Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Francis Assisi Lê Đình Bảng
Bài Viết Của
Francis Assisi Lê Đình Bảng
Thơ gửi người em quê lũ
NHỮNG MÙA TRĂNG TUỔI MỌN
TRONG TAY NGƯỜI THỢ GỐM
LẠI…THAO THỨC VỚI NGƯỜI KHÔNG NGỦ
THÁNH GIÁ, LÀM SAO CON VÁC NỔI
LỬA MẾN: ngọn lửa nung nấu lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.
ĐỜI CON QUA NHƯ MÂY BAY
ĐẾN HẸN LẠI VỀ - DÂNG HOA ĐỨC MẸ
NHỮNG NGƯỜI BẮC KỲ NGÀY XƯA nay không còn nữa
Sự kỳ diệu của ngôn ngữ thi ca - Mời bạn cùng đọc BÀI NHÃ CA THÁNG GIÊNG
Trường ca TỰ TÌNH KHÚC
CHÚA NHẬT LỄ LÁ - NÉM ĐÁ - PHỤC SINH
Trường ca NẾP NHÀ NAZARETH
Đọc thơ tình yêu Lê Đình Bảng - Bùi Công Thuấn
KINH CẦU LỄ TRO MÙA CHAY
HIỆN TƯỢNG LỤC BÁT TRONG THI CA VIỆT NAM
TẢN MẠN CHUYỆN RỒNG… RẮN LÊN MÂY
BÀI NHÃ CA THÁNG GIÊNG
TỪ SILENT NIGHT HOLY NIGHT … ĐẾN ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG.
BÁO CHÍ CÔNG GIÁO VIỆT NAM HÀNH TRÌNH THẾ KỶ - MỘT THOÁNG NHÌN
HÁT TRÊN ĐỈNH TRỪƠNG SƠN
KINH SÁCH NGUYỆN GIỖ CẦU HỒN - MỘT DI SẢN ĐỨC TIN VĂN HÓA
THIÊN ĐÀNG, ĐỊA NGỤC ĐÔI QUÊ
THƯ EM TÊRÊSA GỬI CHỊ PAULINE - Kính đâng Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu
BAO GIỜ CHO ĐẾN THÁNG MƯỜI
TỪ KINH NHẬT MỘT “MAGNIFICAT” ĐẾN BÀI THƠ “LA VIERGE À MIDI”... VÀ...
VĂN CÔI THÁNH NGUYỆT TÁN TỤNG THI CA.
MỘT CHÚT TÌNH CỎ HOA
NHỮNG MÙA TRĂNG TUỔI MỌN
Bập bềnh trên sông bao la... rằm trung thu, nhớ Lm - nhạc sĩ Phương Linh
TÔI SẼ LÀM MƯA HOA HỒNG
TÔI CÓ LÀ CHI CŨNG NHỜ ƠN CHUÁ
CÔNG GIÁO VIỆT NAM VÀ DI SẢN HÁN NÔM
TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU
Mẹ La Vang, Mẹ Giáo Hội Việt Nam
VỀ LAVANG, VỀ NHÀ MẸ TRĂM GIAN
MỘT CHÚT TÂM TÌNH CỎ HOA
Trường ca TỰ TÌNH KHÚC
Ở MỘT MIỀN QUÊ KHÁC
GIỮA BAO LA ĐẤT TRỜI
TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU


●Francis Assisi Lê Đình Bảng

1. Đức tin và văn hoá. Tôn giáo và văn học

Hai phạm trù, hai lĩnh vực khác biệt. Một đàng quy hướng về cõi tinh thần, tâm linh và một đàng thiên trọng về đường mỹ cảm, nghệ thuật. Trên lý thuyết, một bản văn về đức tin hoặc văn học, tuy cùng sử dụng phương tiện diễn đạt, hình thức chuyển tải là ngôn ngữ văn tự, nhưng cả hai không hẳn đồng nhất về nội dung, mục đích. Thực tế trái lại. Dù Đông hay Tây, kim hay cổ, dường như hai phạm trù riêng rẽ này vẫn phải có nhau, cần đến nhau, nương tựa vào nhau, bổ sung bù đắp qua lại với nhau, như một quan hệ biện chứng. Bởi khi văn dĩ tải đạo và thi ngôn kỳ chí thì đạo mở lối chỉ đường cho thơ văn thấu cái minh triết, trụ cái bền vững, đạt cái thăng hoa miên viễn.

Liệu có hữu khuynh và cường điệu không, hay chỉ là những dự cảm chủ quan, những định kiến như đã truyền đời đã thành nề nếp về mối quan hệ máu thịt tất yếu giữa tôn giáo với văn học nghệ thuật của phương Tây? Cuộc hôn nhân ấy – như thường thấy phân tích và kết luận – được nuôi dưỡng, được giữ gìn bền vững là nhờ ba cái trụ cột chống đỡ: Trí tuệ uyên bác của Hy Lạp, pháp lý kỷ cương của La Mã và tinh thần đạo đức của Kitô giáo, Do Thái giáo kết tinh trong Thánh kinh. Thật vậy, không khó khăn lắm để nhận diện, để bắt được cái mạch chủ Thánh Kinh ẩn hiện, loé sáng, lộ ra dưới nhiều dạng thức, nhiều thể loại. Từ văn chương tự thuật của Augustino ở đầu kỷ nguyên Kitô giáo, từ tổng luận thần học của Tôma Aquinô, từ trầm tư ở Solesme đến tư tưởng của Pascal, J.J. Rousseau… Từ trường ca các tạo vật của Phanxicô Assisi đến le génie du Christianisme của Chateaubriand, la providence se lève avant le soleil của Lacordaire và Premières méditations của Lamartine…Càng không nghi ngờ gì nữa, khi ta tiếp cận thế giới tiểu thuyết, thi ca, triết học, kịch nghệ của những cây đa cây đề như V. Hugo, L. Tolstoi, P. Claudel, A. Vigny; A. Musset, C. Péguy, A. Gide, Le Comte du Noüy v.v…Người ta bảo, đó là di sản của nền văn minh văn hoá Kitô giáo. Như vậy, chúng ta sẽ nghĩ gì, khi nghe F. Mauriac tuyên bố, ông chỉ là một người Công giáo viết tiểu thuyết, chứ không dám nhận cái vinh dự là nhà tiểu thuyết Công giáo và khi nghe L. Estang biện biệt hai tính cách khác nhau của người thi sĩ Công giáo với người Công giáo thi sĩ?

Phải chăng, trong quá trình cảm hứng và sáng tác, có một mâu thuẫn nội tại, một giằng co ở bên trong con người của văn nghệ sĩ Công giáo? Là tín hữu, nhà văn nhà thơ có sứ mạng tông đồ là truyền thông đức tin, hết lòng phục vụ, bảo vệ chân lý. Là tín hữu, họ phải mang nguồn dưỡng khí cho văn học để tiến dâng lên Thiên Chúa, và như thế là họ đã biến cuộc đời thành một hiến lễ phụng vụ liên tục. Nhà văn nhà thơ Kitô giáo ý thức trách nhiệm của mình, vì khi họ viết tức là họ ngợi ca Thiên Chúa và trở thành người dẫn dắt các linh hồn, bởi lẽ tác phẩm có khả năng lôi kéo, tập hợp, hiệp nhất và đưa người ta về đất hứa của tâm linh. Mặt khác, là nghệ sĩ, nhà văn nhà thơ phải tuân theo những phép tắc, phải biết vận dụng những thủ pháp tu từ, phát huy hết sở trường của năng khiếu bẩm sinh và trải nghiệm, tiếp thu từ thực tế cuộc sống để hiến mình cho nghệ thuật, để hấp dẫn và thuyết phục được một công chúng nhất định. Tóm lại, phải trải qua một cuộc bể dâu, đoạn trường để cưu mang và sinh thành tác phẩm. Giữa đôi ngả đôi đường, trung thành với lời Chúa và làm vui lòng người. Thật không đơn giản.

