Jos. Hoàng Mạnh Hùng
Lúc còn là một cậu thiếu
niên khi nghe đoạn Tin Mừng trong ngày lễ khánh nhật truyền giáo có câu "Hãy
đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15) và
tiếng hát hân hoan, ca tụng:
Đẹp thay những bước chân
gieo mầm cứu rỗi.
Đẹp thay những bước chân
rảo khắp nẻo đời.
Ôi đẹp thay những bước
chân tiến vào giữa lòng thế giới
Loan tình thương Chúa
Trời, loan niềm vui cứu đời
Cho mọi người và mọi nơi.
(Đẹp
thay – Mi Trầm – Thánh ca cộng đồng)
Lòng tôi lại rạo rực ước
mơ được trở thành một tông đồ đi đến những miền đất xa lạ để rao giảng Tin Mừng
cho những người, những dân tộc chưa biết Chúa. Những cảnh tượng đồng lúa mênh
mông trĩu nặng những hạt lúa chín vàng không có người gặt hái khiến tôi ngây
ngất tưởng tượng như mình là một người thợ gặt chính hiệu dù chưa bao giờ cầm
tới một cái liềm, cái hái!
Dần dà tôi cảm nghiệm ra
rằng truyền giáo không chỉ như Thánh Phanxicô Xaviê từng bôn ba nơi cuối trời
góc biển nhưng còn là những lời kinh nguyện âm thầm trong nhà tu kín của Thánh
nữ Têsêsa Hài đồng Giêsu. Ngoài ra còn biết bao hình thức truyền giáo khác nhau
của hàng giáo sĩ và tu sĩ, là những người được huấn luyện đặc biệt có trường lớp
để tiếp nối sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu.
Khi được học hỏi về Sắc lệnh Tông đồ giáo dân
trong lớp Thường Huấn nâng
cao đợt 1/2014 của Gia
đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTTCG)
Sài Gòn, tôi mới vỡ lẽ thêm rằng:
giáo dân cũng có bổn phận và quyền làm
tông đồ vì qua bí tích Thánh Tẩy, họ cũng được tham gia vào chức vụ Tư Tế, Ngôn
Sứ và Vương Giả của Đức Kitô. Đức Kitô là Ðầu của họ và họ trở thành chi thể của
nhiệm thể Người. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ. Việc tông đồ được
thực thi nhờ đức tin, đức cậy, đức ái.
Để thực hiện tông đồ giáo
dân, có hai phương pháp hoạt động là tông đồ tập thể và tông đồ cá nhân. Các hội
đoàn Công Giáo Tiến Hành trong đó có GĐPTTTCG là phương pháp hoạt động tông đồ
tập thể được Giáo hội khuyến khích vì nó có tổ chức qui củ sẽ đáp ứng hữu hiệu
hơn cho nhu cầu của con người và tín hữu
Để có thể nói về Chúa cho
mọi người, người tông đồ giáo dân cần phải được huấn luyện: huấn luyện chung cho
mọi tín hữu và những lớp huấn luyện chuyên biệt cho đoàn thể tông đồ có nhiều
đoàn viên và hoàn cảnh khác nhau. Đồng thời tự thân họ cũng phải cố công học hỏi
để hiểu sâu Lời Chúa và để biết cảm thông với những người mình gặp gỡ. Biết lắng
nghe, đọc, chiêm ngắm, suy niệm và sống Lời Chúa mỗi ngày là điều kiện nòng cốt
để có thể chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho tha nhân, bởi ta không thể cho
ai điều mình không có.
