I.
Rời
mái trường phổ thông ở vùng quê thanh bình, hiền hậu và tự tại khi chưa tới đôi
mươi, nó một mình lang thang giữa lòng cái thành phố lớn nhất miền Nam đầy lạ
lẫm, xô bồ, đông đảo, ồn ả và khói bụi...
Chưa
kịp quen với loại không khí hoàn toàn trái ngược mà mình đã hấp thụ sâu đến nỗi
như dòng máu luồng lách trong trái tim, trong buồng phổi ở quê nhà, đã phải
chấp nhận chịu cuốn vào vòng xoáy của nếp sông hối hả, tất bật, vô hồn, thậm
chí vô cảm... với đầy đủ cách hành xử của vô số con người: yêu có - ghét có;
vui có - giận có; nâng đỡ có - chà đạp có; bênh vực có - hiếp đáp có; hiền hậu
có - chua ngoa có; thật thà có - gian xảo có; đón nhận có - ruồng rẫy có; dịu
dàng có - chửi bới có...
Hơn
mười năm lặn lội, điều mà cái thuở hồn nhiên ở quê nhà, chưa bao giờ nghĩ tới,
chưa từng tưởng tượng nổi, nó lại có thể trải nghiệm và vượt qua.
Hơn
mười năm, cái thành phố mà một thuở, đối với nó, lớn như cả thế giới đã không
biết bao nhiêu lần chứng kiến nó ngồi thu mình dưới tán cây cổ thụ hay nép vào
một góc bờ tường cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng nấc, để nuốt ngược nước mắt
vào tim...
Hơn
mười năm, cái thành phố mênh mông chất chứa bên trong không thiếu cái hiền hòa
lẫn cái dữ dằn ấy đã chiếm trọn tuổi trẻ của nó. Bù lại, nó trải nghiệm hơn,
trưởng thành hơn, cứng cáp hơn, vững vành hơn...
Và để
có thể tiết kiệm tối đa cho việc trang trải thường ngày, những thằng sinh viên
nghèo như chúng nó, mỗi đêm về có được một tô mì gõ không thịt tăng thêm mì và
nước lèo đã là đại tiệc...
Trong
phận nghèo, tủi cho thân mình, nó cũng từng khóc cho quá nhiều những phận người
mà nó cho rằng còn kém may mắn hơn nó. Trong những phận người lam lũ, khốn cùng
ấy, không ít lần nó ngậm ngùi xót xa cho những em bé trên đường phố. Đó là
những con người chưa ý thức được nụ cười đã biết thế nào là nước măt, là đau
khổ, là bất hạnh, là đói nghèo, là tủi phận...
Nó nhớ
như in hình ảnh của một thằng bé, như sự ám ảnh khó phai trong lòng, dù đã đi
qua ngót nhiều chục năm ròng...
Đó là
cái đêm, trời bắt đầu khuya, lạnh buốt sau cơn mưa còn chưa kịp ráo...
II.
Tắc…
tắc… tắc… cụp! Đêm đã khuya lắm, những âm thanh nghe khô khốc ấy còn vang. Một
thằng bé dáng nhỏ nhắn, đi mải miết vào lòng con hẻm nhỏ cùng những tiếng gõ.
Thằng bé bước nhanh, nhưng gật gà gật gù, chắc buồn ngủ.
- Ê!
hủ tíu mì…
- Hủ
tíu mì... Bộ điếc hả?
Sực
tỉnh vì tiếng gọi giật giọng từ ban-công một căn lầu, chú bé quay bước tiến
tới, hỏi:
- Thưa
chú, mấy tô?
- Ba!
- Dạ!
Thằng bé đáp nhanh và chạy vụt đi.
Một
lát sau. Thằng bé khệ nệ bưng cái mâm xếp đầy những tô hủ tíu đến trước căn lầu
khi nảy. Anh thanh niên gắt gỏng:
-
Tưởng mày ngủ luôn ngoài đó rồi.
Thằng
bé lại cố nở nụ cười để làm dịu lòng những người khách khó tính rồi tất tả bưng
tiếp những tô mì còn lại đi về cuối hẻm.
Vô ý
thế nào mà… oạch, thằng bé trợt chân vào vũng nước té sóng soài trên mặt sàn xi
măng. Những sợi hủ tíu trộn lẫn cát bụi, xà lách, giá, thịt nằm vương vãi, tô,
đũa lăn lóc khắp nơi.
Tiếng
cười trong đêm vắng của mấy thanh niên kia lại ré lên, đeo lấy thằng bé tội
nghiệp.
Chắc
hẳn thằng bé tủi buồn.
Và
chắc chắn, bất cứ ai đủ suy nghĩ, đủ lương tri sẽ xót. Xót lắm...
III.
Thằng
bé nghèo. Giống nó. Giống bao nhiêu kẻ bạc phận nơi cái thành phố hoa cũng có
mà lệ càng không thiếu...
Nhưng
nó và những phận nghèo kia vẫn còn hơn, vì dù sao cũng đã từng hiện diện trong
cái cõi mà phải có hai chữ CON và NGƯỜI ghép lại mới thành, ít cũng vài chục
năm...
Còn
thằng bé?
Bằng
ấy tuổi đời phải cõng trên vai cái kiếp lầm than...
Cho
tới bây giờ, giọt nước mắt nó rơi, dẫu có khóc cho thằng bé ngày xưa, cho nhiều
cảnh đời bé bỏng tương tự đang diễn ra hôm nay. Nhưng không chỉ có thế...
Đúng
hơn, giờ này nó khóc để xót cho những người giàu tiền của lại nghèo yêu thương!
Nó
khóc cho những phận người hơn người khác về tiền bạc nhưng không hơn bất kỳ ai
lẽ sống ở đời, không hơn bất kỳ ai về nhân cách, về giá trị làm người, về thái
độ căn bản ở đời, thái độ căn bản trong lối hành xử...
Nó
xót. Bởi vì sao lại vẫn tồn tại trong cõi tạm này cái thói nhẫn tâm!
Nó
xót. Bởi sao lại có những kiểu cười cất tiếng cười không đúng lúc, đến mức quá
quắc như thế. Một tràn cười chẳng những không vui cho những ai phải nghe, ngược
lại còn khắc trong lòng một sự đánh giá chẳng hay ho gì: khả ố. Ai đó hay
chăng: NỤ CƯỜI KHẢ Ố LÀ NỤ CƯỜI ĐÁNH MẤT GIÁ TRỊ CON NGƯỜI!…
Nó
xót. Bởi làm sao mà cõi đời cứ tồn tại thậm chí cả những con giòi đục khoét đến
tận xương tủy của đồng bào mình.
Nó
xót. Nhất là trong những tháng bệnh tật hoành hành dữ dội của thời khắc 2020 và
2021 vừa qua, lại tồn tại những kẻ dám ăn trên cả mạng sống của đồng loại mình.
Ăn ngay cả khi chứng kiến đồng loại chết chất thành đống.
CHỈ CÓ
NHỮNG CON GIÒI MỚI NỠ NUỐT TRÔI ĐẾN TẬN CÙNG SỰ KHỦNG KHIẾP ẤY...
Hình
ảnh thằng bé với mấy tô mì gõ đáng thương năm xưa đã khiến nó xót đến tận giờ
này...
...Thì
hình ảnh của những con giòi ăn xác đồng loại hôm nay càng làm cho nó xót. Xót
lắm...
Chưa
hình dung nổi, xót đến tận bao giờ...
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG