Jos. Hoàng Mạnh Hùng
Thiếu thời, tôi có may mắn được
sống nội trú trong một cộng đoàn nhận Thánh Gioan Tiền Hô làm quan thầy. Những
lời kinh nguyện hàng ngày “Lạy Thánh Gioan Tiền Hô Đức Kitô là Thánh sư chúng
con, Thánh sư đã được Chúa chọn ngay từ trong lòng mẹ để dọn đường cho Chúa cứu
thế, làm chứng và rao giảng về Ngài …” đã thấm đẫm và in sâu vào tâm trí tôi về
một vị thánh mà đã có lần Chúa
Giêsu ca ngợi là: “trong số những người sinh ra bởi
người nữ, chưa từng có ai cao trọng hơn.”
(Mt 11,11).
Sự ra đời của thánh nhân là một
đặc ân của Thiên Chúa vì Gioan Tiền Hô - hay còn gọi là
Gioan Baotixita, Gioan Tẩy Giả - là con của thầy tư tế
Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét, chị họ của Đức Maria. Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên
Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được
điều gì. Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi. Vả lại,
cả hai đều đã cao niên (Lc 1,6). Cả hai không ngừng cầu xin Chúa ban cho họ
một người con vì theo quan niệm Do Thái những
cặp vợ chồng không con nối dòng trong ngày Đấng cứu thế
ngự đến sẽ bị khinh khi, miệt thị.
Lời khẩn cầu của họ đã được
Chúa dủ lòng thương nhậm lời. Trong cuộc
bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông Da-ca-ri-a đã trúng thăm được vào dâng
hương trong Đền Thờ. Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở
bên ngoài. Sứ thần Chúa báo
tin cho ông biết Thiên Chúa đã nhận lời
ông bà và vợ ông sẽ sinh một đứa con trai. Nhưng
vì Da-ca-ri-a hoài nghi, vì thế Chúa đã
để ông bị câm trong suốt thời gian vợ ông mang thai và sinh con.
Theo tục lệ của người Do Thái, khi con trẻ
được tám ngày, người ta đến làm phép cắt bì, và tính lấy
tên cha để đặt cho em. Nhưng cả
hai ông bà đều dứt khoát đặt tên cho con trẻ là Gioan.
Tên Gioan có nghĩa là “Chúa thương” và đó là tên do
sứ thần Chúa bảo ông
phải đặt cho con mình. Đây là một cái tên
đặc biệt vì không ai trong họ hàng bà Ê-li-sa-bét có tên
đó. Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông
Da-ca-ri-a lại mở ra, nói được, và dâng lời ngợi khen
Thiên Chúa: " Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng
Tối Cao; con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết : Người
sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên" (Lc 1, 76-77).
Gioan còn được Thiên Chúa ban cho đặc ân khỏi tội nguyên tổ
từ khi ông còn là bào thai nhảy mừng trong bụng mẹ khi được Đức Maria viếng
thăm.(x. Lc 1,39-45). Ngoài Chúa Giêsu và Đức
Trinh Nữ Maria, chỉ có Gioan Tiền Hô là vị thánh được Giáo hội mừng kính vào
ngày sinh nhật (24/6) và ngày qua đời của mình (29/8). Tất cả chúng ta, khi mở
mắt chào đời, đều mang theo mình tội nguyên tổ. Nếu lập nhiều công phúc ở trần
gian mà về trời hiển thánh thì mới được mừng lễ vào ngày qua đời (ví như ngày
sinh nhật tại nước trời) như bao vị thánh. Còn thánh Gioan lại được Giáo hội
mừng cả lễ sinh nhật trần gian và sinh nhật nước trời nhờ đặc ân cao cả này.
Được Thiên Chúa tuyển chọn, Gioan đã thi hành sứ vụ của mình
bằng những hành động dấn thân tích cực. Ngay từ khi thơ ấu, theo tiếng Chúa gọi,
ông đã sống đời ẩn dật cầu nguyện trong hoang địa, tức vùng đồi núi Giu-đê. Đời
sống vật chất khắc khổ: mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu
và mật ong rừng. Nhưng càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cuộc sống
trong hoang địa đã tôi luyện cho ông chú tâm lắng nghe và thực hiện ý Chúa. Tâm
hồn ông luôn hướng về Đấng cứu thế mà ông sẽ phải làm kẻ "dọn đường". Ông là vị
ngôn sứ cuối cùng và cao cả của Cựu ước (x. Lc 1,76; Mt 11,9), là chứng nhân đầu
tiên của Đức Giêsu Kitô.
Như lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a,
Gioan Tiền Hô đã xuất hiện trong hoang địa, đi rao giảng khắp
vùng sông Gio-đan kêu gọi mọi người ăn năn sám hối và
chịu phép rửa để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền
Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông để được nghe giảng dạy. Họ thú
tội, và ông làm phép rửa cho họ trong nước sông Gio-đan.
Ngay Đức Giêsu cũng nhận lãnh phép
rửa sám hối từ tay ông và
tuyển chọn những môn đệ đầu tiên của mình
từ những môn đệ của ông.
Danh tiếng của Gioan đã khiến một số người
Do Thái lầm tưởng ông là Đấng cứu thế mà dân chúng
hằng mong đợi, nhưng ông khiêm tốn trả
lời: "Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em
trong nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi
không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh
Thần và lửa.” (Lc 3,16).
Trong suốt cuộc đời, Gioan luôn luôn khiêm tốn nhận mình nhỏ
bé. Chính ông tự giới thiệu mình là tiếng
kêu trong hoang mạc, là người tiền hô cho Đấng cứu thế
đang đến. “Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang
địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.
(Ga 1,23). “Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép
cho Người." (Ga 1,27). Và trong lời chứng cuối cùng của mình về Đức
Giêsu, Gioan đã đưa ra khẩu hiệu “Illum
oportet crescere, me autem minui” (Ngài
phải được nâng lên, còn tôi phải
hạ xuống) (Ga 3,30).
Khẩu hiệu này đã trở
thành lý tưởng, là luật sống cho các cộng đoàn và
mỗi người nhận thánh nhân làm quan thầy. Đối
với người Kitô hữu sống là sống
cho Chúa, vì Chúa và với Chúa. Vì vậy trong cuộc sống, ta phải
không ngừng “gạn đục, khơi trong”; chấp nhận gọt tỉa và vứt bỏ
những gì là thừa thãi trong “cái tôi” để khuôn mặt
Đức Kitô luôn nổi bật, tỏa sáng trên mỗi khuôn mặt chúng ta.
Mừng sinh nhật thánh Gioan, Giáo hội
cũng mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại ơn gọi làm ngôn
sứ của mình từ ngày được tái sinh trong phép rửa tội.
Trong ngày đó ta cũng đã lãnh nhận ngọn nến sáng với sứ mệnh “tiền hô”
của Đáng cứu thế lan tỏa cho nhân gian. Dù sống trong hoàn cảnh
nào, ánh sáng của người Kitô hữu chúng ta “phải
chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà
tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,16).
Lạy Thánh Tâm Chúa
Giêsu, Chúa đã ban cho Thánh Gioan tiền hô những
đặc ân để chuẩn bị cho Chúa một dân tộc thánh thiện. Thánh
nhân đã giúp cho những người đương thời ăn năn sám hối,
chịu phép rửa để được ơn tha tội và đón tiếp Chúa. Xin
cho những quanh co, vòng vo trong lòng chúng con được nên ngay thẳng;
những mấp mô, lấn cấn trong tâm hồn được san cho phẳng để chúng
con trở nên công cụ giúp người khác gặp được Chúa.
Xin cho chúng con được tiếp bước theo con đường của thánh
nhân: làm chứng và rao giảng Tin Mừng với tinh
thần khiêm hạ không khua chiêng, đánh trống. Cho chúng con biết mỗi ngày tự hạ
mình xuống để làm tôn vinh Chúa trong những khi thành công hay thất bại. Xin cho
chúng con dù ở trong hoàn cảnh nào, bậc sống nào vẫn luôn luôn khắc ghi trong
lòng phương châm sống đã được hun đúc qua khẩu hiệu bao quanh ngọn lửa của cây
nến Phục Sinh: "Illum oportet crescere”.