Nhờ mầu nhiệm Nhập thể, Đức Maria thực
sự là Mẹ Thiên Chúa. Bởi chính tổng lãnh Gabriel, theo lệnh Thiên Chúa, đến và
loan báo cho Đức Maria: "Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt
tên là Giêsu. Người sẽ nên cao
cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người
ngai vàng vua Đavid, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà
Giacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận... Thánh Thần sẽ
ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng
Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa" (Lc 1 31-35).
1. ĐỨC MẸ TIN TƯỞNG VÀ TỰ DO
ĐÁP LỜI XIN VÂNG.
Dù nhập thể là
sáng kiến của Thiên Chúa, nhưng việc Đức Mẹ
mang thai Con Thiên Chúa không là sự ép buộc, không là gán ghép từ phía
Thiên Chúa, khiến Đức Mẹ không còn chọn lựa nào.
Đúng hơn, VIỆC
ĐÓN NHẬN BÀO THAI NGÔI HAI THIÊN CHÚA TRONG LÒNG DẠ, LÀ CHỌN LỰA HOÀN TOÀN TỰ
DO CỦA ĐỨC MẸ.
Bởi trước khi
mời Đức Mẹ làm mẹ của Con mình để cộng tác tích cực vào chương trình cứu độ mà
mình thực hiện, Thiên Chúa đã không áp đặt, nhưng ngỏ lời cách hết sức tôn
trọng và tỏ bày tình yêu đặc biệt đối với một ái nữ là thụ tạo do chính mình
tạo ra.
Nhận ra sự cao
cả ấy của Đức Mẹ, Hội Thánh không ngần ngại tuyên xưng: "Thiên Chúa đã cử Con mình đến trong thế
gian. Nhưng để tạo một thân xác cho Người, Thiên Chúa đã muốn có sự tự do cộng
tác của một thụ tạo. Với mục đích ấy, từ trước muôn đời, Thiên Chúa đã chọn một
thiếu nữ Israel, một cô gái Do Thái, quê tại Nazaret xứ Galilê, ‘một trinh nữ
đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi Đavit, trinh nữ ấy tên
là Maria’ (Lc 1, 26-27) để làm mẹ của Con mình" (GLCG, số 488).
Theo thói quen,
khi nói đến mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa, người ta thường nghĩ đến
ngày Chúa Giêsu Giáng sinh. Hiểu như thế chỉ mới
nhấn mạnh đến tính thành sự, và kết quả hoàn hảo của mầu nhiệm này mà thôi.
Đúng hơn, ngày
Con Thiên Chúa Giáng sinh chỉ là đỉnh điểm của mầu nhiệm Nhập thể, một mầu
nhiệm hết sức cao cả đã được chuẩn bị từ ngàn xưa, nay trở nên hiệu lực.
Mầu nhiệm nhập
thể đã được chuẩn bị từ ngàn xưa ấy, lại khởi đi từ
ngay sau lời thưa “Xin Vâng” của Đức Maria. Bởi từ chính thời điểm đó, Đức Mẹ
đã thực sự mang Chúa Cứu Thế trong chính lòng dạ mình.
Vì vậy
mầu nhiệm nhập thể được thực hiện từ trời cao, không khởi đầu ở hang Bêlem
trong ngày Giáng sinh, nhưng là NGAY TRONG CUNG LÒNG ĐỨC MẸ, KỂ TỪ LÚC THÀNH
THAI TRONG NGÀY TRUYỀN TIN.
Mầu nhiệm Nhập
thể làm cho Đức Maria nên vinh dự hết sức, bởi xét về mặt nhân trần, Chúa Cứu
Thế cũng chính là người con ruột thịt do chính Đức Mẹ sinh ra. Đức Mẹ trao ban cho Đấng hằng trao ban và tạo thành nên
Đức Mẹ bản tính nhân loại của mình, ngay từ khi Đức Mẹ xưng mình là "Nữ Tỳ của Chúa".
Chẳng bao giớ có
ai, và ngay chính bản thân Đức Mẹ, dám nghĩ rằng, ngay sau khi tự nhận mình là
Nữ Tỳ, tức khắc lại được Chúa nâng lên làm Mẹ của Chúa, tức khắc Chúa lại thành
thai trong lòng Mẹ.
Và như thế, lễ
Giáng sinh mà chúng ta mừng kính hàng năm vào ngày 25.12, thánh lễ tôn vinh sự
cao cả và quý giá vô cùng của mầu nhiệm Nhập thể không phải chỉ gói gọn có một
ngày mà thôi.
Thánh
lễ ấy được khởi đi từ Chúa nhật thứ IV mùa Vọng, Chúa nhật gần cận của lễ Giáng
sinh, Chúa nhật mà phụng vụ của Hội Thánh tường thuật và đề cao biến cố Truyền
Tin, đề cao thái độ đáp trả hoàn toàn tin tưởng trong lời Xin Vâng của Đức
Maria, khởi đầu cho việc Con Thiên Chúa nhập thể làm người.
2. SỨC MẠNH CỦA LỜI XIN VÂNG.
Thiên Chúa đã
thành công trong việc mời gọi Đức Mẹ cộng tác vào chương trình cứu rỗi nhờ sự
rất mực vâng phục của Đức Mẹ. Từ đó, Chúa cũng sẽ thành công trong việc trao
ban Chúa Giêsu, Con Một của mình cho thế giới, để cứu chuộc thế giới.
Có
ai ngờ, một nữ tỳ bé nhỏ là thế, yếu đuối là thế, nghèo hèn là thế, chỉ với vài
lời "Xin Vâng", lập tức trở nên Bà Hoàng cao cả: MẸ THIÊN CHÚA.
Có
ai ngờ, chỉ với những lời thưa "Xin Vâng" quá đơn giản của một thụ
tạo, Thiên Chúa đã biến đổi cả một dòng lịch sử, làm mới tất cả những gì mà
loài người xưa đã phá hỏng.
Có
ai ngờ, chỉ với những tiếng "Xin Vâng" xem ra tầm thường, lại có thể
làm cho cả thế giới, qua mọi thời, đón nhận một món quà vô giá: THIÊN CHÚA NHẬP
THỂ LÀM NGƯỜI. Người là chính con người sống giữa con người. Nhờ Người, bỗng
dưng con người trở nên thành viên của gia đình Thiên Chúa.
Riêng cá nhân
Đức Mẹ, có ai ngờ, chỉ với những lời "Xin Vâng"
ngắn gọn, đã làm cho Đức Mẹ không chỉ là Mẹ của Thiên Chúa, mà từ nay trở nên
Mẹ của cả gia đình nhân loại, có Thiên Chúa ở giữa gia đình ấy.
Có ai ngờ, với lời
"Xin Vâng" đơn sơ, Thiên Chúa dẫn dắt Đức
Mẹ hoàn toàn đi vào nhiệm cuộc cứu độ của Người. Nhờ đó Đức Mẹ trở nên Đấng
hiệp công hoàn hảo trong ơn cứu độ mà chính Người Con của Đức Mẹ thực hiện.
Bởi vậy, thánh
Luca coi trọng diễn tiến của câu chuyện Truyền tin là phải. vì với những suy
nghĩ như trên, tôi thấy, sự kiện thiên thần nhận lãnh sứ mệnh từ Thiên Chúa đến
truyền tin cho Đức Maria có một vị trí lớn.
Nếu
nó không là trung tâm thì cũng hết sức quan trọng trong việc Con Thiên Chúa làm
người. Nó loan báo cho cả thế giới qua mọi thời gian biết: THIÊN CHÚA ĐÃ LÀM
NGƯỜI BẮT ĐẦU NƠI CUNG LÒNG MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ.
3. CHÚNG TA ĐI CON ĐƯỜNG CỦA
ĐỨC MẸ.
Hồng y Fulton John
Sheen, một diễn giả truyền hình nổi tiếng ở Mỹ, chấp nhận lời đề nghị của nhiều
bạn trẻ xin chứng hôn cho họ, với điều kiện, họ phải hứa với ngài, mỗi ngày vợ chồng phải đọc chung với nhau 50 kinh Kính Mừng.
Bây giờ các gia
đình, các Kitô hữu, nhất là các bạn trẻ hầu như rất ít lần chuỗi. Họ lo nhiều
thứ của cuộc sống, nhưng có một lời kinh nối kết họ với chính Thiên Chúa, với Đức
Maria, nối kết vợ chồng, nối kết con người, nối kết mọi tình yêu của con người
với nhau, thì người ta lại bỏ qua, chẳng thấy ai lo lắng, chẳng thấy mấy người
quan tâm.
Ngoài ra, ở lời
kinh Kính Mừng mà chuỗi Mân Côi giới thiệu cho chúng ta, còn là lời kinh chúng
ta học nơi ngôi trường của Đức Maria về sự thánh thiện
trong tinh thần vâng phục của Mẹ Thiên Chúa.
Vì thế, khi lần
chuỗi, chắc chắn tiếng Xin Vâng của Đức Mẹ sẽ được
gợi lên trong tâm trí, để chúng ta, nhờ bắt chước Đức Mẹ, xin vâng thánh ý Chúa
trong mọi hoàn cảnh mà vững vàng trên đường đời, nhất là những lúc cuộc đời
chúng ta phải đối diện cùng bão táp và mọi thứ ghập ghềnh.
Lời kinh Mân Côi
sẽ dạy chúng ta yêu mến Chúa, yêu mến anh chị em theo
tinh thần bác ái của Đức Mẹ. Nhờ tình yêu
bác ái nảy sinh, vợ chồng tin tưởng và tha thứ cho nhau khi đối diện cùng
chướng ngại; bạn bè "bỏ chín làm mười" để không khoét sâu thêm những
rạn nứt; người với người sẽ đón nhận nhau nếu lỡ xảy ra bất cứ đổ vỡ nào...
Đức cha Fulton
John Sheen không vô lý khi đề nghị người trẻ bước vào đời sống gia đình phải
lần chuỗi. Vì khi siêng năng lần chuỗi, chúng ta
thực sự đi trên con đường của Đức Mẹ mà đến cùng Chúa trong lòng vâng phục
thánh ý Chúa trọn cuộc đời của từng người.
Chính Hồng y Fulton
J. Sheen, trong một lần giảng thuyết, đã diễn giải lời thiên thần Gabriel khi
truyền tin cho Đức Mẹ: "Này cô Maria, cô có đồng
ý đem xương thịt cho Con Thiên Chúa không? Liệu Thiên Chúa có trở nên loài
người qua thân xác của cô không?".
Mỗi khi lần
chuỗi, chúng ta cũng có thể nói được những lời như trên, để mặc lấy tâm tình
của Đức Mẹ mà sống trọn vẹn cho thánh ý Chúa trong một đời xin vâng mà chúng ta
có thể dâng lên Chúa: "Lạy Chúa, CON THỰC SỰ ĐỒNG Ý mang xương thịt, mang tấm
thân, mang cuộc đời con làm chất liệu cho Con Một của Chúa tùy nghi sử dụng cho
vinh danh Chúa và vinh danh của chính Ngài. Lạy Chúa, qua con đường sự sống của
chính con, Chúa hãy nên loài người để làm một với từng người chúng con".
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG