Anh em linh mục đã và vẫn nói qua nhiều về ơn gọi truyền
giáo, về sứ mạng truyền giáo. Nhất là hàng năm, trong ngày Khánh nhật Truyền
giáo, và tất cả những dịp đặc biệt có liên quan đến khía cạnh này.
Nhân Khánh nhật Truyền giáo năm nay, một mặt lo giảng
thuyết, lo hướng dẫn giáo dân về ơn gọi truyền giáo, lo kêu gọi đóng góp cho
công tác truyền giáo như đã thành lề thói trong các giáo phận..., các linh mục
thử nhìn lại chính mình về việc sống và thực thi ơn gọi truyền giáo.
Vì hơn ai hết, hơn bất cứ thành phần nào trong Hội Thánh, LINH
MỤC PHẢI LÀ NGƯỜI DẪN ĐẦU TRONG CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO của Hội Thánh Công giáo.
Vậy để nhìn lại mình trong trách nhiệm truyền giáo và rao
giảng về ơn gọi truyền giáo, tôi đề nghị anh em linh mục chúng ta hãy khởi đi:
I. TỪ MỘT ĐỊNH NGHĨA.
Truyền giáo là gì? Người ta có thể có nhiều định nghĩa khác
nhau. Nhưng trong các định nghĩa ấy, người truyền giáo không bao giờ được phép
quên một định nghĩa quan trọng, vì nhờ đó mà làm nên ơn gọi truyền giáo trong
Hội Thánh. Một ơn gọi không đến từ yếu tố con người, nhưng lại tùy thuộc vào
yếu tố thần linh.
Đúng hơn, định nghĩa quan trọng ấy thuộc về chính Đấng vừa
là NGUỒN vừa là ĐÍCH. NGUỒN, nơi mà từ đó xuất phát ra ơn gọi truyền giáo.
ĐÍCH, nơi màchính công cuộc truyền giáo phải quy về. Đấng đó không ai khác hơn
là chính CHÚA KITÔ.
Chúa là gợi hứng cho ơn gọi truyền giáo và là chung cuộc
cho hành trình truyền giáo của Hội Thánh. Vì thế cũng chính Chúa là gợi hứng về
một định nghĩa quan trọng mà chúng ta
đang nhắc tới:
TRUYỀN GIÁO LÀ MANG CHÚA KITÔ LÀM QUÀ TẶNG,
TRAO TẶNG ANH CHỊ EM CỦA MÌNH.
1.
Phải có Chúa Kitô trong tâm hồn.
Muốn cho ai bất cứ cái gì, phải có, mới có
thể cho. Chỉ có một con đường duy nhất để trao tặng Chúa Kitô, là phải có Chúa Kitô trong tâm hồn.
Nếu hiểu một tâm hồn chưa thanh sạch là tâm
hồn thiếu vắng Chúa Kitô, thì người linh mục phải tự hỏi rằng, rất nhiều lần
tôi giơ tay ban phép lành để tha tội cho anh chị em của tôi, để sau khi được
tha thứ, anh chị em có Chúa Kitô, còn tâm hồn tôi đã thanh sạch chưa, đã có
Chúa Kitô chưa?
Bảo rằng truyền giáo là ban tặng Chúa
Kitô, thì bước đầu tiên để khởi sự
truyền giáo, lòng tôi phải có Chúa Kitô. Tôi phải luôn ý thức rằng, tội
lỗi, gương xấu không bao giờ làm bạn với ơn truyền giáo.
2. Trách nhiệm truyền giáo trước tiên thuộc về
linh mục.
Ơn gọi truyền giáo là ơn gọi của mọi Kitô hữu. Nhưng vượt
lên đứng hàng đầu trong số các Kitô hữu ấy về việc sống ơn truyền giáo là chính
linh mục. Từ những việc làm rất lớn như cử hành thánh lễ, cử hành bí tích…, đến
việc nhỏ nhất như một lời nói, một cử chỉ thân thương, một nụ cười dung thứ…
của linh mục, đều có thể gây ảnh hưởng, và cũng rất có khả năng ảnh hưởng đó
lan rộng.
Vậy muốn có được đời sống chứng tá, người linh mục tất yếu
phải kiểm điểm mình liên tục. Tôi có còn thói quen kiểm điểm bản thân hay
không, hay vì vịn vào công việc, từ lâu tôi đã bỏ mất thói quen này?
