Jos. Hoàng Mạnh Hùng
Tuần lễ từ ngày 18 đến 25 tháng Giêng hàng năm được Giáo hội
dành để cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu trên toàn thế giới.
Nghi thức cầu nguyện nầy được các Giáo Hội Kitô – Tin Lành, Công Giáo, Anh Giáo,
Chính Thống Giáo, đồng thuận cùng nhau tổ chức.
Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu - là những người cùng tin vào
Đức Giêsu Kitô - đã nhen nhúm ngay từ thời kỳ sơ khai của Hội Thánh. Bắt đầu là
những căng thẳng giữa cộng đoàn Kitô hữu gốc Do Thái và Kitô hữu gốc lương dân.
“Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: "Tôi thuộc về ông
Phao-lô, tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Đức
Ki-tô."(1 Cr 1,12).
Đến thế kỷ V xảy ra hiện tượng một nhóm tín hữu tách rời ra
khỏi Giáo Hội vì quan điểm thần học khác biệt và sau đó là những quan điểm thần
học đối nghịch với Kitô giáo. Nhưng Giáo Hội vẫn duy trì được sự hiệp nhất cho
tới năm 1054 khi hai Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương ra vạ tuyệt thông cho
nhau, khiến cho Giáo Hội bị chia rẽ thành Công Giáo và Chính Thống giáo.
Tiếp đến vào thế kỷ XVI có phong trào cải cách Tin Lành với
Martin Luther ở Đức, John Calvin ở Thụy sĩ, Anh Giáo với Vua Henry VIII … rồi các thế kỷ tiếp theo đã nảy sinh ra hàng ngàn
cộng đoàn Kitô khác nhau, đặc biệt là ở Mỹ, khiến cho Kitô giáo chia thành gần
9.000 Giáo Hội và cộng đoàn đủ loại.
Chính Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly đã tha thiết dâng lên
Thiên Chúa Cha lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. “Lạy Cha,
con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ
mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ
cùng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga
17,20-21).
Cách đây hơn năm mươi năm Công Đồng Vaticăng II đã lấy việc
tìm về hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô thuộc mọi Giáo Hội và cộng đoàn khác nhau
như trung tâm cuộc sống và công trình của Giáo Hội. Qua Thông Điệp ”Để chúng
nên một”, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh rằng hiệp nhất là
bổn phận và trách nhiệm của toàn thể Giáo Hội, của tất cả mọi người đã được rửa
tội.
Ngày 22 tháng 01 năm 2014 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô
cũng đã ban hành Huấn dụ về Hiệp nhất Kitô giáo mời gọi chúng ta hiệp ý cầu xin
cho các Kitô hữu thuộc các Giáo Hội khác nhau có thể tiến tới sự hiệp nhất mà
Chúa Kitô đã mong muốn. Ngài nhấn mạnh: “Chắc chắn là Đức Kitô không bị chia
xẻ. Nhưng chúng ta phải đau lòng chân thành công nhận rằng các cộng đồng của
chúng ta vẫn tiếp tục sống trong chia rẽ, đó là một gương mù. Những chia rẽ
giữa các Kitô hữu là một gương mù. Không có lời nào khác: một gương mù. “
Nhưng Bí tích rửa tội là yếu tố hiệp nhất giữa các Kitô hữu.
Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được tháp nhập vào Thân Thể của Đức Kitô, được trở
thành con Thiên Chúa, được lãnh nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần. Hơn nữa, qua
bí tích rửa tội, chúng ta đang thực hiện một cuộc hoán cải sâu xa, toàn diện.
Nhờ cuộc hoán cải này, mọi người nhận ra mình nơi Thiên Chúa và nhận ra anh chị
em mình trong Thiên Chúa. Sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu đã phát xuất từ niềm
tin, bí tích rửa tội và sự hoán cải cá nhân.