Trong Tông huấn ”Niềm Vui
Phúc Âm”, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng “với các việc làm và cử chỉ
của mình, cộng đoàn rao giảng Tin Mừng cần bước vào cuộc sống thường ngày của
người khác …”. Không cần thiết phải đi đến những nơi xa xôi, không cần có
khả năng thuyết giáo với những lí lẽ mang tính thuyết phục …mỗi giáo dân trong
cuộc sống thường ngày có thể làm việc tông đồ như men ủ trong bột ở ngay môi
trường sống “theo mức độ Đức Ki-tô ban cho” (Ep 4,7). Người tông đồ giáo
dân ý thức mình sẽ đóng nhiều vai trò vừa trong Giáo hội vừa nơi xã hội, nơi làm
việc, gia đình của mình… Nơi nào họ cũng mong mình trở thành ánh sáng, là
men, là muối cho trần gian. (x Mt 5,13-14)
Khi thực hiện đọc kinh
Đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu luân phiên tại các gia đình, các đoàn viên GĐPTTTCG
đã đem Lời Chúa đến từng gia đình, khu xóm nơi gia đình mình sinh sống. Lời Chúa,
câu kinh ta đọc cần phải được tỏa sáng bằng những việc làm thường ngày trong
sinh hoạt cộng đồng. Để trở nên men Tin Mừng cho mọi người, người đoàn viên tông
đồ giáo dân phải là người có cuộc sống mẫu mực, luôn vui vẻ chu toàn bổn phận,
nói đi đôi với làm, dám quên mình vì ích chung, quảng đại góp phần vào những
việc bác ái – xã hội chung trong khu xóm, trong giáo xứ. Vì người khác chỉ có
thể bị thu hút bởi những người sống có uy tín đối với mọi người và biết cách làm
cho điều tốt đi vào lòng người.
Khi chịu phép thanh tẩy,
mỗi tín hữu đã mặc lấy chiếc áo trắng tinh tuyền, tức là đã mặc lấy Đức Kitô và
đạo của Đức Kitô là đạo yêu thương. Muốn loan truyền Tin Mừng yêu thương cho tha
nhân, mỗi người tông đồ giáo dân phải thực hiện việc bác ái ngay trong gia đình
mình. Phải biết nói lời cám ơn, xin lỗi nhau như ĐTC Phanxicô đã nói: “Khi
trong một gia đình người ta không xâm lấn nhau, nhưng biết xin phép. Khi trong
một gia đình người ta không ích kỷ, nhưng tập nói tiếng cám ơn. Khi trong một
gia đình người ta nhận ra mình đã làm điều xấu và biết xin lỗi, thì trong gia
đình ấy có an bình và niềm vui”.
Xã hội nói chung và
từng khu xóm hiện nay đều có những hoàn cảnh sống trái ngược nhau: kẻ lắm tiến
nhiều của, người nghèo khó neo đơn ... Người tông đồ giáo dân cần bắt chước Đức
Kitô khiêm hạ, chuyên lo làm đẹp lòng Thiên Chúa và
yêu thương con người. Quan tâm
đến mọi người sống chung quanh, không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng trong tinh
thần bác ái – xã hội. Khi thực thi bác ái cần phải nhận ra hình ảnh Thiên Chúa
nơi tha nhân và bất cứ sự gì trao tặng cho người nghèo là đã thực sự được dâng
cho chính Đức Kitô.
Lạy Chúa, xin cho
ngày Chúa nhật Truyền Giáo đánh thức nơi mỗi kitô hữu sự
đam mê và nhiệt huyết cần thiết để đem Tin Mừng cho toàn thế giới.
Xin cho chúng con luôn ý thức về trách nhiệm truyền giáo của một Kitô hữu và hun
đúc trong chúng con ơn gọi làm tông đồ, dù chúng con chỉ là những giáo dân bình
thường. Xin cho lòng chúng con luôn rộng mở khi đóng góp vào công việc mở mang
nước Chúa. Xin cho chúng con lắng nghe và thực thi Lời Chúa mỗi ngày để gia đình
chúng con trở thành một “cộng
đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say
loan báo Tin mừng”.
Xin Chúa giúp chúng
con trở nên những tia sáng, hạt muối, hạt men tốt:
nhập thể nhiều hơn vào những lãnh vực trần thế để biến cải môi trường mình sống
trở nên tốt đẹp hơn. Xin cho chúng con biết quan tâm sống tinh thần Tin Mừng là
tinh thần yêu thương trong gia đình, trước khi loan báo cho người khác cùng sống
theo. Xin giúp chúng con biết yêu thương tha nhân để quan tâm tới đau khổ và
hạnh phúc của những người chung quanh. Xin thánh hóa để chúng con trở nên một
chứng nhân Tin Mừng trong môi trường nhỏ bé chúng con đang sống, là môi trường
nghề nghiệp, khu xóm, giáo xứ của chúng con, v.v… Amen.