Bằng lời hiệu triệu "Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy", Chúa Giêsu cho thấy giữa Chúa với Kitô hữu có một mối liên hệ vô cùng
quan trọng, vô cùng cần thiết, lồng trong nhau trong một tương quan dữ dội. ĐÓ LÀ TÌNH YÊU KHỞI ĐI TỪ CHÚA CHA.
Chính mối liên hệ cao cả, mối liên hệ nguồn của tất cả mọi năng lực là
lý do mạnh để Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ở lại trong tình yêu của Người. Đó
là: "Như
Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con".
Tương quan trong tình yêu từ Thiên Chúa đến Chúa Giêsu rồi đến chúng ta
là tương quan phát sinh năng lực sống và làm cho sống. Sự sống ấy là kết quả
cuối cùng giữa liên hệ xuôi chiều: Thiên Chúa - Chúa Giêsu - Kitô hữu.
Cội nguồn của dòng sông tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Giêsu
rồi tuôn chảy đến nhân loại. Chúa Cha là cội nguồn của tình yêu. Chúa Cha là
cội nguồn của mọi sáng kiến vì yêu. Chúa Cha là cội nguồn của mọi ban phát, giữ
gìn, đỡ nâng, cứu chuộc... mà tình yêu đòi buộc và thể hiện.
1. Không đơn giản
là...
Nhưng hãy nhớ, tình yêu không đơn giản, không phải cứ nói yêu thì đó là
tình yêu. Tình yêu đích thực không hệ tại ở lời nói. Càng không bao giờ là lời
yêu nhưng lại ẩn chứa những xảo trá, gian dối, lừa lọc...
Tình yêu đích thực là thứ tình chất chứa lắng sâu bao nhiêu nỗ lực, bao
nhiêu đánh đổi để hình thành. Tình yêu đích thực là thứ tình mang đậm dấu ấn
của những vượt qua, của những phấn đấu, của những nỗ lực. Đó là tình yêu không
có chỗ cho sự mệt mỏi, cho sự ngã lòng và buông bỏ...
Nó phải được nuôi dưỡng bằng hy sinh, bằng máu, thậm chí bằng cả sinh
mạng. Nó không chỉ là hoa quả của một cuộc trả giá, mà còn là trả giá đắt. Nó phải
được thể hiện bằng lối "yêu cho tới
cùng". Nó phải cho thấy ranh giới của nó là vô biên, là không ranh giới.
Thiên Chúa yêu trần thế đến nỗi hiến trao Con Một của Người cho trần
thế. Chính hành động trao hiến này, Thiên Chúa tự nguyện hiến tế mình nơi Người
Con Một ấy.
Nếu có lần nào chứng kiến người thân yêu chết mà lòng ta đau đớn, quặn
thắt. Hoặc có khi ta chết còn dễ chịu hơn cảnh tượng phải chứng kiến sự mất mát
người thân, ta sẽ phần nào hiểu được hành động hy sinh Người Con Một mà Thiên
Chúa đã thể hiện để chứng tỏ tình yêu vì chúng ta.
Vì thế, có thể nói, nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa chịu khổ hình vì ta,
Thiên Chúa chết cho ta, Thiên Chúa chấp nhận thánh giá để cứu sống ta. Vì ta,
Thiên Chúa "đau đớn", "quặn thắt" chứng kiến đến kỳ cùng sự
hiến thân của Người Con Một.
Chúa Giêsu đã trả giá cho tình yêu chân thật bằng sự đổ máu chính mình
trên thánh giá. Để rồi qua cái chết nhục nhằn, thương đau ấy, Chúa Giêsu vừa
thể hiện đậm nét khuôn mặt yêu thương đến tột cùng của Thiên Chúa, vừa thể hiện
chính tình yêu lớn lao mà chính Người đáp trả khối tình của Thiên Chúa, và mang
lại sự sống, sự giải phóng cho chúng ta.
2. Và chúng ta đáp
trả...
Tình yêu của Chúa Cha dành cho Chúa Giêsu là tình yêu chia sẽ và trao
ban. Tình yêu của Chúa Giêsu hướng về Chúa Cha là tình yêu tôn kính và vâng
phục. Chúa Giêsu yêu chúng ta cùng một mức độ như tình yêu Chúa Cha đối với
Người, như chính Người nhận lãnh từ nơi Chúa Cha.
Hiểu rõ bản chất và nguồn cội của tình yêu là chính Thiên Chúa, xuất
phát từ Thiên Chúa, thánh Gioan mời gọi: "Chúng ta hãy yêu
thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã
được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì
không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu" (1 Ga 4:7-8).
Tình yêu là nguồn sự
sống, là động lực chính yếu của cuộc đời. Sau hết nó cũng là cứu cánh của cuộc
đời.
Chúng ta không chỉ nhận lãnh mà còn thuộc lòng giáo lý về tình yêu, đó
là hãy yêu thương nhau. Vì thế, chúng ta hãy nỗ lực sống trọng tình yêu như
Thiên Chúa và Chúa Giêsu nêu gương và dạy bảo.
Để thực hành tình yêu của Chúa, chúng ta hãy tập sống cho tình yêu liên
tục suốt đời mình. Hãy dành yêu thương của bản thân cho tất cả mọi người, nhất
là những ai nghèo hèn, đau khổ, lầm than, bệnh tật, bị bỏ rơi, bị loại trừ, bị
xa cách...
Hãy luôn tha thứ những lỗi lầm của nhau, và tha thứ không mệt mỏi,
không đòi điều kiện.
Hãy chấp nhận hy sinh, chấp nhận chịu thiệt thòi miễn sao cuộc sống xung
quanh bình an, danh Chúa được mọi người biết đến, tình thương yêu của Chúa được
cao rao.
Từng người hãy nỗ lực từng phút giây để có thể bắt chước Thiên Chúa và
bắt chước Chúa Giêsu để bằng sự cố gắng của bản thân và ơn Chúa giúp, chúng ta
có thể yêu nhau bằng tình yêu đích thực.
Đừng bao giờ quên, chúng ta có một dòng sông tình yêu chảy từ Thiên
Chúa đến Chúa Giêsu rồi đến chúng ta. Hãy nỗ lực sống và ngụp lặng trong dòng
sông vời vợi ấy...
Lm JB NGUYỄN MINH
HÙNG