Tuần rồi, chúng
ta tuyên xưng Chúa Giêsu là mục tử nhân lành đã và vẫn chăn dắt đàn chiên của
Chúa là chính chúng ta trong tình yêu. Nhưng mối tình ấy không đơn thuần là
tình của những người yêu nhau (bạn bè, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em… chẳng hạn)
trao tặng nhau. Đó không đơn thuần là tình yêu trên phương diện con người.
Tình yêu của
Chúa Kitô là khối tình vô giá, có một không hai. Đó là tình yêu của Đấng là Thiên Chúa chấp nhận hiến thân làm người,
sống, chết, sống lại vì trần thế, nhằm dẫn đưa trần thế tham dự vào sự sống
tràn đầy yêu thương và hạnh phúc vô cùng tận.
Đó là tình yêu của Đấng mang trái tim
Thiên Chúa đã làm người.
Ngoài Chúa Kitô,
ta không thể có được, không thể bắt gặp, không thể tìm kiếm thứ tình yêu thiêng
thánh ấy, dù ta có tìm kiếm trọn đời mình.
“Thiên Chúa làm
người”, nói thì đơn giản, thực tế đó là cả một triết lý cao sâu, nhưng không
thuộc về lý trí, lại vượt lên trên tất cả những gì mà lý trí có thể nắm bắt
được.
Đó là chân lý
tuyệt đối, chân lý thuộc về mầu nhiệm của đức tin, một mầu nhiệm lớn lao mà con
người chỉ có thể sống với mầu nhiệm ấy bằng sự cảm nghiệm và lòng tin tưởng.
Vừa là triết lý
nhưng không thuộc về lý trí, vừa là mầu nhiệm của đức tin, bởi ta không thể
hiểu nổi, không thể tưởng tượng nổi vì sao lại có một tình yêu vĩ đại đến thế.
Tình yêu của
Đấng quyền năng, cao trọng vô cùng, vượt trên tất cả mọi loài, mọi sự, còn hơn
thế, là chủ tể mọi loài, mọi sự, lại có thể hạ mình để nên một trong những thụ
tạo do chính mình dựng nên.
Nhưng điều mà
loài người không một chút mảy may hiểu được, càng không bao giờ dám nghĩ tới,
lại là sự thật. Thiên Chúa đã làm nên và đã trao ban sự thật rất đỗi kỳ diệu ấy
để làm bằng chứng hùng hồn, chứng minh tình yêu quá sức lớn lao của Ngài.
Bởi vậy, nhìn
vào tình yêu cuồn cuộn và mãnh liệt, không bờ bến của Thiên Chúa, ta hãy đặt
bước chân của đời mình vào những bước yêu thương của Thiên Chúa để sống
với nhau, sống cho nhau, hiến thân vì nhau.
Với kinh nghiệm
về sức mạnh của tình yêu, chúng ta dám đi đến kết luận rằng, trong tình yêu,
người ta có thể vượt thắng mọi khó khăn, dù khó khăn đó lớn đến đâu đi nữa, để
chỉ thỏa mãn một điều kiện duy nhất: làm cho người mình yêu hạnh phúc.
Cả cuộc đời Chúa
Giêsu là như thế: Chúa chấp nhận trao hiến chính mình để mưu cầu hạnh phúc cho
ta. Bởi khi sinh ra làm người trong thân phận một bé thơ, Chúa san sẻ đến cùng
thân phận cùng cực, mong manh, yếu đuối của ta.
Suốt ba mươi năm
sống thầm lặng trong gia đình Nazaret, bên cạnh Đức Maria, thánh Cả Giuse, Chúa
Giêsu đồng hành cùng những người nghèo hèn, chấp nhận sống nghèo, sống vất vả.
Ba năm cuối cùng
đi rao giảng Tin Mừng để loan báo ơn cứu độ, loan báo Nước trời cho trần gian.
Chúa chấp nhận chết đau thương, ai oán vì lợi ích phần rỗi của tất cả chúng ta.
Sự sống sau phục sinh của Chúa, không phải chỉ vì vinh quang của Chúa mà thôi,
nhưng Chúa sống lại là để ta được sống đời đời cùng Chúa, bên Chúa.
Hôm nay, chính
Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người ấy, trước khi từ giã các môn đệ đã nói những
lời hết sức cảm động, những lời yêu thương tràn đầy, mang dáng dấp của một sự
lưu luyến thẳm sâu: “Thầy đi dọn chỗ cho
các con, rồi Thầy sẽ trở lại mang các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu, các con
cũng ở đó với Thầy”.
Những lời hết
sức tâm tình, ấm áp một tình mến không gì sánh nổi ấy, cũng là lời đầy an ủi
không chỉ riêng cho các tông đồ, nhưng còn cho mỗi môn đệ của Chúa hôm nay.
Lắng nghe lời
trăn trối chất chứa nỗi lòng yêu thương và an ủi của Chúa Giêsu, ta chấp nhận
cuộc sống của chính mình, dẫu còn đó nhiều long đong, khổ ải, để như Chúa
Giêsu, khi đã đi qua cuộc đời này, ta được cùng Chúa đến nơi mà chính Chúa đã
đến, đã dọn sẵn cho ta.
Hóa ra cũng
giống như cả cuộc đời trần thế để hiến thân, để ban tặng, sau khi phục sinh,
Chúa về trời, thì sự được tôn vinh trên trời ấy cũng lại quy về chúng ta.
Ra đi, nhưng
không phải vĩnh biệt mà là chuẩn bị, là “dọn chỗ” để “Thầy ở đâu, các con cũng
ở đó”.
Hạnh phúc quá
đỗi, vinh dự quá đỗi cho loài người. Tưởng chừng bản thân mỗi người chỉ là mong
manh, là nhỏ bé, là khó có thể hoàn thiện, lại được chính Thiên Chúa là Chúa
của mình yêu thương cúi xuống để cứu chữa, để nâng đỡ, để phục vụ mình. Một
tình yêu không thể tưởng tượng, chỉ có thể lặng đi mà chiêm ngưỡng, mà cảm
nghiệm.
Cả cuộc đời Chúa Giêsu: sinh ra, lớn
lên, đi rao giảng, chịu đóng đinh, chết, sống lại, lên trời, tất cả vì chúng
ta, vì hạnh phúc vĩnh cửu của loài người.
Chỉ có một tình
yêu lớn lao như tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu của Đấng mang trái tim Thiên
Chúa đã làm người, mới có thể mạnh mẽ, mãnh liệt như thế, mới trở nên quá đỗi
kỳ diệu và tuyệt vời như thế.
Chúng ta nói với
nhau rằng, trong tình yêu, người ta có thể vượt thắng mọi khó khăn, dù khó khắn
đó lớn đến đâu đi nữa, để làm cho người mình yêu hạnh phúc. Thì đây, Chúa Kitô
là như thế. Tình yêu của Chúa Kitô là tình yêu vượt thắng, vượt lên trên mọi
khó khăn, mọi thách đố để mang lại hạnh phúc cho ta, những kẻ được Ngài yêu mến
vô cùng.
Hôm nay Chúa
cũng đang mời gọi bạn và tôi yêu thương, hãy bắt chước Chúa mà sống đời sống
yêu thương.
Không có mẫu số
chung để bày tỏ về lòng yêu thương cho hết mọi người, mọi hoàn cảnh. Chúng ta
hãy yêu. Tình yêu sẽ chỉ cho mình biết phải làm gì để bày tỏ lòng yêu thương và
sống lòng yêu thương suốt đời mình.
Người ta kể
rằng, Helen Keller là cô gái câm điếc người Mỹ, đã trở nên không còn xa lạ với
thế giới. Vừa được 19 tháng, sau một cơn đau màng óc, cô gái bất hạnh trở thành
mù lòa và câm điếc suốt đời. Thế giới âm thanh và màu sắc đã đóng chặt cánh cửa
lại với cô.
Làm sao để có
thể truyền đạt kiến thức cho một người vừa câm, vừa điếc, lại mù lòa? Helen
Keller và cả cha mẹ cô đều chịu thua, hầu như cô và mọi người đã đầu hàng số
phận.
Nhưng có một
“thiên thần”, bằng tình yêu, sự hy sinh của bản thân đã “làm phép lạ” để giúp
đỡ cô. Vị thiên thần có một cái tâm cao cả đó chính là cô giáo Anna Sullivan.
Anna đã không bỏ cuộc chạy trốn khi đến với người học trò quá bất hạnh của mình.
Hy vọng duy nhất
mà cô có thể truyền thông kiến thức và liên lạc với Helen Keller là tiếp xúc
với đôi bàn tay của cô gái này.
Đúng là phép lạ
cả thể. Chỉ với ngôn ngữ tiếp xúc trên đôi bàn tay, Helen Keller đã có thể học
xong đại học, lấy bằng tiến sĩ, trở thành nhà văn nổi tiếng khắp thế giới.
Chính trong nỗi
bất hạnh tưởng như tột cùng của mình, Helen Keller lại là người hạnh phúc. Bởi
cô có được một người thầy đẹp quá, đáng yêu quý, đang trân trọng, đáng cho tất
cả mọi người noi gương biết bao nhiêu.
Chỉ có tình yêu chân thực, người ta mới
có thể mang lại hạnh phúc cho nhau.
Chúa Kitô, chính
vì yêu, đã cúi xuống cho ta. Chúa sống lại để trả lại hạnh phúc đời đời do
chính ta đã đánh mất trong tội.
Nay Chúa về cùng
Cha để hạnh phúc của ta nên trọn, đúng như lời Chúa nói: “Thầy đi dọn chỗ cho
các con…”.
Như Chúa Giêsu,
ta cũng được mời gọi mang lại hạnh phúc cho anh chị em quanh mình.
Câu chuyện về cô
giáo Anna Sullivan và người học trò bất hạnh Helen Keller của cô là một điển
hình để bạn và tôi có thể lấy làm bằng chứng sống mà tìm ra đáp số củng cố lòng
yêu thương nơi chính mình.
Lm
JB NGUYỄN MINH HÙNG