CHÚA
NHẬT THỨ VI PHỤC SINH NĂM A
Thánh
Kinh dùng nhiều hình ảnh để nói về Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn, Chúa Thánh Thần
là Thần Khí Giavê, Đấng Phù Trợ, Bàn tay, Ngón tay, Cột mây, Cột lửa, Lưỡi
lửa...
Trong
lời tuyên xưng đức tin của mình (kinh Tin Kính), Hội Thánh tin tưởng Chúa Thánh
Thần là Đấng ban sự sống. Người phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Người cùng
là Thiên Chúa như Chúa Cha và Chúa Con. Vì thế, Người đồng một bản thể như Chúa
Cha và Chúa Con.
Lịch
sử cứu độ, bằng chứng là Thánh Kinh Cựu ước cho thấy, Chúa Thánh Thần đã có mặt
từ trong Cựu Ước, ngay từ thuở tạo thiên lập địa (St 1,2). Nhưng với Cựu ước,
khuôn mặt của Chúa Thánh Thần chưa rõ ràng.
Trong
Tân ước, nhất là trong Tin Mừng theo thánh Gioan, chính Chúa Giêsu nhiều lần
mạc khải minh nhiên về Ngôi vị Thánh Thần. Theo Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần
được Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu, sau khi phục
sinh, cũng sai Thánh Thần đến từ nơi Chúa Cha, để thánh hóa Giáo Hội và dạy dỗ
các môn đệ (Ga 16, 4-15).
Còn
trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết Chúa Cha sẽ ban Chúa Thánh Thần cho
chúng ta: "Thầy sẽ xin Chúa Cha và
Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ
khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần
Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và
cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở
trong anh em".
Đấng
Bảo Trợ mà Chúa Giêsu nói đến, không ngừng dẫn chúng ta trên hành trình vượt
qua đời người tiến về vĩnh cửu. Vì thế, ngay trên cõi thế, ai
chân thành khiêm tốn lắng nghe sự
hướng dẫn của Đấng Bảo Trợ mình, chắc chắn từng giây phút sống cũng
là từng giây phút ngộ ra điều khôn ngoan mới mẻ, quý giá.
Hãy
để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và trung thành đi theo sự hướng dẫn ấy. Bởi quá lo
sống trong đời tạm, nhiều khi do mọi lo toan, tính toán và gắn sức đồng hành
với đời, ta quên mất, có nhiều hoạch định, có nhiều xây dựng, nhiều hoài bão
của ta hoàn toàn không có ơn Chúa, không thuộc về sự chỉ vẽ của Thánh Thần.
Nếu
thật sự lưu tâm đến đời sống siêu nhiên của mình, ta sẽ dễ dàng, nhờ ơn Chúa
Thánh Thần, thấy được những lầm đường, những hư ảo, những sai quấy, thậm
chí những nguy cơ đến gần vực thẳm của tội lỗi...
Chấp
nhận để Chúa Thánh dìu dắt, chắc chắn nội tâm của ta cũng chìm sâu trong bình
an. Bình an nội tâm là ơn cần thiết vô cùng cho mỗi chúng ta hôm nay. Bởi hơn
bao giờ hết, thời đại chúng ta là thời đại đang diễn ra quá nhiều những hỗn
tạp, có sức làm chao đảo ngay cả những người được coi là vững vàng nhất.
Đức
Bênêđictô XVI coi đó là “tình trạng trẻ thơ trong đức tin” (Hồng y Ratzinger -
Bài giảng trong thánh lễ khai mạc Mật viện 18.4.2005). “Trẻ thơ” là do lòng
người quá yếu đuối, không kiên định, không dứt khoát, lại để mình nghiêng ngã,
“trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý” (Eph 4, 14).
Có
bình an, ta đủ sức chống chọi mọi làn gió thổi ngoài Tin Mừng Chúa Kitô, ngoài
sức hấp dẫn của Thánh Thần. Những làn gió đang tác động mạnh mẽ trong thời đại
là, “Từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ
nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy
huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp…Nhiều giáo
phái mới được đẻ ra mỗi ngày và sẽ xảy ra điều mà thánh Phaolô đã nói về sự
lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc (Ep
4, 14). Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Hội Thánh, lại bị gán
cho nhãn hiệu cuồng tín…” (Hồng y Ratzinger - Bài giảng trong thánh lễ khai mạc
Mật viện 18.4.2005).
Nguyện
cho bình an của Đấng Phục Sinh ngự trị trong lòng chúng ta. Nguyện cho ân sủng
tuyệt đối là chính Chúa Thánh Thần và bình an của Người sống mãi trong lòng
Kitô hữu. Nguyện cho mỗi Kitô hữu “chân cứng đá mềm” để xứng đáng hưởng nhờ
bình an phục sinh và hăng hái trao ban bình an mà mình được lãnh nhận.
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG