MỘT CHÚT TÂM TÌNH CỎ HOA
1. CHUYỆN
MỘT THỜI CHƯA XA
Đã có một thời xa lắm, khoảng những năm
1947-1954, tuổi trẻ chúng tôi mê mẩn đọc những sách truyện dịch nhiều chương hồi,
như Tam Quốc, Thủy Hử, Sử Ký Tư Mã
Thiên.v.v… Trở về với khung cảnh xứ đạo – làng quê thì lại sẵn có một thứ
văn học rất đặc thù là kinh sách, ca vãn, tuồng truyện. Nhà nhà, người người cứ
là ra rả ngâm ngợi hoặc vùi đầu vào Sấm Truyền Cũ và Hạnh Các Thánh. Sách in đẹp,
chữ lớn, lại có nhiều tranh ảnh minh họa. Vừa đọc vừa mân mê, nương ghé từng
trang giấy mỏng tanh còn thơm mùi lá trầm, hoa sứ, ai đánh dấu sẵn trong ấy. Lại
cũng có một thời chưa xa lắm (1955-1970) – khi chiến tranh rình rập ngay trước
cửa nhà mình – ai nấy đọc Hồn Bướm Mơ
Tiên, Tiêu Sơn Tráng Sĩ, Bướm Trắng, Gió Đầu Mùa, Nắng Trong Vườn của Tự Lực
Văn Đoàn. Hít thở một làn gió mới từ văn học Tây phương. Thế rồi giặc giã đao
binh cường tập, sống nay chết mai, học hành, cơm áo bấp bênh. Truyện võ hiệp kỳ
tình của Kim Dung được dịp du nhập ồ ạt. Đi đến đâu, gặp người nào cũng thấy
ăn, nói, viết và cả triết lý sặc mùi “luyện
chưởng”. Trong bối cảnh nhập nhằng sáng tối ấy, đỏ con mắt mà chẳng tìm đâu
ra bóng dáng những tập truyện Công giáo. Có chăng, là nghe thiên hạ kể về Một Linh Hồn (1940) của Thụy An; Chân Trời Cũ (1941) của Hồ Dzếnh; Những Ngày Đẫm Máu (1953) của Phương
Khanh; Đời Anh (1959) của Võ Thanh; Trái Cam Máu (1959) của Nguyễn Duy Tôn
và Xóm Giáo (1965) của Hà Châu. Mỗi
nhà văn, mỗi tác phẩm chợt ẩn chợt hiện, lẻ loi, hoa trôi bèo dạt.
Mãi đến thập niên 1962 – 1974 – thời đại nở
rộ của báo chí Công giáo – trên tờ Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp hoặc nhật báo Xây Dựng, Hòa Bình mới thấy xuất hiện trang mục dành cho người làm
thơ viết truyện ngắn Công giáo. Một nhóm thập phương tứ xứ chúng tôi, là linh mục,
tu sĩ, giáo dân – dưới trướng của những chủ bút Hồng Phúc, Đào Hiến Toàn, Chân
Tín – bỗng dưng không hẹn mà gặp. Xuân Ly Băng, Trăng Thập Tự, Đình Quang,
Thanh Huệ, Từ Khang Yến, Lý Thụy Ý, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Nhất Tuấn, Minh
Quân, Phạm Hữu Phước, Thụy Anh, Đình Bảng, Nguyễn Thạch Kiên, Lệ Khánh, Ngọc
Phương, Nguyễn Tầm Thường, Đơn Phương đã ươm trồng được một khu vườn văn học
Công giáo khá chất lượng, đông vui. Riêng tờ Nguyện san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
thì đã mở ra được hai cuộc “quần hùng tụ hội”, quy tụ nhiều tên tuổi, nhiều thể
loại sáng tác có giá trị. Thế rồi, từ buổi ấy đến
nay, chẳng hiểu sao đời sống văn học nghệ thuật Công giáo Việt Nam bỗng dưng im
hơi lặng tiếng đến khó ngờ…
2. VẪN HẮT
HIU MỘT NỖI NHỚ
Nhiều lần, qua các buổi hội thảo, tọa đàm
về văn hóa Công giáo ở nhiều cấp độ hoặc trong những chuyện
trò ngẫu hứng ở nơi này nơi khác, bản thân tôi xót xa khi nghe các bạn văn thơ
ngoài đời bảo, Công giáo các ông làm gì có thiểu thuyết và truyện ngắn! Trong
khi đó, Phật giáo cứ là bao la bát ngát; còn làng văn làng báo thì trăm hoa đua
nở, hết thế hệ này sang thế hệ kia. Mấy năm trở lại đây, vẫn còn thấy cái bóng
xum xuê của những cây đa cây đề như Nguyễn Khải, Xuân Sách, Ma Văn Kháng, Lê Lựu,
Chu Lai. Rồi bỗng vụt sáng lên những ngôi sao Nguyễn Huy Thiệp, Phan Thị Vàng
Anh, Võ Thị Hảo, Trần Thùy Mai, Quế Hương, Phan Triều Hải, Nguyên Hương và mới
đây hiện tượng Cánh Đồng Bất Tận của
nhà văn nữ trẻ tuổi ở miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long, Nguyễn Ngọc Tư. Không
phải họ trên trời rớt xuống đâu. Cũng chẳng phải họ xuất thân từ trường lớp đào
tạo chuyên môn nào cả đâu Thực tế là họ đều phải
kinh qua một quá trình tự thân để trải nghiệm rèn luyện và sáng tạo, kể cả mang
vác khổ giá trên thân mình.
Nói thế, không ngụ ý che chắn, ngụy biện.
Nhưng là để chúng ta – những người cầm bút – cảm thông với Hội Thánh, với các đấng
bậc chuyên trách. Bao đời rổi, Hội Thánh chúng ta yêu cứ như đứng chênh vênh giữa
hai bờ sông, bên này là rao giảng Đức Tin bằng Bí Tích – Phụng Vụ - Mục Vụ dày
đặc thánh thiêng và bên kia là số phận ngoài lề của văn hóa nghệ thuật. Chúng
mình hiểu nỗi thao thức của Hội Thánh và chia sẻ đến tận cùng cả nỗi riêng tây
khuất tất, u ẩn của những người trót nặng nợ cầm bút Công giáo. Họ khát khao
cháy bỏng một “sân chơi”, một “đất hứa” để ương ấp, gieo trồng, gặt
hái, phơi phong, làm chứng tá cho “Lời
Chúa đã mặc xác phàm và ở giữa chúng ta” Nhưng nhìn quẩn quanh, đìu hiu vài
tờ báo khô khan, lạc lõng mà bản thân cũng chẳng ưa gì thơ văn. Có chăng là sự
bố thí, là sự lấp đầy những trang giấy còn bỏ trống. Vậy đấy…
3. NÉN BẠC
CHÚA TRAO VÀO TAY BẠN
Từ suy nghĩ ấy và để kế thừa truyền thống
rất hào hiệp của nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Ban tổ chức – Trung Trâm Mục Vụ Dòng Chúa Cứu Thế - Giáo xứ
Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Nhà Sách Đức Mẹ - đã chủ động khởi xướng “Giải Văn Học Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp – Cuộc
thi viết Truyện Ngắn 2006”.
Trong thời gian mở và khóa sổ (từ
08-09-2006 đến 31-05-2007), chúng tôi vui mừng đã nhận được 163 tác phẩm gởi về
dự thi, từ các địa phương, ở mọi độ tuổi, ngành nghề, viết chuyên và không
chuyên. Con số 163 tuy rất khiêm tốn so với 400 của năm 1969, nhưng với bước đầu
thử nghiệm, ít nhất, chúng tôi đã có được một gặp gỡ, trao đổi thật quý báu,
ngoài dự tưởng. Gần 200 tác phẩm của gần 200 tác giả dự thi, qua thông tin rất
hạn hẹp của một xứ đạo – nhà sách, (trong số đó có người gửi tới 2,3 hoặc 4,5
tác phẩm), thiết nghĩ, đã khiến chúng tôi hạnh phúc đến nao lòng. Bởi đã tìm
đúng mạch ngầm, đã sới lên một vỉa quặng và khơi được những tia nước mát lành. Để
hợp lưu thành dòng chảy đủ sức tưới tắm cho thời vụ mùa màng của Hội Thánh, là
công việc tiếp sức chung chung tay của các bạn. Những mong sao có được những
tác giả, tác phẩm, những tuyển tập truyện ngắn Công giáo in ấn trang nhã, xứng
tầm và được phát hành rộng rãi đến cho mọi người yêu truyện. Được như thế, một
phần nào, các bạn cùng chúng tôi đã gieo vãi trồng cấy, đức tin bén rễ sâu gốc
bền vào dòng chảy chung, phản ánh sinh động hơi thở đời sống Công giáo đương đại
trong văn hóa nghệ thuật của cộng đồng dân tộc VN thân yêu này vậy. Bởi vì mấy
trăm năm trước đây – trong hoàn cảnh và điều kiện lịch sử, xã hội còn khó khăn
phức tạp trăm bề - tiền nhân ông cha ta đã sớm bắc được một nhịp cầu hội nhập
văn hóa bằng cách chuyển dịch, biên tập và sáng tác cả một kho tàng kinh sách,
ca vãn, tuồng truyện. Vô vàn cảm ơn các thế hệ tiên phong đã có công khai phá,
gầy dựng, đặt cơ sở cho hôm nay và mai sau. Từ Majorica, Đắc Lộ, Bentô Thiện,
các Thầy Giảng; từ Lữ Y Đoan, Đặng Đức Tuấn, Philipphê Bỉnh, Phan Văn Minh; từ
Petrus Ký, Paulus Của, Nguyễn Trọng Quản, L.Cadière; Trần Lục, Nguyễn Hữu Bài,
Nguyễn Bá Tòng, Hồ Ngọc Cẩn, Lê Thiện Bá, Nguyễn Văn Thích, đến Hàn Mạc Tử, Tống
Viết Toại, Mai Lâm, Long Giang Tử, Hồ Dzếnh, Bàng Bá Lân, Phạm Đình Khiêm, Võ
Long Tê, Nguyễn Thế Thuấn, G.Gagnon, Cao Vĩnh Phan, Xuân Ly Băng, Trương Đình
Hòe và cả chúng ta ngày nay nữa. Cơm gạo nuôi ta phần xác,
Đức tin văn hóa nghệ thuật nuôi ta phần hồn. Các bạn đã và đang đồng hành với
chúng tôi trên lộ trình ấy của Hội Thánh. Không lẽ chúng ta mãi cất giấu đi những
nén bạc Chúa cho? Phải sinh sôi nảy nở bằng năm bằng mười, để chia sẻ với mọi
người. Đấy là mối phúc là điều răn; là lời mời gọi của Thiên Chúa và Hội Thánh
muốn gửi gắm chúng ta. Copiosa apud Nos Redemptio.
Ơi những người bạn: Nguyễn Thị Diệm, Bích
Duyên, Thảo Nguyên, My La, Văn Dũng, Đặng Ngọc Hạnh, Nguyễn Công Kha, Trịnh Quế
Hương, Anh Nhàn, Thái Quý, Quốc Tâm, Thi Nguyễn, Thanh Trường, Hoàng Thùy
Trang, Ngọc Yến…
4. TRUYỆN
NGẮN VÀ TRUYỆN NGẮN CÔNG GIÁO
Trở lại câu chuyện của chúng ta. Truyện ngắn
và truyện ngắn Công giáo.
Thế nào là truyện ngắn? Đơn giản là một
tác phẩm văn xuối, viết ngắn về một “chốc
lát”, về một “khoảnh khắc” nào đó
trong cái “thường ngày” của đời sống. Tự giới hạn về thời gian, không gian, nhân vật
và sự kiện, nên truyện ngắn có chức năng nhận ra một điều gì sâu sắc về cuộc đời,
về con người.
Theo nhà văn Nguyễn Minh Châu, truyện ngắn là một thể loại
giống như một anh chàng vừa dễ tính, vừa khó tính. Nó vẫy gọi những người mới tập
tễnh cầm bút, nhưng cầm bút đến lúc về già lại đâm ra sợ nó, vì thấy quá khó.
Về hình thức, nói đến truyện ngắn là nói đến
nghệ thuật của bố cục và sự hàm súc. Nó có gì giống như kỹ thuật của người làm
pháo. Dồn nén tư tưởng vào trong một cái cốt truyện thật ngắn gọn, thật tự
nhiên. Những người viết truyện ngắn bậc thầy đều cao tay trong kỹ thuật dựng
truyện và tinh xảo trong ngôn ngữ. Về nội dung, chỉ trong vài trang giấy, người
viết phải truyền đến cho người đọc cái điều mà anh vừa khám phá thấy trong đời
sống thường nhật của những người xung quanh anh. Vài trang giấy ít ỏi kia sẽ
mãi mãi sống với người đời, nếu cái điều anh đề cập là mới mẻ, độc đáo và thực
là thiết thân đối với đông đảo mọi người… Tôi thường hình dung truyện ngắn như
mặt cắt giữa một thân cây cổ thụ: chỉ liếc qua những đường vân trên cái khoảng
gỗ tròn tròn kia, dù sau trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời của thảo mộc. Với truyện
ngắn, điều chính yếu là kêu gọi sự liên tưởng của người đọc. Tôi thích những
người viết truyện ngắn có tư tưởng cao sâu mà câu chuyện vẫn dung dị, thoải
mái, nội dung, chi tiết vẫn là nội dung, chi tiết của đời sống thường ngày. Tôi
cũng thích những truyện ngắn chẳng nói điều gì to tát, thậm chí chẳng có gì mới
mẻ lắm, mà chỉ nói sâu vào điều người khác đã nói nhưng văn hay, chân thực, ý
tình toát ra trong từng câu chữ.
Còn truyện ngắn Công giáo thì sao?
Không phải cứ chấm phá, thêm thắt một hai
từ ngữ, vài ba hình ảnh, chi tiết về Chúa, Đức Mẹ, thánh giá, nhà thờ, lễ lạy
kinh hạt, linh mục, tu sĩ, con chiên là ta đã có được một tác phẩm Công giáo
đâu. Trong thế giới ca từ của Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Nguyễn Văn Quỳ, Lê Trọng
Nguyễn, Hoàng Việt, Trịnh Công Sơn, ta gặp thiếu gì những “Chiều bên giáo đường, tiếng chuông nhà thờ, đức tin, hạt bụi hóa kiếp”.
Huy Cận, Chế Lan Viên, Đinh Hùng, Kiên Giang, Quách Thoại, Nguyễn Việt Hà, hơn
một lần đã viết về “Thượng Đế, ngày hằng
sống, Chúa trên cao, thiên đàng, hỏa ngục, cơ hội của Chúa”. Thế nhưng, liệu
các nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật có dám khẳng định họ là những nhạc sĩ viết
thánh nhạc, thánh ca, là những nhà thơ, nhà văn Công giáo? Trộm nghĩ, đấy chỉ
là những vang bóng, những thanh âm, những sắc màu ẩn dụ khơi gợi cảm xúc chủ
quan rất đáng trân trọng của tác giả hơn là cảm xúc thật của tôn giáo, của tín
đồ. Trong khi đó, vang động lòng ta thế nào, khi va chạm vào ngôn ngữ thơ Công
giáo của Hàn Mạc Tử:
Đây rồi,
đây rồi chuỗi ngọc vàng kinh
Thơ cầu
nguyện là thơ quân tử ý
Trượng
phu lời và Tông đồ triết lý
Là nguồn
trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh.
(Ave
Maria)
Và thật ngẫu nhiên khi đi sâu vào đời và
nghiệp của Hồ Dzếnh, bản thân tôi đã bắt gặp ở ông, chân dung một con chiên
ngoan đạo mang tên thánh Paul Thérèse, một nhà văn viết truyện rất giàu tính
Công giáo. Không khiên cưỡng, gò bó, không máy móc, áp đặt. Rất nhẹ nhàng mà
sâu lắng như Thạch Lam và Mai Thảo đã nhận định là “Hồ Dzếnh tìm trú ẩn trong tôn giáo”.
Tính Công giáo của Hồ Dzếnh phơi mở trong những truyện ngắn và cả trong những
tùy bút đăng trên tạp chí Thanh Niên, trong tác phẩm Đầu Xuân Ta thử đọc và ngẫm nghĩ
đôi hàng tự sự của ông nhé.
“Nhà
thờ rộng mênh mông và sâu thăm thẳm. Những người đi lễ đã về hết… Tôi quỳ lâu lắm,
không biết đã đọc những kinh gì, nhưng chắc chắn là đã đọc nhiều”
(Mơ về Nước Chúa, trg 88)
“Bây
giờ tôi đã đi đạo, vì tôi xét ra là tôn giáo rất cần cho sự tìm hiểu cái nghĩa
tinh thần của cuộc sống. Hằng ngày đọc kinh, hằng tuần quỳ trước tòa giải tội,
tôi thấy tôi trong sạch hơn lên”.
(Vừa Một Kiếp Người, trg 90)
“Khi
nhìn lên tượng Chúa, thấy từ đấy tỏa ra một lẽ thiêng liêng, nhân từ và đẹp đẽ”.
(Vừa Một Kiếp Người, trg 116)
Để kết luận, tôi thấy câu nói của văn hào
Guenter Grass vẫn đúng. Rằng cho dù thế giới này tiến bộ đến đâu, có thực dụng
đến mấy thì “chẳng có gì có thể thay thế
văn hóa đọc”. Vậy đấy, thưa các bạn việt truyện ngắn Công giáo. Con đường
phía trước rộng mở thênh thang. Mời bạn cầm bút, viết và viết, bạn nhé. Một
công chúng đông đảo đang khấp khởi đợi chờ, để đọc, để cảm và để mừng với nhau.
Ngoại ô, mùa mưa, 7-2007.
Tác giả:
Francis Assisi Lê Đình Bảng
|