LỄ THÁNH TÂM
CHÚA GIÊSU
Nếu hiểu khổ đau
là thập giá, thì Chúa Giêsu đã đóng đinh chính mình vào thập giá cả một đời
trần thế. Thập giá treo Chúa trên đồi Canvê chỉ là điểm đích, là đỉnh cao, là
tiếng nói chung cuộc, là đoạn kết cần phải tiến tới của cả một đời Chúa đóng
đinh thập giá.
Chính
nơi thập giá mà Chúa đóng đinh đời mình
– kể từ:
- Nhập thể làm
người;
- Bị thánh Giuse
hiểu lầm;
- Giáng sinh hèn
hạ;
- Bị truy tìm
giết hại;
- Phải sống
phiêu bạc nơi đất khách;
- Ẩn dật nghèo
khó và chìm khuất giữa làng quê Nagiareth;
- Lạc mất trong
đền thờ;
- Những năm công
khai chịu không ít gièm pha, dè biểu, căm ghét, chống đối, bị coi là điên dại…;
- Những giờ phút
cuối đời lại bị chính môn đệ phản bội, chối bỏ và xa lánh;
- Bị đám đông
bội ơn đồng lòng đòi giết chết;
- Bị xử án bất
công;
- Bị tra tấn;
- Lê bước lên
đồi Tử Nạn, chẳng thể nhận được một chút trắc ẩn nào nơi đám người hung tợn vây
quanh;
- Đến cái chết
mà thân xác đã đớn đau tột cùng, lại phải đón nhận sỉ nhục, nỗi cô đơn, nỗi đau
tinh thần còn lớn hơn, còn chua xót hơn nỗi đau thân xác;
- Đến lúc dang
tay gục đầu tắt thở, Thánh Tâm bị xé rách để tuôn chảy đến giọt máu cuối cùng…
Đã
biến hy tế thập giá của Chúa thành hy tế của cả một đời hiến dâng.
Thánh Tâm bị xé
rách ở giây phút cuối cùng của cuộc hiến dâng trọn vẹn ấy, là bằng chứng cho
một tình yêu mà suốt đời Thánh Tâm đã hiến dâng.
Nói
cách khác, một
đời đau khổ của Chúa là một đời hiến dâng Thánh Tâm.
Tế hiến hoàn hảo
cả một đời là tế hiến Thánh Tâm mỗi giây phút của cả một đời ấy.
Bởi vậy, Thánh
Tâm tế hiến đã đẹp, giây phút kết thúc hành trình hiến dâng ấy, Thánh Tâm lại
bị xé rách, là một hình ảnh hiến dâng không còn gì sánh bằng, không còn gì đẹp
hơn.
Hình ảnh Thánh
Tâm cả một đời dâng hiến, bây giờ lại kết thúc bằng thương tích, bằng sự bị xé
rách, đã thành dáng đứng đời đời của
tình yêu Thiên Chúa. Một dáng đứng của lòng yêu thương đẹp vô cùng, không
thể nói hết, không thể diễn tả, chỉ có thể cảm nghiệm mà thôi.
Tin Mừng nhiều
lần nói đến cuộc hiến dâng của Chúa Giêsu. Chẳng hạn:
- Khi hiến mình
thành tấm bánh cho chúng ta, Chúa Giêsu khẳng định: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì các con” (Lc 22, 20).
- Khi diễn tả
cái chết hy sinh để mang ơn cứu độ, Chúa Giêsu khẳng định: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không thối đi, thì nó vẫn trơ trọi
một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).
- Trong bữa tiệc
ly, khi từ giả các môn đệ để đi vào cuộc tử nạn, Chúa Giêsu khẳng định: “Đã đến giờ Con Người được vinh quang” (Ga
12, 23).
- Cũng trong giờ
ly biệt, Chúa Giêsu khẳng định cái chết trên thập giá là cái chết đưa loài
người quy về một mối của ơn cứu độ: “Khi
Thầy chịu treo lên khỏi mặt đất, Thầy sẽ kéo mọi người lên với Thầy” (Ga
12, 32).
- Ngay trong cơn
hấp hối để đón nhận quyết định hiến dâng trọn vẹn đời mình, Chúa Giêsu đã thổn
thức cầu nguyện: “Lạy Cha, xin cho Con
khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14,
36).
Rất nhiều những lời diễn tả sự hiến dâng của
Chúa Giêsu cho trần gian. Tất cả đều cho thấy bằng chứng hùng hồn của cả một đời hiến dâng Thánh Tâm.
Cuộc hiến dâng
nào cũng đòi tình yêu. Không có tình
yêu, người ta không can đảm hiến dâng, không thể hiến dâng.
Thánh Tâm cũng
chính là một Bầu Tim yêu thương. Thánh
Tâm là trung tâm tình yêu. Hiến dâng tình yêu, cũng là hiến dâng một Bầu
Tim yêu thương, là hiến dâng trung tâm tình yêu mang tên Thánh Tâm.
Lòng yêu thương
lớn đến nỗi, Thánh Tâm đã hiến dâng là hiến
dâng đến cùng, đến không còn gì cho riêng mình.
Bởi thế, ta có
thể mạnh dạn bộc bạch rằng: Mọi lời Thánh Kinh diễn tả
cuộc hiến dâng trong hy tế Chúa Giêsu, đều diễn tả trọn vẹn cuộc hiến dâng
Thánh Tâm trong hy tế ấy.
Hiến dâng Thánh
Tâm là hiến dâng tốt lành nhất, là của lễ hoàn hảo nhất, là bàn thờ cao quý
nhất. Bởi thế, Chúa Giêsu đã không ngần ngại chỉ vào Trái Tim mình mà đòi: “Hãy học cùng Ta…Hãy đến với Ta…” (Mt
11, 28-29).
Đặc biệt, để
diễn tả cách cao độ lòng yêu thương, sự
hy sinh dâng hiến vượt quá sức của mọi sự hiến dâng, trong những lần hiện
ra, Chúa Giêsu không ngần ngại diễn tả bằng hình ảnh một Trái Tim không còn bình
thường nép trong lồng ngực, nhưng lộ ra khỏi lồng ngực, phía bên ngoài lồng
ngực. Chúa đã để Trái Tim ở phía trước
ngực mình.
Không chỉ thế,
đó còn là một Trái Tim bị thương tích.
Đó cũng là một Trái Tim thổn thức đến độ phải được
diễn tả bằng sức nóng, sức sáng, sức cháy của lửa cháy rừng rực.
Đó còn là một
Trái Tim bị vòng gai quấn quanh, đâm thấu.
Đó cũng là một
Trái Tim rướm máu và đang đổ máu.
Đó còn là một
Trái Tim đang lúc diễn tả sức mạnh cùng cực ấy, lại vươn lên hình ảnh Thánh Giá
sáng ngời giữa lửa.
Đúng
là tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu quá đỗi. Để rồi qua tất cả những diễn
tả sự hiến dâng Thánh Tâm thật cao cả, thật ngoạn mục ấy, ta thực sự hiểu rằng: “THIÊN
CHÚA LÀ TÌNH YÊU” (1Ga 4, 8).
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG