấy lên Chúa.
Giữa
tình cảnh đen tối và hết cách "chạy trốn" ấy, Chúa Giêsu có quyền tự
bảo vệ. Chúa có thể chối từ vương vị "Vua" mà Philatô vừa hỏi. Chúa
cũng có thể "dàn xếp" để đi đến thỏa hiệp với Philatô nhằm thoát án
của ông ta.
Nhưng
Chúa Giêsu không chạy trốn chân lý, công lý và quyền năng từ trời mà mình vinh
dự lãnh nhận từ Chúa Cha. Chúa khẳng khái trả lời: "Ta là vua". Không những trực tiếp và mạnh mẽ khẳng
định, Chúa Giêsu còn có đến hai lần giải thích:
- "Nước tôi không thuộc
về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã
chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Dothái, nhưng mà nước tôi không thuộc
chốn này".
- "Tôi sinh ra và đến
trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe
tiếng Tôi".
Bằng
hai câu trả lời dứt khoát, rõ ràng và khẳng khái, Chúa Giêsu cho biết: Chúa
không làm vua theo cách nghĩ của thế gian: Quyền uy đến nỗi "hô mưa gọi
gió", áo mũ xênh xang, bắt thần dân phải chết hay cho sống mới được sống...
Chúa
không đến để thống trị nhưng để phục vụ. Chúa không đến để ra oai như chỉ có
mình là sức mạnh tuyệt đối. Chúa mang lấy thánh giá để đồng phận với người đau
khổ, người bị loại trừ, người cô đơn, mất mát...
Chúa
mặc lấy sự trần trụi trên thánh giá để nên một với người bị tước mất quyền làm
người, quyền được sống, quyền có giá trị và nhân phẩm như một con người giữa
những con người...
Chúa
là Vua không như những loại vua trần thế: thủ lợi, ích kỷ, vun quén, quyền
hành, danh vọng, tiếng tăm, giàu sang, hưởng thụ... cho bản thân. Ngược lại,
chính trên thánh giá mà Chúa làm Vua. Hàng chữ ghi trên đỉnh thánh giá xác định
một người chết thê thảm ấy là "Vua", nói lên quyền làm Vua, đồng thời
rao báo cho mọi người ở mọi thời sự chọn lựa làm Vua của Chúa.
Chúa
làm Vua nhưng là Vua cho những người khác, vì người khác. Chúa là Vua khi đối
diện với tòa án Philatô. Chúa là Vua giữa lúc đám đông cuồng nộ chống lại Chúa,
một mực đòi giết Chúa. Chúa là Vua đang khi bị tước sạch nhân phẩm, giá trị làm
người, sự sống, mạng sống, quyền được sống, quyền tự biện hộ mình, quyền có
tiếng nói...
Chúa
là Vua trong thế gian nhưng không theo và không thuộc về thế gian, nhưng là Vua
theo thánh ý Thiên Chúa, thuộc về trời cao và chỉ nhằm đưa dẫn mọi người vào sự
sống trong Nước Thiên Chúa.
Vương
quyền của Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa nhằm gánh lấy tội lỗi của thế gian, giải
thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết. Nói đúng hơn, Chúa Kitô làm Vua chẳng
phải là cai trị, nhưng trở thành Nguồn Yêu Thương rót đầy nơi chúng ta và nơi
cả thế giới này lòng yêu thương chan chứa, để mãi muôn đời ta có Chúa, có đầy
dư hạnh phúc, có sự sống vĩnh cửu và sung mãn tràn ngập.
Còn
chúng ta, một khi tùng phục vương quyền của Chúa Giêsu, chúng ta không mất mát,
không bao giờ bị thiệt thòi, không bao giờ giảm sút giá trị, nhưng sẽ càng
phong phú, càng giàu có, càng mạnh mẽ, càng sung mãn tình yêu, sự sống và sức
sống.
Bởi
khi theo Chúa, Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi tối tăm, khỏi cảnh nô lệ tội
lỗi, khỏi muôn điều ác hại. Chúa giải thoát và trao cho chúng ta mọi ân ban của
tự do đích thực. Vì dù đứng trên đỉnh mọi quyền lực, Vương quyền của Chúa không
áp bức chúng ta.
Chúa
không muốn chúng ta theo Chúa như một bầy nô lệ, không cho phép chúng ta phụng
sự Chúa như những kẻ thấp hèn không giá trị, không nhân phẩm. Nhưng chúng ta là
con Thiên Chúa, đồng phận với chính Chúa, đồng chia sẻ gia nghiệp trong nhà
Thiên Chúa với Chúa.
Vậy
chúng ta không chỉ nhìn nhận vương quyền của Chúa Giêsu, không chỉ đi theo Chúa
Giêsu, nhưng hãy trung thành với Ngài qua tất cả mọi thời gian sống của chúng
ta.
Hãy
để cho Vua Giêsu chiếm trọn tất cả con người, từ tư tưởng lời nói cho đến việc
làm.
Hãy
nhìn lên thánh giá và thưa với Chúa bằng chính lời cầu nguyện của người trộm
năm xưa: "Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ
đến con khi Chúa vào vương quốc của Chúa".
Bất
cứ khi nào, thấy mình yếu đuối, thấy mình chỉ là tội nhân, thấy mình bị cám dỗ
đè bẹp..., hãy cầu xin Chúa: "Xin đừng quên con. Xin dẫn con vào Vương
quốc của Chúa".
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG