TUẦN THÁNH 2022
Đức Thánh Cha Phaolô VI cho biết: Không thể có một Kitô
giáo mà không có đổ máu. Đổ máu là dấu hiệu của chết chóc, của thất bại. Việc
đổ máu của Chúa Kitô, trước mặt người đời, trước tất cả mọi phù phím của thế
gian mang vỏ bộc khôn ngoan, tiến bộ, văn minh…, cũng chỉ là một thất bại lớn,
một sự bị đốn ngã nhục nhã.
Nhưng dưới dòng lịch sử của ơn Thánh - một dòng lịch sử chỉ
có thể khám phá bởi lòng tin, bởi sự đơn thành, bởi cái nhìn thoát tục không
bao giờ bị rào bị cản của tiến bộ, của văn minh mà con người theo đuổi - việc
đổ máu của Chúa Kitô là sự tôn vinh Thiên Chúa và là ơn cứu độ vĩnh cửu của
loài người.
Đó cũng là niềm sung sướng của Hội Thánh, bởi không chỉ
ngày đổ máu của Chúa Kitô là ngày Hội Thánh đã được khai sinh, mà còn là ngày
mà Hội Thánh sung sướng tiến vào cuộc sống mới của Thiên Chúa, được sống bằng
chính sự sống của Thiên Chúa.
Càng suy niệm, chúng ta thấy nơi Thánh Giá, Chúa như tóm
gọn cảnh một hành trình dài của con người đầy trắc trở, đầy mâu thuẫn, đầy xót
xa, biến động. Và những gì diễn ra nơi Thánh Giá cũng như nơi cuộc đời con
người vừa như tương tác lẫn nhau, vừa như hoàn toàn đối nghịch nhau.
Thánh Giá như tóm gọn hành trình của một kiếp người, như
đang diễn tả toàn bộ mọi trạng thái của kiếp nhân sinh đang trải qua: Yêu
thương và thù hận, thành công và thất bại, hy vọng và thất vọng, tin tưởng và
sợ hãi, tự do và trói buộc, trung thành và phản bội, hạnh phúc và đau khổ, sự
sống và giết chóc…
Đặc biệt, mỗi khi dừng lại ở từng chặng Đường Thánh Giá,
Hội Thánh mời gọi mỗi người, không chỉ làm dấy lên trong tâm hồn một cảm xúc
đối với cuộc khổ nạn, mà còn là ý thức hồng ân đã được lãnh nhận qua Đường
Thương Khó, qua cây Thánh Giá của Chúa Giêsu, và qua đau khổ là mỗi cây thánh
giá trong đời mỗi con người, để xây dựng thế giới tốt đẹp bằng cách mang tình
yêu vào giữa lòng thế giới, làm cho con người được sống và sống dồi dào.
Chính vì sự liên quan mật thiết giữa Thánh Giá và những gì
diễn ra trong đời người, cho ta hiểu rằng, cuộc sống hôm nay không tách rời
Thánh Giá. Thánh Giá sẽ biến cuộc sống thành hoa quả ngày mai trong hạnh phúc
vĩnh cửu. Bởi Thánh giá bao trùm trên cuộc sống hôm nay, nên ta tin tưởng, giá
trị cuộc sống không là những thực tại trần gian nhưng là thực tại Nước Trời.
Chính nơi đó mới là quê hằng sống. Chính nơi đó mới là quê
bình yên. Chính nơi đó mới là quê của niềm hy vọng.
Chỉ có nơi quê Trời ấy, ta mới thực sự thoát ly bất trung
và bội phản, oán ghét và thù hận. Sẽ không bao giờ còn giết chóc, lừa lọc, gian
dối.
Sẽ tiêu tan hết những áp bức, những chà đạp, những độc ác…
Và lúc đó, công lý được giương cao, hòa bình được trao
tặng, sự thật được hoàn lại cho những ai đã từng bị cuộc sống hôm nay giày vò,
ức hiếp.
Bởi đó là Nước mà lòng xót thương của Thiên Chúa ngự trị.
Mọi người là anh chị em có Thiên Chúa là Cha chung.
Nước mà giờ đây Thánh giá đã chiến thắng. Chúa Kitô sẽ
giương cao ngọn cờ Thánh Giá như biểu tượng của một tình yêu tuyệt đỉnh, của
một sự bình an không cùng mà chính Người đã đi qua cuộc đời này và nay trao lại
cho chúng ta trong Nước hằng sống.
Cha Hoàng Kim để lại một bài Thánh Ca thường được hát trong
Tuần Thánh, ai hát lên cũng thấy bàng hoàng xúc động:
“Thập giá ngất cao ở trên thế gian này
Ôi hỡi thập giá chúa Giêsu.
Từ nơi Thánh Tâm yêu thương Ngài,
Sông ơn thiêng khơi nguồn chan hòa,
Qua ngươi máu cứu độ chảy xuống nơi đây.
Ôi hỡi thập giá Chúa Kitô”.
“Thập giá ngất cao ở trên thế gian này, ôi hỡi Thập Giá
Chúa Giêsu !”. Vâng! thập giá ở đâu mà chẳng có. Mấy chữ “ngất cao ở trên thế
gian” vừa như muốn nói lên chiều cao, vừa như cho thấy chiều rộng, vừa như là
sự cao cả, quý giá, nhưng cũng nặng nề, lo sợ.
Và Giữa một rừng thập giá của kiếp nhân sinh, lại thấy nổi
lên, lại thấy “ngất cao” cây Thánh Giá của Chúa chúng ta. Thánh Giá của Chúa
ngất cao là để tỏa bóng, để lôi kéo, để đỡ nâng, để thánh hóa tất cả mọi cây
thập giá đời.
Vâng! Thập giá lúc nào mà không có. Không mời gọi, và dù
run rẫy khi đón nhận, nhưng có ai thoát khỏi thập giá. Thập giá là người bạn
không ai chờ đợi, nhưng nó vẫn cứ đến, vẫn cứ đồng hành trên suốt chặng đường
đời của mỗi con người.
Là Kitô hữu, chúng ta hạnh phúc, vì thập giá của chúng ta
đong đầy ý nghĩa.
Chúng ta biết, thập giá đời mình được tháp nhập, được lồng
trong Thánh Giá Chúa Kitô.
Thập giá đời dẫu có “ngất cao ở trên thế gian này”, thì mãi
mãi vẫn còn đó Thánh Giá Chúa Kitô soi bóng, chiếu sáng ý nghĩa, lan tỏa hạnh
phúc, như mặt trời soi vào từng ngõ ngách của trần thế.
Cây thập giá được Chúa Giêsu chọn để làm nơi phó dâng linh
hồn trong tay Chúa Cha đã trở nên báu vật của nhân loại và được gọi là Thánh
Giá sau khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết và lên trời vinh hiển.
Thiên Chúa đã thánh hóa cây thâp tự:
- Từ một dụng cụ độc ác tàn nhẫn của con người thành công
cụ của tình yêu thương, tha thứ.
- Từ biểu tượng của sự chết đã trở thành biểu tượng giải
thoát con người khỏi phải án chết đời đời.
- Từ sự ô nhục, điên rồ và ngu xuẩn trở nên chiến thắng
vinh quang của Đức Kitô.
Chúng ta, những Kitô hữu luôn kính mến và tôn xưng cây thập
giá đồng hành với Chúa Giêsu trên đường lên núi Sọ là Thánh Giá.
Chúng ta vẫn thường đọc trước mỗi chặng đàng Thánh Giá: “Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa
Kitô, vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ”, thường
làm dấu Thánh Giá trước khi cầu nguyện, thường ghi dấu Thánh Giá lên thân
mình trước và sau khi dùng bữa, thường ghi dấu Thánh Giá trước bất cứ một nghĩa
cử đạo đức nào…
Chúng ta thực sự hãnh diện, vui mừng vì Thánh Giá vinh
quang của Chúa Giêsu trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa:
Vinh quang của ta
Là Thánh Giá Đức Kitô
Nơi Ngài, ơn cứu độ của ta
Sức sống của ta
Phục sinh của ta
Nhờ Chúa ta được cứu độ
Nhờ Chúa ta được giải thoát.
Vậy chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu vì chính Ngài là
nguồn sức mạnh duy nhất có thể nâng đỡ và thêm sức cho chúng ta vác thập giá: "Tất cả những ai đang vất vả mang
gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt. 1,28).
Xin Chúa ngự trị và cùng vác thập giá với ta hàng ngày. Nếu
ta mang vác những gánh nặng, những trách nhiệm, những lo toan hàng ngày một
mình thì sức nặng của cây thập giá đời mình sẽ càng nặng, càng đau đớn, càng u
uất…
Nhưng nếu ta ngã mình vào Thánh Giá Chúa Giêsu, xin Ngài
đồng hành với ta, thập giá đời ta, vẫn là thập giá
ấy thôi, vẫn nặng nề, vẫn khổ đau, vẫn u uất, sẽ được biến đổi thành những cây Thánh giá phúc, có tình yêu của Chúa, có ơn cứu độ của Chúa, có sức mạnh của Chúa, có
sức sống phục sinh của Chúa.
Mãi mãi thập giá không nhẹ. Nhưng tình yêu Thánh Giá sẽ làm
thập giá dễ chịu hơn, và chan đầy ý nghĩa.
Lm JB
NGUYỄN MINH HÙNG