“Thiên Chúa giàu lòng thương xót là Đấng mà Đức Giêsu Kitô
đã mạc khải cho chúng ta biết là Cha: Chính Người là Con Thiên Chúa đã tỏ lộ và
cho chúng ta biết Cha nơi chính bản thân mình” (thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương
xót, số 1).
Suy niệm từ Cựu
sang Tân Ước, không có trang nào của Thánh Kinh không gợi lên, không nêu cao
tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Từ ngàn đời, Thiên Chúa đã thể hiện Thiên
Chúa chính là Đấng giàu lòng thương xót. Thiên Chúa xót thương và chăm sóc nhân
loại, nhưng không phải nhân loại chung chung, mà tình yêu thương xót ấy thể
hiện cụ thể trên từng người một.
1. Thiên Chúa xót thương trong
tạo dựng và cứu chuộc.
Chính vì tình
yêu thương xót, Thiên Chúa đã tạo dựng con người cách độc đáo, đầy “trách
nhiệm”, và là sự thông chia chính mình, thông chia chính sự sống, thông chia
quyền bá chủ của mình.
Thiên Chúa tạo
dựng họ không giống bất cứ cái gì, nhưng là mang chính hình ảnh của Người.
Thánh Kinh diễn tả “tâm trạng” của Thiên Chúa thật cảm động: Người tạo dựng mọi
vật xem ra quá dễ dàng, chỉ cần “Thiên
Chúa phán…(mọi vật) liền có…” (St
1, 1tt).
Đến khi phải tạo
dựng loài người, không phải “phán”, “liền có” nữa. Kinh Thánh cho thấy, Thiên
Chúa như nghĩ ngợi lắm, cân nhắc lắm. Người như đặt vào công trình tạo dựng
cuối cùng này tất cả trách nhiệm, tất cả chiều sâu suy tư, tất cả nỗi niềm của
bản thân.
Thiên Chúa tự
ngỏ với chính mình: “Chúng ta hãy làm ra
con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm chủ cá
biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”
(St 1, 26).
Và kết quả vô cùng đẹp, vô cùng đáng
quý: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo
hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên
Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ…” (St
1, 26-28).
Khi lòng dạ con
người bội phản, vì xót thương, Thiên Chúa lại trao ban tình yêu cứu chuộc.
Người đã không vì tội của loài người mà hủy diệt họ. Thay vì hủy diệt, Thiên
Chúa cứu họ đời đời. Thiên Chúa không bao giờ thay lòng đổi dạ trong tình yêu
thương xót của Người:
“Ta đã yêu thương ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn
dành cho ngươi lòng xót thương”
(Gr 31, 3). Hay:“Núi có dời có đổi, đồi
có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi” (Is
54,l0).
Con Một của
Thiên Chúa là chính ơn cứu chuộc, là bằng chứng về sự sống, để nhân loại tiếp
tục được sống. Thánh Phaolô đã phải ngỡ ngàng trước tình yêu của Đấng Toàn năng
dành cho loài thụ tạo phản trắc:
“Khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người
vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai
chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện
chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những
người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 6-8).
Chúa Kitô còn
khẳng định mạnh mẽ hơn, để đòi chúng ta tin Người, để nhờ tin, chúng ta được
cứu: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã
ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống
muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên
án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga
3, 16-17).
Đó là một tình
yêu dâng cao ngút ngàn, lên đến đỉnh điểm khi quyết hiến trao Con Một cho trần
thế. Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã một lòng xót thương. Đến muôn đời Thiên Chúa
vẫn thủy chung thương xót.
Ban Con Một là
một quyết định không thể tả, không còn quyết định nào bằng.“Đến như Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết
thảy chúng ta” (Rm 8, 32a), thì Thiên Chúa còn tiếc gì với chúng ta. “Một khi Người đã ban Người Con đó, Lẽ nào
Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8, 32b).
Từ nay Thiên
Chúa tự hiến chính mình nơi Người Con Một. Từ nay Thiên Chúa hiện diện gần gũi,
cụ thể giữa loài người nơi Người Con Một. Từ nay Thiên Chúa đã thân hành xóa
khoảng cách đến không còn khoảng cách: Bởi từ nay, nơi Người Con Một, Thiên
Chúa, đã “cắm lều” ở giữa loài người.
Bởi vậy, khi
công bố về tình yêu cao dâng đến vô bờ của Thiên Chúa, Chúa Kitô đã nói bằng
những lời thắm thía: “Thiên Chúa yêu thế
gian đến nỗi…”. Cũng như khi chúng ta diễn tả: “Tôi vui đến nỗi tôi đã….”.
Liên từ “đến nỗi” là liên từ diễn tả sự vỡ òa, diễn tả sức mạnh lan tràn, diễn
tả nỗi niềm lớn hơn điều mà mình có thể nói ra, có thể bộc lộ. Nó diễn tả sự
lớn lao hơn nhiều, mà giới hạn của ngôn từ đã không thể cho biết hết.
Thiên Chúa “yêu
đến nỗi”, nghĩa là lòng yêu của Thiên Chúa đã ngút ngàn, không còn cách nào
khác, không còn bất cứ một giới hạn nào. Tình yêu ấy, một tình yêu “đụng trần”
đã trao dâng đến đỉnh điểm, đã là một lực mạnh trên mọi sức mạnh, vượt thắng
mọi sức mạnh.
Thiên Chúa “yêu
đến nỗi” là yêu đến tận cùng. Vì thế, để diễn tả sự cùng tận của tình yêu ấy,
hành động hiến trao Con Một là hành động quá đỗi, không gì bằng, không còn gì
khác hơn, không thể có gì thay thế.
Cảm nghiệm được
tình yêu ngàn đời như một của Thiên Chúa, thánh Phêrô say sưa, sung sướng giảng
về Chúa Kitô, hiện thân của tình yêu Thiên Chúa như một đam mê không thể cưỡng,
như một đòi buộc không thể bỏ qua:
“Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu
đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết
đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau
khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi” (Cv 2, 23-24).
Vô vàn những lần
Thiên Chúa thể hiện Người là Đấng đầy lòng xót thương. Trọn cả dòng lịch sử cứu
độ, là trọn cả dòng lịch sử khắc ghi đậm nét tình yêu thương hãi hà của Thiên
Chúa.
Đó là một tình
yêu ngàn đời không đủ lời chúc tụng. Đó là một tình yêu núi không thể đo, biển
không thể lường. Đó là một tình yêu dù giàu sức tưởng tượng cũng không thể
tưởng nghĩ. Đó là một tình yêu dũng mãnh, bền bỉ, trung thành, bao dung, đầy
ắp, vời vợi, đằm thắm, trào tràn, cuồn cuộn, dịu ngọt, luôn luôn trao ban, luôn
luôn đi bước trước, luôn luôn tín thành, luôn luôn hiến dâng…
2. Chúa Kitô xót thương loài
người.
Thông điệp Thiên
Chúa giàu lòng thương xót (TC gltx) nói về Chúa Kitô: “Khi trở thành tình thương nhập thể,
tình thương được biểu lộ với một sức mạnh đặc biệt đối với những người đau khổ,
những người bất hạnh và những người tội lỗi, Đức Kitô, Đấng hoàn tất làm cho
Chúa Cha hiện diện và cũng mạc khải đầy đủ hơn Chúa Cha là Thiên Chúa ‘giàu
lòng thương xót’” (số 3).
Bởi Thiên Chúa,
từ ngàn xưa, đã không bao giờ rút lại tình yêu thương xót, vì thế, Chúa Kitô,
Đấng là Thiên Chúa làm người đã thể hiện mọi nơi, mọi thời tình yêu thương xót
không mệt mỏi ấy.
Nhiều lần, Tin
Mừng cho thấy Chúa Kitô tỏ lòng thương xót như thế. Người mời gọi kẻ nhọc nhằn
hãy đến để được Người sớt chia ưu tư, thống khổ của họ: “Hãy đến cùng Ta, hỡi những ai mang gánh nặng nề, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức
cho” (Mt 11, 28).
Chúa nhìn thấy
sự đói của những người theo Chúa. Đã hơn một lần, Chúa hóa bánh ra nhiều để
nuôi dưỡng họ (x. Mt 14, 13–21; Mt 15, 32-39; Ga 6, 1-15).
Chúa xót xa
trước những cảnh đời sống trong bệnh tật. Chúa chữa lành cho họ, như đã từng
chữa lành cho người phụ nữ bệnh loạn huyết mười hai năm (x. Mt 9, 20-22), chữa
người mù từ thuở mới sinh (x. Ga 9, 1-41)…
Chúa xót xa
trước giọt nước mắt đớn đau của người mẹ khóc con, của người chị khóc em, như
trường hợp Chúa cho đứa con của bà góa thành Naim hay cho Lazarô sống lại (x. Lc
7,11-17; Ga 11, 1-45)… Chúa chạnh lòng trước bệnh tật đớn đau của đầy tớ ông
đội trưởng (x. Mt 8, 5-13), hay cái chết của con gái ông trưởng hội đường (x.
