Jos. Hoàng
Mạnh Hùng
Những ngày cao điểm chống dịch covid-19,
không gian bỗng im lặng tĩnh mịch lạ thường. Phần vì dân chúng hạn chế ra đường
theo lời kêu gọi của chính quyền. Phần vì giáo dân Công giáo cũng theo lời mời
gọi của giáo quyền không tụ tập đọc kinh, tham dự Thánh Lễ cộng đồng tại nhà
thờ.
Thế là vắng đi những tiếng chuông nhà thờ
vang lên mỗi sáng, mỗi chiều. Chắc có lẽ từ thời cấm đạo đến nay những quả
chuông trên tháp nhà thờ mới nằm im như thế. (Ngoại trừ vào ngày kính nhớ cuộc
khổ nạn của Chúa Giê-su, người ta dùng mõ để thay thế cho tiếng chuông trong
ngày thứ Sáu Thánh).
Đối với người Công giáo, tiếng chuông nhà
thờ báo hiệu thời khắc để chuẩn bị đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Ngoài ra nó
còn nhắc nhở sự vui, sự buồn. Vui mừng của các ngày Chúa Nhật và Đại Lễ hay báo
một Lễ mừng của giáo họ, giáo xứ. Tiếng chuông còn báo sự buồn từng tiếng một theo
nguyên tắc “nam thất, nữ cửu”, để báo tin và xin cầu nguyện cho người trong
cộng đoàn vừa mới qua đời.
Tiếng chuông nhà thờ nhắc nhở các Ki-tô
hữu hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Tỉnh thức để hướng lòng lên Chúa. Sẵn sàng để
chuẩn bị tâm hồn đón gặp Chúa. Nó còn gợi nhắc hai tâm tình đức tin cốt lõi, đó
là tỉnh thức và cầu nguyện như chúa Giê-su trong Vườn Cây Dầu năm xưa : “Anh
em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì
hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” (Mt 26,41).
Đối với người ngoại giáo, tiếng chuông nhà
thờ đã trở thành tiếng chuông đồng hồ báo thức của người dân. Khi tiếng chuông
ngân vang buổi sáng, mọi người thức giấc để chuẩn bị bắt tay vào công việc của
một ngày mới. Tiếng chuông chiều báo hiệu cho các bà nội trợ chuẩn bị bữa cơm
chiều chờ chồng, con trở về sau một ngày lao động, học tập vất vả. Rồi nữa
những tiếng chuông vang lên rộn rã đêm Giáng Sinh, đêm canh thức vọng Chúa Phục
Sinh, lễ tết để báo hiệu năm mới ...
Đã bao năm, tiếng chuông đã quá quen
thuộc, đi vào đời sống con người như thế đó. Âm thanh của tiếng chuông như
tiếng kêu gọi mọi người hãy sống theo Luật Chúa; và như thế còn được coi là một
biểu tượng cho sự giao kết giữa Đất - Trời. Là một thành phần trong đời sống
tình cảm của người Ki-tô hữu, là nguồn cảm hứng cho nhiều ca khúc, bài thơ.
Bây giờ tạm ngưng cử hành thánh lễ và tất cả các sinh hoạt tôn giáo với sự tham
dự của cộng đoàn đồng nghĩa
với việc tiếng chuông không còn được vang lên mỗi ngày. Không còn
được tham dự Thánh Lễ và các buổi cầu nguyện chung tại nhà thờ, chúng ta lại
càng phải ý thức hơn về bổn phận cầu nguyện, hoặc riêng tư hay trong gia đình,
bằng cách suy gẫm và cầu nguyện với Lời Chúa hằng ngày, lần hạt Mân Côi, hoặc
sốt sắng tham dự lễ trực tuyến (Đức TGM Nguyễn Năng – Thông báo ngày
25-03-2020).
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng cảm thấy
có gì đó thiếu thiếu trong tâm hồn vì thói quen đi lễ nhà thờ bao năm qua và ai cũng tự hỏi không biết tiếng
chuông có còn được vang lên trong Tuần Thánh để nhắc nhở chúng ta cùng nhau tỉnh
thức và cầu nguyện như mọi năm?
Không nghe thấy bằng tai nhưng tiếng
chuông trong tâm hồn mỗi Ki-tô hữu chúng ta sẽ còn ngân dài và ngân mãi. Tiếng
chuông đó mời gọi mỗi chúng ta sám hối và tỉnh thức trong những ngày còn lại
của mùa Chay và Tuần Thành sắp tới. Chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa và luôn hy vọng vì
Ngài đã nói: “Thầy đây, đừng sợ” (Ga 6,20).
Chỉ có như thế, tâm hồn chúng ta mới thật
sự cảm nhận được sự bình an sâu lắng và đích thực, sự bình an mà Chúa Giê-su
tặng ban cho chúng ta chứ không phải thế gian ban cho chúng ta trong nạn dịch
covid-19 này. Nạn dịch có thể là một đại hồng thủy thanh luyện nhân loại nhưng cũng sẽ
đổi mới thế giới.