Jos. Hoàng
Mạnh Hùng
Theo quan niệm dân gian,
muối là một thức
ăn quan
trọng không thể thiếu cho cuộc sống chỉ xếp sau gạo. Nó là gia vị cần
thiết cho sự sống của mọi cơ thể. Chính vì vậy, muối trở thành biểu niệm cho sự
mặn mà, thủy chung trong quan hệ con người, thể hiện sự thắm thiết, mặn nồng
của tình cảm đôi lứa (Gừng cay muối mặn
xin đừng quên nhau). Muối là sự kết tinh của trời đất, màu trắng của muối
tượng trưng cho sự sạch sẽ, tinh khiết. Vị mặn của nó chống xú uế, xua đuổi tà
ma và đem lại nhiều may mắn, tài lộc trong năm mới.
Vì vậy người Việt tại các
vùng đồng bằng Bắc Bộ đã có câu “Đầu năm
mua muối, cuối năm mua vôi” nhằm nói về tập tục mua muối trong ngày đầu năm
mới. Đầu năm mua muối bày tỏ mong muốn cả năm gia đình thêm gắn kết, con
cái và cha mẹ yêu thương nhau, vợ chồng hòa thuận. Vào ngày đầu tiên của năm
mới, thậm chí ngay sau khi thời khắc giao thừa kết thúc, nhiều người có thói
quen mua muối mang về nhà để lấy may cho cả năm, mong muốn cho gia đình ấm no
hạnh phúc.
Hầu hết mọi người đều háo
hức mua một vài đồng muối, không một ai kỳ kèo mặc cả và bát muối mua sẽ được đong
đầy tới tận ngọn chứ không gạt ngang miệng bát. Người ta gọi muối bán trong
ngày đầu năm mới là “muối lộc”. Mua
muối đầu năm thể hiện thứ văn hóa tình cảm: mua về sự mặn mà cho các mối quan
hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái … trong cả năm. Trong văn hóa
ẩm thực, lượng muối phù hợp có thể tạo ra sự khác biệt giữa một bữa ăn ngon hay
một bữa ăn nhạt nhẽo.
Ngày xưa, muối là sản
phẩm quí hiếm và người ta có thể đem bán hoặc trao đổi lấy những món hàng khác.
Quí hiếm đến nỗi nhiều nơi dùng muối để trả lương công nhật cho người làm. (Trong
tiếng Anh từ ngữ “salary” nghĩa là lương bổng là một biến thể của từ
“salarium”: muối trong tiếng Latin). Người ta xem chức năng quan trọng
nhất của muối là bảo tồn thực phẩm, kế đến nó mới là gia vị. Dùng muối để ướp
thịt ướp cá sẽ bảo quản thịt cá được lâu ngày. Ngày nay, nhờ những phương tiện
sản xuất phát triển, chúng ta có được muối tinh khiết để dùng, nhưng ngày xưa
muối được lấy từ mỏ hay ruộng muối có lẫn rất nhiều những tạp chất, nó không
được tinh khiết và có khi không có vị mặn.
Muối theo nền văn hóa
Trung Đông còn gợi lên nhiều giá trị như giao ước, tình liên đới, sự sống và sự
khôn ngoan. Trong Cựu ước, muối tượng trưng cho sự trung thành của Thiên Chúa.
Bởi Thiên Chúa đã ký kết một giao ước với Aaron và dòng dõi của ông là các tư
tế, những người được thánh hiến để chuyên lo phụng sự Thiên Chúa, một khế ước
bằng muối và Ngài gọi giao ước này là
“giao ước muối muôn đời tồn tại trước nhan Đức Chúa, cho ngươi và dòng dõi
ngươi” (Ds 18,19).
Khi Chúa Giêsu
phán: “Chính anh em là muối cho đời” (Mt 5,13) là Ngài muốn thông truyền cho các môn đệ của mình
và cả chúng ta ngày hôm nay ý nghĩa sứ mệnh và chứng tá của Tin Mừng. Thêm
hương vị, là thêm sức sống ơn thánh. Ướp đồ ăn cho khỏi hư, nghĩa là bảo vệ
chân lý hằng sống. Giao cho chúng ta
trách nhiệm phải trở nên giống Chúa để làm muối cho thế gian, làm mặn mà đời
sống vô nghĩa bằng tình yêu thật sự xuất phát từ tấm lòng của một người tin
kính và vâng phục Chúa.
Qua hình ảnh giầu ý
nghĩa này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, những người Kitô hữu được thánh hiến qua
Bí tích Rửa tội, là “muối” bởi vì Ngài cũng muốn chúng ta đi vào giao ước tình
yêu với Ngài, sống thân mật với Ngài, trở nên bạn hữu thân thiết của Ngài. Và
nhất là Ngài muốn những người tông đồ giáo dân chúng ta trung thành mãi mãi với
những gì chúng ta đã khấn hứa, trở nên những người trung gian có trách
nhiệm sống thánh thiện, hy sinh để cầu nguyện cho mọi tín hữu khác cũng sống
trung tín với Chúa, giống như bổn phận của các tư tế thời Cựu ước đối với
dân Israel, dân riêng của Thiên Chúa.
Là “muối” nghĩa là những
người sống đời thánh hiến phải có vị mặn thánh thiện và khôn ngoan, có đời sống
cầu nguyện thâm sâu để có thể trung tín với các lời khấn là giao ước tình yêu
với Chúa. Để thuộc trọn về Chúa, dành cả cuộc đời cho một mục đích duy nhất là
tìm Chúa, và gặp Chúa rồi thì đem Chúa đến cho người khác. Là “muối” nghĩa là
chúng ta phải sống mầu nhiệm tự hủy
mình ra không như muối hòa tan trong nước, để có thể sống âm thầm, hy sinh,
khiêm tốn, hòa hợp, và hiệp nhất với mọi người. Là “muối” nghĩa là chúng ta
phải trải qua thanh luyện, phải chịu thử thách, đau khổ, phải từ bỏ những dính
bén độc hại, và vác thập giá hàng ngày để có được màu trắng tinh khiết của
muối.
Giá trị của muối ở chỗ nó
tác động lên những vật khác. Như muối làm cho thức ăn thêm thơm ngon, người môn
đệ của Chúa Kitô được mời gọi trở nên “muối cho đời”. Làm lan tỏa hương thơm
thánh thiện cho thế gian này, bằng cách đem đến niềm vui, lòng nhiệt thành và
niềm hy vọng cho thế giới. Muối thì khác với thức ăn, nó làm cho thức ăn thêm
đậm đà. Cũng vậy, những người sống đời thánh hiến phải sống khác với thế gian,
theo nghĩa chúng ta không được phép để cho tinh thần thế gian tác động trên
mình. Đừng để mình chạy theo lối sống của người đời và suy nghĩ theo não trạng
của thế gian như lời thánh Phaolô đã nói: “Anh em đừng có rập theo đời này”
(Rm 12, 2).
Ta cũng cần để ý đến
lời Chúa nói về mất tính mặn, “Nhưng muối
mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?” (Mt 5,13). Đã là muối thì
không bao giờ mất tính mặn, vì như thế làm sao gọi là muối được? Nhưng buồn
thay nhiều người tự nhận là Kitô hữu nhưng không mang một tính mặn nào cả, nếp
sống bê tha, lừa lọc, lời nói cay độc …. Thay vì làm cho môi trường “mặn” Lời
Chúa hơn, lại làm cho môi trường trở thành đất vô vị nhạt nhẽo.
Hơn nữa, nếu hạt muối mặn
nhưng không chịu hòa tan vào nước canh thì nó cứ nằm trơ trọi một mình dưới đáy
nồi, và món canh vẫn nhạt nhẽo vô vị. Hạt muối phải hòa tan thì nó mới làm cho
món ăn có hương vị. Nếu muối không thể dùng để ướp mặn các vật khác, nó sẽ
thành vô dụng. Ý nghĩa của muối là ướp mặn cho đời, nếu muối vì sợ hòa tan nên
cứ trơ trơ ra đó thì nó đã đánh mất ý nghĩa của sự hiện hữu của nó. “Nó đã
thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5,13).
Khi sử dụng từ “muối” để
nói về các môn đệ của mình, Chúa Giêsu đã nhìn vào đời sống của họ. Ngài muốn
họ trở nên mặn hơn, đúng hơn là giữ được vị mặn, bởi vì họ đã là muối rồi. Trở
nên mặn như muối ngụ ý rằng mỗi một người có một sự hiện diện theo cách thức
đặc biệt, một lối sống làm cho đức tin của những người khác thêm mạnh mẽ. Khích
lệ tha nhân kiên trì trong đời sống cầu nguyện, và phục vụ với tấm lòng bác ái
yêu thương. Thánh Phaolô đã xem muối là biểu tượng cho sự khôn ngoan: “Anh
em hãy ăn ở khôn ngoan với người ngoài; hãy tận dụng thời buổi hiện tại. Lời
nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho
phải với mỗi người” (Cl 4,5-6).
Mỗi ngày, ngoài gia đình
ra chúng ta còn tiếp xúc rất nhiều người xung quanh nên chúng ta phải cẩn thận
trong từng lời ăn tiếng nói của mình. Bình thường, khi giao tiếp chúng ta có
thể mềm mại hòa nhã, nhưng khi có ai đó nói khích hay nói một điều gì đó chúng
ta nghe chướng tai, chúng ta có thể phản ứng ngay mà chưa kịp suy nghĩ xem coi
có nên nói hay không và nếu nói thì phải nói như thế nào để người nghe bỏ ngay
ý định nói khích chúng ta. Cũng có thể trong lúc nóng giận thì đây là cơ hội
khiến chúng ta dễ vấp phạm trong lời nói của mình và cũng dễ gây bất bình, xung
đột. Thánh Phao-lô khuyên chúng ta “Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương, để anh em
biết đối đáp sao cho phải với mỗi người”. (Col 4,6).
Để có thể sống làm muối
cho thế gian trước hết chúng ta cần phải giữ gìn đời sống của mình từ tinh thần
lẫn thể xác thật thánh khiết. Nhất là, để những người thân trong gia đình chúng
ta nhìn thấy được tình yêu của Chúa. Hằng ngày, chúng ta cùng khuyên bảo nhau đọc và suy ngẫm Lời
Chúa, cầu
nguyện tương giao với Chúa, đặt mình dưới sự dẫn dắt của Chúa. Như vậy, chúng
ta đã thực hiện nêm muối mỗi ngày cho đời sống chúng ta trở nên mặn mà hơn, và
ướp muối là giữ cho đời sống chúng ta không bị ảnh hưởng thói hư tật xấu của
thế gian, khiến chúng ta bị hư hỏng mà phạm tội với Chúa.
Nếu chúng ta từ chối việc
trở nên muối để ướp mặn thế giới này, đức tin của chúng ta sẽ thành trì trệ.
Nếu chúng ta cũng chạy theo lối sống ích kỷ chỉ lo hưởng thụ mà thôi như mọi
người khác, có lẽ chúng ta sẽ mất đi khả năng làm chứng cho Chúa Kitô. Vì bất cứ nơi nào có người
Kitô hữu chân chính, thì nơi đó phải có ảnh hưởng tốt, từ lời nói đến cử chỉ và
việc làm. Muối sẽ không có giá trị khi chỉ ở yên trong chiếc hũ. Muối không thể
ướp gia vị, bảo quản, khử trùng, được sử dụng như một món ăn hoặc thể hiện giá
trị thực cho đến khi nó được rắc ra. Đó là thời điểm duy nhất muối có giá trị.
Một cách khác, muối không thực sự giá trị khi nằm một đống vô ích, nó phải được
rắc đều.
Trong những ngày đầu Xuân
ai trong chúng ta cũng có những ước nguyện tốt lành cho một năm mới và cầu chúc
cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Nguyện xin Thánh Tâm Chúa thánh hóa để chúng
con trở nên muối “mặn Lời Chúa” và rắc đều đến những nơi Chúa mời gọi. Xin Chúa
Thánh Thần trợ giúp để một khi hiểu được ý Chúa rồi thì chúng con cũng đem Lời
Chúa ra thực hành. Cầu chúc các anh chị em tông đồ giáo dân luôn là những hạt
muối ướp mặn
cho đời với
tâm tình “Một đời trung trinh làm muối
đất ướp cho mặn đời” (Tâm tình hiến dâng – Lm. Oanh Sông Lam).
Xuân Giáp Thìn 2024