Mc 5, 21-43)…
Chúa lập tức
chữa lành cho tên lính bị thánh Phêrô chém đứt tai mà không cần bất cứ một điều
kiện nào, dù lúc đó, Chúa đang bị người ta lên án và sẽ giết chết Chúa ngay sau
đó (x. Ga 18, 10-11).
Đến giây phút
cuối đời, lúc mà Chúa phải chết thảm trên thánh giá, Chúa vẫn đầy lòng xót
thương đối với người trộm cùng bị đóng đinh (x. Lc 23, 39-43)…
Chúng ta không
thể kể hết những lần Chúa tỏ tình yêu xót thương đối với con người. Đặc biệt cả
cuộc đời, từ vâng lệnh Chúa Cha, nhập thể, sống nơi trần gian, chết cay đắng,
sống lại vinh quang, vinh thăng trên trời… đều là tình thương tự nguyện của
Chúa Ngôi Hai dành cho chúng ta, một tình thương không thể chứa đựng nơi mọi mỹ
từ của loài người, khi phải diễn tả tình thương ấy.
Tình yêu dẫn đến
cái chết cho người mình yêu đã lớn. Một tình yêu tự nguyện ném mình vào cái
chết càng lớn lao khôn xiết. Dù vâng lệnh Thánh ý tuyệt đối, trước sau gì, Chúa
Giêsu vẫn thể hiện mạnh mẽ tình yêu của chính Chúa cho trần thế chúng ta: Chúa
tự nguyện đến cùng trong sự tự hiến chính mình:
“Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống
mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi
tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống
ấy. Đó là lệnh của Chúa Cha mà tôi đã nhận được” (Ga 10, 17-18).
Vì lòng xót
thương, trên thánh giá, lời Chúa Kitô “xin
Cha tha cho chúng…” (Lc 23, 34), đâu chỉ là lời dành cho những kẻ đang đùng
đùng sát khí dưới chân thánh giá.
Nếu nhập thể là
để cứu độ, và bây giờ, vinh thăng trên trời, ngự bên hữu Chúa Cha là để chuyển
cầu cho ta, để đưa ơn cứu độ của ta đạt đến vĩnh cửu, thì lời “xin Cha tha cho chúng” là, và phải là
lời muôn đời Chúa Kitô chuyển cầu cho tất cả chúng ta.
Chúng ta quá đỗi
hạnh phúc vì tình yêu thương xót, Chúa Kitô dành cho chúng ta. Chính nhờ tình
yêu thương xót, Chúa Kitô là trạng sư tuyệt đối, đời đời trước tòa Thiên Chúa.
Vì tình yêu
thương xót, Chúa Kitô đã trút bỏ hoàn toàn. Trút bỏ cả cuộc đời, trút bỏ cả
mạng sống vẫn chưa làm đủ. Đến lúc trao hơi thở sau hết, lại còn tiếp tục trao
dâng cả đến giọt máu cuối cùng, khi “một
người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra”
(Ga 19, 34).
Trái Tim mở ra
là để nhân loại hạnh phúc ngụp lặn trong biển tình yêu vời vợi ấy. Dòng máu cứu
chuộc trở thành nguồn sự sống và sức sống cho tất cả mọi người thiết tha tìm
đến. Trái Tim của Thiên Chúa làm người không đòi cho mình bất cứ điều gì, bây
giờ lại thuộc về chúng ta tất cả. Chúa thương xót chúng ta.
Nhưng không dừng
ở đó. Trái Tim Chúa Kitô mở ra, không chỉ cho thấy sự mạnh mẽ, dữ dội của tình
yêu nơi Chúa Kitô dành cho loài người. Hình ảnh Trái Tim mở ra, gợi lại cho
chúng ta lời tiên tri Hôsê từ xa xưa: “Trái
tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11, 8).
Lòng Thiên Chúa
chứa đầy yêu thương. Thiên Chúa đã yêu. Mãi mãi cứ yêu. Ngàn đời tình yêu Thiên
Chúa vẫn không cùng. Vì thế, Trái Tim Chúa Kitô vừa khắc sâu tình yêu của Thiên
Chúa, vừa bộc lộ đến vô cùng tình yêu chan chứa, chứa đầy trong Trái Tim Thiên
Chúa.
Làm sao có thể
nói hết tình yêu thương xót của Thiên Chúa và của Chúa Kitô. Chỉ xin được nhìn
ngắm bài học của lòng thương yêu ấy, để chúng ta cũng sống tình người bằng lòng
bác ái, vị tha, đón nhận, cảm thông… giữa người cho nhau, vì nhau trong cõi đời
này…
3. Nỗ lực của chúng ta sống lòng
xót thương.