II. TIẾP NỐI BUỚC CHÂN CHA ÔNG.
Định nghĩa quan trọng về truyền giáo: Truyền giáo là
mang Chúa Kitô làm quà tặng, trao tặng anh chị em của mình, không chỉ dừng
lại ở định nghĩa, mà qua định nghĩa, còn nói lên cả một nền tảng của đức tin,
của cả dòng lịch sử Kitô giáo, của niềm hãnh diện và say mê truyền giáo có giá
trị hàng ngàn năm mà Hội Thánh đã, đang và sẽ còn cưu mang và sống.
Niềm hạnh phúc tuyệt diệu khi được tiếp nối bước chân Chúa
Kitô làm nhà truyền giáo, thể hiện ngay từ thuở bình minh của Hội Thánh. Sách
Công vụ tông đồ chứng minh điều đó khi cho thấy bước chân lên đường không mệt
mỏi, không sợ sệt, không đầu hàng nghịch cảnh, bất chấp sự chống đối của thế
gian, sự cô đơn khi phải đối diện với sứ mạng nặng nề…
Bảo rằng, đấy là Hội Thánh sơ khai, nhưng những con người
của Hội Thánh, lại là những con người trưởng thành. Không chỉ trưởng thành, nếu
so sánh với mỗi người trong anh em linh mục, có lẽ phải gọi các ngài là “Những nhà truyền giáo trưởng thành vượt
bậc”, điều mà anh em linh mục ngày nay, dù đã thừa hưởng kho tàng đức tin
do các ngài để lại lên đến hơn 2.000 tuổi, vẫn không dễ gì có được.
Vậy bây giờ, chúng ta hãy đọc lại một phần (chỉ một phần
thôi) về những lời đầy khí phách, những thái độ ngoan cường, và những tâm hồn
tràn đầy lòng yêu mến, tràn đầy niềm phó thác của cha ông mình:
“Có những người thuộc hội đường, gọi là hội đường của nhóm
nô lệ được giải phóng, gốc Kyrênê và Alexanria, cùng với một số người gốc
Kilikia và Axia, đứng lên tranh luận với ông Stêphanô. Nhưng họ không địch
nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông… Họ đưa mấy người làm
chứng gian ra khai rằng: “Tên này không ngừng nói những lời phạm đến nơi thánh
và lề luật…”. Toàn cử tọa trong Hội đồng
đều nhìn thẳng vào ông Stêphanô, và họ thấy mặt ông giống như mặt thiên sứ.
Bấy giờ vị thượng tế hỏi Stêphanô: “Có đúng như vậy
không?”. Ông đáp: “Thưa quý vị là những bậc cha anh, xin nghe tôi đây… Hỡi
những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống
lại Thánh Thần. Cha ông các ông thế nào, thì các ông cũng vậy. Có ngôn sứ nào
mà cha ông các ông không bắt bớ? Họ đã giết những vị tiên báo Đấng Công Chính
sẽ đến; còn các ông, nay đã trở thành những kẻ phản bội và sát hại Đấng ấy. Các
ông là những người đã lãnh nhận lề luật do các thiên sứ công bố, nhưng lại
chẳng tuân giữ”.
Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến
răng căm thù ông Stêphanô.
Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh
quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: “Kìa tôi
thấy trời mở ra, và Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa”. Họ liền kêu lớn tiếng,
bịt tai lại và nhất tề xông vào ông rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá… Họ ném đá
ông Stêphanô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn
con”. Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội
này”. Nói thế rồi, ông an nghỉ” (Cv
6, 8-7, 60).
Đối với Hội Thánh tại Việt Nam hôm nay cũng không khác. Từ năm
2003, Hội đồng Gíam mục Việt Nam,
một lần nữa mời gọi nhìn về cha ông để “tiếp nối bước chân truyền giáo” của các
ngài: “Từng đoàn người vượt suối băng rừng. Từng đoàn người ra khơi giữa
biển rộng sóng lớn. Biết bao người bỏ mạng nơi rừng sâu núi thẳm. Biết bao
người bỏ xác ngoài biển khơi. Nhưng lớp này nằm xuống, lớp khác đứng lên nối
tiếp nhau ra đi đem Tin Mừng đến tận cùng thế giới.
Nhờ các vị thừa sai tràn đầy nhiệt huyết, quê hương Việt
Nam đã được đón nhận Tin Mừng. Nhờ đới sống đức tin anh dũng của các bậc tiền
nhân, đức tin đã không ngừng phát triển, để truyền lại cho chúng ta ngày nay
một gia sản quý giá” (Thư mục vụ 2003).
Sau khi nghe những lời ấy, có lẽ thái độ
thích hợp nhất của chúng ta lúc này là lặng đi để có thể tra vấn lương tâm
mình. Một lần thinh lặng, để một lần nữa, ta ý thức rằng, ơn gọi truyền giáo là
ơn gọi cấp bách, đã từng thôi thúc cha ông mình, thì hôm nay sự thúc bách ấy
vẫn mới nguyên, vẫn đòi mỗi người dấn thân y như thế!
III. KHÔNG THỂ KHÔNG CẦU NGUYỆN.
Nói gì thì nói, điều quan trọng nhất vẫn là cầu nguyện. Để
có thể làm tròn sứ mạng Truyền giáo: mang Chúa Kitô làm quà tặng, trao tặng
anh chị em của mình, chúng ta đừng quên, việc cầu nguyện là việc làm trước
tiên, và là việc ưu tiên hàng đầu.
Nếu muốn trao tặng quà, trong tay phải có quà, và muốn đưa
Chúa Kitô đến với anh chị em, tâm hồn phải có Chúa Kitô, thì chỉ có cầu nguyện
và cầu nguyện bằng tất cả lòng tin, niềm hy vọng, lòng mến yêu, sự tôn thờ sốt
sắng, ta mới thấy lòng khao khát Chúa thẳm sâu. Chính khi ta đói khát Thiên
Chúa thật nơi tâm hồn mình, đó mới là dấu hiệu có Chúa trong ta.
Ý thức truyền giáo không bao giờ xuất phát từ một tâm hồn
đầy, đúng hơn, là một tâm hồn không thấy mình khao khát Chúa. Vì thế, nếu lo
toan quá nhiều, bộn bề với bao nhiêu việc, có khi là những công việc không đâu,
hay không hoạch định cho mình những công tác nào ưu tiên, việc làm nào cần cắt
bỏ, việc làm nào tuyệt đối không được phép làm…, chắc chắn không bao giờ ta
thấy mình thiếu Chúa.
Không bao giờ thấy mình khao khát Chúa, không những nguy
hại cho đời sống đức tin, mà còn tạo nên một khoảng cách trong lòng càng lúc
càng xa Thiên Chúa, làm cho bản thân thất vọng về Chúa, không còn cảm thấy muốn
vươn lên.
Để xảy ra như thế, người linh mục đã đánh mất, không chỉ
bản thân, bên cạnh đó còn đánh mất cả tâm hồn anh chị em mà Chúa giao cho mình
chăm sóc. Sự nguy hại như thế không nhỏ chút nào. Nó biến ta thay vì thành nhà
truyền giáo, lại gieo rắc những gì khác hơn không thuộc về Thiên Chúa.
Trong thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt
Nam năm 2003, phần đề nghị “Những việc làm cụ thể”, các Giám mục đã không nói
đến một điều gì cao xa, nhưng trước tiên vẫn chính là việc cầu nguyện: “Cầu
nguyện cho việc truyền giáo. Đây là việc quan trọng hàng đầu”.
Công tác truyền giáo là công tác đặc biệt,
khác mọi công tác bình thường khác. Nếu trong mọi công tác, ta càng có đầy bao
nhiêu, thì càng dễ ban phát bấy nhiêu. Còn trong công tác truyền giáo, ta càng
thấy mình đói Thiên Chúa, càng khao khát Chúa Kitô mãnh liệt bao nhiêu, thì lại
càng giới thiệu Chúa một cách đầy xác tín, mạnh mẽ, nhiệt huyết và thành công
bấy nhiêu. Vì những công tác khác, khi đầy là ta có, còn việc rao giảng Tin
Mừng, khi thấy mình cần Chúa hơn, mình quá mong manh, yếu đuối, lẻ loi, nhiều
khuyết điểm… lại là lúc ta giàu có Thiên Chúa để mà cho đi.
Vậy để nung nấu tâm hồn mình, chỉ có một cách duy nhất là
chìm đắm trong cầu nguyện, để chính đời sống cầu nguyện thẩm thấu trong từng
chi tiết, từng biểu hiện của mình, nhờ đó bản thân sẽ mỗi ngày một khao khát
Chúa hơn.
Vì sự khao khát, chúng ta sẽ dám dấn thân cho Chúa hơn.
Khao khát và dấn thân trong nỗ lực từng ngày như thế, chúng ta sẽ nên những
chứng tá đích thực trong đời thường mà mình đang sống. Vì một nguyên tắc không
thể sai chạy trong việc truyền giáo: truyền giáo đòi phải có chứng tá,
truyền giáo mới hiệu quả.
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG