BÁO CHÍ CÔNG GIÁO VIỆT NAM HÀNH TRÌNH THẾ KỶ - MỘT THOÁNG NHÌN
lê đình bảng.
Anh em hãy đi
khắp tứ phương thiên hạ, để Loan Báo Tin Mừng Cứu Độ (Mc 15,16).
Mời gọi và lệnh truyền ấy, đến nay và mãi mãi về sau, vẫn cứ là bản chất của
Hội thánh, vẫn cứ là một sứ mạng thiêng liêng và chí cốt của mọi tín hữu.
Nói đến Loan Báo Tin Mừng hoặc Truyền Giáo là nói đến các phương tiện truyền
thông, để "diễn tả" và "chuyển tải" Tin Mừng. Trong đó, không
thể không nói đến vai trò quan trọng và cần thiết của Báo Chí. Đặc biệt ở thời
bùng nổ thông tin ngày nay. Nghe và nhìn (đọc), tận mắt, tận tai.
Lịch sử trên
400 năm (1615-2017) đạo Chúa vào Việt Nam là lịch sử của một quá trình hội
nhập, một hoá trình cộng sinh và tiếp biến rất phong phú và đa đang các nguồn
kinh nghiệm, cả trong rao giảng, lẫn trong đón nhận Tin Mừng. Có gặp gỡ, mời
chào, thân thiện, làm quen. Primum vivere, deinde philosophare. Có viếng thăm, trao
đổi, chuyện trò, phân giải, lý lẽ, hội luận. Mà cũng có đấy, nào bài bản, sách
vở, kinh văn; nào lễ lạy, phụng vụ, bí tích. Tắt một lời, vừa nhẹ nhàng, dân dã
đi vào sinh hoạt, mùa vụ đời thường Việt Nam; đồng thời, cũng không kém phần
trọng vọng, kinh điển, phép tắc theo quy định về huấn giáo và lễ nghi của Hội
thánh. Phải chăng, đây đã là một trong những truyền thống Đức Tin - Văn Hoá rất
đặc thù đã in sau vào đời sống của dân Chúa Việt Nam xuyên suốt dặm dài lịch sử
truyền giáo? Mặc cho bao phen sóng gió, cấm cách, bách hại nghiệt ngã, truyền
thống vững bền và hiệu quả ấy, không những không bị chao đảo, xói mòn; mà còn
được cộng lại, nhân lên gấp bội. Xin mạn phép gọi đó là "Di Sản Đức Tin -
Văn Hoá" của người Công giáo Việt Nam. Nó vừa là "vật thể", vừa
là "phi vật thể". Nó vừa hiện ra ở dạng "thành văn", lại
vừa thấp thoáng, bàng bạc nơi tâm thức và ký ức của bao đời. Chúng tôi muốn nói
đến "các thể loại văn bản nhà đạo" hoặc "một thứ văn hoá
đọc" rất riêng và rất thiêng, đã nuôi sống dân Chúa Việt Nam. Ngạc nhiên
chưa, đơn giản chỉ là những kinh sách, ngắm nguyện, ca vãn, truyện tích, bài
giảng, lời rao, lịch phụng vụ Công giáo (những ngày lễ quanh năm) hoặc trân
trọng hơn, là các Thư Chung (Thư Luân Lưu của các đấng bậc bản quyền trong Hội
thánh), hay các văn kiện, thư tịch... Liệu có cường điệu lắm chăng, khi tạm đưa
ra nhận xét chủ quan này, rằng đó là "đêm trước" của hừng đông, cánh
cửa lớn mở ra một dặm dài hằng trăm năm (1908-2017) của lịch sử Báo Chí Công
Giáo Việt Nam?
Và rồi, một
chương mới được mở ra. Từ khi Quốc ngữ khẳng định được chỗ đứng và giá trị, đặc
biệt từ khi Báo Chí Quốc Ngữ với tờ Gia Định Báo ra đời (15.4.1865) thì đời
sống văn hoá của người Việt mình bỗng nhiên khởi sắc, sinh động và cập nhật hẳn
lên. Người ta không chịu thu mình mãi ở chốn thư phòng để tầm chương trích cú, để
vịnh nguyệt ngâm hoa, để mộng du, hoang tưởng. Kìa, xem đường phố, quê thôn
đang rộn rã những làng văn làng báo, những thư quán, xưởng in, nhà xuất bản, những
bút nhóm, văn thi đoàn, những nhóm phóng viên, ký giả, toà soạn, quầy báo, những
hình ảnh, tin tức thời sự nóng bỏng, sầm uất, đông vui...Chính trong cái cuộc
ra mắt bừng bừng khí thế ấy, Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) rõ ràng là người
lĩnh ấn tiên phong, đặt cơ sở bước đầu vững chắc cho "Văn Học Báo
Chí", cho "Nghề Báo" và "Làng Báo" Việt Nam. Cũng
chính buổi giao thời này, riêng Công giáo đã góp mặt góp công rất sớm với một
đội ngũ đông đảo những người cầm bút, tập hợp dưới trướng hàng loạt những cơ sở
in ấn, xuất bản tiếng tăm, như: Nazareth Hồng Kông, Kẻ Sở, Kẻ Sặt, Tân Định, Vĩnh
Trị, Phú Nhai Đường, Ninh Phú, Trung Hoà Qui Nhơn, Huế, Kon-Tum v.v. Đặc biệt
hơn cả, là vào ngày 26.11.1908, Tuần Báo Nam Kỳ Địa Phận, cơ quan ngôn luận
chính thức đầu tiên của Công giáo Việt Nam chào đời, mở ra một kỷ nguyên cho
Báo Chí Công Giáo Việt Nam. Đọc lại mấy hàng "Bổn Quán Kính Báo" sau đây,
ta càng thấm thía sứ vụ Loan Báo Tin Mừng của những con người cầm bút, hết lòng
phục vụ công cuộc "Truyền Thông Công giáo" ngay từ buổi đầu gian nan
ấy:
"Vì lòng
ái mộ danh Chúa cả sáng, cùng ước ao cho con cái nhà Annam ta mọi nơi đâu đó
được đua nhau tấn tài tấn đức, cho thông phần đạo và ngoan việc đời. Nhựt trình
này lập ra, có ý gieo tin lành trong vườn Hội Thánh, có ý cho gia đạo mọi người
mọi nơi đều đặng nhờ ích lợi cho phần hồn phần xác mọi bề." (Nam Kỳ Địa
Phận, số 1,26.11.1908). Nói theo học giả Phạm Quỳnh - chủ biên của tờ Nam Phong
Tạp Chí (1917) - thời kỳ 1865-1908 quả là thời kỳ phôi thai của Báo Chí Việt
Nam và những người lam báo trong giai đoạn này có thể tự hào đã đóng vai trò
của" những nhà giáo dục quần chúng, những người hướng dẫn hay những sứ
đồ". Người ta cũng đã đọc thấy nỗi trăn trở đầy bức xúc ấy trong chồng
chất nỗi niềm khôn nguôi của danh sĩ Phao lô Nguyễn Trường Tộ (1827-1871), bậc
thức giả Công giáo vốn nặng lòng ưu thời mẫn thế với cuộc canh tân đất nước, qua
bản Trần Tình và Tế Cấp Bát Điều: "Cần ấn hành một tờ nhật báo để đăng tải
các chiếu chỉ, sớ, dụ, những việc làm của những đấng bậc có tiếng tăm, những
công vụ quốc gia hiện thời cho học sinh đọc để biết cong việc trong nước. Đó
cũng là một lợi ích lớn (lợi ích ấy rộng rãi như mưa móc thấm nhuần." Đến nay, dặm đường thăm thẳm ấy, đã là một" hành trình thế kỷ", đã
vượt ngưỡng trăm năm (1908-2017) và đã có nhiều, thật nhiều người đi. Từ riêng
rẽ, cá nhân đến tập thể, đoàn hội. Báo chí Công giáo, đã có một thuở một thời
trăm hoa đua nở (1955-1975) ở Sài gòn, miền đất trù phú sinh sôi của Báo Chí. Nhưng
hỏi mấy ai còn nhớ buổi đầu đời đơn lẻ, ngặt nghèo mà dũng cảm ấy của lớp tiền
phong dày công khai phá, nhu: Nam Kỳ Địa Phận (1908), Thánh Giáo Tuần Báo Bắc
Kỳ (1920), Lời Thăm (1921), Trung Hoà (1923), Công Giáo Đồng Thinh (1927), Sacerdos
Indonensis (1927), Chức Dịch Thơ Tín (1933), Thánh Thể Báo (1933), Đức Bà Hằng
Cứu Giúp (1935), Đường Ngay (1936), Vì Chúa (1936), Đa Minh Bán Nguyệt San (1939),
Tiếng Kêu (1947), Tông Đồ (1949), Thời Mới (1950), Thẳng Tiến (1957), Đức Mẹ La
Vang (1958), Việt Tiến(1958), Trái Tim Đức Mẹ (1960), Sống Đạo (1962), Xây Dựng
(1963), Thống Nhất (1954), Đường Sống (1955), Văn Đàn (1960), Lửa Mến (1963), Nhà
Chúa (1967), Phụng Vụ (1970), Tinh Thần (1970), Đối Diện (1969), Công Giáo và
Dân Tộc (1975), Hiệp Thông (2001), Đồng Hành (2016)... Đó là chưa kể sự xuất
hiện hàng loạt và sôi nổi của thể loại báo điện tử, internet, các websites dăng
mắc những năm gần đây...
Tác giả:
Francis Assisi Lê Đình Bảng
|