Người Kitô hữu cần thể hiện tình yêu thương xót bằng chính
việc thực thi lòng xót thương của mình. Lời mời gọi sống tình yêu thương xót là
một trong những lời mời gọi triệt để nhất của Tin Mừng. Càng suy niệm Tin Mừng,
chúng ta càng nhận ra giáo huấn về việc thực thi lòng xót thương là vô cùng cụ
thể.
Chẳng hạn, có lần đám đông hỏi thánh Gioan tẩy giả: “Chúng tôi phải làm gì đây?”, thì được
trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho
người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11).
Còn Chúa Giêsu khẳng định giúp đỡ anh chị em là giúp đỡ
chính Chúa: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã
cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã
cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi
han…. Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những
anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”
(Mt 25, 31 - 46).
Chúa muốn chúng ta phải quảng đại, phải biết luôn mở rộng
vòng tay, mở rộng cửa trái tim. Chúa muốn chúng ta không tiếc thời giờ, tài
năng và vật chất khi anh chị em xung quanh cần đến.
Trên bình diện ngôn từ, chúng ta quảng đại cho đi những lời
động viên, khen ngợi, ủi an, sớt chi nỗi niềm và đừng phê phán, đừng chỉ trích.
Hãy thể hiện sự đồng cảm. Cần biết bản thân cũng đầy thiếu sót, lỗi lầm để không
trở thành "quan tòa" lên án anh chị em. Tôi nhớ, có lần đọc được ở
đâu đó lời này, đáng để chúng ta ngẫm nghĩ: “Xin đừng phê phán tôi vì tôi phạm
tội khác hơn bạn”.
Trên bình diện đời sống, bắt đầu sự sống mỗi ngày bằng những món
quà nhỏ mọn: một nụ cười, một cái bắt tay, một sự thân thiện, một cái nhìn trìu
mến, một cử chỉ thật lòng… Hãy tận tâm hy sinh, tận tâm phục vụ. Hãy hy sinh âm
thầm, phục vụ lặng lẽ…
Hãy cố gắng:
Không bực mình khi bị làm phiền;
Không càm ràm khi chạm phải điều gì khó chịu;
Không sửng cồ, nóng nảy khi bị khiêu khích;
Không gây bất hòa khi đối diện với hoàn cảnh không mong
muốn;
Không thể hiện bức bối khi đối diện với người, với hoàn
cảnh không vừa ý.
Không khoe khoang bản thân;
Không tìm tư lợi;
Không để bụng oán ghét;
Không hận thù dù với ai, với bất cứ hoàn cảnh nào...
Ngược lại, mọi nơi, mọi lúch chúng ta hãy học tinh thần cảm
thông, chịu đựng, đón nhận, khoan dung, mực thước, nhịn nhục, tha thứ, nhẫn
nại, suy nghĩ điều tích cực, suy đoán điều có lợi cho đối phương...
Chúng ta đừng quên, cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi phát triển
ngày càng mạnh là nhờ lòng quảng đại của từng thành viên trong cộng đoàn ấy.
Ngày nay, nếu chúng ta sống bên cạnh nhau, luôn biết không chỉ xem “mọi sự đều là của chung” (Cv 4, 32), mà
còn hiến mình xây dựng Nước Chúa tại nơi mình sống, ngay trong cộng đoàn mình
hiện diện, sẽ càng làm gia tăng biết bao lợi ích thiêng liêng cho chính bản
thân, cho mọi thành viên và cho cả cộng đoàn.
Một cuộc sống tuyệt vời, một cuộc sống đáng sống sẽ diễn ra
nếu mỗi người đều thực thi tình yêu thương xót bằng chính lòng quảng đại của
mình.
Chỉ cần từng người nỗ lực thực thi lòng thương xót mà Thiên
Chúa và Chúa Kitô đã đi bước trước và thể hiện, thì chắc chắn, mọi nơi, mọi lúc
sẽ chỉ tràn ngập những điều tốt đẹp, tràn ngập niềm vui sống, tràn ngập tình
yêu dành cho sự sống.
Hãy thực thi lòng thương xót bằng thể hiện sự quảng đại ngay
bây giờ, ở đây, ngày hôm nay.
Hãy cấp tốc làm cho tình yêu thương xót của Chúa được thể
hiện bằng mỗi phút giây.
Hãy thể hiện sự quảng đại của chính chúng ta cách liên tục,
không dừng lại, không ngơi nghỉ, không mệt mỏi.
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG