Jos. Hoàng Mạnh Hùng
Hơn 4 tháng vắng tiếng chuông nhà
thờ, những tiếng thánh ca, những tiếng kinh nguyện râm ran … mọi sinh hoạt cộng
đồng tưởng như bị ngưng hẳn khi mọi người “ở đâu yên đấy” lẩn quẩn trong vòng
vây của những kẽm gai, tôn chắn. Từng con phố, ngõ hẻm, nhà cửa … mọc lên những
tấm biển đỏ kèm theo nhừng dòng chữ: “Khu vực cách ly, không được ra vào”, “Khu
vực phong tỏa, không phận sự miễn vào”, “ Gia đình có F0 đang cách ly, điều trị
tại nhà”, ….
Nhưng không hẳn như vậy, nép dưới
bóng ngôi giáo đường là những hoạt động âm thầm ngày ngày thay cho những lời
kinh nguyện dâng lên Chúa. Ngay từ những ngày đầu dịch, Caritas TGP thông qua
các giáo xứ (Gx.) đã có những phần gạo hổ trợ hàng tuần. Rồi kế hoạch hổ trợ bằng
hiện kim của HĐGM VN như cơn mưa đầu mùa làm triển nở những bông hoa thiện
nguyện.
Cảm động thay những nhà hảo tâm từ
khắp các nơi kể cả ở nước ngoài, người có nhiều cho nhiều, người có ít cho ít,
người góp công, người góp của, cùng nhau đóng góp cho quỹ “Tương thân tương ái”
của HĐMV Gx. Rồi từng đoàn xe tải, chở lương thực, rau củ quả từ các các giáo
xứ miền Tây, miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên … và ngay cả ở Tp. cũng thông qua quý
Cha và các thiện nguyện viên đổ về Gx.
Xứng đáng là những cánh tay nối dài
của Cha xứ, Cha phó - Ban điều hành các giáo khu, đoàn viên GĐPTTT CG và một số
anh chị em thiện nguyện đã không ngại nguy hiểm rình rập ngày đêm lo đi phân
phát cứu trợ. Những túi gạo, con cá, miếng thịt, những bịch rau củ quả … đã
được các anh chị em tải về có khi là 1-2 giờ sáng rồi phân chia để kịp gởi tới
bà con không phân biệt lương giáo ngay trong ngày. Hình ảnh những người cùng
xóm chia nhau từng bó rau, quả bí, từng ký gạo, củ khoai …. Người này nhận được
chia sẻ cho người kia cùng nhau vượt qua cơn bĩ cực đã làm ấm lòng những thiện
nguyện viên.
Rồi những lần phải … thông chốt, những nơi vùng đỏ
phải khoác lên mình những bộ đồ bảo hộ như lực lượng tuyến đầu để đi đến những
phòng trọ trong hang cùng ngõ hẻm, những nơi trong rào chắn với biển báo cách
ly. Không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt tôn giáo, ai khổ, ai thiếu đều
được cứu, được giúp. Những phần quà tuy nhỏ nhưng cũng đã làm vơi đi phần nào
những lo toan về lương thực, thực phẩm.
“Xóm Bắp” - cái tên không mấy xa lạ
với bà con Gx. TMT – người địa phương còn gọi là xóm đồng mả vì nơi đây có
những ngôi mộ từ lâu đời. Ờ nơi đây, có những những ngôi nhà không số hoặc có
nhưng trùng lắp, “xẹc” (sur) 1a …1b ….
Khi gọi tên người đầu tiên trong danh
sách, từ trong ngôi nhà (hay đúng hơn là túp lều) được ẩn khuất sau một ngôi mộ,
hàng chục người bước ra khiến anh em chúng tôi quyết định đứng ở đầu ngõ gọi
tên từng người vì sợ tụ tập đông người. Rồi việc trao quà đã diễn ra êm đẹp tuy
có những trục trặc nhỏ nhưng đã được anh em giải quyết tại chỗ.
Không chỉ ở xóm này mà ngay cả những
người có nhà cửa hẳn hoi cũng lâm vào những hoàn cảnh khó khăn. Cầm cự được 1
tháng, rồi 2 tháng và bây giờ vào tháng thứ 3 thì họ “đuối” thực sự vì phải chạy
lo lương thực, thực phẩm hàng ngày cho thể xác. Tinh thần thì bức bối đâm ra dễ
bẳn gắt, to tiếng vì những lí do nhỏ nhặt khi cả gia đình thất nghiệp ngồi
không ngó nhau!
Số người nhiễm Covid cứ tăng vọt lên hàng ngày. Từ
hàng chục, hàng trăm, rồi đến hàng nghìn và lên đến hàng trăm nghìn. Số người
rơi vào trạng thái nguy kịch và tử vong cứ thế tăng theo. Giãn cách càng dài
càng nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, làm sao có thể giúp đỡ cho hết
được Chúa ơi?
Những hình ảnh dòng người nườm nượp
về quê đăng trên các trang báo mạng vào những ngày đầu nới lỏng giãn cách có lẽ
đã lấy đi không ít nước mắt - nước mắt cơ cực của những người trong cuộc và
nước mắt của những người thương cảm.
Những lần về quê trước đây có đưa, có
đón và mang theo bao nỗi vui mừng về tinh thần và vật chất tích lũy sau cả năm
trời tha phương chở về nhà như ngày xưa “vinh quy bái tổ”.
Bây giờ … kéo nhau về quê như một sự
chạy trốn, chạy khỏi những ổ dịch và trốn khỏi cái chết. Hành trang lần này
không còn là những món quà mà chỉ là những vật dụng thiết yếu với cái túi đang
cạn dần những đồng tiền dành dụm cuối cùng … và chắc hẳn cũng có những hũ tro
cốt người thân đem về nương thân lần cuối nơi quê cha đất mẹ. Buồn …!
Bây giờ sinh hoạt tôn giáo cũng đã được khôi phục tuy số lượng
giới hạn và phải tuân theo triệt để những quy định trong hoàn cảnh “bình thường
mới”. Cũng có những ý kiến lăn tăn về vấn đề này nhưng ai cũng nhận thấy rằng
đã đến lúc cần đến “những lương thực không hư nát” cho cuộc sống. Xin hãy cứ để
Lời Chúa vang lên soi sáng trong tâm hồn mỗi người - “Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời…” (Mt 6,20). Chúng
ta đã lo được lương thực hàng ngày cho
thân xác và cũng cần phải tìm kiếm của ăn cho tinh thần, cho niềm tin của mình.
Đã đến lúc chúng ta cần phải ý thức hơn thân phận
mỏng giòn nay còn, mai thì chưa biết ra sao của mình và biết trân quý hơn những
giá trị cuộc sống, trân quý những điều được Chúa ban tặng nhưng không. Ranh
giới giữa sự sống và cái chết quá thật mong manh, cuộc đời quá thật ngắn ngủi,
chóng qua như hơi thở. Vậy nên, hơn thua tranh giành nhau để làm gì, để rồi khi
lìa đời giàu hay nghèo cũng chỉ ra đi với một tấm khăn liệm, một tấm nilon bó
chặt trong một quan tài đơn sơ cùng ngọn lửa thiêu xóa đi thân phận của một con
người!
Mọi sự thế gian đều phải bỏ lại thế gian. Chỉ có bác
ái, yêu thương sẽ theo ta mãi mãi. Chỉ có những công việc bác ái mà hàng ngày ta
tích góp mới trở nên kho tàng đích thực và là người bạn duy nhất theo ta đến
trước tòa Chúa. Vậy nên, lúc còn có thể làm được cho ai cái gì thì làm,
giúp được gì cho ai cứ giúp với tâm nguyện “Thương
xót kẻ khó nghèo là cho ĐỨC CHÚA vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng việc đã làm.” (Cn
19,17).