Được sự cổ vũ của Giáo hội, nhiều đoàn thể Công giáo tiến
hành với những linh đạo và đường lối hoạt động tông đồ mới mẻ và khác nhau đã
được thành lập. Đã là đoàn thể thì đương nhiên cần phải tập hợp được nhiều đoàn
viên và càng có nhiều đoàn viên thì bên cạnh sự phát triển cũng có mặt trái là
sự hiệp nhất khó toàn vẹn. Cha ông ta đã từng nói “Trăm tay vỗ nên kêu”
nhưng cũng đã ngậm ngùi kinh nghiệm: “Lắm thầy thối ma, nhiều cha con khó lấy
chồng”.
Có những đoàn viên vẫn tiếp tục sống chia rẽ ngay trong nội thân khi cùng lúc
tham gia nhiều đoàn thể mà không tiên lượng sức mình. Đa phần con người chúng ta
đều có giới hạn về thời gian, khả năng và sức lực nên việc tham gia hoạt động
trong nhiều đoàn thể sẽ không hiệu quả và gây khó khăn, phiền hà cho các đoàn
thể.
Tự hào là đoàn viên của hết đoàn thể này đến đoàn thể kia,
nhưng chỉ ghi tên theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” (dù cũng tuyên hứa như ai!), thi
thoảng mới tham gia sinh hoạt để xem may ra có được vị thế hay quyền lợi này nọ,
chứ không thực sự cố gắng đổi mới tâm hồn, đời sống nội tâm và dấn thân để xây
dựng và hoạt động tông đồ theo đường hướng của đoàn thể.
Rồi có những đoàn viên coi cái tôi làm trọng, có ý hướng tham vọng về chức tước,
địa vị và quyền lực tiềm ẩn trong thâm tâm hoặc được biểu lộ qua lời nói và việc
làm. Khi được Chúa ban cho chút ít năng lực cống hiến cho đoàn thể hay được cất
nhắc vào các vị trí này nọ, thì sinh ra tự hào ta đây. Coi mình hơn người, rồi
coi thường người khác hoặc tâng bốc người trên và gièm pha, chỉ trích nhằm hạ
giá người khác. Từ đó đi theo sinh hoạt tách biệt theo ý mình, không tuân theo
nội quy của đoàn thể, của cấp trên.
Lại có những tập thể thích đánh bóng và tô mầu cho mình cách
thái quá làm phát sinh ra óc địa phương tính: cái gì cũng coi mình là hay, là
giỏi hoặc cái gì cũng muốn cho mình đứng nhất. Khi thấy mình không được như ý
thì đòi hỏi đoàn thể phải “du di”, “nâng đỡ” hoặc dọa dẫm ly khai, tách biệt
khỏi đoàn thể.
Những thiếu sót đó dù chỉ xảy ra ở một số ít tập thể hoặc cá
nhân như một gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ. Nhưng nó chính là mầm mống của sự
chia rẽ mà nếu chúng ta không nhận ra và ngăn chận, nó sẽ lan tỏa và phá vỡ sự
hiệp nhất trong từng đơn vị của đoàn thể.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu là nguồn mạch của sự yêu thương hiệp
nhất. Khi xưa Chúa đã nguyện cầu cho các Tông đồ và tất cả mọi người tin vào
Ngài được liên kết với nhau nên một. Xin cho chúng con nhận ra và dập tắt được
những mầm mống chia rẽ ngay chính trong con người chúng con. Xin cho chúng con
biết khai trừ mọi lãnh đạm, lòng nghi ngờ và tính đố kỵ tiềm ẩn nơi chúng con.
Xin cho tâm hồn chúng con được gặp nhau trong Chúa để môi miệng chúng con luôn
vang lên lời nguyện cầu hiệp nhất như lòng Chúa ước ao.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Tình Yêu hoàn hảo, xin cho chúng con
có một con tim “Khiêm hạ, hiền lành, rộng lượng, cởi mở với tất cả mọi người
để chúng con biết khoan thứ với tha nhân bằng tình yêu, giữ gìn sự hiệp nhất”
như Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi. Xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa con
đường dẫn đưa mọi người đến Hiệp Nhất trong đức Yêu Thương và Vâng Phục. Amen.