Quan niệm như trên, khác nào muốn đặt văn học và người sáng tác vào vùng cấm của mạc khải, của linh ứng. Đành rằng, hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau, Thánh Kinh vẫn là một kiệt tác văn chương vĩ đại nhất của nhân loại. Nhưng không hẳn mọi nơi, mọi thời, mọi người đều đón nhận và chuyển tải cái sứ điệp Tin Mừng ấy ở cùng một mức độ và bằng một cách thế giống nhau, như nhau. Mưa công chính rải đều trên mặt đất, song mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ. Có Thánh Kinh của bậc giáo phụ, của người thông thái và cũng có Thánh Kinh của những người bình dân ở chiếu dưới. Đó là bản sắc riêng của từng con người, từng vùng miền văn hoá mà lời Chúa nhập thể, qua Thần Khí tác động. Tác phẩm văn học Công giáo nói chung, vì thế, không hoặc chưa phải là tiếng nói chính thức của Hội Thánh Công giáo, nhưng đơn giản chỉ là phần đóng góp, là sự cống hiến theo nghĩa vụ “nén bạc” của những tín hữu có khả năng văn học và muốn dùng văn học làm công cụ diễn đạt đức tin Công giáo. Cụ thể hơn, văn học Công giáo là những công trình, sự nghiệp tinh thần của người tín hữu nhằm mục đích vận dụng ngôn ngữ văn tự để thể hiện đức tin lòng đạo của mình. Sự thể hiện này nhiều hay ít, đậm hay nhạt, trực tiếp hay gián tiếp còn tuỳ thuộc vào quá trình lao động nghệ thuật và chiều kích đời sống đức tin được tôi luyện mỗi ngày của tác giả. Nói như Augustino là hãy kiếm tìm với ước muốn được gặp thấy và gặp thấy với ước muốn kiếm tìm thêm mãi. Như huấn giáo của Hội Thánh: “Hạnh phúc cho những ai đã gặp thấy chân lý, để đào sâu chân lý và mang chân lý đó cho người khác. Hạnh phúc cho những ai chưa gặp gỡ chân lý, nhưng vẫn thành tâm tiến tới công lý, mong họ tìm ánh sáng ngày mai nhờ ánh sáng hôm nay, cho đến lúc ánh sáng chan hoà. Nhờ ơn Thiên Chúa, cái khả năng hoà đồng sâu xa giữa khoa học chân chính và đức tin chân chính có lẽ không bao giờ hiện rõ như ngày hôm nay, vì tất cả đều phục vụ cho chân lý duy nhất. Xin đừng ngăn cản cuộc gặp gỡ quý báu này.” (Công đồng Vaticanô II).

2. Có văn học Công giáo Việt Nam không?

Câu hỏi đặt ra, tưởng như một áp lực phải khẳng định là có hoặc không. Thật khó nghĩ, khó tìm ra lời giải đáp thoả đáng. Khép, mở. Hiện thực và trừu tượng. Vừa dứt khoát lại vừa do dự, nếu không muốn nói là khiên cưỡng, một chiều… Chúng ta đọc được cái thái độ trung lập và ngại ngần đầy cẩn trọng, cân nhắc ấy của các nhà viết văn học sử, giáo sử Việt Nam: Dương Quảng Hàm, Nghiêm Toản, Hồ Hữu tường, Hoàng Trọng Miên, Phạm Văn Diêu, Hà Như Chi, Lê Văn Siêu, Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng, Nguyễn Hồng, Phan Phát Huồn, Nguyễn Khắc Xuyên, Phạm Đình Khiêm, Đỗ Quang Chính v.v… Ngay cả đến linh mục - nhà Việt Nam học Cadière – trong toàn bộ các tiểu luận về đời sống văn hoá, tín ngưỡng Việt Nam – cũng chỉ dừng lại ở cái mẫu số chung còn bỏ ngỏ: “Việt Nam là một dân tộc mà ở tất cả các tầng bậc xã hội, tình cảm tôn giáo thể hiện một cách mạnh mẽ, như chế ngự trọn vẹn đời sống. Nó bao trùm lên tất cả sinh hoạt hằng ngày… Tôn giáo chiếm hữu lấy họ ngay từ khi mở mắt chào đời, dẫn dắt họ đi suốt đường đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Thậm chí, cả khi chết rồi, tôn giáo còn phủ bóng trên họ. Khi nhận ra cái nguồn gốc sâu xa mà các thần linh thuộc thế giới siêu nhiên đã gieo vãi trong tâm hồn người Việt Nam, người ta không thể phủ nhận sự thật: Dân tộc này là một dân tộc hết sức sùng đạo…Khi thì tình cảm ấy bùng nổ ra giữa thanh thiên bạch nhật trong dáng vẻ long trọng của các nghi lễ nơi các đền đài của những tôn giáo được nhà nước công nhận. Khi thì nó náu mình khép nép nơi một gốc cây, trước một viên đá sần sùi. Lại có trường hợp, người ta diễn cảm lời cầu kinh của mình thành những ca vãn có kèm theo âm nhạc và nhảy múa. Nhưng cũng có lúc người ta lại thầm thì khấn xin điều gì đó mỗi khi ngang qua một cái am nhỏ đầy ma mị…” (Triết Lý Dân gian – Vũ Trụ Luận, Tạp chí Anthropos, 1907-1908). Là những kẻ hậu sinh, chúng tôi chỉ dám dự thảo bằng cách ghi nhận khái quát một thực tế như trên về mối quan hệ giữa Công giáo với văn học tại Việt Nam. Có nghĩa là đến nay, câu hỏi vẫn để ngỏ, mở ra nhiều chiều, chưa thể đi đến kết luận. Tóm lại, qua các công trình nghiên cứu tổng quát hoặc chuyên khảo của các tác giả trên, một số vấn đề căn cốt của văn học Công giáo, của văn học Công giáo Việt Nam chưa được đặt ra. Chẳng hạn, tính cách của văn học Công giáo; các khuynh hướng văn học và các tác giả tác phẩm tiêu biểu của văn học Công giáo Việt Nam. Và quan trọng hơn, chẳng hạn, văn học Công giáo Việt Nam trong một viễn tượng lịch sử; diện mạo và đời sống văn học Công giáo Việt Nam như thế nào trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam…Đó là trường hợp Vũ Ngọc Phan (1940) và Hoài Thanh, Hoài Chân (1941) đã làm được, khi nhận định về tính Công giáo trong tiểu thuyết Một Linh Hồn của Thuỵ An và thi phẩm Xuân Như Ý của Hàn Mạc Tử. Nhưng ngần ấy lại chỉ là cá biệt, riêng lẻ, chưa làm rõ được một đời sống có thật và toàn diện của cộng đồng Công giáo Việt Nam còn mênh mông, bát ngát hơn nhiều.

Chẳng rõ là định kiến, là ngộ nhận hoặc thận trọng? Giới nghiên cứu nói chung vẫn có cảm tưởng, hình như văn học Công giáo Việt Nam là một thế giới đóng kín, thuộc về một cõi riêng tư nào đó, biệt lập, âm thầm, khó thâm nhập. Cho nên xét cho cùng, sở dĩ có sự thiếu vắng – không đáng trách, nhưng đáng buồn – ấy là vì nhiều lý do gần xa khác nhau. Xin trưng dẫn một vài trường hợp:

Rất nhiều tác phẩm (ca, vãn, tuồng, truyện) khuyết danh, ẩn danh, vô danh hoặc chỉ đọc thấy vài chữ viết tắt ở đâu đó, nơi những bản thảo, những di cảo. Khổ nỗi, những chữ này lại có nguồn gốc từ cổ ngữ Latinh rất nhà thờ nhà chung. Nhiều người trong đạo còn chưa tường, huống chi người ở bên ngoài đạo làm công việc tìm hiểu, nghiên cứu. Vẫn biết chỉ vì đức khiêm tốn, vâng lời tối mặt, để sáng danh Chúa hoặc để cho việc truyền giáo, giữ đạo được an toàn mà đa phần các tác giả phải ẩn mình trong những ký tự như J.M.J (Jésus, Marie, Joseph), A.M.D.G. (Ad Majorem Dei Gloriam) hoặc những tên thánh như Simon, Catarina, Phanchicô, Inê… Tác phẩm Công giáo ở dạng lưu hành nội bộ này rất phổ biến, chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số sách vở Công giáo Việt Nam xuyên suốt các thế kỷ XVII-XX. Bán tín bán nghi về tên tuổi, không rõ xuất xứ nhân thân, hoàn cảnh của tác giả tác phẩm, hoạ may chỉ còn cách là phăng tìm chính ngôn ngữ của bản văn mà hệ quả thường rơi vào dự đoán, kém giá trị. Đó là trường hợp của các tác phẩm Hán Nôm Quốc ngữ Công giáo có tầm cỡ và rất phổ biến như: Cảm Tạ Niệm Từ, Alêxù Vãn, Tứ Mạt Ca, Nghinh Hoa Tụng Kỳ Chương, Văn Côi Thánh Nguyệt Tán Tụng Thi Ca, v.v…

Có những tác phẩm rõ ràng do người Công giáo sáng tác, biên soạn, nhưng nội dung chẳng nói gì về Chúa về đạo, mà thuần là những chuyện văn hoá nghệ thuật Việt Nam, đông tây, kim cổ. Nguyễn Trường Tộ, Petrus Ký, Huình Tịnh Paulus Của và Mai Lão Bạng, Nguyễn Văn Mại chẳng hạn. Có nên trải thảm thỉnh mời các bậc danh nhân văn hoá, nhân sĩ cách mạng ấy vào trong toà nhà Văn học Công giáo Việt Nam không? Ở đây, nên nhân danh tiêu chí nào, là con người Công giáo hay tác phẩm có nội dung Công giáo?

Trong khi đó, có vô số tác giả tự nhận là Kitô hữu, bởi tác phẩm của họ đầy dẫy những từ ngữ, hình ảnh Chúa, Đức Mẹ, nhà thờ, nhà chung y hệt kiểu cách nói năng kinh sách của người đạo gốc đạo dòng. Nhưng tư tưởng và nghệ thuật thì hời hợt, tầm thường. Thiết tưởng đây là chuyện cần phải được xem xét thật nghiêm túc, kỹ lưỡng hơn. Bằng không, diện mạo và đời sống văn học nhà đạo sẽ chẳng có gì khởi sắc, sẽ buồn tẻ vô cùng, không đáng gọi là văn học.

Chúng tôi đang nghĩ về cái “tàng kinh các” bao gồm hàng trăm hàng nghìn công trình biên khảo, nghiên cứu, giáo trình, tiểu luận, luận án tiến sĩ Thần học, Triết học, Phụng vụ, Tín Lý, Giáo phụ, Tôn giáo, Linh đạo, Thánh Kinh, Tu đức, Tự điển Ngôn ngữ, Sử học, Văn hoá Nghệ thuật của các đấng bậc làm thầy trong Hội thánh và của quý vị học giả – giáo sư ở các trường Đại Học trong và ngoài Việt Nam từ 1945 đến nay. Lại phải kể tới hàng loạt tác phẩm viết về đạo bằng tiếng Latinh, Pháp, Ý, Bồ, Tây Ban Nha của các thừa sai và quan chức nước ngoài đã phổ biến rộng rãi hoặc còn đang ngủ yên nơi các thư viện Âu châu. Thư mục ở dạng này đồ sộ và kinh điển lắm, chỉ tiếc chưa ai mở cửa, bắc cầu để tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu, phổ biến cho rộng đường khơi tả.

Chúng ta nghĩ gì về các tác phẩm phản ánh sâu sắc nội dung mạc khải Công giáo, đồng thời đạt giá trị nghệ thụât, mặc dù tác giả không phải là người Công giáo? Đó là trường hợp: Tuồng Joseph của Trương Minh Ký (1888); Văn Tế Đức Cha Allys, Mừng Lễ Giáng Sinh cùng nhiều bài chính luận rất xác tín về đức Chúa Trời của chí sĩ Phan Bội Châu viết trên tờ báo Tiếng Dân (1936), Vì Chúa (1936-1937); của nhà văn Lê Văn Trương đăng trên Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (7-1956) v.v…

Và còn nhiều, rất nhiều tác giả tác phẩm thuộc các lĩnh vực thi ca, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh cảm hứng từ Thánh Kinh, hạnh tích, hoặc từ thực tế đời sống đức tin của người Công giáo. Chúng tôi không dám bao biện, vơ vào. Nhưng rõ ràng Công giáo, ít nhiều, đã khơi gợi trong lòng văn nghệ sĩ Việt Nam một gặp gỡ mới mẻ, một đồng cảm khác lạ, tinh khiết, thiêng liêng nào đó. Chẳng hạn, tân nhạc Việt Nam, lần đầu tiên, có bóng dáng nhà thờ êm ả, có tiếng chuông rộn rã sớm chiều, có vang rền nền nã thánh ca, những chuyện tình lứa đôi nửa đêm hẹn nhau đi lễ Giáng Sinh và cả nỗi u uẩn trầm tư về thân phận người: Tiếng Chuông Nhà Thờ của Nguyễn Xuân Khoát, Tiếng Chuông Chiều Thu của Tô Vũ, Giáo Đường Im Bóng của Nguyễn Thiện Tơ, Chiều Bên Giáo Đường của Lê Trọng Nguyễn, Tình Ca của Hoàng Việt, Cát Bụi của Trịnh Công Sơn, Bài Thánh Ca Buồn của Nguyễn Vũ… cùng biết bao tình khúc cảm hứng từ Noël, Tà áo Nô-en, Lạy Chúa trên cao, Hai mùa Noël… Phải là người có tâm hồn nhạy cảm lắm, nhạc sĩ thiên tài Văn Cao mới khắc hoạ được một hình ảnh đẹp của ngôi làng – xứ đạo Việt Nam giữa thời mịt mờ binh lửa:

Làng tôi xanh bóng tre

từng tiếng chuông ban chiều

tiếng chuông nhà thờ rung…

(Làng Tôi, 1947)

Hàn Mạc Tử – nói như Hoài Thanh Hoài Chân – Hình như trong các thi phẩm xưa nay có tính cách tôn giáo, không có gì giống như vậy. Hàn Mạc Tử đã dựng riêng một ngôi đền thờ Chúa… Thơ Hàn Mạc Tử ra đời, điều ấy chứng tỏ rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ.

Đây, thi sĩ của đạo quân Thánh giá

Nửa đêm nay vùng dậy để tung hô.

(Nguồn Thơm)

Tuy không thể xác tín được như trên, nhưng các nhà thơ Việt Nam, tôi trộm nghĩ, họ đã đứng thật gần bên nhà thơ tín hữu Hàn Mạc Tử và họ đã nói giùm người tín hữu Công giáo chúng ta những nỗi niềm muốn thân thưa cùng Chúa, cùng Mẹ, cùng nhau.

Tôi sẽ đến trước mặt Người, Thượng Đế

Để kêu than khi tôi đã lìa đời

Khi lá rụng và hồn tôi đã xế

Sang bên kia thế giới của loài người

(Huy Cận, Lửa Thiêng, 1940)

Loài người nay trần truồng không Thượng Đế

Dắt nhau đi trong tiến bộ diệu kỳ

Ngày tàn rồi, bóng tối đến lâm ly

Đêm u khổ vào cuộc đời tội lỗi

Đêm đã đến, chiều nhân gian hấp hối

Ánh sáng ơi, khao khát đến vô cùng…

             (Quách Thoại, Giữa Lòng Cuộc Đời, Saigòn 1956)

Khi mắt em rung bóng giáo đường

Chiều mưa trên mái tóc tha hương

Anh đi trong gió và anh nguyện

Tìm những hồn đau lạc biển sương

Em chắp đôi tay khấn nguyện thầm

Ngàn sao vọng lại một hồi âm

Bài kinh tín mộ từ nguyên thuỷ

Còn ngát mùi hoa, đượm khói trầm…

(Đinh Hùng, Hồi Chuông Giáo đường, Đường vào Tình sử, Sàigòn, 1967)

Chiều buốt linh hồn, tôi đứng đây

Nguyện cầu Thánh giá, chắp đôi tay

Rưng rưng mắt lệ nhìn xa thẳm

Mơ lửa trời thiêng cháy vạn ngày

                                (Hồ Dzếnh, Hiu Quạnh, Hà Nội, 1944)

Chiều lạnh quá, ngoài kia, đời đã xế

Vào đây con, trong lửa ấm lòng cha

Con nhớ nhung ánh sáng tiệc đời hoa

Đèn trăm nến, thơ muôn màu đã tắt

(Hồ Dzếnh, Hồn Chiều)

Mẹ đẹp vô ngần, Mẹ trắng phau

Gấp nghìn hoa huệ, vạn bồ câu

Và nhan sắc Mẹ không là gấm

Nhưng dệt bằng hương rất nhiệm mầu

(Hồ Dzếnh, Mẹ Maria)

Trưa hôm nay, con ngồi như trẻ nhỏ

Giữa đáy trưa trong lòng Mẹ vô cùng

Con là sáo, Mẹ là ngàn vạn gió

Mẹ là trời, con là hạt sương rung

(Xuân Diệu)

Trên cõi thiên đường ngát ánh sao

Tinh anh toả rộng bốn trời cao

Phiêu diêu anh sống bên toà Chúa

Dựng một đài thơ ở chốn nào

Em chỉ cầu xin một buổi chiều

Dưới bàn tay Chúa, cạnh người yêu

Ta tung thơ lạ cho trần thế

Lạy Chúa, đời con đã khổ nhiều…

(Mai Đình, Trăng cũ chiêu niệm Hàn Mạc Tử, 11-1948)

Đây, Tha La xóm đạo

Có trái ngọt, cây lành

Tôi về thăm một dạo

Giữa mùa nắng vàng hanh

(Vũ Anh Khanh, Tha La xóm đạo, 1955)

Lần kia, anh ghiền nghe tiếng chuông

Làm thơ sầu mộng dệt tình thương

Để nghe khe khẽ lời em nguyện

Thơ thẩn chờ em trước thánh đường

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ

Hai bóng cùng đi một lối về

E lệ, em cầu kinh nho nhỏ

Thẹn thùng, anh đứng lại, không đi

Lạy Chúa, con là người ngoại đạo

Nhưng tin có Chúa ở trên cao

Trong lòng con giữ màu hoa trắng

Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ôi.

(Kiên Giang, Hoa Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím, Bến Tre, 1958)

Ngày xưa tôi có người em nhỏ

Quê ở Thanh Bồ, xứ đạo xa

Mỗi bận gửi thư, em dặn nhớ

Khi nào có dịp ghé thăm nhà

Một lần, về giữa mùa sinh nhật

Hai đứa cùng đi lễ với nhau

Dâng Chúa lời xin thành khẩn nhất:

“Cho hai con đẹp mộng ban đầu”

… Để sang năm mới, ngày sinh nhật

Có một người yêu đợi một người

Xin lễ nửa đêm làm lễ cưới

Cho tròn ước nguyện tuổi đôi mươi.

(Nhất Tuấn, Truyện Chúng Mình, 1964)

Ngày xưa, xin Chúa một điều:

Chúng con mong nhận thật nhiều tình nhau

Cứ gì pháo đỏ, trầu cau

Mới nên nghĩa nặng tình sâu cả đời

Chỉ xin được Chúa nhận lời

Chúng con thề sẽ suốt đời yêu nhau

Nhưng rồi, Chúa ở trên cao

Lời thề ai đã bay vào hư không.

(Lệ Khánh, Nguyện Cầu, 1966)

Thì ra, đức tin đã đến và ở lại với người Việt mình từ thuở nào, chẳng ai hay. Muộn màng, non trẻ, lặng thầm mà nhuần nhị, bền lâu. Bước đi của lịch sử truyền giáo tới đâu, mọc lên hoa trái văn học tới đấy. Không gióng trống mở cờ. Không tuyên ngôn, cương lĩnh, biểu ngữ, hô hào. Đáo giang tuỳ khúc, nhập gia tuỳ tục. Gối lên sóng mà bơi. Nước lên thì thuyền lên. Chẳng có biên giới nào ngăn cách đức tin với văn hoá, tôn giáo với văn học. Cứ vỡ đất, gieo hạt. Cứ trồng trọt, tưới tắm. Đã có sương trời hơi đất thì ắt có ruộng mật bờ xôi. Tôi hằng tin vào Sấm ngôn:

Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời

Không trở về trời, nếu chưa thấm xuống đất

Chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nảy lộc

Cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn

Thì Lời Ta cũng vậy

Một khi xuất phát từ miệng Ta

Sẽ không trở về với Ta, nếu chưa sinh hoa trái

(Is 55, 10-11)

Không phải ai ai cũng được ơn mạc khải, linh ứng. Hàn Mạc Tử là một trường hợp đặc biệt của đặc biệt. Lần đầu tiên trong cõi thi ca Việt Nam, trong cơn rên siết đớn đau bi luỵ nhất, Hàn vẫn giữ cho lòng mình tinh khiết (La pureté de l’âme) để nguyện cầu:

Tôi van lơn, thầm nguyện Chúa Giêsu

Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối

Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi

Của bàn tay thi sĩ, kẻ lên trăng.

(Đêm Xuân Cầu Nguyện)

Đây rồi, đây rồi, chuỗi ngọc vàng Kinh

Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý

Trượng phu lời và Tông đồ triết lý

Là nguồn trăng yêu mến nữ Đồng Trinh…

Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước

Cho tình tôi nguyên vẹn tựa trăng rằm

(Thánh Nữ Đồng Trinh Maria)

Và lần đầu tiên, Hàn Mạc Tử mách bảo thiên hạ bốn phương trời mười phương đất rằng thơ chẳng bao giờ cạn nguồn, hãy đến và múc lấy cảm hứng từ mạch suối vô thuỷ vô chung là Đức Chúa Trời: “Người tri kỷ của thi sĩ phải là một bậc cao quý, toàn tài năng, một Đấng mà thi sĩ nhận lấy như là hết cả mọi sự. Đấng ấy là Đức Chúa Trời… Cho nên tất cả thi sĩ trong đời phải quy tụ, phải đi khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời. Với một sứ mệnh của Trời, thi sĩ phải biết đem tài năng ra ca ngợi Đấng Chí Tôn và làm cho người đời thấy rõ vẻ đẹp của thơ để đua nhau nhìn nhận và tận hưởng. Những thi sĩ nào không biết đem tài ứng dụng vào chỗ tốt đẹp thì sẽ bị Đức Chúa Trời lấy tài lại một cách nhãn tiền…Baudelaire nói thơ văn không thể dung hoà với khoa học hay luân lý và thơ văn không thể lấy chân lý làm chủ đích, thơ chỉ là thơ. Baudelaire nói trái ngược với lẽ tự nhiên. Baudelaire thuộc về phái vô thần, nên không tin cả chân lý, không nhận chân lý làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Còn Trí (Hàn Mạc Tử) phải lấy Đức Chúa Trời làm chân lý, làm tiêu chuẩn cho văn thơ, văn thơ không phải bởi không mà có.”

(Quan niệm Thơ. Chơi Giữa Mùa Trăng, Qui Nhơn, Juin, 1939)

 

Tác giả: Francis Assisi Lê Đình Bảng

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!